Bức ảnh cũ gợi nhớ chuyến khảo sát đầu tiên tại Tây Nguyên

Bức ảnh đen trắng có kích thước 15,1cm x 11,7cm, do kỹ sư Nguyễn Văn Thiện[1] chụp, trong ảnh là KS Chu Văn Ngợi cùng PTS Nguyễn Cẩn và KS Tạ Trọng Thắng[2] đang ngồi nghỉ dưới vách đá trên cao nguyên Kon Hà Nừng ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum[3]. KS Chu Văn Ngợi đã dùng bút mực đỏ viết lên góc trái phía dưới của mặt trước tấm ảnh dòng chữ "Tây Nguyên, 12-1978, Kon Hà Nừng" để ghi nhớ một kỷ niệm trên đường điền dã. Nay bức ảnh đã ố vàng và bong tróc, nhưng câu chuyện về những tháng ngày tham gia chương trình "Điều tra tổng hợp Tây Nguyên" thì PGS Chu Văn Ngợi vẫn nhớ rành mạch, chi tiết.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Bacu ở Ajecbaizan (Liên Xô) năm 1973, KS Chu Văn Ngợi được phân công về bộ môn Địa chất, thuộc khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Cũng như những cán bộ trẻ khác trong khoa, Chu Văn Ngợi được cử tham gia thực địa lập bản đồ địa chất (1973 – 1974, tờ Lạng Sơn, tỷ lệ 1:200.000) do KS Đoàn Kỳ Thụy là Đoàn trưởng Đoàn 20G phụ trách, sau đó cùng với hai kỹ sư Tạ Trọng Thắng và Nguyễn Văn Thiện tham gia đề tài “Nghiên cứu các giai đoạn phun trào tại Đồng Mỏ – Lạng Sơn” do PTS Nguyễn Cẩn – Tổ trưởng tổ Địa chất cấu tạo – chủ trì thực hiện từ năm 1976 đến 1978.

Tháng 3-1977, Chính phủ quyết định thực hiện chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” (thường gọi là chương trình Tây Nguyên I), chủ nhiệm là PTS Nguyễn Văn Chiển, Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Chương trình được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là một chương trình trọng điểm cấp nhà nước, nghiên cứu toàn diện điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế – xã hội Tây Nguyên, trên cơ sở đó đánh giá tổng quát về Tây Nguyên, làm cơ sở khoa học cho việc đề ra chủ trương, kế hoạch phát triển khu vực này.

Chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” kéo dài trong thời gian 3 năm, triển khai tại ba tỉnh khi đó là Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng, gồm 17 đề tài khoa học, trong đó có 8 đề tài thuộc lĩnh vực địa chất được PTS Nguyễn Văn Chiển phân công cho khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thực hiện. Với tư cách Tổ trưởng tổ bộ môn Địa chất, PTS Nguyễn Cẩn làm chủ nhiệm đề tài “Tân kiến tạo lãnh thổ Tây Nguyên”, có sự tham gia của ba kỹ sư trẻ là Chu Văn Ngợi, Tạ Trọng Thắng và Nguyễn Văn Thiện.

Ở Tây Nguyên những năm đầu sau giải phóng, việc đi lại rất khó khăn, tình hình an ninh rất phức tạp, đặc biệt lực lượng FULRO hoạt động ráo riết, điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng. Đã có những cán bộ địa chất lên Tây Nguyên công tác bị chúng bắt giữ và giết hại. Phó giáo sư Chu Văn Ngợi còn nhớ: Trước ngày lên đường, đoàn khảo sát nhận được thông tin có một đoàn cán bộ khoa Địa chất của trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đi khảo sát khối đá granite tại núi Phượng Hoàng ở Đà Lạt bị trúng đạn B41 của bọn FULRO, hai người chết, hai người bị thương. Trước tình hình đó, Bí thư chi bộ khoa Địa lý – Địa chất đã triệu tập các thành viên của đoàn để trao đổi, ông nói: “Tình hình hiện nay rất căng thẳng, việc đi khảo sát hay ở lại là do các đồng chí quyết định”. Phó tiến sĩ Nguyễn Cẩn thay mặt đoàn trả lời: “Chúng tôi đã nhận nhiệm vụ, chúng tôi quyết tâm lên đường thực hiện”[4]. Sau đó, đoàn làm thủ tục trước khi lên đường, mỗi người lĩnh 13kg lương thực (trong đó 40% là hạt kiều mạch), chuẩn bị tư trang gồm: ba lô, quần áo bảo hộ…, đồng thời nhận khoản tiền tạm ứng công tác phí và các vật dụng cần thiết như búa, bản đồ, địa bàn để phục vụ công việc khảo sát tại Tây Nguyên. Là trưởng đoàn, PTS Nguyễn Cẩn nhận công lệnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký và 4 khẩu súng K54, với cơ số đạn mỗi khẩu 10 viên, để trang bị cho 4 thành viên trong đoàn. Theo kế hoạch, đoàn có hai đợt thực địa: một đợt vào tháng 12 năm 1978 và một đợt vào đầu năm 1980. Đoàn cố gắng hoàn thành việc khảo sát trong hai đợt để sau đó tập trung vào công tác tổng kết đề tài.

