Bức ảnh màu vẫn còn mới do được gìn giữ cẩn thận trong gần 20 năm qua. Ảnh khổ lớn (39cm x 22,5cm), thấy rõ vẻ phấn khởi của PGS Nguyễn Văn Hợp và PTS Nguyễn Bính đang nhận bằng khen từ Phó Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Tại lễ trao giải Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 1997, hai thầy trò được nhận giải nhất bởi công trình chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng. Đằng sau bức ảnh là câu chuyện dài về quá trình lao động gian nan và nỗ lực không mệt mỏi để có được thành quả này.
PGS Nguyễn Văn Hợp (thứ 3 từ trái), PTS Nguyễn Bính (thứ tư từ trái) nhận Bằng khen tại Lễ trao giải thưởng, 3-4-1997
Khoảng đầu năm 1970, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một số trạm trộn bê tông năng suất 25 tấn/giờ, lắp đặt ở Lào Cai, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Đến đầu những năm 1980, một số trạm đã bị hỏng, do đó một nhóm giảng viên khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải, gồm các thầy Vũ Thế Lộc, Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Bính được mời tham gia sửa chữa. Tuy nhiên, như một người trong cuộc là Nguyễn Bính đã tâm sự, thực chất là vừa sửa vừa tìm tòi nghiên cứu, vì không biết nhiều về loại thiết bị này![1].
Năm 1985, PTS Nguyễn Văn Hợp thực hiện dự án làm cầu trục ở Quảng Ninh. Năm 1986, PTS Nguyễn Văn Hợp và kỹ sư Nguyễn Bính chủ trì làm dàn cầu trục ở Nhà máy Dệt Nam Định. Khi kết thúc dự án này, nhóm nghiên cứu được trả tiền công bằng vải, chăn bông, vỏ chăn, sau đó đem bán lại để lấy tiền chi trả cho việc thực hiện công trình. Cuối năm 1986, hai thầy trò lại kết hợp với nhau thiết kế xe nấu nhựa đường cơ động cho khu Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, và như ông Nguyễn Bính cho biết: Công trình này kết thúc cũng là lúc chúng tôi hết việc và rơi vào tình trạng đói.
Trong cuộc gặp mặt giới văn nghệ sĩ năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có phát biểu một ý mà sau đó đã trở thành phương châm hành động trong cuộc sống: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu![2]. Thời điểm đó, ở khoa Cơ khí, bộ môn Máy xây dựng tổ chức cuộc họp bàn về việc kiếm thêm thu nhập vì cuộc sống quá khó khăn. Tại cuộc họp, Chủ nhiệm bộ môn là PTS Vũ Thế Lộc đưa ra ý tưởng làm đồ chơi trẻ em, có người lại nghĩ ra hướng sản xuất bia… Hai giảng viên Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Bính suy nghĩ khác, như ông Nguyễn Bính còn nhớ: Chúng ta là dân cơ khí, chúng ta cần làm những việc liên quan đến chuyên ngành.
Sau đó, bắt đầu quá trình lao vào tìm cách cải thiện cuộc sống. PGS Nguyễn Bính kể lại: Từ đây chúng tôi bắt đầu công cuộc tự cứu mình, đầu tiên chúng tôi lên ý tưởng thiết kế hệ thống thang máy chở người trong các tòa nhà cao tầng. Hai thầy trò được một đồng nghiệp là Nguyễn Hữu Chí cho biết ở Cái Lân, Quảng Ninh có một thang máy, nên liền nghĩ tới việc đến Quảng Ninh để tìm hiểu. Trong tâm trạng hồ hởi, PTS Nguyễn Văn Hợp trình bày ý tưởng của mình trước cuộc họp của bộ môn, nhưng không được ủng hộ. Thời ấy, các việc làm thêm như nghiên cứu khoa học hay làm công trình là phải có tập thể, nhưng hai thầy trò lại không nhận được sự ủng hộ của tập thể trong việc này. Giảng viên Nguyễn Bính tỏ ra nản lòng, nhưng thầy Hợp đã động viên và quyết: hai người cũng là tập thể!. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đặt ra: làm như thế nào?, làm ra ai mua?, lấy tiền ở đâu để làm?.
