Bức ảnh thời làm con nuôi ở Liên Xô

Bức ảnh đen trắng cỡ 8,6cm x 15,2cm, được chụp năm 1961 bằng máy cơ dùng phim, nay đã cũ và ố, nhưng hình nhìn vẫn khá rõ. Trong ảnh, chàng sinh viên Phan Văn Hạp đứng giữa bố và mẹ nuôi là người Nga ở Sochi, một thành phố du lịch nổi tiếng bên biển Đen của Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay. Cả bố và mẹ nuôi đều đã về thế giới bên kia từ lâu, còn sinh viên Phan Văn Hạp hồi ấy đã trở thành một giáo sư toán học uy tín ở Việt Nam, nhưng ông không bao giờ quên lãng những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ khi làm con nuôi của một gia đình ở đất nước bạch dương xa xôi.

Sinh viên Phan Văn Hạp và bố mẹ nuôi

Tháng 6-1959, Phan Văn Hạp tốt nghiệp khoa Toán – lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông cùng 4 sinh viên trong khoa là Nguyễn Đống, Hoàng Hữu Như, Đào Huy Bích và Nguyễn Hữu Ngự được cử sang Liên Xô học chuyển tiếp chương trình đại học.

Ngày 7-9-1959, đoàn Việt Nam gồm 21 sinh viên ĐH Tổng hợp và 15 sinh viên ĐH Bách khoa lên tàu và xuất phát từ ga Hàng Cỏ, đi qua Trung Quốc để sang Liên Xô. Khi tới Moskva, đoàn được đón về nghỉ tại ký túc xá trường Điện, rồi sáng hôm sau được phân về các trường đại học khác nhau; theo đó, 5 sinh viên khoa Toán – lý về trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva, mang tên Lomonosov.

Kỳ nghỉ hè năm 1961, Phan Văn Hạp không về nước mà đăng ký tham gia sinh hoạt tại một trại hè ở Sochi, cùng với sinh viên các nước XHCN đang được đào tạo tại trường Tổng hợp Lomonosov. Ngay ngày đầu tiên đến Sochi, đoàn sinh viên đã được các em thiếu nhi dự trại hè ở đây tiếp đón rất nhiệt tình và tổ chức một buổi diễn văn nghệ giao lưu với các anh, các chị tới từ Moskva. Những em nhỏ khoảng 10 tuổi trở xuống thì hát bài “Chiều Moskva”, còn những em lớn hơn hát bài “Thời thanh niên sôi nổi” hay bài “Đất nước Nga tươi đẹp”… Đoàn sinh viên cũng tham gia một số tiết mục văn nghệ để đáp lại tình cảm của các em. Riêng sinh viên Việt Nam chuẩn bị sẵn trang phục và dụng cụ để biểu diễn điệu múa sạp của dân tộc Thái. Nam mặc quần áo bộ đội, nữ mặc váy áo Thái và cũng búi tóc trên đỉnh đầu như các cô gái Thái, tất cả cùng hát “sòn sòn sòn đô sòn” và cầm tay nhau nhảy múa trong tiếng gõ của từng đôi khúc cây gỗ nhỏ. Các anh chị sinh viên Việt Nam còn hát bài “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác chưa lâu, và bài “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao.

Cũng trong buổi giao lưu văn nghệ hôm ấy, có cô bé Liubova múa rất đẹp phụ họa cho bài hát “Chiều Moskva”. Liubova 12 tuổi, gương mặt ngây thơ với đôi má ửng hồng, mặc váy hoa ngắn trên đầu gối và áo sơ mi cộc tay. Cô bé chăm chú và thích thú xem các anh chị sinh viên biểu diễn. Kết thúc buổi giao lưu, cô bé chạy đến gặp sinh viên Hạp rồi hỏi tên và ngỏ ý kết bạn. Liubova tíu tít như quen biết đã lâu, hỏi dồn dập hết chuyện này đến chuyện khác, đại loại như: Anh là người Việt Nam à? Anh hát hay thế! Em rất thích anh! Ở Việt Nam chiến tranh như thế nào? Mọi người sống như thế nào? Nhà anh có mấy anh chị em? Anh có nhớ nhà không?…

 