Thực hiện đợt thực địa thứ nhất, đầu tháng 12 năm 1978, bốn cán bộ địa chất lên đường vào Tây Nguyên, đi trên một chiếc xe Uoat thuê của Đoàn xe 125. Vào đến Quảng Bình, đoàn gặp sự cố phải dừng lại ở Quán Hàu để giải quyết. Chuyện là, khi xe đang chạy, một bé gái đứng bên đường ném đá làm vỡ kính che cabin. Đoàn phải tìm gặp bố mẹ của em bé này và lập biên bản, xác nhận phương tiện bị hỏng không phải do lái xe, để sau này khi trở về Hà Nội có căn cứ cho lái xe đề xuất hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Sau một ngày rong ruổi trên đường, rời Hà Nội lúc sáng sớm, khoảng 7-8 giờ tối đoàn đã đến được thành phố Huế và nghỉ lại trong nhà khách của tỉnh. Tối hôm ấy, PTS Nguyễn Cẩn hướng dẫn cho cả đoàn cách sử dụng súng K54.

Sáng sớm hôm sau, đoàn rời Huế đi tiếp về phía nam, rồi theo đường 19 lên Plây Ku. Mọi người đều ngạc nhiên thấy có nhiều chiến sĩ bộ đội bồng súng AK đứng ở hai bên đường, người nọ cách người kia khoảng 500m, suốt từ đèo An Khê đến thị xã Plây Ku. Khi tới Plây Ku mới biết lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ an ninh để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về làm việc với tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Buổi tối hôm ấy, đoàn gặp lãnh đạo tỉnh và được biết tỉnh vừa triệt phá một nhóm FULRO có âm mưu cướp chính quyền. Tại thị xã Plây Ku, đoàn nghỉ ở khách sạn Thắng Lợi, một khách sạn do tỉnh quản lý, nhân viên là những chị em ở miền Bắc vào, trong phòng chỉ có giường chiếu và chiếc tủ đứng. Kỹ sư Chu Văn Ngợi được phân công lo việc hậu cần cho đoàn, có trách nhiệm liên hệ việc ăn uống và thanh toán với nhà ăn. Sáng hôm sau, đoàn gặp lãnh đạo phụ trách công tác khoa học kỹ thuật của tỉnh để trao đổi về nội dung khảo sát và kế hoạch làm việc của đoàn. Tỉnh tạo mọi điều kiện và cử hai anh công an đi cùng để bảo vệ đoàn.

Hành trình khảo sát đầu tiên là tuyến từ Plây Ku qua An Khê, Kon Plông, Đắc Tô, Plây Cần, Sa Thầy và kết thúc tại thị xã Kon Tum. Đoàn đi từ thị xã Plây Ku đến đèo An Khê rồi ngược lên phía bắc, theo hướng về huyện Kon Plông (nay thuộc tỉnh Kon Tum). Phó giáo sư Chu Văn Ngợi cho biết: Mục đích của hành trình này là khảo sát đặc điểm biến dạng, biến chất những khối đá cổ nhất ở Việt Nam, có niên đại từ 2 đến 3 tỷ năm, thuộc phức hệ Tu Mơrông (PR tmr) và Canăk (AR cn). Khối đá này trước kia người Pháp đã khảo sát và thể hiện trên bản đồ, căn cứ trên bản đồ đó đoàn tiến hành khảo sát ngoài thực địa[6]. Ngoài ra, đoàn còn khảo sát đặc điểm hình thái địa hình liên quan tới những vận động kiến tạo trong Kainozoi[7]. Ông không thể quên: Đường đi rất xóc, xe lắc lư và nhảy chồm chồm. Trong xe, mọi người bắn lên, rơi xuống liên hồi. Giữa trưa, đoàn nghỉ dưới vách đá có cây bụi ở cao nguyên Kon Hà Nừng (nay thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Phó tiến sĩ Nguyễn Cẩn, KS Tạ Trọng Thắng và tôi ngồi uống nước, KS Nguyễn Văn Thiện và hai đồng chí công an đứng cảnh giới ở hai đầu[8]. Trong lúc ngồi nghỉ, KS Thiện đã bấm máy chụp bức ảnh này. Sau khi nghỉ trưa, đoàn đi khảo sát tiếp lên phía bắc, chiều tối về nghỉ ở huyện lị Kon Plông.