Với quyết tâm thực hiện ý tưởng kể trên, PTS Nguyễn Văn Hợp đã vay tiền và cử Nguyễn Bính cùng em trai là Nguyễn Bồng[3] đi khảo sát ở Cái Lân. Ngay hôm sau, hai anh em Nguyễn Bính mang theo cơm nắm, muối vừng lên đường từ khi trời còn chưa sáng, quá trưa mới đến cảng Cái Lân. Quanh cảng vắng vẻ, nắng nóng ngột ngạt. Mệt mỏi, hai anh em rẽ vào đền Cái Lân xin nước uống. PGS Bính vẫn nhớ, nước được chứa trong một bể rất nhỏ, không có ai để xin, nhưng vì khát nên liều uống. Sau khi dò hỏi, cuối cùng cũng tìm ra nơi có chiếc thang máy, nhưng đó lại là thang máy chở hàng. Tuy vậy, trong khi đi tìm kiếm thang máy, hai anh em vô tình phát hiện ra một một số cụm máy của trạm trộn bê tông nhựa nóng do Liên Xô viện trợ. Nó có ký hiệu D508, bị bỏ hoang và bị hư hại nhiều, một số bộ phận đã bị mất. Cuối ngày, hai anh em trở lại Hà Nội. PTS Nguyễn Văn Hợp và KS Nguyễn Bính trao đổi với nhau rồi nghĩ tới việc mua số thiết bị này về để khôi phục lại.
Việc xác định chủ nhân của các cụm máy kia không dễ, chỉ biết đó là máy do Liên Xô cung cấp cho dự án xây dựng khu sản xuất bột mỳ Cái Lân từ năm 1971, nhưng dự án không đi vào hoạt động nên bị bỏ hoang. Mất nhiều công tìm hiểu, PTS Hợp mới được biết cỗ máy này thuộc Bộ Nông nghiệp quản lý. Ông đến Bộ đặt vấn đề xin mua lại. Đúng lúc cần kíp tiền thì trời cứu chúng tôi – như ông Nguyễn Bính chia sẻ, bởi thời điểm đó, bộ môn Đường bộ vừa hoàn thành một số công trình nên có tiền. Thầy Hợp dùng uy tín của mình vay trường số tiền đó và chia ra làm hai phần: một phần dùng mua máy trộn bê tông cũ của Bộ Nông nghiệp, phần còn lại chi vào việc vận chuyển cỗ máy.
Khâu vận chuyển từ Quảng Ninh về Hà Nội rất nan giải. Hai thầy trò phải đo tính diện tích, thể tích của từng cụm máy rồi tính toán cẩn thận loại xe phù hợp và số lượng xe cần thiết để chở hết khối lượng máy móc. Nhờ vậy, chỉ cần 9 xe ô tô KAMAZ tải trọng 9-12 tấn đã chở hết số thiết bị này. Phải mất hai ngày mới chuyển xong máy về Hà Nội. Hai thầy trò mượn sân của trường Đại học Giao thông vận tải làm nơi tập kết máy, sau đó thuê thợ từ nhiều nơi về sửa chữa; một số bộ phận hỏng nhiều thì được mang đến các xưởng ở khu vực Hà Nội để gia công.
Tham gia vào việc phục hồi máy trộn bê tông, 4 người con của PTS Nguyễn Văn Hợp (Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Xuân Hiển, Nguyễn Xuân Hiên) và em trai của KS Nguyễn Bính là Nguyễn Bồng cũng được huy động. Ngoài ra, còn có một số thợ hàn và 4 sinh viên chuyên ngành Cơ khí nữa. Khi số tiền vay của trường đã sử dụng hết, PTS Hợp thêm một lần nữa lại phải dùng uy tín cá nhân để vay tiền của bạn bè với lãi suất mỗi tháng gần 10%.
