Bùi Huy Đáp – Nhà chiến lược tài ba của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam (*)

Thuộc lớp học trò của ông, tôi rất tự hào về những lời tôn vinh tốt đẹp của mọi người dành cho người thầy đáng kính của mình. Không những thế, khi có dịp nhìn lại toàn bộ những chặng đường phát triển của nền nông nghiệp đất nước từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến nay, tôi còn nhìn thấy ở ông tầm vóc một nhà chiến lược tài ba của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam. Với tôi, ngoài trí tuệ thiên bẩm, GS Bùi Huy Đáp là người luôn tỉnh táo, sáng suốt trước thời cuộc, nắm chắc các quy luật của tự nhiên, xã hội để đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, tạo nên bước phát triển mạnh mẽ, đột phá cho nền nông nghiệp nước nhà. Có thể thấy được điều này qua một số sự việc sau đây:

1. Người đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam

Trước hết cần phải nói rằng, trong cuộc đời hoạt động khoa học khá dài, hơn 55 năm, thời gian chuyên trách quản lý công tác đào tạo của GS Bùi Huy Đáp chỉ chiếm một phần nhỏ, không quá 6 năm, từ 1956 đến 1961, khi ông là Giám đốc Đại học Nông lâm, tiếp theo là Phó Giám đốc Học viện Nông lâm. Ông được coi như là người đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp nước nhà. Sự ghi nhận này là hoàn toàn có căn cứ, nếu chúng ta nhìn lại thực trạng và những bước đi đầu tiên của công cuộc này sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Như chúng ta đã biết, thời kỳ trước cách mạng, công việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật nói chung và cho ngành nông nghiệp nói riêng đều nằm trong tay chính quyền bảo hộ của người Pháp. Đối với ngành nông nghiệp, trong suốt thời kỳ đô hộ, người pháp mới mở được 2 trường Trung học Canh nông ở Bến Cát (cho phía Nam) và Tuyên Quang (cho phía Bắc), tiếp đó là trường Đại học Nông Lâm Đông Dương ở Hà Nội. Các cơ sở đào tạo này ra đời khá muộn, vào giữa những năm 30 của thế kỷ trước. Riêng trường Đại học Nông Lâm Đông Dương mãi đến năm 1938 mới khai giảng khóa học đầu tiên. Thời gian hoạt động của các cơ sở đào tạo này cũng không dài, vì sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9 tháng 3 năm 1945), cả ba ngôi trường này đều phải đóng cửa và ngừng hoạt động. Có thể hình dung với quy mô đào tạo khá hạn chế (chỉ vài chục người mỗi khóa) và thời gian hoạt động ngắn như vậy thì số lượng người Việt Nam được đào tạo từ đây là không nhiều, còn xa mới đáp ứng được nhu cầu đội ngũ kỹ thuật cho một nước nông nghiệp như Việt Nam. Nhất là sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ từ buổi trứng nước đã phải gồng mình đương đầu với 3 thách thức sống còn là “Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”[1]. Để chống được “giặc đói” lúc bấy giờ đồng thời chuẩn bị đủ lương thực để nuôi quân đánh giặc, chúng ta không có con đường nào khác là phải tự lực, tự cường, vận động, chỉ đạo toàn dân “tăng gia sản xuất”, phát triển nông nghiệp. Đó là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề, trước hết là nhu cầu về cán bộ kỹ thuật nông nghiệp là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết.