Phan Văn Hạp (thứ 2 từ phải) cùng các bạn khi tham gia trại hè ở Sochi, 1961

Sau một hồi trò chuyện, Liubova mời anh Hạp khi có dịp thì về nhà cô bé chơi, nhà cách đó khoảng 20km. Gần một tuần sau, cô bé đưa anh Hạp về nhà bằng xe bus. Xe tới nơi tầm 10 giờ trưa, đỗ ngay trước cửa nhà, cả gia đình đã đứng sẵn để đón khách. Bà mẹ cô bé tên là Belova Tachiana Ivanovna, vốn là một bác sỹ quân đội và được phong tặng danh hiệu Anh hùng, tay cầm bó hoa to tặng chàng sinh viên Phan Văn Hạp. Một bầu không khí thân thiện, chân tình, khiến cho anh tuy lần đầu tiên gặp gia đình cô bé Liubova, nhưng cứ ngỡ như đây là gia đình quen thuộc của mình. Bà Belova xởi lởi: Con bé Liubova rất quý con, con bé nói rằng nếu không mời được con về thăm nhà thì thật có lỗi. Hôm nay, gia đình ta coi đây là một buổi họp gia đình để nhận một thành viên mới. Con đồng ý làm con của ta nhé!. Rồi bà vồn vã giới thiệu: Đây là anh của con, anh ấy tên là Ghêna, hơn tuổi con và đang là thủy thủ. Hôm nay vì con đến thăm gia đình nên ta đã gọi anh con về để biết mặt người em mới. Còn đây là chị của con. Chị ấy tên là Tachiana và đang đi học. Còn 3 đứa còn lại đều là các em của con. Đứa này là Liubova con đã biết, thằng này là Xegioza, còn đứa nhỏ này là Masa. Còn đây là bố của con, là chồng của ta nhưng là chồng thứ hai, nhớ nhé! [1]. Chồng của bà ngồi trầm ngâm, không nói nhiều. GS Hạp nhận xét, đàn ông Liên Xô là vậy, ít nói nhưng cũng rất tình cảm.

Bữa trưa hôm ấy, bà Belova tự tay làm nhiều loại bánh ngọt và bày biện những chiếc bánh trông đẹp mắt. Bà cũng tự tay thái mỏng bơ rồi rắc lên bánh. Đến bữa, theo tập quán Nga, người bố ngồi ở vị trí đầu bàn ăn, còn mọi người có thể ngồi chỗ nào tùy ý. Cô bé Liubova và cậu bé Xegioza cứ quấn lấy người anh Việt Nam và đòi ngồi hai bên anh. Bữa ăn của người Nga không ồn ào như bữa ăn ở Việt Nam nhưng rất ấm cúng. Khoảng gần 1 giờ trưa thì xong bữa, cả gia đình cùng chụp ảnh kỷ niệm, bức ảnh Phan Văn Hạp đứng giữa bố và mẹ nuôi được chụp hôm ấy. Ngay sau đó, anh và cô bé Liubova vội vã tạm biệt cả nhà để trở lại trại hè. Người mẹ Liên Xô gói những chiếc bánh ngọt mình đã tự tay làm để cho người con Việt Nam mang theo, nhưng Phan Văn Hạp từ chối vì muốn để lại cho các em. Trên đường trở lại trại hè, ngồi trên xe bus, anh vẫn đắm chìm trong cảm giác lâng lâng đón nhận tình cảm gần gũi và yêu thương của gia đình mẹ nuôi dành cho mình.

Kể từ đó, sinh viên Phan Văn Hạp và gia đình người mẹ nuôi thường xuyên liên hệ với nhau qua những lá thư. Tình cảm nồng ấm của cha, mẹ, các anh và em ở Sochi trở thành chỗ dựa tinh thần quý báu cho anh trong hoàn cảnh đang sống xa nhà, xa quê hương Việt Nam. Đặc biệt, mẹ Belova và hai em Liubova, Xegioza quan tâm đến anh hơn hết. Thư nào cũng thế, mẹ Belova hỏi thăm tình hình học tập và động viên anh học tập. Bà rất tự hào mỗi khi biết người con nuôi Việt Nam ở Moskva đạt kết quả học tập tốt.

Năm 1962, Phan Văn Hạp bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp đại học với số điểm ưu. Bố và mẹ nuôi dành cho anh phần thưởng là vé máy bay khứ hồi giữa Moskva và Sochi. Anh liền đáp chuyến bay về Sochi thăm gia đình. Máy bay hạ cánh lúc tối muộn, cả bố nuôi, mẹ nuôi cùng hai em Liubova và Xegioza mang theo bó hoa tươi đã đợi sẵn ở sân bay. Vậy là một năm rồi Phan Văn Hạp mới được gặp lại gia đình của mình ở Sochi. Vẫn như trước, hai đứa em nhỏ tíu tít cười nói với anh. Người bố nuôi vẫn vẻ trầm ngâm cố hữu, ông lặng lẽ xách đồ giúp anh. Còn người mẹ nuôi cứ như đã xa cách mấy chục năm rồi giờ mới gặp lại con. Cả gia đình vui vẻ trò chuyện suốt từ sân bay về nhà.

Lần này, Phan Văn Hạp ở nhà bố mẹ nuôi một tuần. Đó là khoảng thời gian vô cùng đẹp và không thể quên. Anh được bố nuôi đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh của Sochi. Anh nhớ mãi vườn cây lưu niệm, nơi những người nổi tiếng khi đến thì được trồng một cây gì đó, và ông bố Liên Xô đã giới thiệu với anh về cây cam do Bác Hồ trồng.

Cũng như lần trước tiếp đón người con nuôi Việt Nam, bà Belova lại tự tay làm những món ăn ưa thích. Bà sang hàng xóm xin sữa bò về làm bơ và chế biến những món cần có sữa. Bà dọn một phòng riêng sang trọng cho Phan Văn Hạp ở.

