Bức ảnh gợi nhớ một đề tài phục vụ dân sinh

Than tổ ong là là loại chất đốt được sử dụng khá phổ biến trong đời sống, nhưng không phải ai cũng biết về sự ra đời của nó ở Việt Nam. Khi chúng tôi tìm hiểu đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất than tổ ong dùng cho gia đình” hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, PGS.TS Nguyễn Thế Dân* đã giới thiệu một bức ảnh đen trắng có kích thước 9,5 x 12,5cm, người trong ảnh chính là ông đang chế tạo than tổ ong tại phòng thí nghiệm của bộ môn Nhiên liệu, khoa Hóa học, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông không nhớ đích danh ai đã chụp, nhưng biết chắc đó là đồng nghiệp trong cùng bộ môn. Bức ảnh là kỷ vật còn lại nhắc ông nhớ về hai năm (1980 – 1982) ông và các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài ấy để góp phần giải quyết tình trạng thiếu chất đốt cho người dân.

Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến 1985 là thời kỳ kinh tế rất khó khăn, cuộc sống vẫn theo cơ chế bao cấp, các nhu yếu phẩm, kể cả chất đốt, đều do Nhà nước phân phối bằng hình thức tem phiếu. Đời sống của người dân thiếu thốn đủ thứ, trong xã hội đã xuất hiện bài vè phản ánh tình trạng đó thông qua việc nhắc tới những mặt hàng cụ thể, trong đó có dầu hỏa:

Nhất gạo, nhì rau
Tam dầu, tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có “đếch”
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê

Cái gì cũng thiếu…[1].

Thời bao cấp, ở thành phố chủ yếu sử dụng dầu hỏa làm chất đốt sinh hoạt, các đối tượng cán bộ, viên chức và công nhân được mua dầu hỏa với tiêu chuẩn mỗi người 4 lít/tháng. Khi đó, Việt Nam chưa có khả năng sản xuất dầu mỏ, lại không có nhiều ngoại tệ, nên phải mua chịu dầu mỏ của Algérie và Iraq. Vì có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam nên Algérie bán chịu dầu cho ta với lãi suất mỗi năm 0,6%, trong khi với các nước khác là 6%. Vậy nhưng nhà nước ta cũng không có khả năng trả nợ, nên đã phải cử chuyên gia sang làm việc ở Algérie để trừ nợ, đồng thời cũng là cách giúp các chuyên gia cải thiện kinh tế cho gia đình.

Trong thực tế, không phải ai cũng được hưởng chế độ phân phối dầu hỏa, thêm nữa, nhiều người có nhu cầu lớn hơn định mức phân phối, nên người dân còn dùng đến các loại chất đốt khác như củi, than hoa (loại than được tạo ra từ gỗ), than cục (còn gọi là than kíp lê, kích thước khoảng 3-10cm), than cám (loại than đá hạt nhỏ)… Mỗi loại chất đốt vừa kể đều có những điểm hạn chế nhất định. Than cám nếu để nguyên thì khó cháy và nhiệt lượng thấp, vì vậy người ta phải trộn than với bùn rồi nắm thành cục và ném lên cho dán vào mặt tường để chờ khô rồi mới đem sử dụng (vì thế còn gọi là than quả bàng). Than cục chỉ phù hợp cho những nhà ăn tập thể, một phần vì cần có diện tích rộng, nghĩa là không thích hợp với các hộ gia đình ở thành phố. Mặt khác, cả than cám và than cục đều không dễ mua, giá bán cũng cao. Còn việc dùng nhiều củi và than hoa sẽ dẫn đến hệ lụy khai thác gỗ làm ảnh hưởng tiêu cực đến rừng và môi trường sinh thái.