Chính tại thời khắc cam go đó, ở cương vị Tổng thư ký Bộ Canh nông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kỹ sư Bùi Huy Đáp, lúc đó mới 26 tuổi, đã nghĩ ngay đến việc mở trường để gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp đất nước. Ý tưởng táo bạo song rất đúng đắn này đã được các cấp lãnh đạo nhiệt tình ủng hộ. Kết quả là trường Trung học Canh nông Huế, cơ sở đào tạo cán bộ ngành nông nghiệp đầu tiên của nước ta đã được ra đời vào tháng 11 năm 1946, ngay tại địa điểm của Sở Canh nông Trung Kỳ, nơi kỹ sư trẻ Bùi Huy Đáp đã từng làm việc tập sự thời trước Cách mạng. Điều đáng nói là để thu hút nhanh người học, mọi học sinh trúng tuyển vào đây đều có chế độ học bổng. Đồng thời để rút ngắn thời gian đào tạo trong vòng 1 năm, nhà trường chủ trương tuyển sinh trong nhóm đối tượng đã học hết năm thứ 3 thành chung trở lên (tương đương tốt nghiệp cấp II bây giờ) để không phải mất thời gian học kiến thức cơ bản. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, nhờ vậy mà khóa I của trường Trung học Canh nông Huế đã khai giảng đúng kỳ hạn và vận hành trôi chảy. Rất tiếc là mọi nỗ lực đáng ngợi khen đó đã phải tạm ngừng khi mặt trận Bình – Trị – Thiên bị vỡ vào đầu năm 1947. Song sự dang dở này cũng không phải kéo dài quá lâu vì chỉ mấy tháng sau, ngôi trường này đã được tái lập trên mảnh đất Phủ Quỳ, Nghệ An để tiếp nối hoạt động. Người hồi sinh nó không ai khác ngoài kỹ sư Bùi Huy Đáp, lúc này đang nắm giữ trọng trách Trưởng ban Canh Nông Liên khu IV. Không chỉ là người khởi xướng, tổ chức, biên soạn nội dung, chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy, kỹ sư Bùi Huy Đáp sau đó còn bố trí, giới thiệu lứa sản phẩm đào tạo đầu tiên này sau khi họ tốt nghiệp về làm việc hiệu quả tại các Ty canh nông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Thắng lợi bước đầu này đã gây hiệu ứng vết dầu loang trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của nước Việt Nam kháng chiến. Với mô hình thành công ở Liên khu IV, Chính phủ ta đã cho mở tiếp trường Trung học Canh nông Liên khu V vào cuối năm 1947 tại Quảng Ngãi và trường Trung học Canh nông Việt Bắc vào cuối năm 1948 tại Phú Hộ, Phú Thọ.

Với 3 cơ sở đào tạo này, bài toán về nguồn cán bộ kỹ thuật cho ngành nông nghiệp bước đầu đã được tháo gỡ. Đã đến lúc nhà nước ta nghĩ đến việc xây dựng cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp để phát triển khoa học kỹ thuật của ngành. Theo chủ trương này, vào đầu năm 1952, kỹ sư Bùi Huy Đáp đã được điều từ Liên khu IV lên chiến khu Việt Bắc để đảm trách chức Viện trưởng Viện Trồng trọt.

Lực lượng cán bộ của Viện lúc đó còn rất mỏng và yếu, chỉ có 3 kỹ sư, vài tham tá (tương đương trình độ cao đẳng bây giờ) được đào tạo từ thời Pháp, còn lại phần lớn là cán bộ kỹ thuật trung cấp trẻ vừa mới tốt nghiệp ở các trường Trung học Canh nông Liên Khu IV và Việt Bắc. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ như vậy, cùng với việc tổ chức, xây dựng các phòng, ban nghiên cứu, kỹ sư Bùi Huy Đáp đã rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ tại chỗ cho cán bộ, nhân viên của Viện bằng cách mở lớp bổ túc, cập nhật kiến thức do ông chủ trì, mỗi tuần một buổi và tiến hành  liên tục quanh năm. Có thể nói đây là một giải pháp rất sáng tạo, thể hiện tư duy của người thầy Bùi Huy Đáp trong chiến lược đào tạo và xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Một cột mốc rất đáng nhớ là không bao lâu sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, vào năm 1956, Chính phủ ta đã quyết định thành lập 5 trường Đại học trọng điểm của đất nước là Y dược, Tổng hợp, Sư phạm, Bách khoa và Nông lâm và bổ nhiệm các vị Giám đốc đầu tiên. Đáng nói là trong 5 vị Giám đốc được đích thân Hồ Chủ Tịch ký quyết định bổ nhiệm lúc đó, bên cạnh các nhà khoa học đã khá nổi danh như Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum, Phạm Huy Thông, thầy Bùi Huy Đáp là gương mặt trẻ nhất, lúc đó mới 37 tuổi. Song có thể khẳng định đó là sự lựa chọn hoàn toàn chính xác của Đảng và Nhà nước. Dù lúc đó đã có một số nhà khoa học Nông, Lâm nghiệp tên tuổi vừa được đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc tốt nghiệp về nước, nhưng khó ai có tầm tư duy, tài năng, kinh nghiệm và nhất là lòng tâm huyết với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Nông, lâm nghiệp của đất nước hơn GS Bùi Huy Đáp.