Sau 6 tháng rưỡi, công việc khôi phục trạm trộn bê tông đã hoàn thành khoảng 50%, nhưng chưa thấy có đơn vị nào hỏi mua, trong khi số tiền lãi đã tăng lên rất nhiều. PTS Hợp và KS Bính bắt đầu lo sợ về khoản nợ, đến nỗi như ông Bính kể lại: Thời điểm đó, nếu không bán được trạm trộn bê tông, không trả được nợ thì có khi phải tự tử. Vì lo nghĩ nhiều nên PTS Hợp phát bệnh đau đầu, còn KS Bính bị đau dạ dày. Nhưng rồi trời lại cứu chúng tôi – PGS Bính nhớ lại, Công ty Công trình đô thị ở Nam Định do ông Trần Công Đơ làm Giám đốc muốn mua máy trộn bê tông và đã liên hệ với nhóm của PTS Hợp thông qua giới thiệu của một người làm trong ngành giao thông là kỹ sư Nguyễn Văn Thịnh. Đang lúc vô cùng căng thẳng, việc có khách hàng tìm đến được ông Bính ví như có người cứu mình. Vậy là thầy trò PTS Hợp nhanh chóng thực hiện giao dịch với công ty này, sau một tháng thì nhận được tiền đặt cọc. PTS Hợp cho sử dụng số tiền đó để trả tiền lãi và một phần tiền gốc đang nợ.
Kể từ khi ký được hợp đồng bán trạm trộn bê tông nhựa, tinh thần làm việc của cả nhóm càng quyết tâm hơn, ông Nguyễn Bính còn nhớ, khi ấy nhóm đã thực hiện phương châm lấy trường làm nhà (ở trường từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm), lấy văn phòng (của Trưởng khoa Cơ khí) làm trụ sở. Quá trình khôi phục trạm trộn bê tông, khó nhất là khôi phục bộ phận điều khiển bán tự động cơ điện. Bộ phận này bị hỏng hoàn toàn, rất khó khôi phục, mà không mua được bộ phận thay thế. Trước tình hình đó, KS Nguyễn Tiến Hưng quyết định nghiên cứu để chế tạo mới hoàn toàn. Nguyễn Tiến Hưng là kỹ sư thông tin tín hiệu, nhưng đam mê về điện tử và đã từng lắp ráp thuê tivi nên có kiến thức về vấn đề này. Không chỉ bộ phận điều khiển, cả nồi nấu nhựa đường bị hỏng cũng gây khó khăn lớn. Ban đầu, PTS Hợp và KS Bính tưởng việc sửa chữa nó đơn giản. Nhưng khi tháo ra, hai thầy trò mới phát hiện hệ thống ống lửa truyền nhiệt có tác dụng đốt nóng bên trong bị nứt một đoạn. Tuy đã nhờ thợ hàn bậc 7 về xử lý, nhưng hàn rồi mà vết nứt vẫn không kín được, đành phải thay thế bộ phận bị nứt, và phải rút bộ phận đốt nóng ra khỏi nồi rồi mới thay được. Sau đó, hai thầy trò lại đau đầu với việc tìm thiết bị phun lửa cho bồn nấu nhựa (còn gọi là đầu đốt). KS Bính đã phải đi Hòa Bình rồi vào Nghệ An để học hỏi và tìm cách chế tạo.
Sau 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với Công ty Xây dựng đô thị Nam Định, công việc khôi phục trạm trộn bê tông hoàn thành. Tiếp nhận máy xong, Công ty Xây dựng đô thị Nam Định gửi trả nốt tiền theo thỏa thuận. Số tiền này dùng để trả hết số nợ tồn đọng, đồng thời trả thù lao cho công nhân và sinh viên, phần còn lại chia cho mọi người trong nhóm. Lần đầu tiên trong đời, KS Nguyễn Bính có nhiều tiền như vậy, nên đã mua được chiếc xe máy Honda cup 82 cũ với giá 1,9 cây vàng.