Năm 1979, vấn đề thiếu chất đốt ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần thứ hai diễn ra, dẫn đến giá dầu tăng cao. Việc mua chịu dầu mỏ càng trở nên bất lợi. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều than đá. Ngay năm ấy, theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Sở Thương nghiệp Hà Nội mời đoàn chuyên gia kỹ thuật của Nhật Bản sang giới thiệu dây chuyền sản xuất than tổ ong. Với tư cách Trưởng bộ môn Nhiên liệu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PTS Nguyễn Thế Dân đến dự buổi giới thiệu này tại khách sạn Hòa Bình. Ông nhận ra rằng, nếu nhập dây chuyền và công nghệ sản xuất than tổ ong của Nhật Bản thì Hà Nội phải có 4 dây chuyền cho 4 quận lúc bấy giờ: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Ba Đình; mỗi dây chuyền (gồm công nghệ, thiết bị và hướng dẫn) có giá 7,5 triệu USD, tình hình kinh tế ở thời điểm đó không cho phép mua được. Mặt khác, như PGS Nguyễn Thế Dân phân tích: Thành phần than tổ ong của Nhật Bản gồm: than cám, than hoa, chất kết dính là tinh bột, hóa chất dễ bắt cháy. Nhưng điều kiện của Việt Nam không thể đáp ứng các thành phần than tổ ong giống như của Nhật Bản. Người dân ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tinh bột làm chất kết dính![2].

Khoảng đầu năm 1980, UBND thành phố Hà Nội quyết định không mua dây chuyền sản xuất than tổ ong của Nhật, mà giao cho Sở Thương nghiệp ký hợp đồng với bộ môn Nhiên liệu để thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất than tổ ong dùng cho gia đình”. PTS Nguyễn Thế Dân làm chủ nhiệm đề tài, cùng các đồng nghiệp ở bộ môn gồm Chu Xuân Thản, Ngô Mỹ Ngọc, Lê Văn Hiếu, Phan Hữu Điển và Nguyễn Thị Thoa thực hiện đề tài này. Kể lại công việc hồi ấy, ông chia sẻ: Công viêc đầu tiên là phải nghiên cứu chế tạo than tổ ong trong phòng thí nghiệm, phải đưa ra nguyên liệu làm than tổ ong là gì, công nghệ sản xuất thế nào, phải tìm được chất kết dính vừa rẻ vừa sẵn có và tốt[3]. Với sự hỗ trợ của kỹ sư Nguyễn Thị Thoa trong việc đo nhiệt lượng các loại than, thông qua quá trình thí nghiệm, PTS Nguyễn Thế Dân quyết định sử dụng than cám số 6 làm nguyên liệu chính để sản xuất than tổ ong. Đây là loại than chất lượng thấp, nhiệt lượng chỉ khoảng 4500 – 4800 kilo calo/kg. Trong thực tế, người dân cũng dùng loại than này là chính, bởi than tốt hơn được ưu tiên cho các nhà máy, xí nghiệp.

Như PGS Nguyễn Thế Dân cho biết: Bên cạnh nguyên liệu làm than thì yếu tố quan trọng nhất để tạo thành viên than tổ ong là chất kết dính[4]. Bởi vậy, khi đó ông đã tìm hiểu các chất kết dính trong tài liệu của một số nước trên thế giới. Ở Nhật Bản, chất kết dính là destrin (làm từ tinh bột), còn một số nước khác dùng nước thải của nhà máy giấy hay nhựa đường… Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chất này không có sẵn hoặc không đủ điều kiện để dùng, buộc ông phải tìm ra loại chất kết dính khác. Ông đến bộ môn Công nghệ vật liệu Silicat ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội lấy mẫu đất sét về làm thí nghiệm. Theo ông giải thích: Trong đất sét có một số phân tử nước nên nó có tính kết dính. Khi nung đất sét ở khoảng 300-400 độ thì phân tử nước trong đất sét mất đi và hết chất kết dính[5].

Bức ảnh PTS Nguyễn Thế Dân làm thí nghiệm than tổ ong

Sau một thời gian nghiên cứu phối liệu và làm thí nghiệm, thành phần viên than tổ ong được xác định, như kỹ sư Nguyễn Thị Thoa cho biết: Viên than được chia làm hai lớp: Lớp chính gồm than cám và đất sét; lớp mồi ở dưới gồm trấu, vôi, nitrat[6]. Trước khi phối liệu, đất sét được phơi khô, sau đó dùng máy nghiền trục để nghiền cho nhỏ mịn, còn than cám được nghiền bằng máy nghiền búa rồi sàng để cho ra các loại hạt than khác nhau, sau đó trộn than với đất sét theo tỉ lệ 9 phần than và một phần đất sét.

