Bốn kỷ vật thời học cấp II

PGS Nguyễn Hoành Khung từng học cấp II tại trường Nguyễn Thượng Hiền ở Thanh Hóa. Với ông, đó là quãng thời gian tuy có vất vả nhưng vô cùng tươi đẹp, khiến ông nhớ mãi. Vì thế, ông trân trọng 4 kỷ vật còn giữ được từ 3 năm học ấy: Lớp 5 có đơn gửi Thanh tra Ty Tiểu học vụ Thái Bình và học chỉ (tức học bạ), lớp 6 có thẻ học sinh, lớp 7 có học chỉ.

Năm 1949, tại kỳ thi tổ chức ngày 25-5 của tỉnh Thái Bình, Nguyễn Hoành Khung đỗ Sơ học bổ túc. Vì không có căn cước nên Hoành Khung không thể dự thi vào trường cấp II Lê Quý Đôn, đành xin vào học ở lớp do một thầy giáo cùng làng mở. Nhưng đến giáp tết Canh Dần 1950, quân Pháp mở trận càn lớn vào Thái Bình, khiến cho việc học phải dừng lại. Dân lo chạy giặc. Nhà Hoành Khung cũng thế, mấy tháng trời không được ở yên một chỗ, trú ngụ nhờ hết làng này sang làng nọ… Đến mùa thu năm 1950, nghe tin có người quen chuẩn bị vào Thanh Hóa dưỡng thương, mẹ quyết định gửi Hoành Khung đi theo để vào với bố đang công tác ở huyện Thiệu Hóa.

Nguyễn Hoành Khung sống cùng bố ở gần trường Đảng Trần Phú của Liên khu III. Bố là Nguyễn Danh Hoàn, Giám đốc kiêm giảng viên môn triết học của trường này. Mấy tuần sau, có anh cùng quê là Nguyễn Xuân Sinh đang học lớp 9 trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền đến chơi và gợi ý ông Hoàn cho Hoành Khung đi học. Trường Nguyễn Thượng Hiền cũng ở huyện Thiệu Hóa, đóng tại làng Ngò, xã Thiệu Minh, dạy cả cấp II và cấp III, đang tuyển sinh năm học mới. Ông Hoàn nghĩ rằng con trai mới trải qua chuyến đi dài từ Thái Bình vào đây, cần được nghỉ ngơi cho lại sức. Nhưng anh Sinh vẫn thuyết phục, cuối cùng ông Hoàn cũng đồng ý để anh dẫn Hoành Khung tới làng Ngò xin học.

Muốn được nhà trường nhận vào học, Nguyễn Hoành Khung cần phải có bằng Sơ học bổ túc, tức là chứng chỉ xác nhận đã học hết cấp I. Nhưng cậu không có giấy tờ gì cả. Do vậy, anh Sinh hướng dẫn Hoành Khung viết đơn đề nghị Thanh tra Ty Tiểu học vụ Thái Bình cấp giấy chứng nhận. Qua 70 năm rồi, PGS Nguyễn Hoành Khung vẫn lưu giữ lá đơn ấy của mình viết tháng 12-1950, viết bằng bút máy mực đen trên giấy kẻ ngang, khổ giấy 14,6cm x 19,6cm.

Ty Tiểu học vụ Thái Bình lúc ấy cũng tản cư vào Thanh Hóa, ở tại làng Đoan Quyết, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa. Anh Sinh dẫn Hoành Khung đến gặp người phụ trách Thanh tra là ông Nguyễn Bá Hân. Nhận đơn của Hoành Khung, mặc dù ông Hân không biết cậu học trò này, cũng không có danh sách để đối chiếu, nhưng ông đã không đắn đo mà viết ngay vào phần giấy trống phía dưới: Chứng nhận Nguyễn Hoành Khung sinh ngày 14-7-1938 đã trúng tuyển kỳ thi tiểu học tốt nghiệp khóa 1949 tại hội đồng Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Thanh Hóa, ngày 14-12-1950, đồng thời kí và đóng dấu đỏ của Ty Tiểu học vụ Thái Bình.