Phẩm chất lãnh đạo nơi ông không chỉ bộc lộ ở khả năng tổ chức, điều hành hiệu quả một trường Đại học từ những bước đi đầu tiên và từ hai bàn tay trắng mà còn thể hiện rõ nét ở quan điểm xây dựng, phát triển nhà trường dài hạn lúc bấy giờ. Ông đã dám phản bác chủ trương của một số người có trách nhiệm lúc đó muốn sáp nhật các cơ sở nghiên cứu nông, lâm nghiệp vào trường Đại học Nông Lâm để hình thành Học viện Nông Lâm với kỳ vọng trở thành một trung tâm giảng dạy, nghiên cứu lớn mạnh hơn. Ông cho rằng điều đó là duy ý chí, vì khi cả công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học còn chưa thực sự định hình, non yếu về nguồn lực và kinh nghiệm thì một sự lắp ghép khiên cưỡng chỉ làm cho nó suy giảm sức mạnh và hiệu quả. Thực tế sau đó cho thấy quan điểm của ông là đúng đắn. Học viện Nông Lâm chỉ tồn tại được 5 năm (1958 – 1963) để rồi phải giải thể để thành lập lại trường Đại học Nông nghiệp và Viện Khoa học Nông nghiệp.

Trở lại với chuyện “tách nhập”, do bất đồng quan điểm nên đến năm 1958, ông Bùi Huy Đáp thôi giữ chức Giám đốc Trường Đại học Nông Lâm để trở thành một trong sáu Phó Giám đốc Học Viện Nông Lâm mới thành lập. Đến năm 1961, ông lại được điều tiếp sang làm Vụ trưởng Vụ Khoa học của Bộ Nông lâm. Kể từ đây, ông không còn dịp nào gánh vác công việc quản lý các cơ sở đào tạo, nhưng thực tế ông vẫn giành nhiều tâm huyết và công sức cho sự nghiệp đào tạo cán bộ của ngành. Người ta vẫn thấy ông miệt mài biên soạn các giáo trình, bài giảng và say sưa giảng dạy ở nhiều trường trung cấp, đại học tại miền Bắc, và cả nước từ sau năm 1975. Kể cả khi ông nắm giữ trọng trách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Điều đáng nói là ông ít khi thuyết giảng những giáo trình kinh điển có sẵn ở các nhà trường mà luôn thích thú với những chủ đề mới do ông biên soạn mang tính triết học và lý luận như Chủ nghĩa duy vật trong lịch sử sinh vật học, Học thuyết Darwin và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Học thuyết Mitsurin với Chọn lọc tự nhiên và Chọn lọc nhân tạo, Sinh thái học Nông nghiệp, Nông nghiệp so sánh… Thông qua những chủ đề này, ông muốn truyền tới người học những tư tưởng, nhận thức mới, thậm chí đi trước thời đại. Chẳng hạn đến cuối thế kỷ XX chúng ta mới quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ. Nhưng sớm hơn nhiều, từ những thập niên 50 và 60, ông đã đi sâu nghiên cứu và hăng hái tuyên truyền vận động nuôi trồng và sử dụng bèo hoa dâu, điền thanh mô, phân ruộng… trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt là một số quan điểm về Sinh thái học, mãi đến gần đây chúng ta mới đề cập đến tư tưởng “chung sống” với các trở ngại thiên nhiên. Nhưng từ những năm 70, từ giảng đường đại học, ông đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, cái gì không chống được nó thì hãy tuân theo nó”. Theo ông, “tuân” không phải là hàng phục mà là biết lựa theo quy luật để thích ứng và tồn tại.

