Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và việc trọng dụng hiền tài

Nghiên cứu các biên bản hành chính của Bộ Giáo dục, các bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trong các hội nghị giáo dục thời kháng chiến chống Pháp, nhất là trước năm 1950, có thể thấy rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức đối với công cuộc kháng chiến nói chung và nền Giáo dục Việt Nam nói riêng. Các vấn đề lớn của nền giáo dục đều được bàn bạc một cách dân chủ và chính vì thế mà tranh thủ được ý kiến của các trí thức.

Ngày 4-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Hội đồng giáo dục, số 102, có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục. Thành phần của Hội đồng Giáo dục là 17 vị nhân sĩ trí thức, đại diện cho nhiều giới, nhiều tầng lớp và lĩnh vực: các nhà khoa học và kỹ thuật: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Đặng Phúc Thông; các nhà khoa học xã hội: Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Bùi Kỉ; có các nhà giáo Hoàng Xuân Nhị, Ca Văn Thỉnh, Lê Thước, Hoàng Đạo Thúy; các nhà văn Hoài Thanh, Đặng Thai Mai; có cả những nhà khoa học ở hải ngoại như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Bửu Hội. Ngày 31-3-1949, tại Việt Bắc, theo Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Giáo dục đặc biệt do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì đã họp để ấn định kế hoạch phát triển giáo dục. Hội đồng đã định hướng việc xây dựng nền đại học giai đoạn đó như sau: “Tập trung lực lượng để kiện toàn các trường Đại học đã có ở trung ương, không nên mở lung tung bất cứ ở nơi nào. Cần tổ chức các trường Trung đẳng (như trường Y sĩ) cho mạnh hơn. Đặc biệt chú trọng đến sư phạm Đại học. Phát triển trường Đại học Y khoa. Mời giáo sư Việt kiều ở Pháp về. Nếu cần mở mang rộng nền đại học, thì nên hướng về khoa học nhiều hơn. Bộ Quốc gia Giáo dục sẽ cố sức kiện toàn Nha Đại học Trung ương. Bộ Quốc gia Giáo dục nên nhắm cơ hội thuận tiện, phái người đi giao thiệp mua sắm dụng cụ, đồ thí nghiệm cho Đại học. Đề cao giá trị Đại học”[1].

Những nội dung trên được triển khai và thực hiện trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Với quan điểm trọng thị nhân tài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã chỉ đạo triển khai hàng loạt hội nghị giáo dục, thu hút đông đảo trí thức, nhân sĩ, nhà giáo tham gia nhằm giải quyết các vấn đề của nền giáo dục thời chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các trí thức tại Sơn Dương, Tuyên Quang, 1948.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (hàng ngồi, thứ 2 từ trái).

Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Để có thành công của nền giáo dục, ngoài vai trò của những trí thức đứng đầu Bộ Quốc gia giáo dục, còn là vai trò của các trí thức ở những trung tâm giáo dục lớn trên cả nước: ở Khu 4, Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Đồng thời phải kể đến vai trò của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – người đã học tập, vận dụng xuất sắc tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ông đảm trách. Có thể chứng minh điều ấy qua một số tài liệu lưu trữ.

Năm 1950, GS Đặng Văn Ngữ là Việt kiều từ Nhật sang Bangkok, Thái Lan, rồi đi bộ qua về Lào để trở lại Nghệ An. Hay tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có kế hoạch mời GS Ngữ về làm việc tại trường Đại học Y khoa. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã gửi thư lên Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng để đề xuất cán bộ[2]. Trong Công điện Bộ trưởng gửi bác sĩ Đặng Văn Ngữ về việc mời ông ra Việt Bắc làm cán bộ giảng dạy ghi rõ: “Bộ Giáo dục và Nha Đại học rất hoan nghênh sự cộng tác của ông. Trường Đại học Y khoa hiện nay thiếu giáo sư, rất may mắn được ông về giúp việc. Bộ Giáo dục đã ra Nghị định cử ông làm giáo sư trường Đại học Y khoa để giảng dạy môn Biologie và đồng thời tổ chức Phòng thí nghiệm nhà trường. Trân trọng yêu cầu ông ra liên lạc ngay với bác sĩ Hồ Đắc Di để nhận công tác. Bộ Giáo dục đã điện UBKCHC (Ủy ban Kháng chiến hành chính) Liên khu 4 giúp đỡ ông để ông lên đường…”[3].