Sau khi Phan Văn Hạp trở lại trường, mối liên hệ qua thư được tiếp nối đều đặn: Chúng tôi trao đổi với nhau những câu chuyện trong cuộc sống sinh hoạt, học tập và cả những câu chuyện về gia đình[2].

Trở lại Moskva, Phan Văn Hạp được khoa Toán, trường ĐH Tổng hợp Lomonosov đề nghị ở lại làm nghiên cứu sinh. Thời gian này, anh phải học nhiều và bận làm luận án nên không có thời gian nghỉ để về thăm gia đình ở Sochi, nhưng anh vẫn thường viết thư gửi về cho mẹ nuôi để thông báo tình hình học tập. Biết tin con được giữ lại học tiếp, mẹ Belova rất tự hào.

Năm 1965, Phan Văn Hạp bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và chỉ có thời gian chưa đầy một tuần để làm thủ tục hành chính và chuẩn bị trước khi về nước. Anh không kịp về Sochi, mà chỉ viết thư thông báo mọi việc cho gia đình mẹ nuôi biết. Sau khi về Việt Nam, anh kết hôn với cô hàng xóm tên là Nguyệt và đến tháng 4-1966 có con gái đầu lòng. Anh đặt tên cho con là Phan Thị Quỳnh Nga, để nhớ đến nước Nga, người Nga với bao kỷ niệm tốt đẹp và sâu sắc. Nhận được tin “lên chức bà nội”, bà Belova liền mua nhiều loại thuốc bổ gửi về Việt Nam cho cháu. Khi Quỳnh Nga được 6 tháng tuổi, Phan Văn Hạp gửi cho mẹ nuôi bức ảnh chụp cả gia đình nhỏ của anh. Bà Belova gửi bức ảnh này đến tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Oгонёк). Khi ghi chú thích tên của từng người trong ảnh, bé Quỳnh Nga được bà gọi là Rosa-Rossia, nghĩa là “bông hồng Nga”. Bức ảnh sau đó được đăng vào đầu năm 1967.

Ngay trong năm 1967, PTS Phan Văn Hạp được cử sang Viện Liên hiệp hạt nhân Dubna làm cộng tác viên 3 tháng. Theo ông kể lại, trước khi trở lại Liên Xô, ông đã viết thư báo tin cho gia đình mẹ nuôi và hứa sẽ về thăm khi có thời gian rảnh. Nhưng rồi bà Belova không đợi Phan Văn Hạp về thăm, bà cùng hai con là Liubova và Xegioza đến thành phố Dubna ở Moskva để gặp con nuôi. Bà thuê nhà nghỉ và ở đó 3 ngày. Hai mẹ con kể cho nhau nghe bao chuyện về cuộc sống của hai đất nước, còn Liubova và Xegioza thì vẫn giành nhau ghế ngồi cạnh anh Hạp.

GS Phan Văn Hạp cho biết, ông không ngờ rằng đó là lần cuối cùng được gặp mẹ và các em kết nghĩa của mình. Khoảng cuối năm 1980 mẹ mất, rồi bố cũng qua đời. Bức thư cuối cùng ông nhận được là thư của người anh cả báo tin về việc hai cụ đã ra đi, khiến tim ông như thắt lại. Năm 1991, ông có dịp trở lại Sochi, nhưng không được gặp lại những người thân ở đây. Những người hàng xóm ở đó cho biết, sau khi hai cụ qua đời, các con của hai cụ đã chuyển đi nơi khác sinh sống và họ không thông báo chỗ ở mới.

Cầm bức ảnh trên tay, GS Phan Văn Hạp Hạp trầm ngâm và tâm sự: Bức ảnh là kỷ vật cuối cùng về người mẹ Liên Xô mà tôi còn giữ được. Nhiều khi, ngắm nhìn bức ảnh mà những kỷ niệm về bố, mẹ và các anh em ở Liên Xô lại ùa về. Gia đình mẹ nuôi cũng như người dân Liên Xô, họ luôn sống tình cảm. Và có thể khẳng định rằng, họ dành một tình cảm vô cùng đặc biệt cho người Việt Nam, yêu thương và che chở như với những người con, người em của mình[3]. Thời gian đã trôi qua khoảng nửa thế kỷ, vẫn sâu đậm trong tâm trí của GS.TS Phan Văn Hạp một tình cảm nồng đậm và sâu lắng đối với đất nước Liên Xô và con người nước Nga, đặc biệt là ký ức đẹp về gia đình người mẹ nuôi ở Sochi.

 

Hoàng Thị Kim Phượng

_____________________

* GS.TS Phan Văn Hạp, chuyên ngành Toán học, nguyên Hiệu phó phụ trách đào tạo, kiêm Chủ nhiệm khoa Toán – cơ của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

[1] Phỏng vấn GS.TS Phan Văn Hạp ngày 1-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] [3] Phỏng vấn GS.TS Phan Văn Hạp ngày 1-7-2016, tài liệu đã dẫn.