Đơn gửi Thanh tra Ty Tiểu học vụ Thái Bình, 1950

Có được xác nhận cần thiết, Hoành Khung cùng anh Sinh trở về làng Ngò. Rồi Hoành Khung được một người khá thân với bố là nhà thơ Vũ Đình Liên dẫn đến gặp thầy Phó Đức Tố – Hiệu trưởng trường Nguyễn Thượng Hiền để xin học. Mọi việc suôn sẻ, cậu được nhận vào học lớp 5B. Lớp có 50 bạn, gồm cả học sinh nhiều nơi tản cư về đây[1].Nguyễn Hoành Khung trọ cùng nhà với anh Nguyễn Xuân Sinh, cách làng bố ở khoảng 2 cây số. Cuộc sống có vô vàn khó khăn, thậm chí quần áo không đủ mặc, mùa đông không có áo ấm và chăn bông; món ăn thường xuyên là củ kiệu luộc hoặc cùi dừa kho mặn… Học sinh xa quê sống dựa vào tiếp tế của gia đình, nhiều người phải đi bộ đường xa về quê xin gạo và tiền. Có khi do chiến sự nên việc tiếp tế bị ách tắc, cuộc sống càng khốn khó hơn. PGS Nguyễn Hoành Khung không thể quên, suốt gần một năm đầu tiên, bố không cho tiền, mà hoàn toàn được anh Sinh nuôi.

Ở nơi tản cư, học sinh phải tự túc bàn học, loại bàn nhỏ, gọi là bàn kẹo kéo. Một người cũng học trường Nguyễn Thượng Hiền ở Thanh Hóa là PGS.TS Trần Thị Băng Thanh kể lại: Không chỉ xách đèn, mỗi học sinh còn phải mang bàn theo. Bàn đóng bằng gỗ, nhỏ và nhẹ, gấp lại được như kiểu bàn của những người đi bán dạo kẹo kéo hay lạc rang, có hai dây quai để đeo. Kèm với bàn còn có chiếc ghế nhỏ để ngồi, sau này cải tiến thành chiếc hộp nhỏ gắn phía dưới bàn để đựng đồ, có chốt cố định và tháo rời làm ghế ngồi[2]. Hoành Khung không có tiền để đóng bàn học, anh Sinh phải xin chủ nhà cho cậu một mảnh gỗ vốn là lưng của khung ảnh. Đến lớp, Hoành Khung ngồi trên đôi guốc gỗ, đặt miếng gỗ đó lên đầu gối làm bàn. Buổi học đầu tiên, thầy Dung dạy môn vạn vật bước vào lớp, các bạn đứng lên chào thầy, nhưng cậu không thể kịp đứng lên vì đang ôm tấm gỗ, đành trốn sau lưng các bạn phía trước. Nhưng thầy vẫn phát hiện ra và bắt Hoành Khung đứng lên…

Ngay thời kì đầu năm học lớp 5, mỗi học sinh phải tự làm sổ học chỉ của mình rồi nộp cho Văn phòng trường. PGS Nguyễn Hoành Khung cũng lưu giữ được kỉ vật này. Hồi ấy, ông dùng bút máy mực tím viết và kẻ vẽ trên tờ giấy không dòng kẻ, khổ 13,4cm x 20,2cm. Ông nhớ cả chuyện các thầy rất ít kiểm tra bài, thậm chí có bài kiểm tra thầy giữ mấy tháng không trả. PGS Nguyễn Hoành Khung vẫn nhớ lần thầy “Khuê béo” trả bài kiểm tra môn văn hết học kỳ: Thầy đọc đến tên anh Nguyễn Bá Khuyến ngồi cạnh tôi (anh được 14 điểm, theo thang điểm 20), thầy nói “Anh này là nhất lớp”. Rồi anh Khuyến đứng lên, mọi người xuýt xoa… Thầy lại đọc tiếp, đến một bài thì dừng lại nhìn một lúc, thầy đọc “Nguyễn Hoành Khung”, tôi giơ tay, thầy nói “Anh này mới nhất lớp, 18 điểm”. Tôi hơi giật mình vì con số 18 lớn quá, và không ngờ bản thân có thể đạt được điểm như vậy. Tôi coi đó là một may mắn thôi[3].

Cuối năm học lớp 5, trường tách thành hai: bộ phận chính ở lại làng Ngò, một bộ phận sang Mao Xá (nay là làng Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa). Nguyễn Hoành Khung học ở cơ sở Mao Xá. Lúc này trường gần hơn nên Hoành Khung về ở với bố tại làng Quán Thọ. Đến năm 1952, mẹ và các em cũng chuyển vào đây sống cùng hai bố con. Trong kỳ nghỉ sau năm học đó, Nguyễn Hoành Khung đi bộ về cơ sở trường ở làng Ngò để lấy học chỉ lớp 5. Trên đường tới trường, cậu ghé vào nhà anh Sinh và được anh dặn nhớ quay lại cho anh xem kết quả học. Cán bộ Văn phòng trường ghi chép cẩn thận vào học chỉ của cậu đã làm hồi đầu năm. Học chỉ lớp 5 cho hay, Nguyễn Hoành Khung “được ghi tên vào bảng danh dự tháng 4-1951”, điểm trung bình cả năm là 6,68 và xếp thứ nhất trong tổng số 50 học sinh của lớp.

