Một thời niên thiếu chốn quê nhà
Sinh năm 1949 tại vùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, Phan Thị Sửu là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Cha là cụ Phan Văn Huề sớm đi theo cách mạng, là đảng viên của Đảng Cộng sản từ năm 1930, và mẹ là mẫu người phụ nữ gia đình, cần mẫn nuôi tằm, dệt lụa, chăm lo các con. Năm 1962, mẹ thương gia đình anh cả lam lũ đang công tác ở nông trường Tây Hiếu, Nghệ An nên đã từ Đức Thọ ra nông trường sinh sống, đưa theo con út Phan Thị Sửu đang là học sinh lớp 5, để vừa học tập, vừa phụ giúp gia đình anh. Ngoài những buổi đi học ở trường cấp 2 Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn, cô bé Sửu lại một mình theo chân các đội máy kéo, máy cày đến những nương ruộng xa – nơi có thể mót khoai, bẻ ngô, nhổ sắn, hay kéo rớ tôm ở những vũng ao, khúc sông gần đó. Nhờ được ngồi nhờ xe máy kéo, máy cày mà quãng đường đến nương như ngắn lại, gánh nặng rau củ kiếm được cũng nhẹ bớt trên đường về.
Nhớ lại thời cuối năm 1964 – Mỹ mở rộng ném bom bắn phá miền Bắc, PGS Phan Thị Sửu kể lại: Tôi còn nhớ như in đó là ngày 5-8 và cả những ngày tiếp đó, máy bay ném bom vào Nông trường Tây Hiếu, khu nhà dân quanh nông trường đều tan hoang, gia đình chúng tôi phải vội sơ tán vào các lô trồng cà phê[1]. Năm 1965, khi Phan Thị Sửu đang học lớp 8, trường cấp 3 Nghĩa Đàn thị xã Thái Hòa phải sơ tán lên Ấp Đon, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, nơi có cây rừng che phủ để tránh bom đạn. Thầy trò cùng nhau vào rừng chặt tre làm bàn ghế, dựng lán cho lớp học và lán để ở, lợp mái bằng cỏ tranh, đan ghép nứa lại làm giường. Nền nhà, bên dưới dãy bàn ghế là hệ thống giao thông hào dẫn vào hầm trú ẩn. Phan Thị Sửu cùng hai người bạn là Hồng và Thảo ở trong một lán nhỏ, bên cạnh là lán của hai bạn nam. Hằng ngày, sau buổi đến lớp, ngoài thời gian tự học, Phan Thị Sửu thường cùng các bạn đi hái rau rừng với đủ loại từ măng tre, măng nứa đến rau tàu bay, rau sắng, rau dền cơm, rau khoai lang… Cô học trò Phan Thị Sửu thật khó quên những bữa ăn giản dị, đạm bạc – cơm độn ngô và sắn với vừng và lạc làm thức ăn, nhưng cô vẫn luôn tự động viên mình: Khó khăn thì phải quyết tâm học giỏi. Dù thế nào thì mình vẫn học được[2]. Cuộc sống nơi sơ tán giản đơn mà vui vẻ, Phan Thị Sửu có được những người bạn quý, đến nay tất cả đã ở tuổi xế chiều mà nhóm bạn xưa vẫn thường liên hệ, gửi những lời thăm hỏi và tổ chức những cuộc gặp gỡ hằng năm.
Năm 1966, vừa nghỉ hưu ở Công ty Mỹ nghệ vàng bạc Hà Nội, cha là cụ Phan Văn Huề được phân nhà ở gần trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng (nay là Học viện Ngân hàng) trên phố Chùa Bộc nên Phan Thị Sửu cùng mẹ ra Hà Nội ở với cha. Trong giai đoạn này, chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt, nên gia đình Phan Thị Sửu sơ tán về xã Kim Hoàng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tại đây, cô được tiếp tục học lớp 9, lớp 10 tại trường cấp III Hoài Đức, thuộc xã Sơn Đồng, lớp học lúc này cũng là các lán được dựng lên tạm bợ, bên dưới các dãy bàn ghế có giao thông hào dẫn ra hầm trú ẩn. Dù trong điều kiện sơ tán, khó khăn, song Phan Thị Sửu luôn đạt kết quả học tập loại giỏi.
Năm 1968, tốt nghiệp cấp III với thành tích học tập giỏi, lại thuộc diện gia đình có công với cách mạng, Phan Thị Sửu nhận được học bổng đi du học. Trước khi xuất ngoại, từ ngày 12 đến ngày 23-7-1968, tất cả tập trung tại nhà dân có khoảng sân rộng ở xã Minh Hải, gần phố Nối (nay thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để học nội quy và nhận quyết định phân chỉ tiêu đi học ở các nước. Phan Thị Sửu cùng khoảng 180 bạn được cử đi học tập tại Bungari. Trong số hành lý nhỏ gọn, Phan Thị Sửu không quên đem theo những bức ảnh từng chụp với các bạn trong lán lớp học thời chiến. Khởi hành ngày 25-7-1968 tại ga Lạc Đạo, Hưng Yên, sau 11 ngày trên tàu hỏa, được qua nhiều vùng miền của đất nước Trung Quốc, Liên Xô, đoàn đã đặt chân đến thủ đô Sophia, Bungari và được đại diện Đại sứ quán Việt Nam cùng nhiều thế hệ sinh viên, thực tập sinh đang học tại đây tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi như người quê lần đầu ra tỉnh, trông ngơ ngác, nhếch nhác, được khám sức khỏe, tẩy giun, phát quần áo mới gồm cả áo bành tô, nhiều anh chị dạy cho cách giao tiếp, cách học tiếng Bungari[3] – PGS Phan Thị Sửu nhớ lại.