Kết thúc công trình trạm trộn bê tông nói trên, hai thầy trò cùng nhau làm tiếp một số công trình khác. Sau năm 1990, giao thông ở nước ta bắt đầu phát triển mạnh, Cục Đường bộ Việt Nam có chủ trương khôi phục các tuyến quốc lộ bị hư hỏng, đặc biệt là quốc lộ 1A. Trong một bài đăng trên tạp chí Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ Việt Nam Lê Ngọc Thạch đưa ra ý tưởng trải một lớp bê tông mỏng lên mặt đường thay cho công nghệ vá láng. Tuy điều kiện kinh tế không cho phép trải lớp bê tông dày khoảng 20cm theo tiêu chuẩn của thế giới, nhưng chỉ cần trải một lớp khoảng 3cm cũng đảm bảo cho đường hoạt động được trong thời gian nhất định. Đón nhận thông tin đó, nhiều công ty có ý tưởng sản xuất loại máy trộn bê tông phục vụ cho kế hoạch nói trên. Công ty Cơ khí công trình có trụ sở tại 199 – Minh Khai, Hà Nội, do KS Lê Nguyên Trường làm Giám đốc, đã mời PGS Vũ Thế Lộc và PGS Nguyễn Văn Hợp làm cố vấn để sản xuất loại máy này.
Ngay những ngày đầu làm việc cùng nhau tại Công ty Cơ khí công trình, PGS Lộc và PGS Hợp đã có ý tưởng về việc sản xuất loại máy trộn bê tông nhựa nóng giống với máy trộn của các nước đang sử dụng. Hai ông gửi văn bản trình bày ý tưởng chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng lên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lã Ngọc Khuê[4]. Sau đó, Bộ tổ chức cuộc hội nghị do chính Thứ trưởng Lã Ngọc Khuê chủ trì, có sự tham gia của Tổng giám đốc các công ty xây dựng đường bộ ở khu vực Hà Nội và đại diện các cơ quan nhà nước liên quan. Hội nghị này nhằm trao đổi về vấn đề Việt Nam có đủ điều kiện để chế tạo hệ thống trạm trộn bê tông nhựa nóng hiện đại hay không. Hai ông Nguyễn Văn Hợp và Vũ Thế Lộc được mời lên trình bày ý tưởng. Những người có mặt tại hội nghị không tin tưởng vào khả năng thực hiện như hai vị phó giáo sư thuyết trình. PGS Hợp đã nói đến công trình phục hồi trạm trộn bê tông của Liên Xô do nhóm của mình thực hiện năm 1987, nhưng cũng không thuyết phục được. Ông Hợp kể lại lập luận của những người phản bác như sau: Trạm trộn bê tông mà PGS Hợp phục hồi có công suất nhỏ, hệ thống điều khiển bán tự động, chưa phải là tự động hoàn toàn giống như máy của các nước trên thế giới, và ông cho biết: Sau một ngày thảo luận, hội nghị đã kết luận: Việt Nam chưa đủ trình độ để tự chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng hiện đại[5]. Vì thế, sau đó PGS Vũ Thế Lộc không theo đuổi ý tưởng này nữa.
Mặc dù vậy, như PGS Nguyễn Văn Hợp tâm sự: Việc đồng nghiệp rút khỏi đề tài, rồi Bộ Giao thông vận tải không đồng ý, đã không làm tôi nản chí. Tôi tự tin mình có đủ khả năng làm được loại máy này và rủ học trò Nguyễn Bính tham gia cùng. PGS Nguyễn Bính cũng thổ lộ: Khi đó, tôi cũng chưa hiểu sâu về loại máy này để có thể thiết kế và chế tạo được toàn bộ hệ thống máy, vì trạm trộn bê tông nhựa nóng rất phức tạp và để chế tạo được thì cần có nhà máy, cần xây dựng quy trình công nghệ cụ thể, nhưng cũng làm liều. Hai thầy trò lao vào đọc các sách liên quan đến loại máy này. Thời điểm đó, cũng may là trường Đại học Giao thông vận tải có sẵn các sách của Liên Xô, và chúng tôi đã tìm đọc. Cùng với kinh nghiệm đã có, chúng tôi càng quyết tâm hơn.