Học chỉ lớp 5, 1951

Hoành Khung không ngờ mình đạt thành tích như vậy, nhưng lại sợ người khác nghĩ rằng mình tự kiêu, nên không dám khoe với anh Sinh, cũng không nói gì với gia đình. Kể lại chuyện này, PGS Nguyễn Hoành Khung chia sẻ: Có lẽ do tôi đã đọc nhiều, say mê và hiểu được nhiều điều, cũng là sáng dạ nên mới đạt được thành tích ấy[4].

Kỉ vật về lớp 6 là tấm thẻ học sinh. PGS Nguyễn Hoành Khung không nhớ tại sao đến tháng 5-1952 nhà trường mới làm thẻ cho học sinh. Mẫu thẻ được làm bằng cách viết, kẻ, vẽ tay, kích thước 15,1cm x 10cm. Cũng như các bạn, Hoành Khung tự điền tên, ngày sinh, nơi sinh, tên bố mẹ, quê quán và đặc điểm nhận diện vào thẻ, viết bằng bút máy mực xanh trên giấy màu trắng, nay đã ố vàng. Sau đó, cán bộ Văn phòng nhà trường ghi thêm ngày tháng, số thẻ 460 và thông tin rõ là lớp 6B, cuối cùng thầy Hiệu trưởng Đào Văn Định ký ngày 19-5-1952 và đóng dấu. Mặc dù trường đã tách thành hai cơ sở như kể trên và ở cơ sở Mao Xá đã có thầy Vũ Quang Chuyên phụ trách, nhưng thầy Hiệu trưởng Đào Văn Định vẫn điều hành chung, nên thầy ký tên trong thẻ học sinh. Đây là kỉ vật duy nhất của PGS Nguyễn Hoành Khung về năm học lớp 6.

Thẻ học sinh lớp 6, 1952

Hồi ấy, Nguyễn Hoành Khung thường cùng bạn đến nhà anh Cao Hữu Lạng học lớp trên ở làng Ngò để học bài. Anh Lạng học hành rất nghiêm chỉnh. Anh còn tìm và dịch sách bài tập bằng tiếng Pháp để làm thêm. Hoành Khung cũng mượn bài tập của anh để tự học. PGS Nguyễn Hoành Khung kể: Cuốn bài tập toán của anh ấy rất sạch, đẹp. Từ đó tôi cảm thấy có nhiều bài tập toán hay quá, đặc biệt là môn hình học rất kỳ diệu. Có những bài tập như bài vòng tròn Ơ-le, đường thẳng Sim sơn… cho đến sau này mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy nó thú vị, bởi nhiều cái tưởng như là ngẫu nhiên hóa ra lại là có tính quy luật... Cũng nhờ vậy mà điểm toán của tôi tương đối cao, dù không đứng đầu lớp[5].

Thời kì Nguyễn Hoành Khung học lớp 5, lớp 6, hầu như giáo viên đều thuộc thế hệ được đào tạo ở trường của Pháp, có vài người đã tốt nghiệp tú tài. Các thầy để lại cho PGS Nguyễn Hoành Khung nhiều ấn tượng tốt đẹp: Nói chung những thầy giáo thế hệ trước đều có trình độ, chuyên nghiệp say nghề. Thầy Minh dạy toán có thể dùng tay trái quay một cái thành hình tròn. Thầy Minh còn dạy môn sử, thầy thuộc nhiều sử liệu, kể chuyện say sưa… Thầy dạy địa lý thì vẽ bản đồ rất giỏi. Tất cả các thầy đều viết bảng rất đẹp và thoáng, chuẩn[6].