Những ai đã từng tiếp xúc với GS Bùi Huy Đáp đều rất ấn tượng về phong cách làm việc của ông. Đó là một nhà khoa học hết sức năng động và sắc sảo. Đi đâu ông cũng rất chịu khó quan sát tự nhiên, “hỏi trời”, “hỏi dân” để nắm bắt hiện tượng và phát hiện vấn đề qua thực tiễn, từ đó đúc kết thành lý luận, rồi từ lý luận soi rọi trở lại thực tiễn để nâng thành luận thuyết. Đó là cơ sở để đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật cho sản xuất. Với cách làm việc hiệu quả như vậy, ông đã trở thành tác giả của một khối lượng ấn phẩm có lẽ đồ sộ nhất trong giới các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam. Theo tác giả Bùi Quang Toản (2014), GS Bùi Huy Đáp là tác giả của 8 cuốn sách về triết học và lý luận trong sinh học, 16 cuốn sách chuyên khảo, giáo trình, 27 cuốn sách khoa học kỹ thuật phổ thông, 30 cuốn sách phổ biến khoa học kỹ thuật, 120 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và hơn 1.000 bài báo… Quả là một con số phi thường. Thật không quá nếu chúng ta tôn vinh ông là Nhà tư tưởng, Nhà lý luận, Nhà sư phạm và là người làm công tác truyền thông xuất sắc trong ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Như đã nói ở trên, thời gian ông làm việc chính thức trong ngành đào tạo không phải là dài, nhưng tôi nhận thấy hầu hết những người từng học ông và cả những cộng sự vốn không phải là học trò của ông cũng đều tự hào thừa nhận họ trưởng thành nhờ ông hoặc học được ở ông nhiều điều bổ ích. Phải chăng đây chính là sự thừa nhận xã hội về vai trò to lớn của người đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của đất nước, cũng như ảnh hưởng to lớn của ông trong giới khoa học nông nghiệp Việt Nam.

2. Người dám thay đổi mùa vụ trồng lúa lâu đời ở Việt Nam

Giống như các nước Đông Nam Á khác thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, từ hàng ngàn năm nay, miền Bắc Việt Nam cũng có một vụ lúa chính vào mùa mưa (các tháng Hè – Thu) gọi là lúa Mùa. Ngoài ra để có thêm thóc gạo nuôi sống con người, nông dân ở đây còn phải trồng thêm một vụ lúa trong điều kiện bất thuận của mùa khô (các tháng Đông – Xuân) gọi là vụ lúa Chiêm. Do gặp khí hậu lạnh và khô hạn, vụ lúa này phải kéo dài tới 150 – 190 ngày, năng suất thấp và rất bấp bênh. Đây là lý do chính gây ra cữ đói giáp hạt “tháng ba ngày tám” triền miên cho nông dân phía Bắc.

 

GS.TS Bùi Huy Đáp (nguồn: Internet)

Ai cũng biết rõ nhược điểm như vậy nhưng cho đến giữa thế kỷ 20, kể cả sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người nông dân miền Bắc vẫn không có cách nào khác là tiếp tục đeo đẳng với vụ lúa kém hiệu quả này. Nhưng đến thời Bùi Huy Đáp, ông không cam chịu thực trạng đáng buồn này mà quyết tâm thay đổi. Vào lúc  này, cuộc cách mạng xanh trên thế giới đã cho ra đời nhiều giống cây trồng mới, trong đó có một số giống lúa ngắn ngày, thấp cây, chịu lạnh và cho năng suất cao. Với con mắt của nhà chiến lược tài ba, ông nhận ngay ra rằng đây chính là những giống lúa có tiềm năng thay thế các giống lúa Chiêm cổ truyền, dài ngày, năng suất thấp. Nghĩ là làm, với những hiểu biết sâu sắc về sinh lý học cây lúa, quy luật thời tiết vụ Đông – Xuân ở miền Bắc Việt Nam, kết hợp với kinh nghiệm trồng lúa lâu đời của người nông dân nơi đây, GS Bùi Huy Đáp đã chỉ đạo các học trò, cộng sự của mình kiên trì thử nghiệm, trải qua biết bao khó khăn vất vả và nhiều năm thất bại để cuối cùng vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 sáng tạo nên một vụ lúa Xuân để đời mà mọi người đều biết. Đây là vụ lúa đã làm thay đổi lịch sử nghề trồng lúa lâu đời của Việt Nam. Biến một vụ lúa Chiêm năng suất thấp, thường xuyên thất bát thành một vụ lúa Xuân ổn định, năng suất cao vượt trội đồng thời thay thế vụ lúa Mùa trở thành vụ lúa chính ở miền Bắc Việt Nam. Hơn nữa nhờ có vụ lúa Xuân, nhất là Xuân muộn mà đồng ruộng miền Bắc đã có thêm một vụ Đông sản xuất rau, màu và các loại cây trồng hàng hóa khác có giá trị kinh tế cao. Rõ ràng sự ra đời của vụ lúa xuân là một đóng góp cực kỳ quan trọng, tạo nên diện mạo mới và sức mạnh to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và giữ vững an ninh lương thực cho đất nước, nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều đó đã khiến thế giới phải ghi nhận kỳ tích vụ lúa Xuân của Việt Nam là một đóng góp to lớn cả về phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn cho cuộc Cách mạng Xanh của nhân loại.