Từ trái: Kỹ sư Tạ Trọng Thắng, KS Chu Văn Ngợi, PTS Nguyễn Cẩn trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, tháng 12-1978

Huyện Kon Plông khi đó rất nghèo, công sở đều làm bằng gỗ, tre, nứa. Đoàn khảo sát được bố trí ở tại một khu lán trại sơ sài. Bữa cơm rất đạm bạc, thức ăn chỉ có cá khô từ miền biển đưa lên, đem dầm với ớt và nước mắm.

Phó giáo sư Chu Văn Ngợi bộc bạch: Năm 1978, chúng tôi là những cán bộ trẻ. Mặc dù có kiến thức và đã được trải nghiệm khi thực hiện một vài đề tài khoa học trước đó, hoặc từng hướng dẫn sinh viên đi thực tế, nhưng Tây Nguyên là địa bàn hoàn toàn mới, chúng tôi được PTS Nguyễn Cẩn chỉ bảo và giúp đỡ nhiều về chuyên môn[9]. Những phương pháp nghiên cứu “truyền thống” về địa chất, địa chất cấu tạo, thạch học (như thu thập mẫu, đo đạc tại thực địa, chụp ảnh minh họa…) được đoàn áp dụng trong quá trình khảo sát tại Tây Nguyên. Mẫu vật thu được sẽ đưa về Hà Nội để phân tích.

Đoàn khảo sát làm việc tại Tây Nguyên trong điều kiện tình hình an ninh rất căng thẳng, bọn phản động FULRO thường trà trộn hoạt động trong dân. Vì thế, phải giữ bí mật lịch trình khảo sát. Công việc ngoài thực địa được thực hiện khẩn trương và mỗi người được phân công nhiệm vụ rõ ràng: trưởng đoàn Nguyễn Cẩn khảo sát chung, Chu Văn Ngợi mô tả điểm lộ, Nguyễn Văn Thiện thu thập mẫu đá, Tạ Trọng Thắng chụp ảnh; xong việc ở mỗi điểm khảo sát là lập tức lên xe di chuyển ngay. Phó giáo sư Chu Văn Ngợi nhớ lại, cũng do phải cảnh giác với bọn FULRO, nên: Chúng tôi không có điều kiện dừng lại lâu ở mỗi điểm khảo sát để tập trung nghiên cứu và trao đổi với nhau, mà phải làm hết sức khẩn trương. Trong suốt hành trình khảo sát, luôn có hai đồng chí công an địa phương đi cùng đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ[10].

Không chỉ vậy, đoàn còn phải lo việc phòng chống sốt rét. Trước đó đã có một số cán bộ khoa Địa lý – Địa chất vào Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ khảo sát tìm khoáng sản, khi về đều bị sốt rét nặng, thậm chí đi không vững và phải chống gậy. Để đề phòng, cả bốn anh em uống thuốc ký ninh đều đặn hàng tuần và khi ngủ phải mắc màn cẩn thận; Kỹ sư Chu Văn Ngợi còn có lọ dầu chống muỗi của một người bạn ở Bộ Y tế cho để mọi người xoa vào chân tay khi đi ngủ. Nhờ vậy, may mắn là cả đoàn không ai bị sốt rét.

Sau một đêm nghỉ lại ở huyện lị Kon Plông, sáng hôm sau đoàn tiếp tục hành trình khảo sát về hướng tây, đi qua Kon Rẫy, Đắc Hà. Trên đường, đoàn gặp một số đơn vị bộ đội làm kinh tế. Khi xem lò vôi của một đơn vị bộ đội khai thác đá và nung vôi ở huyện Đắc Hà, thấy năng suất rất thấp, vôi lẫn nhiều khối thủy tinh, nguyên nhân là do đá có lẫn nhiều quarzit, đoàn đã tư vấn cho đơn vị này không dùng đá trắng quarzit mà chọn loại đá hoa trắng để nung. Khi đến Plây Cần và Sa Thầy, đoàn tư vấn cho một đơn vị bộ đội để tìm đất sét làm gạch, thay vì dùng đất đỏ bazan không đảm bảo chất lượng gạch sau khi nung.

Ngoài tuyến khảo sát kể trên, đoàn thực hiện nhiều tuyến khảo sát khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum, đến được nhiều nơi: Ngọc Linh, Biển Hồ, Ya Li, Đắc Glây, Đức Cơ, Chư Sê, Ayun Pa. Sau đó, đoàn chuyển sang Buôn Ma Thuột để khảo sát các tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột – Đắc Mil; Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn – Ea Súp; Buôn Ma Thuột – Mđrắc; Buôn Ma Thuột – Lắc; Buôn Ma Thuột – Ea Hleo; Buôn Ma Thuột – Krông Bông.