Thầy hiệu trưởng Đào Văn Định được đào tạo ở trường sư phạm thời Pháp. Thầy dong dỏng cao, luôn đeo kính; thầy rất mô phạm, đôn hậu và giỏi. Tính chuyên nghiệp và sự mẫu mực cũng là đặc điểm chung của các giáo viên lớp cũ. Trong lễ bế giảng năm học, thầy Định đọc danh sách học sinh được tuyên dương và bị kỷ luật. PGS Nguyễn Hoành Khung kể lại: Tôi ấn tượng với chi tiết thầy Định nói: “Trò Vũ Thư Hiên”[7], thầy dừng lại, bỏ kính xuống mới nói tiếp: “lãng mạn quá lắm!”. Bấy giờ, chữ lãng mạn là cái gì đó tệ lắm[8]. Thời ấy, học sinh được khen thưởng rất ít, phải là học sinh gương mẫu toàn diện, vừa học tốt, vừa tích cực tham gia công tác đoàn đội do hiệu đoàn tổ chức. PGS Nguyễn Hoành Khung cũng giữ ấn tượng tốt về thầy Vũ Văn Chuyên, người phụ trách cơ sở của trường ở Mao Xá. Ông chia sẻ: Thầy rất tốt, làm việc nghiêm túc, dạy giỏi, hóm hỉnh, mặc dù mặt thầy lúc nào cũng tỉnh bơ, thậm chí lừ lừ và giọng nói sang sảng. Thầy dạy Pháp văn rất hay, ngoài ra thầy còn dạy các môn khác như vạn vật, sử và văn học. Nội dung học thuật trong các bài giảng của thầy không nhiều nhưng học sinh ấn tượng, tiếp thu tốt. Con người ấy có điểm gì đó không lý giải được, khiến anh Sinh rất thần tượng: ngang tàng nhưng rất nhân cách[9]. Cũng về năm lớp 6, ông còn nhớ thầy Khoa dạy môn hóa. Thầy mới tốt nghiệp trường Sư phạm, là thầy giáo rất tình cảm và dạy rất vui.

Sang năm lớp 7, cuốn học chỉ khiến PGS Nguyễn Hoành Khung nhớ lại nhiều chuyện. Đó là học chỉ in sẵn, khổ 14,4cm x 19,9cm, các thông tin được viết bằng mực tím và xanh, qua thời gian giấy đã chuyển sang màu nâu nhạt. Lúc này, trường chuyển sang làng Thái Dương. Theo gợi ý của ông Đặng Xuân Thiều[10], gia đình Nguyễn Hoành Khung chuyển ra làm nhà ở ven đê sông Nông Giang – con sông đào thẳng tắp, còn gọi là sông Nhà Lê. Ngôi nhà làm bằng tranh tre rất đơn giản, nằm ngay ven đường đê có nhiều người qua lại. Hàng ngày, Hoành Khung đi bộ khoảng 3 cây số đến trường. Vẫn như trước, học vào các buổi tối ở nhà dân và học sinh phải xách đèn đi học.

Một lần, sau khi tan học, Hoành Khung cùng cậu bạn thân đi về đến cánh đồng ven đê thì gió thổi tắt đèn, trời tối đen như mực, phải dò đường đi. Nhưng chẳng mấy chốc, bị mất phương hướng, hai chàng trai trèo lên trượt xuống các bờ ruộng, toát mồ hôi, thở hổn hển, mà không biết phải đi về phía nào. Rồi có tiếng ô tô, biết là xe đi trên đường đê Nông Giang, nên cả hai đi theo hướng ấy, lên được đê để đi về nhà.

Học kỳ 1 năm lớp 7, Nguyễn Hoành Khung bị hai trận ốm khá nặng. Lần đầu là do đi học buổi tối về gặp mưa, không có áo mưa nên bị ướt và nhiễm lạnh rồi sốt cao li bì. Mẹ cuống quá không biết làm thế nào, bèn đi hỏi anh giúp việc ở nhà ông Đặng Xuân Thiều và được khuyên cho uống thuốc đa-di-năng. Hoành Khung uống 3 viên mỗi ngày nhưng không khỏi. Ngẫu nhiên có bác sĩ Nguyễn Bát Can là Giám đốc Sở Y tế liên khu III đi qua nhà, bố trông thấy liền mời vào khám cho con. Ban đầu bác sĩ Can đoán Hoành Khung bị viêm họng, cho cặp nhiệt độ rồi bắt mạch. Sau đó bác sĩ nói bị sốt 41,2 độ do viêm phổi nặng, rồi cho thuốc uống gì đó, phải uống mỗi ngày 6 viên, dần dần thì khỏi.