Khoảng năm 1992, Công ty Cơ khí ô tô 1-5 do ông Nguyễn Văn Thục[6] làm Giám đốc rơi vào tình trạng hoạt động cầm cự và đang chuẩn bị phá sản, tổng cộng công nhân và nhân viên nhà máy chỉ còn lại 70 người và hưởng mức lương khoảng 70.000 đồng/tháng. Sau khi nghe PGS Nguyễn Văn Hợp nói về mong muốn hợp tác với Công ty Cơ khí ô tô 1-5 để chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng, Giám đốc Thục liền quan tâm, và như PGS Nguyễn Văn Hợp diễn tả, ông Thục coi đây là cơ hội để cứu Công ty. Ông Hợp và ông Thục thảo luận về việc tìm kinh phí. Do Công ty Cơ khí ô tô 1-5 khó khăn nên chỉ có thể lo được 50%, phần còn lại nhóm của PGS Hợp phải tự lo. Một lần nữa, nhóm của PGS Hợp lại phải tìm cách lo nguồn kinh phí, chủ yếu là dùng uy tín của mình để vay tiền và chấp nhận chịu mức lãi khoảng 10%/tháng.
Kể về chuyện ấy, PGS Nguyễn Bính lại nói tới sự may mắn: Như được trời cứu thêm lần nữa, vì đúng lúc đó, Giám đốc Công ty Xây dựng công trình giao thông 246 là ông Phạm Công Mên đặt mua của Công ty Cơ khí ô tô 1-5 trạm trộn bê tông nhựa nóng đầu tiên. Nhưng ông Mên ra điều kiện: Nếu các anh làm được trạm bê tông nhựa nóng thì tôi sẽ mua với điều kiện là giá gốc, giá không lãi. PGS Bính tiết lộ thêm: Ở thời điểm đó, có người mua máy đã là tốt rồi, Công ty 246 như bà đỡ mát tay cho đứa con tinh thần đầu tiên của chúng tôi.
Tham gia dự án lần này, PGS Hợp cũng mời thêm cả con trai là KS Nguyễn Tiến Hưng. Khi bắt tay vào chế tạo, khó khăn đầu tiên là linh kiện máy rất hiếm. PGS Nguyễn Văn Hợp giải quyết bằng cách tận dụng các bộ phận máy móc cũ để chế tạo lại, ví dụ như xi lanh khí nén, phải lấy xilanh thủy lực của máy xúc rồi cải tạo lại. Một số bộ phận phải mua mới, nhưng cũng không thể mua được, như van điện khí, thì phải tự nghiên cứu và chế tạo. Ban đầu, PGS Nguyễn Văn Hợp đến trường Đại học Bách khoa Hà Nội đặt vấn đề chế tạo vỏ van điện bằng vật liệu phi kim loại để tránh nhiễm từ, nhưng vì giá thành cao, nên ông quyết định tự nghiên cứu chế tạo. Ông còn nhớ: Vì không có vật liệu phi kim loại nên chúng tôi quyết định sử dụng hợp kim nhôm để thay thế. Để chế tạo được vỏ van điện khí, tôi đã đến làng Ngũ Xã chuyên đúc đồng (thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) để thuê đúc, sau đó nhờ một thợ cơ khí bậc 7 gia công lại, ông ta vốn là công nhân có tay nghề cao và đã nghỉ hưu. Về hệ thống điều khiển, tôi tin tưởng giao cho con trai là Nguyễn Tiến Hưng nghiên cứu chế tạo.
