Bố tôi

Nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến gặp bố tôi từ tháng 8-2013. Thật tiếc là ông không còn khỏe để có thể trực tiếp kể về cuộc đời làm khoa học của mình. Chúng tôi là những người con cũng đã được ông kể cho nghe một phần, qua những câu chuyện về bạn bè, trường lớp, cuộc sống nhưng chắc cũng không đủ để hoàn thành bức tranh cuộc đời ông. Tôi hầu như chỉ biết về bố ở góc độ của một người cha, của một con người giản dị.

Bố tôi rất hiền và chăm con thì vô cùng tỉ mỉ, tôi thấy thế và ai cũng bảo thế. Khi tôi còn nhỏ, khỏi phải nói là bố chiều tôi như thế nào. Nào là gãi lưng cho ngủ, nào là cõng đi nhong nhong trong nhà, rồi thì căng dây chun cho nhảy, cùng chơi ô ăn quan… trò gì cũng có. Nhưng tôi ngưỡng mộ ông nhất ở chỗ cái gì ông cũng biết, nhất là lịch sử, văn học, văn hóa các vùng miền. Ngày bé, tôi rất thích được nghe bố kể truyện Trạng Quỳnh, ông biết thế nên ra điều kiện “Con nhổ tóc bạc cho bố, bố kể cho nghe”. Thế là bố tôi nằm khểnh lim dim mắt kể chuyện Trạng Quỳnh đi sứ, Trạng vẽ rồng đất, cả chuyện Trạng chết Chúa cũng băng hà… trong lúc cô con gái tỉ mẩn nhổ cả tóc bạc lẫn tóc đen.

Sau này khi ông ốm, các cô chú cùng bộ môn, cùng khoa với ông[1] đến thăm cứ nói “Bố cháu ngày xưa là cuốn tự điển sống đấy”. Đúng thật, ngày xưa chưa có Internet, tôi cần gì toàn hỏi ông từ chuyện tẩy vết mực trên áo bằng gì, bài thơ này ai viết, nhân vật lịch sử này là ai, cái đài hoạt động thế nào, tivi hoạt động ra sao… cho đến đặc sản mỗi vùng có gì. Ông biết rộng chắc vì ông đọc khá nhiều từ lúc còn trẻ. Bạn của bố tôi kể: “Ngày xưa lúc còn là sinh viên, người ta thì xuống sân tập thể thao, bố cháu thì cứ nằm trên giường đọc sách”. Tôi vẫn nhớ rất hay được ông đưa đi theo đến thư viện Bách khoa, thư viện Khoa học kỹ thuật. Ngày ấy tôi chỉ chừng 9-10 tuổi và thấy sao đi thư viện chán thế, cứ phải đi nhẹ, nói khẽ lại còn đứng lật đi lật lại cái đống phích tên sách. Giờ thì tôi hiểu, đó là cánh cửa khoa học mở ra thế giới mà giờ đây Internet đã thay thế một phần lớn rồi.

Có lẽ vì bố tôi biết nhiều nên ông nói chuyện với ai cũng rất vui, từ các cô chú ở Bộ môn cho đến bác trông xe ở nhà C4 trường Đại học Bách khoa Hà Nội đều thích. Khi còn bé tôi hay được đi theo ông, chả là ngoài giờ học mà tôi ở nhà thì không có người trông nên nhiều khi ông đưa theo cả đến phòng thí nghiệm. Tôi nhớ ngày ấy mỗi lần vào bộ môn Vô cơ điện hóa ở nhà C4, bố tôi gửi chiếc xe đạp Favorit ở nhà xe bên dưới. Hôm nào cũng vậy, ông vừa dắt xe vào vừa cười rất tươi với bác trông xe: “Bác cho gửi cái xe” và thể nào bác ấy cũng hỏi thăm “Con gái thầy đấy à”. Rồi bố tôi cũng hỏi thăm bác ấy: “Thằng cu nhà bác năm nay định thi trường nào”… Câu chuyện lúc nào cũng vui vẻ. Tôi rất phục bố tôi khả năng nói chuyện với những người mới quen. Ông hay hỏi quê họ ở đâu rồi thì “à, vùng đó có đặc sản này ngon lắm”, “vùng đó có hội hàng năm này to lắm”, “à vừa rồi có chuyện X, chuyện Y”… Thế là câu chuyện thành rôm rả.