Khi đã xác định được thành phần than tổ ong, PTS Nguyễn Thế Dân nghiên cứu để đưa ra thông số kỹ thuật và hình thức của viên than. Ông cho rằng, Nhật Bản là nước có khí hậu lạnh nên họ sử dụng than tổ ong chủ yếu để sưởi ấm, vì thế viên than chỉ có 10 lỗ, đường kính mỗi lỗ khoảng 1cm, nhằm hạn chế tốc độ cháy của viên than. Nhưng Việt Nam là nước nhiệt đới, mục đích sử dụng than tổ ong không phải là sưởi ấm, mà là chất đốt, nên viên than phải có nhiều lỗ hơn và kích thước lỗ phải lớn hơn than tổ ong của Nhật. Ông đưa ra thông số kỹ thuật cho viên than như sau: chiều cao 12cm, 19 lỗ thông gió, đường kính lỗ là 1,2cm, trọng lượng viên than 1,4kg. Viên than như vậy phù hợp cho những người đun nấu nhiều, còn với trường hợp đun nấu ít thì khá lãng phí. Bởi vậy, ngoài loại có trọng lượng 1,4kg, đề tài của ông làm ra thêm loại viên than 0,8kg. Kỹ sư Phan Hữu Điển đảm nhiệm việc tạo khuôn và làm lò đốt than trong phòng thí nghiệm: Khi viên than tổ ong đã có thông số kỹ thuật, tôi thiết kế lò và khuôn theo đó. Khi làm khuôn, tôi phải dựa vào lực ép viên than lên khuôn để thiết kế cho phù hợp, khuôn được làm bằng kim loại. Lò đốt được thiết kế làm hai loại, một loại dùng cho viên than 1,4kg và một loại để đốt viên than 0,8kg. Lò được làm bằng đất sét, bột gạch chịu lửa, amiang, chất kết dính, bao quanh lò là khung kim loại. Sau đó tôi đưa bản thiết kế xuống xưởng cơ khí của ĐH Bách khoa Hà Nội và kết hợp làm với họ. Sau khoảng 3 lần chỉnh sửa bản vẽ thông qua thực tiễn làm thì khuôn và lò đốt mới hoàn thành, công phu lắm![7].

Sau khi đã có nguyên liệu, khuôn và lò, nhóm thực hiện đề tài bắt đầu thí nghiệm than tổ ong tại phòng thí nghiệm của bộ môn. PGS Nguyễn Thế Dân kể lại quá trình đó: Tôi thí nghiệm gần hai năm trời. Tôi dùng than đun nước để xem một viên than đun được bao nhiêu lít nước sôi. Đôi khi tôi còn mang về nhà đốt thí nghiệm rồi cho hàng xóm nước sôi. Kết quả mỗi viên than đun sôi được 30 lít nước và cháy trong thời gian khoảng 5 – 6 giờ. Thông qua việc thí nghiệm, tôi đo hiệu suất nhiệt của viên than, tính ra lượng calo. May mắn là vợ tôi ủng hộ và giúp tôi trong việc đốt than thí nghiệm tại nhà[8].