Như vậy, không chỉ chú ý tới những vấn đề lớn của Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên còn rất chú ý tới việc tập hợp những người có tài về giúp cho nền đại học. Để các nhân sĩ, trí thức yên tâm làm việc, Bộ trưởng còn quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể, như trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18-7-1950, ông Nguyễn Văn Huyên nêu rõ: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”[4]. Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”[5]. Không những thế, trong Công điện gửi UBKCHC Liên khu 4 ngày 16-9-1950, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên còn đề nghị Ủy ban chuyển những sách vở, tài liệu và dụng cụ thí nghiệm ra Việt Bắc cho bác sĩ Đặng Văn Ngữ làm việc[6].

Với trường hợp của ông Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí để đưa ông Đặng Thai Mai từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả sự chỉ đạo rất cụ thể cho chuyến đi: “Ông Đặng Thai Mai, Giáo sư phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa, sẽ được điều động ra ngoài này để giúp việc Bộ Giáo dục, hoặc dạy học tại trường Đại học Văn khoa ở Việt Bắc hoặc dạy tại các lớp Dự bị Đại học (Ban Văn học). Ông Đặng Thai Mai hiện nay người yếu không đi bộ được, cần phải cáng và khi ra, gia đình cũng theo ra. Để ông Đặng Thai Mai có đủ điều kiện và phương tiện di chuyển cùng với gia đình ông, bản Bộ đề nghị quý Bộ trợ cấp đặc biệt cho ông ấy một số tiền 10 vạn đồng. Trân trọng yêu cầu quý Bộ thỏa thuận và lập một ủy ngân 10 vạn đồng cho UBKCHC tỉnh Thanh Hóa để cấp cho ông Đặng Thai Mai”[7].

Trường hợp của Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng quyết liệt không kém để mời vị tiến sĩ toán học ra Việt Bắc làm việc. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ (1949), Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện lên ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến. Trong công điện ngày 25-1-1950, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên viết: “Chúng tôi nhận thấy nếu ông Lê Văn Thiêm ra Bắc được thì sẽ giúp ích nhiều cho Bộ Quốc gia Giáo dục. Vậy chúng tôi trân trọng đề nghị lên Phó Thủ tướng quyết định việc điều động ông Lê Văn Thiêm ra Bắc. Bộ Quốc gia Giáo dục tán thành việc trợ cấp cho mấy vị kỹ sư, bác sĩ và tiến sĩ Luật học để khuyến khích các cán bộ khác về nước…”[8].

Không chỉ thu hút hiền tài để xây dựng nền giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên còn thể hiện cách ứng xử rất văn minh, dân chủ, tôn trọng các trí thức trong những giao tiếp, trao đổi với họ. Trong công điện gửi ông Cù Huy Cận (Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ) ngày 22-1-1952, về việc gửi danh sách học sinh gương mẫu để Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã trao đổi rất thẳng thắn, tỉ mỉ, giải thích để ông Cù Huy Cận hiểu rõ việc chưa gửi danh sách học sinh gương mẫu, do chưa tổng kết năm học (vì năm học 1951 có thêm 3 tháng bổ túc cuối năm). Công điện có đoạn viết: “Còn danh sách học sinh gương mẫu tôi sẽ gửi dần sau, cố gắng gửi trước Tết một số. Có đến đâu tôi sẽ gửi đến đấy, bắt đầu bằng danh sách học sinh gương mẫu các tỉnh gần”[9]. Bức điện này thể hiện một thái độ làm việc hết sức cầu thị nhưng cũng rất dân chủ của vị Bộ trưởng. Nó cũng thể hiện sự quan tâm của ông cho những vấn đề nhỏ nhất của nền giáo dục, mọi thắc mắc đều được người đứng đầu Bộ Giáo dục giải thích cặn kẽ, có đầu, có cuối. Hầu hết trong các bức thư, công điện gửi các Bộ trưởng, Thứ trưởng, ông Huyên đều bắt đầu bằng cụm từ: “Kính gửi: …”. Việc này thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong quá trình làm việc, trao đổi.