Những đóng góp mang tầm chiến lược của GS Bùi Huy Đáp cho nền nông nghiệp đất nước không dừng lại ở đó. Ở cương vị nhà quản lý công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp của đất nước và là một chuyên gia đầu ngành về cây lúa, từ lâu ông đã rất quan tâm đến tình hình sản xuất lúa gạo ở nửa đất nước phía Nam còn bị chia cắt, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vì vậy, ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông đã sớm có mặt ở đây, đi đến các vùng trọng điểm sản xuất lúa như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… để khảo sát giống lúa, mùa vụ và hỏi han bà con nông dân Nam Bộ về kinh nghiệm cấy trồng.

Không giống như ở miền Bắc, mùa vụ lúa ở đây ít phụ thuộc vào nhiệt độ mà chủ yếu vào chế độ thủy văn – mùa nước nổi, nên về cơ bản, ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến lúc đó chỉ có một vụ lúa chính Hè – Thu dài ngày. Còn lại là những vụ lúa khá manh mún như lúa nổi (theo nước lũ), lúa cấy 1 lần (vùng ven biển lũ rút sớm) lúa cấy 2 lần (vùng đồng sâu lũ rút muộn) và một vài vụ lúa nghịch ngắn ngày trong mùa khô và mùa mưa. Đứng trước thực trạng này, sau khi đã nghiên cứu thấu đáo, có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, GS Bùi Huy Đáp và các cộng sự đã mạnh dạn chủ trương sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, xuất xứ từ Viện lúa Quốc tế (IRRI) và Ấn Độ (sau này được thay thế bằng các giống lúa do Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long lai tạo) để cơ cấu lại mùa vụ lúa ở nơi đây. Kết quả là đã hình thành được 2 vụ lúa chính là Xuân – Hè và Hè – Thu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên bước đột phá về năng suất và sản lượng lúa cho vùng châu thổ rộng lớn này để đưa Việt Nam vào danh sách những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Sự kiện này một lần nữa cho thấy tầm vóc vĩ đại của chiến lược gia Bùi Huy Đáp trong nền khoa học nông nghiệp Việt Nam.

3. Người chỉ huy tỉnh táo và sáng suốt trong phong trào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam

Chắc chắn nhiều người làm nông nghiệp ở Việt Nam thuộc lớp lớn tuổi không thể nào quên được giai đoạn những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh vô cùng sôi động với hàng loạt những “chiến dịch”, những “phong trào” hừng hực khí thế và mang đậm ý chí quyết tâm của con người. Chẳng hạn để chống hạn cho mùa màng, người ta hô hào “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Còn khi phải chống ngập úng thì người ra lại hò nhau “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Tóm lại, với tinh thần như ra trận, người ta quyết đạt được mục đích bằng mọi giá, bất chấp mọi trở ngại, tốn kém và tất nhiên cũng chẳng quan tâm nhiều lắm đến các quy luật của tự nhiên, xã hội. Theo cách phán xét ngày nay thì đó là lối hành động duy ý chí. Song ở thời “nước sông công lính”[2] như lúc bấy giờ thì cách nghĩ và cách làm như vậy cũng tạo được sức mạnh xã hội cần thiết và cũng có thế mang lại một số kết quả nhất định. Tất nhiên không thể tránh khỏi những bất cập, sai sót và cả những chuyện dở cười dở khóc…