Mặc dù vẫn phải đảm bảo công tác giảng dạy, nhưng ai cũng cố gắng thực hiện tốt đề tài. Khoảng giữa năm 1981, khi báo cáo kết quả nghiên cứu với Sở Thương nghiệp và UBND thành phố Hà Nội, nhóm đề tài biểu diễn đốt thử than ở bờ hồ Hoàn Kiếm, đốt cả hai cách: đốt từ dưới lên và từ trên xuống. Việc đốt than tổ ong sẽ tạo ra một lượng khí CO cực độc, vì vậy PTS Nguyễn Thế Dân đưa ra hai cách xử lý: Thứ nhất, khi nhóm lò, thấy than đã bén lửa thì lộn ngược viên than lại để cho than cháy từ trên xuống (cháy ngược), vì khi cháy từ trên xuống thì khí CO từ vùng nguội qua vùng nhiệt độ cao sẽ kết hợp với oxy tạo thành khí CO2 bớt độc hơn, còn nếu đốt than từ dưới lên thì càng lên cao nhiệt độ càng thấp, do đó CO ra ngoài và không phản ứng được với oxy, nên sẽ rất độc. Cách xử lý thứ hai là sản xuất nắp lò bằng đất chịu nhiệt để bán cho dân. Loại nắp này dày 3-4cm, có một lỗ thoát khí trung tâm có đường kính khoảng 4cm, xung quanh đó có khoảng 10 lỗ thoát khí phụ, đường kính 1,2cm. Nắp có tác dụng hướng cho khói lò thoát lên và trực tiếp tiếp xúc với đáy nồi. PGS Nguyễn Thế Dân nói thêm về cái nắp lò: Nắp bằng đất giữ nhiệt nên trừ lỗ ra thì toàn bộ nhiệt được phản xạ xuống phía dưới bề mặt viên than, làm cho nhiệt độ đạt trên 800 độ, nên khí CO và oxy dễ dàng phản ứng với nhau tạo ra CO2, do đó loại trừ đáng kể lượng khí CO độc hại thoát ra[9]. Tuy nhiên, vì nắp lò dễ vỡ, nhất là khi vận chuyển, nên sau này không sản xuất ra nữa và người tiêu dùng cũng không sử dụng.

Sau khi thử nghiệm thành công than tổ ong trong phòng thí nghiệm, đầu năm 1982, Sở Thương nghiệp Hà Nội cho triển khai sản xuất thử ở Công ty chất đốt Hà Nội. Việc sản xuất than tổ ong bằng phương pháp thủ công vừa tốn sức lao động, lại không đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, PTS Nguyễn Thế Dân kết hợp với PTS Trịnh Chất – Chủ nhiệm bộ môn Chi tiết máy ở khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, để chế tạo máy ép than tổ ong. Nay ông Trịnh Chất vẫn nhớ: Tôi cùng đồng nghiệp trong bộ môn Chi tiết máy đã thiết kế và chế tạo chiếc máy ép than tổ ong. Do ĐH Bách khoa không có xưởng chế tạo, mà bộ môn Chi tiết máy chỉ có máy tiện để làm một số chi tiết máy, nên chúng tôi phải nhờ máy chuyên dụng ở xưởng sản xuất khác. Sau 3 tháng, chiếc máy ép than tổ ong được hoàn thành và đưa vào sử dụng,đáp ứng được chất lượng viên than và tăng năng suất làm than tổ ong[10]. Đây là chiếc máy ép than tổ ong đầu tiên ở Việt Nam với công suất 90 viên/giờ, nó được đánh giá cao và giành giải nhì trong Hội thi ngành than toàn quốc năm 1984. Sau đó, PTS Trịnh Chất viết bài “Máy ép than”, đăng trên báo Khoa học và đời sống (số 18, tháng 9-1984).

Đồng thời, PTS Nguyễn Thế Dân kết hợp với giảng viên Đoàn Dụ ở bộ môn Hóa thực phẩm, cũng thuộc khoa Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội, để chế tạo lò đốt than tổ ong bán cho người dân. Về chuyện này, PGS Nguyễn Thế Dân chia sẻ: Lò đốt phải đảm bảo lượng nhiệt phục vụ cho người dùng một cách triệt để và phải điều chỉnh được tốc độ đốt. Muốn điều chỉnh tốc độ đốt thì phải làm cửa gió, ở cửa gió có miếng tôn có thể dịch chuyển để điều chỉnh độ rộng hẹp của cửa. Lò đốt có quai xách, và có que gắp than đi kèm. Chính vì có cửa gió điều chỉnh tốc độ đốt và có nắp đậy lại để ủ than rồi sau đó dùng tiếp được, nên sau này người dân không thích sử dụng than tổ ong loại 0,8kg/viên, mà sử dụng loại 1,4kg/viên là chính[11].