Bố tôi quan tâm đến bạn bè của con lắm. Cụ sợ con chơi với bạn xấu nên bạn nào đến nhà cụ cũng nói chuyện mà chả giống kiểu tra khảo bao giờ nên các bạn tôi rất thích. Các bạn học cấp 2, 3 của tôi bây giờ vẫn kể cụ nói chuyện rất gần gũi. Sau bao nhiêu năm ông vẫn nhớ từng đứa, bố mẹ tên gì, làm gì, nhà ở đâu, ngày bé có chuyện gì.

Về khoản thương con thì có lẽ không ai bằng bố tôi. Tôi vẫn nhớ những bữa cơm trưa ở nhà thời kỳ những năm 80. Ngày ấy nhà ai cũng khó khăn. Mẹ tôi đi làm xa nên buổi trưa chỉ có 3 bố con ở nhà. Bữa cơm trưa là cặp lồng cơm ủ trong chăn bông, một ít rau muống luộc và một quả trứng. Đơn giản thế thôi nhưng rất thú vị vì bố sẽ biểu diễn cắt trứng bằng sợi chỉ. Một sợi chỉ quấn dọc theo quả trứng rồi siết lại thế là cắt qua trứng làm ra làm đôi mỗi anh em một nửa. Rất đều và gọn. Tôi nhớ tôi hay hỏi bố “ Bố không ăn à” và bố trả lời “Bố không thích ăn trứng”. Ngày ấy tôi tin thế thật, đến tận sau này khi nhớ lại kỷ niệm này thì tôi mới hiểu. Bố tôi cũng rất chăm lo cho sức khỏe các con, theo cái cách của một nhà khoa học. Tôi nhớ nhà tôi có một cuốn sách thuốc rất dày, nát bươm vì đọc nhiều, đấy là cuốn “Hướng dẫn thầy thuốc thực hành”, không biết bố tôi kiếm ở đâu. Mỗi khi anh em tôi ốm là bố lại sốt sắng lấy quyển sách ra tra từng biểu hiện lâm sàng xem là bệnh nào rồi theo dõi, lo lắng. Năm 8 tuổi, nghi tôi bị viêm thận, bố tôi lấy nước tiểu cho vảo cái ống bơ rồi cho lên trên bếp dầu đun. Ông bảo nếu viêm thì trong nước tiểu nhiều abumin sẽ bám vào thành ống trắng như lòng trắng trứng. Đến sau này chúng tôi vẫn tin tưởng vào phán đoán của ông nên cứ ốm mệt là lại hỏi bố mẹ xem con bị bệnh gì.

 PGS.TS Trương Ngọc Liên và gia đình tháng 12-1985. Con gái Trương Thị Diệu Linh (áo kẻ đỏ trắng)

Vào những năm 80, 90, đi chuyên gia ở châu Phi là con đường làm kinh tế của nhiều nhà giáo. Nhà tôi cũng vậy. Bố tôi nghĩ đến chuyện phải đi thì buồn lắm vì đối với ông gia đình là tất cả. Mẹ tôi kể ông bà tâm sự với nhau: “Nếu nhà mình mà có 2 cây vàng thì không phải đi đâu hết”. Bố tôi đi Angeri làm chuyên gia giảng dạy tại trường Đại Học Oran trong 3 năm từ năm 1987 đến 1990. Đấy là những năm tháng đằng đẵng với cả gia đình. Tôi bắt đầu vào cấp 2, còn anh tôi bắt đầu vào cấp 3, thời kỳ quan trọng chuẩn bị cho các kỳ thi đại học trọng đại. Bố viết về cho chúng tôi bao nhiêu là thư, những bức thư viết trong giấy pơ lua hồng, mỗi bức như nhật ký của mấy ngày. Rồi khi nào có người về, ông lại tranh thủ gửi (cho tiết kiệm). Chúng tôi viết thư lại cho bố cũng vậy, một bì thư với 3 tờ giấy mỏng thư của 3 mẹ con, rồi cũng chờ khi có người đi nước ngoài thì nhờ bỏ hộ với những con tem 6 cô-pec của Liên Xô. Bức thư nào của bố cũng nhiều dặn dò, hỏi thăm hơn là kể về cuộc sống ở Oran, nào là con trai phải học tập chăm chỉ, bớt đọc truyện đi, mẹ và con gái thì phải giữ gìn sức khỏe. Xen kẽ với những lời dặn dò con cái là những dòng bàn về kinh tế, nào là chuyến này có thể mua được 1-2 cái xe máy cũ về có thể bán được. Ngày ấy ai đi chuyên gia cũng mua xe Honda cũ gửi về bán ở nhà lấy chút chênh lệch. Nhưng chốt lại ông lại bảo vợ: “Tuy thế năm nay mà Lân[2] đỗ đại học thì không gì vui bằng”.