GS. Bùi Huy Đáp là một nhân vật rất nổi tiếng của thời kỳ đó song ở phương diện khác,là một nhà khoa học và nhà quản lý, ông lặn lội trong thực tiễn không biết mệt mỏi để đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách, đúng đắn, hiệu quả. Ngoài kỳ tích sáng tạo nên vụ lúa Xuân cho Việt Nam, ông còn là tác giả, người chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Với phong cách làm việc như vậy, ông cũng được xem là một “ông vua phong trào” lúc bấy giờ. Song điều đáng nói là trong bối cảnh nhiều người làm nông nghiệp thiên về ý chí chủ quan như đã nói ở trên thì GS Bùi Huy Đáp lại luôn giữ được cái đầu lạnh với sự tỉnh táo sáng suốt cần thiết. Do ông là người luôn tôn trọng các quy luật khách quan của tự nhiên, biết gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Đây chính là phẩm chất trí tuệ của một nhà chiến lược. Chúng ta có thể thấy được phần nào những phẩm chất đó của ông qua một số sự việc sau đây:

“Không có chuyện bèo dại, bèo khôn”

Nhiều người nói rằng thành công của GS Bùi Huy Đáp có được, một phần là do ông rất giỏi hỏi dân để khai thác kho tàng kinh nghiệm sản xuất trong dân gian. Điều này là chính xác song nên biết cách học hỏi kinh nghiệm ở ông không hoàn toàn giống với nhiều người khác. Cụ thể trong quá trình học hỏi, ông không dễ dàng tiếp thu ngay rồi áp dụng một cách máy móc những kinh nghiệm từ quần chúng mà tỉnh táo dùng kiến thức khoa học phân tích, soi rọi, tìm ra bản chất của vấn đề nhằm nâng tầm lý luận cho những tri thức bản địa đó hoặc sẵn sàng hiệu chỉnh những phần lệch lạc, thiếu cơ sở khoa học trong đó. Một ví dụ điển hình là việc ông phủ nhận chuyện “bèo dại, bèo khôn” diễn ra vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.

Theo sử sách, từ thế kỷ 11, người nông dân nước ta đã biết nuôi bèo hoa dâu làm phân bón ruộng. Trải qua nhiều thế kỷ sau đó, kinh nghiệm sản xuất quý báu này đã được hun đúc thành một tập quán tốt đẹp của nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người ta rất tôn sùng loài cây này, xem đó là báu vật của thần linh ban tặng nên đã lập đền thờ Bà Chúa Bèo ở vùng La Vân, Thái Bình. Nhờ công dụng tuyệt vời “phân chan không bèo đan cánh”, cây bèo hoa dâu đã đồng hành với người nông dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên hiện đại. Người có công đầu trong thành tựu này là nhà nông học tiền bối Nguyễn Công Tiễu. Cụ đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm và quảng bá việc nuôi thả bèo hoa dâu làm phân bón cho lúa Chiêm trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Như đã nói ở trên, vào thập niên 50, 60 với chủ trương đúng đắn của Bộ Nông Lâm, phong trào nuôi thả bèo hoa dâu đã phát triển ra nhiều nơi ở miền Bắc. Song thật lạ là cho đến lúc đó, trong dân gian vẫn tin rằng các loại bèo hoa dâu trôi nổi khắp nơi ngoài tự nhiên chỉ là “bèo dại” vô tích sự, chỉ có giống bèo thiêng xuất xứ từ quê hương Bà Chúa Bèo, vùng La Vân, Bích Du mới là “bèo khôn” có giá trị làm phân bón. Người ta còn thêu dệt thêm rằng giống bèo thiêng này chỉ có mặt giúp dân trong vụ lúa chiêm, còn sang mùa nực thì tự nó biến đi. Vì vậy, nơi nào muốn nuôi thả bèo hoa dâu thì nhất thiết hàng năm, vào đầu mùa đông phải lặn lội về đây để mua bèo giống.