Sau 9 tháng nghiên cứu kết hợp với sản xuất, nhóm đã hoàn thành công trình trạm trộn bê tông nhựa nóng đầu tiên. Công trình này được thiết kế theo mô hình đứng và hoạt động theo nguyên lý cưỡng bức chu kỳ có năng suất 25 tấn/giờ và cơ chế hoạt động bán tự động. Sau đó, phải mất 3 tháng nhóm mới lắp đặt thành công trạm trộn trên móng bê tông cố định. Móng là bộ phận giữ thăng bằng cho máy, đảm bảo cho máy hoạt động dù rung, lắc hay gió mạnh cũng không bị đổ. Theo PGS Nguyễn Bính, ưu điểm của trạm trụ cố định là chắc chắn, nhưng nhược điểm là khó lắp, không di động và mất thời gian. Ngay từ thời điểm chế tạo trạm trộn bê tông đầu tiên, chúng tôi đã có tham vọng tìm phương án khác thay thế phương án lắp máy trên móng bê tông cố định để tiết kiệm thời gian và chi phí. Và từ đó, nhóm bắt đầu lao vào nghiên cứu.
Kết thúc thành công công trình máy trộn bê tông đầu tiên, nhóm nghiên cứu đặt kế hoạch thiết kế công trình tiếp theo có năng suất 30 tấn/giờ, đồng thời có ý tưởng chuyển hệ thống điều khiển từ bán tự động sang hoạt động tự động hoàn toàn. Cũng từ đây, KS Nguyễn Bính và PGS Nguyễn Văn Hợp nghĩ đến phương án lắp đặt trạm bê tông nhựa nóng trên móng thép nổi thay thế móng bê tông cố định. Móng thép nổi ưu điểm ở chỗ có thể di động và dễ lắp đặt, nhưng nhược điểm là không đủ chắc chắn. Nhóm nghiên cứu tiến hành tính toán và lắp đặt thử móng thép nổi. Khoảng 8 tháng sau, trạm trộn bê tông nhựa nóng 30 tấn/giờ hoàn thành với phương thức điều khiển tự động hoàn toàn. Tuy nhiên, lúc đó vẫn chưa dám đưa mô hình móng thép nổi vào sử dụng, vì còn phải chờ thử nghiệm thêm trong những điều kiện thời tiết khác nhau.
Năm 1994, khi nghiên cứu và chế tạo thành công loại trạm trộn bê tông nhựa nóng 40 tấn/giờ, nhóm đã quyết định đưa móng thép nổi vào hoạt động. Móng thép nổi gồm nhiều khối, trong đó quan trọng nhất là hai khối chính ở dạng hình hộp rỗng, dài 6m, có khả năng chịu uốn, và được đặt tự do trên nền đất. Cùng thời gian này, nhóm mạnh dạn đưa công trình móng thép nổi của mình đi tham dự triển lãm quốc tế ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Sau đó, công trình này được lắp đặt cho Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng, để phục vụ việc xây dựng con đường từ Hà Nội lên Hòa Lạc (nay là đại lộ Thăng Long). PGS Nguyễn Bính kể lại: Ngày đó, nhóm lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa nóng cách Hà Nội khoảng 13-14km, trực tiếp Tư lệnh Binh đoàn 12 đến kiểm tra. Nhìn móng thép nổi có vẻ không chắc chắn, ông ấy bắt nhóm phải ký vào bản cam kết có nội dung: nếu trạm trộn bị lật thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vì đã có thời gian thử nghiệm ở nhiều điều kiện khác nhau nên nhóm đã tự tin ký vào bản cam kết. Công trình này đi vào hoạt động mà không có bất kỳ trục trặc nào.
Không dừng lại ở đó, nhóm của PGS Nguyễn Văn Hợp còn nghiên cứu nâng năng suất của trạm trộn bê tông nhựa nóng lên 60 tấn/giờ, rồi đến 80 tấn/giờ. Khi nhóm nghiên cứu đến công trình 80 tấn/giờ, trường Đại học Giao thông vận tải đã cho nhóm làm đề tài T97 – một đề tài cấp trường có liên quan đến công trình này, với kinh phí được cấp 10 triệu đồng. Đề tài đó chính là cơ sở để PGS Nguyễn Văn Hợp làm hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (giải thưởng VIFOTEC).