Sau lần viêm phổi ấy ít lâu, Nguyễn Hoành Khung bị trận đau bụng ghê gớm, chưa bao giờ đau như thế. Nhưng rồi dù không thuốc men gì mà vẫn khỏi. Kể lại chuyện này, PGS Nguyễn Hoành Khung nói vui: Có lẽ là quy luật: ốm thì một là chết, hai là khỏi![11].

Dù bị hai trận ốm như vậy, Nguyễn Hoành Khung vẫn đạt thành tích xuất sắc trong năm học lớp 7. Theo thông tin trong cuốn học chỉ, lớp 7 được học các môn: luận, giảng văn, sử, địa, chính trị, toán, lý – hóa, vạn vật. Cậu đạt điểm trung bình học kỳ 1 là 7,06, học kỳ II là 7,54, điểm trung bình cả năm là 7,30, xếp thứ nhất trong tổng số 56 học sinh của lớp.

Học chỉ lớp 7, 1953

PGS Nguyễn Hoành Khung còn nhớ, thầy Nguyễn Quý Phức dạy toán lớp 7. Thầy nói giọng sang sảng, dạy giỏi, tận tụy, chấm bài nghiêm túc, và thầy rất hiền. Trò Hoành Khung nghịch ngợm nên hay bị thầy nhắc nhở, nhưng vẫn được thầy yêu quí. Trong học chỉ lớp 7 của Nguyễn Hoành Khung, thầy ghi: Học giỏi – Chăm – Hạnh kiểm tốt… Ông cán bộ văn phòng trường còn nói với mọi người rằng học sinh nào được thầy Phức nhận xét “giỏi” thì xứng đáng được cử đi học ở Liên Xô, mà bấy giờ Liên Xô là ước mơ của mọi người, nhưng cảm thấy rất xa vời…

Cũng trong học chỉ lớp 7 của trò Nguyễn Hoành Khung, kết quả học các môn giảng văn, luận, sử thì được nhận xét chung là: Rất giỏi, nhiều triển vọng, nhưng cần phải chú trọng kết hợp học tập với công tác vì ít tham gia công tác. Cần phát triển thanh niên tính nhiều. Còn về môn địa được phê Khá lắm, môn chính trị: Giỏi, cần đề phòng tư tưởng tự kiêu.

Học hết lớp 7, nhà trường xét điểm chứ không tổ chức thi hết cấp II. Theo quy định, điểm trung bình từ 6,5 trở lên thì được lên lớp 8, một số bạn điểm thấp phải thi lại. Nguyễn Hoành Khung được lên thẳng lớp 8, bước vào cấp III. Đó cũng là khi trường Nguyễn Thượng Hiền chuyển ra Xích Thổ ở Nho Quan, Ninh Bình và tách thành hai: trường Nguyễn Quốc Trị và trường Cù Chính Lan. Nguyễn Hoành Khung học lớp 8 ở trường Nguyễn Quốc Trị.

Đã bảy chục năm, ít người còn giữ lại những tài liệu – hiện vật từ thời giữa thế kỷ 20 ấy. Nhưng PGS Nguyễn Hoành Khung giữ được 4 kỷ vật từ thời học cấp II, qua đó chứng tỏ chúng có giá trị tinh thần lớn dường nào đối với ông. Thật vậy, khi trao tặng 4 kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông đã tâm sự rằng: Có thể đối với mọi người thì những tài liệu này là bình thường, nhưng với tôi nó là rất quý giá[12].

Lê Thị Hằng

____________________

* PGS Nguyễn Hoành Khung, chuyên ngành Văn học, nguyên Tổ phó Tổ Văn học Việt Nam hiện đại, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[1] Trong lớp có Phạm Tú Châu, sau trở thành Phó giáo sư – tiến sĩ Văn học, Phó ban Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học; Bùi Duy Tân, sau cũng trở thành Phó giáo sư Văn học, Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[2] Lê Thị Hằng, "Ba chứng chỉ thời học cấp II", Những câu chuyện hiện vật, tập IV, Nxb. Thế giới, 2018, tr. 151-165.

[3] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[7] Vũ Thư Hiên là con trai cụ Vũ Đình Huỳnh (1905-1990). Cụ là Đại tá đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trải qua nhiều vị trí công tác: Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giám đốc Công thương Liên khu 3-4, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng ở Ban Thanh tra Chính phủ.

[8] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[10] Đặng Xuân Thiều (1909-1965) là chiến sĩ cách mạng, nhà thơ, có thời kì làm Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

[11] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 2-11-2018, đã dẫn.

[12] Tài liệu ghi âm PGS Nguyễn Hoành Khung, 23-4-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.