Bungari thân thương
Năm đầu tiên, đoàn sinh viên Việt
Không chỉ là môi trường học tập tốt, Bungari còn là nơi khởi đầu của những chuyện tình đẹp. Dẫu Đại sứ quán có quy định cấm học viên yêu nhau trong thời gian tu nghiệp, để tránh ảnh hưởng đến học tập, nhưng thực tế, một số cặp đôi yêu nhau vẫn đảm bảo kết quả học tập tốt nên gần như không bị trưởng đơn vị nhắc nhở. Phan Thị Sửu bén duyên với nam sinh cùng trường, cùng khóa, chuyên ngành Công nghệ Sinh học – Vũ Thắng Văn. Anh quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là sinh viên xuất sắc, nhiều năm được khen thưởng, ảnh của anh và những sinh viên xuất sắc còn được vinh danh trên Bảng danh dự của trường Đại học Công nghệ Thực phẩm, cùng dòng chữ khích lệ: “Ngày nay các em là những học sinh xuất sắc trong học tập, ngày mai các em là những người đi đầu trong công tác”[6]. Năm 1974, vừa tốt nghiệp đại học, Nhà nước có tiêu chí xét chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc được ở lại nước bạn tập sự thêm 6 tháng tại các nhà máy với vai trò là kỹ sư công nghệ thực phẩm. Phan Thị Sửu và Vũ Thắng Văn cùng có trong danh sách được ở lại tập sự.
Kỹ sư trẻ Vũ Thắng Văn được phân công tập sự ở nhà máy hóa dược thuộc thành phố Stanke Dimitrov. Lần đầu tiên trên ô tô đến nhà máy, Vũ Thắng Văn ngồi gần một bà mẹ người Bungari cùng làm ở nhà máy đó và được bà dẫn đường, chỉ bảo tận tình. Ở nơi đất khách quê người, như một cảm xúc tự nhiên, Vũ Thắng Văn được bà nhận làm con nuôi, bạn gái Phan Thị Sửu cũng được nhận làm con của bà. Những ngày nghỉ, đôi bạn Văn và Sửu tranh thủ đến thăm nhà cha mẹ nuôi. Hai ông bà cũng rất quý mến đôi bạn trẻ người Việt Nam, có lần ông bà cùng người em gái không quản ngại đường xá, đã đến thành phố Plovdiv, thăm nơi sinh sống của hai người con nuôi để động viên, tiếp thêm tình cảm gia đình. Sau đó là những bức thư thăm hỏi của người mẹ Bungari khi hai con đã về nước năm 1975.
Mối tình trên đất nước hoa hồng đã kết trái đẹp đẽ với một lễ cưới hạnh phúc, giản dị của Vũ Thắng Văn và Phan Thị Sửu tại Việt
Trở lại trường xưa, PGS Phan Thị Sửu chia sẻ: Ngôi trường sau 10 năm, không thay đổi nhiều, tôi thật vui và xúc động khi được gặp lại bạn bè và thầy cô. Thật phấn khởi khi tôi được làm việc ở bộ môn quen thuộc về tinh dầu hương liệu và dầu thực vật. Những ngày đầu sang Bungari dịp này, tôi nhớ và lo cho các con rất nhiều bởi chúng chưa từng xa mẹ. Nhưng rồi, những lo lắng đó cũng sớm vơi đi bởi tôi xác định mình lo cũng chẳng giải quyết được gì, nên chuyên tâm vào công việc[7].
Tại đây, Phan Thị Sửu được thầy là GS.TSKH Evgeni Geogriev hướng dẫn luận án Phó tiến sĩ với đề tài: Ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ lên hiệu suất và chất lượng tinh dầu chưng cất từ nụ đinh hương. Hướng nghiên cứu về nụ đinh hương bấy giờ chưa có nhiều sự quan tâm. Nghĩ lại những năm tháng miệt mài với luận án, PGS Phan Thị Sửu tâm sự: Bởi vốn ngoại ngữ của bản thân có hạn, việc tham khảo tài liệu tiếng nước ngoài (tiếng Anh và tiếng Đức) rất cần phải có sự chọn lọc, nên tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ. Tôi không bao giờ quên được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của thầy Geogriev, nhất là khi đọc các tài liệu tham khảo. Thầy hiểu và quan tâm, động viên, nhiệt tình giúp đỡ tôi, nhờ có thầy, tôi mới có thể hoàn thành tốt luận án[8]. Những bức ảnh đen trắng chụp kỷ niệm với thầy, với những người bạn trong buổi bảo vệ luận án năm 1989 tại trường Đại học Công nghệ Thực phẩm luôn được bà lưu giữ cẩn trọng.
Nghiên cứu sinh Phan Thị Sửu và thầy hướng dẫn – GS Georgiev (hàng đứng)
trong buổi bảo vệ luận án, 1989
Với những đóng góp trong đào tạo nhiều thế hệ học viên người Việt
Nguyễn Thị Thanh
_____________________
* PGS.TS Phan Thị Sửu, chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm, nguyên Trưởng bộ môn Tinh dầu hương liệu và phụ gia thực phẩm, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công nghiệp; Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm.
[1] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi” (Bản thảo bài viết, 2021), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS Phan Thị Sửu, 15-7-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Ghi âm hỏi thông tin PGS Phan Thị Sửu, 15-7-2021, tài liệu đã dẫn.
[4] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.5.
[5] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.6.
[6] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.6.
[7] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.8.
[8] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.9.
[9] PGS.TS Phan Thị Sửu, “Ký ức về những năm tháng thời chiến tranh chống Mỹ và những kỷ niệm không bao giờ quên về đất nước Bungari – quê hương thứ 2 của tôi”, bài viết đã dẫn, tr.11.