Thời gian ấy, Bộ Giao thông vận tải nhập một số trạm trộn bê tông loại 80 tấn/giờ của hãng Đông Sung, Hàn Quốc, có giá gần 6 tỷ đồng, còn máy của Đức là 16 tỷ và máy của Nhật là 8 tỷ. Nhận thấy việc nhập máy ngoại quá đắt, PGS Nguyễn Văn Hợp và PTS Nguyễn Bính[7] đến gặp Thứ trưởng Giao thông vận tải Lã Ngọc Khuê để xin Bộ ủng hộ cho việc chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng năng suất 80 tấn/giờ tại Việt Nam. Hai ông khẳng định, trong thời gian 3 tháng, nhóm sẽ chế tạo thành công trạm trộn này, giá thành chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Song, kiến nghị của hai ông đã không được chấp nhận.
Mặc dù không nhận được sự ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải, nhưng nhóm vẫn tự tin và tiếp tục hợp tác với Công ty Cơ khí ô tô 1-5. PGS Nguyễn Văn Hợp cùng nhóm của mình khẩn trương bắt tay vào việc thiết kế và chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 80 tấn/giờ. Trong thời kỳ chế tạo công trình này, công nhân Công ty Cơ khí ô tô 1-5 thường phải làm việc mỗi ngày tới 14 giờ. Tất cả những bản vẽ do bộ phận thiết kế chuyển đến đều được công nhân gấp rút triển khai chế tạo, không kịp qua khâu kiểm duyệt.
Ngoài những giờ ngồi thiết kế, nhóm phải ra công trường làm cùng công nhân. Có lần PTS Bính bị mảnh thép đang hàn bắn vào gót chân, phải nhón chân vẫn dính mảnh thép chạy đến vũng nước gần đó cho nguội đi rồi mới dám gỡ mảnh thép ra, sau đó hàng tháng vết thương mới lành. Một lần, khi kiểm tra bộ phận nấu nhựa đường, KS Hưng vặn quá tay nên gây kích nổ, nắp ống khói của nồi bay văng hàng chục mét, cả hai chân của KS Hưng bị bỏng và phỏng rộp. Tuy vậy, anh chỉ nghỉ vài ba hôm rồi nhờ PTS Bính và công nhân dìu lên ca bin điều khiển để lắp các linh kiện điện, có hôm anh làm đến 2-3 giờ sáng mới nghỉ. Trong một lần mải mê làm việc cùng công nhân, đến 10 giờ đêm PTS Bính và KS Hưng mới rời xưởng, về đến cầu Thăng Long thì đã khuya và gặp một trận mưa lớn, như ông Bính kể lại: Mây đen vần vũ kín bầu trời, từng cơn gió như muốn quất đổ người đi trên cầu, mưa dội như trút nước. KS Hưng liều mình qua cầu, còn tôi quay lại cây xăng ở gần cầu trú mưa. Phải đến 1 giờ sáng tôi mới về được đến nhà, trong tình trạng người run cầm cập vì đói và rét.
Đầu năm 1997, đề tài T97 – nghiên cứu thiết kế chế tạo trạm trộn bê tông nhựa nóng năng suất 80 tấn/giờ đã hoàn thành. Sau đó, PGS Nguyễn Văn Hợp làm hồ sơ gửi đến hội đồng xét duyệt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và kết quả được nhận giải nhất. Cả nhóm vui mừng và tự hào. Tới nhận giải thưởng, chỉ có PGS Hợp và PTS Bính, còn KS Hưng bận việc tại Công ty Cơ khí ô tô 1-5 nên không có mặt. Kể lại hôm nhận giải thưởng, PGS Bính cho biết: Do buổi sáng hôm đó chúng tôi còn bận công việc ở ngoài công trường nên khi vội trở về dự buổi lễ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không kịp chuẩn bị gì, bộ vest thì mặc từ trước, đôi giày thì bị phủ kín bụi đất và không kịp lau sạch.