Khi làm thí nghiệm, viên than bao gồm các thành phần như đã nói ở trên. Tuy nhiên, khi triển khai sản xuất hàng loạt thì nguyên liệu đơn giản hơn, chỉ gồm đất sét và than cám. Với thành phần đã giảm thiểu như vậy, nhiệt lượng sinh ra không đổi nhưng việc nhóm lò cần nhiều thời gian hơn. Việc bớt đi lớp mồi là nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nhanh hàng loạt và cũng có tác dụng tiết kiệm chi phí. Để quy trình sản xuất đạt hiệu quả, các cán bộ thực hiện đề tài thay nhau xuống Công ty Chất đốt Hà Nội hướng dẫn công nhân làm than tổ ong. KS Phan Hữu Điển kể lại: Chúng tôi thay nhau xuống tận nơi hướng dẫn cho công nhân làm. Chúng tôi phải làm công việc chân tay nhiều, vì không phải lúc nào công nhân cũng làm theo đúng yêu cầu của mình. Cuộc sống khó khăn thời ấy cũng không ảnh hưởng đến tinh thần làm việc tích cực của họ, như hồi ức của KS Nguyễn Thị Thoa: Chúng tôi hướng dẫn công nhân sản xuất đến tận 22h rồi mới về nhà ăn tối. PTS Nguyễn Thế Dân mặc dù là chủ nhiệm đề tài, cuộc sống cũng khó khăn, đôi khi còn không có mỳ để ăn nhưng ông vẫn lăn lộn, nhiệt tình hướng dẫn công nhân. Đề tài đã sản xuất đồng thời cả hai loại than tổ ong. Tuy nhiên, do viên than 0,8kg và viên than 1,4kg cùng mất công sản xuất như nhau, nhưng loại nhỏ do thấp và mỏng nên dễ vỡ hơn, vì thế ảnh hưởng đến năng suất và lợi ích kinh tế cho người sản xuất. Mặt khác, viên than 1,4kg và viên than 0,8kg đều mất công nhóm lò giống nhau, nhưng viên than 1,4kg nếu không dùng hết thì có thể ủ để sau lại đun nấu tiếp, nên phần đông người dùng thích loại viên than lớn hơn.

Việc nghiên cứu sản xuất than tổ ong đã có khó khăn, nhưng việc đưa than tổ ong vào đời sống lại khó khăn hơn, PGS Nguyễn Thế Dân nhớ lại chuyện này: Tôi có cậu em họ là kỹ sư, biết tôi làm đề tài chế tạo than tổ ong nên cậu ấy đến nhà làm ầm lên, vì tâm lý của người dân lúc đó không muốn dùng than, nó không tiện lợi như dùng dầu… Nếu sản xuất than thành công thì các gia đình phải đun than, mà đun dầu sạch hơn, nhanh hơn than, nên người dân phản ứng ác liệt lắm, lúc đó chúng tôi cũng cảm thấy buồn![12]. Tuy nhiên, Sở thương nghiệp Hà Nội động viên nhóm cán bộ thực hiện đề tài và cơ quan này chịu trách nhiệm tiêu thụ than tổ ong. Đợt sản xuất đầu tiên, Sở Thương nghiệp cho sản xuất khoảng 500 viên than rồi cung cấp cho hàng cháo, phở, nước sôi… dùng thử. Kết quả, như ông cho biết: Rất may, phản ứng từ việc sử dụng than của những người bán cháo, phở, nước… là tốt, nên sau đó người dân cũng dần dần sử dụng than tổ ong. Sở Thương nghiệp Hà Nội phân phối than tổ ong cho các cơ sở bán chất đốt ở Hà Nội rồi phân phối qua tem phiếu cho người dân. Đồng thời Sở Thương nghiệp Hà Nội còn khuyến khích người dân, nếu họ dùng than tổ ong thì sẽ được mua thêm than ngoài phần phân phối chất đốt hàng tháng. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, than tổ ong đã được người dân trong cả nước dùng[13].