Ngày 20 tháng 12 năm 1978, đoàn từ Buôn Ma Thuột chuyển sang Đà Lạt và tiến hành khảo sát một số điểm ở Lâm Đồng, như: đá bazan ở thác Pren, đá phun trào ở Đơn Dương… Đến nay PGS Chu Văn Ngợi vẫn nhớ, đoàn nghỉ lại một đêm tại khách sạn Duy Tân ở Đà Lạt . Phụ trách khách sạn là bác Nhuận, một cán bộ cách mạng nằm vùng, ông đã quản lý khách sạn này ngay sau ngày giải phóng. Cơ sở vật chất của khách sạn từ trước để lại còn tốt. Trời Đà Lạt lúc đó khá lạnh. Quang cảnh thành phố rất thơ mộng với những ngôi biệt thự được xây dựng trên địa hình tự nhiên, ẩn dưới hàng thông xanh…

Phó giáo sư Chu Văn Ngợi chia sẻ, thời kỳ ấy chế độ công tác kinh phí rất eo hẹp. Trước khi đi, mỗi người chỉ được tạm ứng một số tiền ở Hà Nội. Khi kết thúc đợt khảo sát, ngày 21-12-1978 đoàn từ Đà Lạt xuôi xuống thành phố Hồ Chí Minh và nghỉ tại khách sạn Kinh Đô trên đường Nguyễn Huệ. Tiền chỉ còn ít, trong khi ở khách sạn ăn uống đắt đỏ, nên đoàn chuyển sang ăn ở nhà ăn của Bộ Giáo dục tại cư xá Bà Huyện Thanh Quan. Hàng hóa ở thành phố Hồ Chí Minh phong phú, hấp dẫn, nhưng bốn cán bộ địa chất chỉ tham quan và ngắm nhìn. Cuối cùng, mỗi người trong đoàn mua được một ít xoài đem ra Hà Nội làm quà.

Với PGS Chu Văn Ngợi, chuyến công tác đầu tiên tại Tây Nguyên là chuyến đi rất đáng nhớ, bởi nó không chỉ giúp ông mở mang kiến thức về địa chất vùng Tây Nguyên, thấy được Tây Nguyên hùng vĩ, mà còn là dịp để ông có thêm hiểu biết về văn hóa của các dân tộc sinh sống tại đây. Nhờ có chuyến đi ấy, ông tận mắt thấy nhà rông, được biết một số phong tục của nhiều dân tộc, được thấy nhà mồ và tập quán chia của cho người chết, biết đến lễ hội đâm trâu, chế độ mẫu hệ. Đó cũng là dịp để ông nhận biết một thoáng về thực tế cuộc sống ở miền Nam sau giải phóng, kể cả khi ở thành phố Hồ Chí Minh, ông được chứng kiến đám tang nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, đoàn người đưa tiễn kín mặt đường suốt từ chợ Bến Thành đến Nhà hát lớn của thành phố, thể hiện tình thương vô hạn với người nghệ sĩ tài hoa.

Là nhà địa chất, PGS.TS Chu Văn Ngợi có cơ hội được đặt chân đến nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Mỗi nơi đều để lại trong ông những xúc cảm và kỷ niệm. Bức ảnh chụp trong chuyến đi khảo sát đầu tiên ở Tây Nguyên cuối năm 1978 mà ông đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một kỷ vật đặc biệt, nó gợi lại những hồi ức sâu đậm về một thời tuổi trẻ trên chặng đường dài nghiên cứu địa chất của ông.

Lê Nhật Minh – Nguyễn Thị Hiên

_____________________

*PGS.TS Chu Văn Ngợi, chuyên ngành Địa chất, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Kỹ sư Nguyễn Văn Thiện là cán bộ khoa Địa lý – Địa chất, sau chuyển công tác sang cơ quan khác.

[2] Phó tiến sĩ Nguyễn Cẩn sau là giáo sư, Phó hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thời kỳ 1993-1995. KS Tạ Trọng Thắng (1948-2012) là cán bộ giảng dạy khoa Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

[3] Năm 1975 sáp nhập tỉnh Kon Tum với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai – Kon Tum; năm 1991 tái lập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

[4] Báo cáo phỏng vấn PGS Chu Văn Ngợi, 13-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Đoàn xe 12 thuộc Cục Chuyên gia, Phủ Thủ tướng.

[6] Báo cáo hỏi thông tin PGS Chu Văn Ngợi, 5-4-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Báo cáo hỏi thông tin PGS Chu Văn Ngợi, 22-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Báo cáo hỏi thông tin PGS Chu Văn Ngợi, 5-4-2017, TL đã dẫn.

[9] Báo cáo hỏi thông tin PGS Chu Văn Ngợi, 5-4-2017, TL đã dẫn.

[10] Báo cáo hỏi thông tin PGS Chu Văn Ngợi, 5-4-2017, TL đã dẫn.