Câu chuyện quả đượm màu huyền bí, nhưng với con mắt tinh tường của nhà khoa học, GS Bùi Huy Đáp không tin là như vậy. Ông đã chỉ đạo học trò dùng thực nghiệm khoa học để chứng minh rằng không có chuyện “bèo dại, bèo khôn” mà mọi quần thể bèo có mặt ở nhiều nơi, kể cả trong nội thành Hà Nội, nếu được chọn lọc, chăm sóc tốt đều có thể nuôi trồng và có giá trị phân bón như nhau. Còn đến mùa nực, nếu bèo được nuôi giữ ở nơi râm mát và phòng chống được 2 loài sâu kéo màng và cuốn tổ- khắc tinh của cây bèo, thì nó hoàn toàn có thể sống và giữ giống được qua mùa hè chứ không nhất định phải ‘biến đi” như nhiều người đồn đại.

Phát hiện khoa học thú vị trên đây đã làm thay đổi căn bản hiểu biết của người nông dân về cây bèo hoa dâu, tạo ra một phong trào nuôi trồng, sử dụng loại cây phân xanh quý giá này rộng khắp miền Bắc trong suốt nhiều năm sau đó. Đáng tiếc bước sang thập niên 70, hàng ngàn, hàng vạn tấn phân đạm bao cấp giá rẻ được đưa về dùng tràn lan ở các HTX sản xuất nông nghiệp đã khiến cho cây bèo hoa dâu phải âm thầm kết thúc vai trò lịch sử của nó trên đồng ruộng Việt Nam.

“Có thể có”

Như đã nói ở trên, ngay sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc nước ta diễn ra vô cùng sôi động. Không khí càng thêm phấn khích khi có sự xuất hiện của các chuyên gia nông nghiệp Liên Xô, Trung Quốc, nhiều loại máy móc, thiết bị canh tác hiện đại và nhất là những ý tưởng vô cùng mới mẻ, táo bạo về tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam. Một trong những ý tưởng đó là phát triển nghề trồng bông lấy sợi ở vùng đồng bằng sông Hồng theo kỹ thuật canh tác hiện đại của Azecbaijan, thủ phủ của nền công nghiệp bông hùng mạnh của Liên Xô. Để thực hiện giấc mơ này, người ta đã nhanh chóng cho thành lập trại nghiên cứu chuyên đề về cây bông ở Gia Lâm (nay là địa điểm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam), một trại nghiên cứu triển khai cây bông ở Quỳnh Côi, Thái Bình và một nông trường sản xuất bông ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Với sự chỉ dẫn nhiệt tình của các chuyên gia bông Liên Xô, lại có sự trợ giúp đắc lực của các loại máy móc thiết bị viện trợ, cùng với những khoản đầu tư to lớn, kịp thời của Nhà nước, chẳng bao lâu tại các địa điểm nghiên cứu đã xuất hiện những cánh đồng bông hàng hàng thẳng tắp, xanh ngút tận chân trời… Nhiều người phụ trách về nông nghiệp của nước ta lúc đó đã mơ về một ngày không xa, tại nơi đây sẽ xuất hiện những cánh đồng mà “bông trắng như mây” (trích lời một bài thơ về cánh đồng bông rất phổ biến lúc bấy giờ). Song cũng có không ít người, điển hình là GS Bùi Huy Đáp, lúc đó đang là Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông lâm tỏ ra hoài nghi, thậm chí không tin tưởng vào chủ trương này. Vì ông biết rõ các giống bông luồi, bông hải đảo sợi dài, năng suất cao đang được trồng thử nghiệm lúc đó không thích hợp với kiểu khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều đặc trưng của mùa hè ở miền Bắc nước ta. Đó là lý do vì sao từ ngàn đời nay người nông dân miền Bắc vẫn phải quanh quẩn với các giống bông cỏ bản địa sợi ngắn, năng suất thấp.

Trong một lần được mời đi thăm đồng, cùng đứng trước cánh đồng bông xanh tốt đang thì phát triển thân lá, một chuyên gia Liên Xô ướm hỏi ông là “liệu có bông không ?”, ông chừng mực trả lời là “có thể có”. Có thể hiểu cách trả lời nước đôi này là để xã giao, còn thực chất nó thể hiện rõ quan điểm không đồng tình của ông đối với ý tưởng thiếu căn cứ khoa học, thậm chí là phiêu lưu này.