Đây là một thành công trong việc giải quyết nhu cầu chất đốt của nhân dân, có ý nghĩa lớn về kinh tế. Tuy vậy, đối với những người thực hiện đề tài thì kinh phí rất ít ỏi: Sau khi kết thúc đề tài, kinh phí cho nhóm thực hiện chẳng được là bao. Kinh phí cho đề tài chỉ đủ cho những người làm đề tài liên hoan phở lúc mở đầu và kết thúc đề tài. Riêng tôi là Chủ nhiệm đề tài thì được thêm 2,5m vải Tiệp để may quần[14]. KS Nguyễn Thị Thoa cũng chia sẻ tương tự về tình cảnh đó: Kinh phí cho đề tài ít lắm, chả đáng kể!. Chúng tôi làm đề tài xuất phát từ sự say sưa với công việc và mục đích phục vụ nhân dân là chính.

Từ đề tài này, PTS Nguyễn Thế Dân đã viết một số bài nghiên cứu, như: “Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ chất kết dính lên độ bền cơ của viên than tổ ong” (tập san Hóa học, 1981); “Nghiên cứu ảnh hưởng của thành phần cỡ hạt lên độ bền cơ của viên than tổ ong” (tập san Hóa học, 1982)… Sau khi kết quả đề tài áp dụng vào đời sống, PTS Nguyễn Thế Dân được Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác mời đến báo cáo về đề tài than tổ ong. Không chỉ vậy, sản phẩm than tổ ong được tặng Huy chương Vàng tại Hội chợ Triển lãm kinh tế quốc dân ở Giảng Võ, Hà Nội, do Sở Thương nghiệp Hà Nội tổ chức năm 1982. PTS Nguyễn Thế Dân còn được Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo năm 1984. Đồng thời, tập thể cán bộ tham gia đề tài được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tặng Bằng khen ngày 10-12-1984 vì đã có thành tích đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống.

Ngày nay, than tổ ong không còn được sử dụng nhiều nữa, nhưng trong một thời gian dài trước đây, than tổ ong đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu chất đốt cho người dân. Bức ảnh PTS Nguyễn Thế Dân làm thí nghiệm chế tạo than tổ ong được ông ép plastic và cất giữ cẩn thận suốt 35 năm qua. Mỗi lần nhìn bức ảnh, ông hồi tưởng lại quãng thời gian ông cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công một đề tài mang tính ứng dụng tức thời như kể trên, đó cũng là chuyện của một giai đoạn làm khoa học đầy khó khăn, nhưng rất hăng hái, vô tư và có nhiều kỷ niệm. Ngày 13-6-2016, ông đã tặng bức ảnh này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Lê Thị Hoài Thu

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

* PGS.TS Nguyễn Thế Dân, chuyên ngành Hóa học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nhiên liệu, khoa Hóa học (nay là Viện Kỹ thuật hóa học), trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

[1] http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/co-mot-thoi-nhu-the-cai-doi-thoi-bao-cap.html

[2] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thế Dân, 11-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[5] Hỏi thông tin PGS Nguyễn Thế Dân, 11-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Hỏi thông tin kỹ sư Nguyễn Thị Thoa, 16-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, tất cả những lời chia sẻ của KS Nguyễn Thị Thoa đều trích dẫn từ tài liệu này.

[7] Hỏi thông tin kỹ sư Phan Hữu Điển, 16-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, tất cả những lời kể của KS Phan Hữu Điển đều trích dẫn từ tài liệu này.

[8] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu đã dẫn. Vợ ông là TS Tưởng Thị Hội, cán bộ giảng dạy bộ môn Quá trình và thiết bị công nghệ hóa – thực phẩm, khoa Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội.

[9] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[10] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Trịnh Chất, 17-4-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Phỏng vấn PGS Nguyễn Thế Dân, 13-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Hỏi thông tin PGS Nguyễn Thế Dân, 11-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[14] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thế Dân, 11-8-2016, tài liệu đã dẫn.