Người ta chỉ ra, hai bài thơ giống ý tưởng, tứ thơ, giống hoàn toàn đầu đề. Dư luận chỉ ra đây là một hành vi đạo thơ nghiêm trọng và thô thiển, thế nhưng tác giả Quỳnh Dao vẫn chưa nhận lỗi còn Nguyễn Đức Phú Thọ thì một mực khẳng định tác giả kia đã đạo văn của mình và chờ một lời xin lỗi công bằng. Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ đạo văn đã được dư luận phát hiện rồi cũng bị chìm xuồng. Tiêu biểu là nghi án đạo thơ của bà Đào Kim Hoa, người đã làm dư luận tốn không ít giấy mực. Không chỉ ở lĩnh vực văn chương, hiện tượng “đạo” các công trình khoa học, giáo trình ở lớp người có học hàm, học vị cao cũng xảy ra phổ biến, khiến dư luận hết sức bất bình. Dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu – mà tác phẩm của ông bị nhiều người khác “chôm”, cầm nhầm chia sẻ trên báo: “Hiện nay tình trạng đạo văn nhiều là vì họ thấy nhiều trường hợp đạo văn trước đó không bị trừng trị. Đối vối tôi thì đạo văn hơn là tội ăn cắp tài sản bình thường. Bởi người ăn cắp bình thường có thể do họ nghèo khốn… Nhưng một Tiến sĩ mà đạo văn thì không có lý do gì biện minh được. Tiền thì anh ta có rồi, danh cũng có, thậm chí địa vị cũng có, vậy tại sao vẫn ăn cắp? Nếu xã hội phản ứng gay gắt trước sự xuống cấp về đạo đức này, rồi bị tước bằng TS khi đạo văn thì tôi tin rằng mọi chuyện sẽ khác”. Một tiến sĩ đã rất công phu chỉ ra hiện tượng đạo văn trong bài viết “Nguồn gốc văn hóa của đạo văn” và gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh. Ông chỉ ra, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đạo văn là truyền thống giáo dục áp đặt và giáo điều mà hôm nay vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Và nếu không thay đổi tư duy giáo dục, thì nạn đạo văn sẽ ngày càng đa dạng, phức tạp và tồi tệ hơn.
Nhà thơ Vương Tâm, người cũng từng có truyện ngắn bị lấy cắp nguyên ý tưởng, cốt truyện, chỉ thay đổi tên truyện, tên nhân vật chỉ ra: “Hiện tượng đạo văn là một hành vi lưu manh của những cây bút háo danh. Họ chộp giật thành quả của người khác, tìm cơ may qua việc đánh lừa bạn đọc, dể hòng khẳng định tài năng của mình. Đây là hình ảnh của một thị trường văn học hết sức nhốn nháo đang diễn ra. Chuyện đạo văn nên nhìn nhận đó là sự biến tướng của một căn bệnh tha hoá, thất đức trong xã hội, thuộc lĩnh vực văn chương”.
Có một câu hỏi được đặt ra là, vậy phải xử lý thế nào khi có hiện tượng đạo văn? Nhiều ý kiến đưa ra, việc phát hiện đạo văn không khó nhưng xử lý thì khó lắm thay. Vì chưa có bộ luật cho văn học để căn cứ xác định tội và khung hình phạt. Ngay cả Cục Bản quyền tác giả cũng chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ. Còn Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (của Hội Nhà văn VN) thì hoạt động mờ nhạt, cũng bó tay trước những vụ việc như thế này. Chúng ta nên có bộ luật, quy định như thế nào là đạo văn. Khi định tội, người ta có thể căn cứ: Đạo như thế nào, giống nhau mấy phần trăm, như thế nào thì bị coi là ăn cắp ý tưởng hay ăn cắp đoạn văn, câu văn… Thông thường, nhiều vụ phát hiện được, dù rất nặng nhưng người vi phạm chỉ bị nhắc nhở, kỷ luật sơ qua, cho nên người vi phạm… “nhờn”. Chúng ta đều biết ăn cắp một chiếc xe đạp có thể phải ngồi tù, trong khi nhiều công trình khoa học bị ăn cắp, có trị giá bằng cả trăm chiếc xe đạp, thế mà người ăn cắp chẳng ảnh hưởng gì!? Để sáng tạo ra một tác phẩm văn học, người sáng tác phải có kiến thức, trải nghiệm, có năng khiếu và mất rất nhiều thời gian mới làm nên. Còn các công trình khoa học, người viết ra nó phải rất công phu, phải là người trải qua nhiều cấp bậc học tập, thời gian nghiền ngẫm, nghiên cứu, đọc không biết bao nhiêu sách vở, thụ giáo nhiều thầy giỏi… mới có được. Thế mà một số người, chỉ cần nhúng bút xào xáo, thậm chí bê nguyên xi và ung dung tận hưởng thành quả. Như vậy là bất công bằng.
Đạo văn đang trở thành vấn nạn của đất nước ở rất nhiều lĩnh vực, nhưng đối với những người có trách nhiệm thì vẫn thờ ơ, coi đó là chuyện nhỏ. Các cuốn sách đạo văn vẫn được bày bán, các công trình đạo vẫn được đưa ra giảng dạy… Những người đạo văn không bị xử lý, người lớn đạo văn, thậm chí là những người có chức, có quyền, có học vị cao cũng đi đạo văn, làm gương xấu cho lớp trẻ. Quyền lợi của người bị hại chưa được đảm bảo, công sức lao động của họ cũng không được bảo vệ. Điều này vô tình đã cổ vũ cho một tệ nạn. Nhưng chả lẽ, chúng ta bó tay với tệ nạn này? Phải có một “liều thuốc” để chữa “căn bệnh” ngày càng tinh vi và xảo quyệt này. Trước khi trông chờ vào những kẻ đạo văn ý thức được hành động của mình là vô liêm sỉ, thì cần có những biện pháp xử lý mạnh tay đối với người vi phạm, đủ để răn đe người khác. Có như vậy, xã hội mới hạn chế được những kẻ bất tài, ham hố danh vọng nhưng lại không có khả năng sáng tạo. Chúng ta nên học nước ngoài, tác phẩm đạo văn bị thu hồi, người có học hàm học vị nếu vi phạm cũng vị tước, nghiêm trọng nữa thì đuổi việc, bắt bồi thường, bỏ tù… Có xử nghiêm, thì chúng ta mới có một nền học thuật trung thực và phát triển, một nền văn học vững mạnh và trong sạch.
Ngô Thục Miên
Nguồn:baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/suckhoedoisong.vn/Bo-tay-voi-dao-van/4741343.epi