Sau công trình trạm trộn bê tông nhựa nóng năng suất 80 tấn/giờ, nhóm của PGS Nguyễn Văn Hợp tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp lên thành trạm trộn bê tông nhựa nóng có năng suất 104-120 tấn/giờ vào năm 2004.
Nhìn lại quyết định của thầy Nguyễn Văn Hợp về việc khôi phục trạm trộn bê tông cũ của Liên Xô, TS Nguyễn Bính khẳng định: Đó là quyết định rất sáng suốt. Quyết định này đã giúp chúng tôi thoát khỏi cái đói. Không những thế, kể từ khi chúng tôi mang máy và thiết bị về trường đã tạo công ăn việc làm cho một số cán bộ, giáo viên, còn sinh viên thì được tham gia thực tập. Có nhiều em đã trưởng thành vững vàng khi ra trường công tác, sau này một số đã làm giám đốc hay chủ doanh nghiệp.
Hai thầy trò PGS Nguyễn Văn Hợp cảm thấy hạnh phúc nhất là công trình trạm trộn bê tông nhựa nóng đã mang lại nhiều lợi ích. Cả PGS Hợp và PGS Bính đều nói đến hai tác động tích cực nổi bật của công trình này: Thứ nhất là giúp khôi phục lại Công ty Cơ khí ô tô 1-5. Công ty từ chỗ hoạt động cầm chừng với 70 công nhân và nhân viên, đã tăng lên khoảng 2.000 công nhân, được phép đóng xe bus và rồi trở thành đơn vị Anh hùng[8]. Thứ hai là tiết kiệm được ngoại tệ cho đất nước. Bộ Giao thông vận tải không phải nhập máy của nước ngoài, sử dụng máy nội địa vẫn đảm bảo chất lượng mà giá lại thấp hơn nhiều.
Nhìn nhận lại về công trình trạm trộn bê tông nhựa nóng do hai thầy trò đã thực hiện được bằng trí tuệ và nghị lực từ gần 30 năm trước, PGS Nguyễn Bính tự hào cho rằng: Có thể nói, mỗi một hệ thống của trạm trộn bê tông nhựa nóng khi nghiên cứu và chế tạo thành công đều có thể xem như là kết quả của một đề tài khoa học công nghệ, còn PGS Nguyễn Văn Hợp hài lòng và tâm đắc khi thừa nhận: Đó là công trình mà tôi cảm thấy tự hào nhất.
Hoàng Thị Kim Phượng – Lê Nhật Minh
_____________________
* PGS.TS Nguyễn Văn Hợp và PGS.TS Nguyễn Bính đều thuộc chuyên ngành Cơ khí, đều từng làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm máy xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.
[1] Phỏng vấn PGS Nguyễn Bính, 12-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của ông Bính đều trích dẫn từ tài liệu này.
[2] Cuộc nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được đăng trên tuần báo Văn nghệ, số 42, ngày 17-10-1987.
[3] Nguyễn Bồng, còn gọi là Nguyễn Bằng, là thợ cơ khí bậc 6 của Công ty Vạn Xuân.
[4] Ông Lã Ngọc Khuê là tiến sỹ khoa học ngành toa xe đường sắt, trước đó từng làm Chủ nhiệm khoa Cơ khí, trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.
[5] Phỏng vấn PGS Nguyễn Văn Hợp, 31-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của ông Hợp đều trích dẫn từ tài liệu này.
[6] Ông Nguyễn Văn Thục là anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và cùng học đại học với ông Nguyễn Văn Hợp, nên hai người là bạn của nhau đã từ lâu.
[7] Cuối năm 1994, KS Nguyễn Bính bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) tại trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.
[8] Từ năm 1994 đến 2010, Công ty Cơ khí ô tô 1-5 đã chế tạo và cung cấp cho các đơn vị trên cả nước khoảng 500 trạm trộn bê tông nhựa nóng có năng suất từ 30 tấn/giờ đến 104 tấn/giờ, ngoài ra còn góp phần chủ yếu vào việc phát triển hệ thống đóng ô tô ở Việt Nam.