Về mặt khoa học, tôi cũng không biết cụ thể các công trình của ông. Tôi chỉ biết ông lúc nào cũng làm việc rất say sưa và được đồng nghiệp quý trọng. Trong nhà tôi sách vở chất đầy, sách tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt đủ cả. Bố tôi quý sách lắm. Ngay cả luận án, đồ án của sinh viên bố tôi cũng giữ. Đến bây giờ tôi còn tìm được trong sách vở của bố tôi luân án Tiến sỹ của anh Trần Trung (hiện là Hiệu trưởng Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), luận văn Thạc sỹ của chị Hoàng Nguyên (hiện là Trưởng Bộ môn Công nghệ In, Đại học Bách Khoa Hà Nội). Ngay cả những đồ án tốt nghiệp đại học bố tôi cũng giữ rất cẩn thận. Tôi nhớ khi còn nhỏ học Toán tôi cần nháp nên xin ông những quyển đồ án cũ[3] nhưng ông không cho, ông nói làm như thế là không đúng.

Về công trình khoa học của ông, tôi chỉ biết ông có một bằng sáng chế của Liên Xô (năm 1968) về “Phương pháp mạ điện hợp kim Cad-Ni” cho công trình nghiên cứu của ông khi còn làm nghiên cứu sinh tại trường Hóa Menđêlêev, Mátxcơva. Ông có kể cho chúng tôi là phương pháp này được sử dụng để bảo vệ cánh máy bay. Bác tôi là TS.Phạm Vũ Luyến[4] thì kể rằng sau khi thực tập ở Pháp về (năm 1970), bố tôi là người đầu tiên đưa công nghệ mạ nhựa về Việt Nam và Nhà máy Kim khí Thăng Long là nơi tiếp nhận công nghệ này. Tôi không biết rõ nhưng mẹ tôi vẫn kể nhà chúng tôi nhiều năm trước được Nhà máy Kim khí Thăng Long tặng những sản phẩm của nhà máy như nồi niêu… Nếu đúng thế thì thật đáng tự hào. Có lẽ cũng vì vậy mà sau này chúng tôi rất tín nhiệm đồ Kim khí Thăng Long.

Ngoài ra, bố tôi chắc cũng giúp đỡ nhiều nhà máy khác nữa. Trong những cái tên có lẽ phải nhắc đến Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Ắc quy Vĩnh Phú, Ắc quy Hải Phòng, Pin Văn Điển, Hóa chất Việt Trì,…Tôi nhớ khi bố tôi còn giảng dạy, ông thường có học sinh cũ sau này là lãnh đạo các nhà máy đến thăm. Họ không chỉ thăm mà cũng thường hỏi ông về các vấn đề kỹ thuật mà nhà máy gặp phải. Ông lại lôi sách vở ra tư vấn, cùng bàn bạc cách xử lý. Gần đây cũng có một chú đến nhà tìm bố tôi định hỏi xin một quyển sách và hỏi về vấn đề kỹ thuật. Chắc chú lâu rồi không liên lạc nên không biết bố tôi đã rất ốm, không nói được nữa.

Vài lời khó có thể kể hết được về Bố tôi, nhưng có lẽ những từ để nói về ông đúng nhất là hiền từ, giản dị, hiểu biết và gần gũi. Chúng tôi luôn tự hào có một người cha như thế.

Trương Thị Diệu Linh[5]

————————–

[1] Bộ môn Điện hóa, khoa Hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[2]Tên đầy đủ là Trương Ngọc Lân, con trai PGS. Trương Ngọc Liên, hiện là Thạc sĩ, kiến trúc sư, cán bộ giảng dạy Khoa Kiến Trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây Dựng.

[3] Đồ án đại học thường chỉ in trên một mặt giấy.

[4] Anh trai của mẹ tôi, là một cán bộ của Viện Địa chất.

[5] PGS.TS Trương Thị Diệu Linh (con gái PGS.TS Trương Ngọc Liên), hiện công tác tại Bộ môn Truyền thông và mạng máy tính, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.