Đúng như tiên liệu của ông, vụ bông thử nghiệm rậm rộ năm đó đã thất bại cay đắng. Bông bị rụng hoa, thối quả rất nhiều vì gặp mưa lớn, chỉ thu được dăm chục cân bông xơ trên mỗi ha. Những vụ bông tiếp theo cũng vậy, dù người ra đã đầu tư rất nhiều công sức tiền của song chẳng thể nào vượt qua được quy luật của tự nhiên. Cuối cùng, cuộc phiêu lưu với cây bông trong mơ cũng đã phải lặng lẽ kết thúc ở nơi đây.

“Cấy dày vừa phải”

Trong lịch sử nghề trồng lúa của thế giới, có lẽ không có chuyện nào phi lý hơn là chuyện chủ trương cấy dày cao độ, rồi tiếp tục cấy dồn cả khi cây lúa đã có đòng để mong tạo ra ruộng lúa siêu năng suất 10 – 15 tấn thóc trên mỗi ha. Chắc nhiều người đã rõ đây là một trong những ý tưởng điên rồ được sản sinh ra trong phong trào “Đại nhảy vọt” diễn ra ở nước láng giềng phương Bắc trong thập niên 50 của thế kỷ trước.

Không hiểu người ta nặn đâu ra bức ảnh một đám trẻ con Trung Hoa đang nô đùa trên bề mặt một thảm lúa chín vàng, với những bông lúa trĩu hạt, ken chặt vào nhau như những đụn lúa dựng ngược xếp ở sân kho. Bức ảnh cổ động này đã làm mê mẩn biết bao người làm nông nghiệp ở Trung Quốc và cả không ít người làm nông nghiệp ở Việt Nam. Thế nên mới có chuyện cũng vào thời kỳ này, tại Trường Đại học Nông Lâm và Viện Khảo cứu Nông Lâm ở nước ta cũng bắt tay thực nghiệm cách trồng lúa lạ đời này. Do cấy dày rồi cấy dồn tối đa, lại bón thật nhiều phân như trên chỉ đạo nên cả ruộng lúa cứ vàng rực lên và nóng hầm hập như lò rấm chuối. Để cứu cho cây lúa khỏi chết ngốt, người ta buộc phải quạt thông gió cho nó bằng cách treo những tấm liếp lớn trên ruộng rồi thay nhau kéo qua kéo lại suốt ngày đêm. Chuyện vô lý như vậy song người ta vẫn quyết tâm làm. Thậm chí nếu ai đó tỏ ra thiếu nhiệt tình thì lập tức bị quy chụp là “có vấn đề” về lập trường, tư tưởng, là phần tử chống đối… Thế nhưng ngay trong bầu không khí cực đoan như vậy, GS Bùi Huy Đáp vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình thông qua một bài viết đăng trên báo Nhân Dân nêu chủ trương “Cấy dày vừa phải”. Nhiều người lo lắng thay cho tương lai của ông, người đã dám “dội gáo nước lạnh” vào phong trào lúc đó. Rất may là vụ lúa cũng đến lúc kết thúc. Kết quả thu hoạch “toàn rơm với lép” đã chứng minh quan điểm phản đối của ông là hoàn toàn đúng đắn. Sự việc này còn cho thấy để trở thành một người chỉ huy, một nhà chiến lược sáng suốt như ông, bên cạnh tài năng khoa học, còn rất cần bản lĩnh của một con người dũng cảm và trung thực.

GS Bùi Huy Đáp đã mãi mãi ra đi vào ngày 04 tháng 07 năm 2004 song những thành tựu khoa học có được từ ông và những câu chuyện về ông vẫn sống cùng năm tháng… Biết đến bao giờ nền khoa học nông nghiệp nước nhà mới lại có một nhà chiến lược tài ba như ông. 

 

GS.TS Nguyễn Viết Tùng 

 Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

(*) Nội dung, thông tin trong Bài là quan điểm của tác giả. 

(**) GS.TS Bùi Quang Toản, nguyên Phó viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng và các cộng sự.

(***) Trần Cao, Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 36, ngày 8-7-2014.

[1] Trích lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[2] Sự dồi dào, vô tận, không cần tính toán về nguồn lực.