Về bức thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước ngày 28-11-1949, là một minh chứng thể hiện rất rõ trách nhiệm, bản lĩnh của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Khi giải thích cặn kẽ với bác sĩ Trần Hữu Tước về một số vấn đề còn vướng mắc, Bộ trưởng đã thẳng thắn, chân thành nhận lỗi và xin bác sĩ Trần Hữu Tước thứ lỗi: “Thưa anh, nơi đây có các bạn ở Liên khu 3 cho biết là anh rất ngạc nhiên về cách xử trí của Bộ Giáo dục và của Nha Đại học vụ. Tôi rất tiếc việc đó đã xảy ra, nhất là trong khi ở Paris tôi đã được dịp nhận biết địa vị của anh trong nền Y học Âu Tây. Nếu có những sự khiếm khuyết của chúng tôi đối với anh là chỉ vì chúng ta xa nhau quá lâu ngày, không có dịp cùng nhau đặt hẳn vấn đề y học hiện thời trong nền giáo dục quốc gia. Nhưng vì được hân hạnh biết anh và nhất là lòng vẫn thường kính mến anh, nên tôi xin thành thực thanh minh cùng anh việc ấy. Trước hết, hầu hết các sự bất mãn đã xảy ra giữa các cơ quan giáo dục với các cán bộ giáo dục cùng các nhân sĩ là do ở vấn đề tài chính. Các anh em thường chưa biết cho rằng tất cả quyền hành về tài chính từ ngày kháng chiến đến nay, đều quy vào Bộ Tài chính. Nhất nhất việc gì cũng phải có sự thỏa hiệp của Bộ Tài chính. Vì thế nên nhiều việc đã phải, hoặc không thực hiện được, hoặc bỏ dở. Đến mức là riêng tôi lắm lúc không có can đảm đề nghị gì nữa”. Ở cuối bức thư, ông Huyên bày tỏ: “Trong đó tôi nhận có 2 điều lỗi: Một là sự bất nhất; Hai là về mỗi giai đoạn, không hề có thơ thưa chuyện anh rõ. Xin anh thứ lỗi cho. Với sự biến chuyển chung, tất nhiên là vấn đề này cũng như là nhiều vấn đề khác sẽ cần phải xét lại. Trân trọng xin anh cho biết ý kiến và bỏ qua”[10]. Những lời lẽ chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã phá bỏ được hàng rào ngăn cách do sự hiểu lầm giữa hai trí thức, đồng thời làm cho họ hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn.

Có thể thấy rõ, quan điểm trọng dụng nhân tài, kế sách dùng người và cách ứng xử của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là một trong những yếu tố thu hút các nhân sĩ, trí thức đồng lòng cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam. Đó cũng là một trong những thành công lớn của ông Nguyễn Văn Huyên trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nguyễn Thanh Hóa

[1] Trích “Biên bản Hội đồng Giáo dục đặc biệt”, ngày 31-1-1949, in trong: Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, Nxb Giáo dục, 2000,tr.186.

[2] Thư Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, 11-3-1950.

[3] Công điện Bộ Giáo dục gửi bác sĩ Đặng Văn Ngữ, 11-3-1950, in trong Đặng Văn Ngữ – Một trí tuệ Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014, tr.471.

[4] Phiếu Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 18-7-1950, tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

[5] Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4, 4-7-1950, tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (hoặc Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, Nxb Giáo dục, tr.636).

[6] Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, sđd, tr. 662.

[7] Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, sđd, tr. 657.

[8] Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, sđd, tr. 562.

[9] Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, sđd, tr. 932.

[10] Trần Hữu Tước – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Y học, 2013, tr.303-305.