Bước đầu nghiên cứu lớp sinh viên trường Đại học Y Hà Nội niên khóa 1954-1960

            Xuất thân từ những gia đình với thành phần khác nhau, sau khi đỗ tú tài họ đều có mong muốn được học tập tiếp. Và trường Đại học Y Hà Nội là nơi mà nhiều người đã phấn đấu và mơ ước được học tập. Khóa học 1954-1960 là khóa học đầu tiên  sau ngày hòa bình lập lại của trường Đại học Y – Dược Hà Nội. Được gọi là khóa học đặc biệt bởi lẽ họ được học tập dưới chế độ mới, được đào tạo bài bản hơn so với các khóa trước học  trong thời  kỳ kháng chiến. Và đây cũng là khóa học  liên tục 7 năm mới thi tốt nghiệp bác sỹ y khoa, trong đó năm đầu họ phải học và thi lấy chứng chỉ Lý – Hóa – Sinh (PCB). Sau khi tốt nghiệp, nhiều bác sĩ được giữ lại trường Đại học Y Hà Nội công tác. Họ còn đặc biệt ở chỗ, rất nhiều người trong khóa này có những đóng góp và nhiều thành tựu trên con đường làm khoa học, làm quản lý…

GS.TSKH Lê Nam Trà (một trong những thành viên của Ban liên lạc) cho biết, trong số 135 sinh viên tốt nghiệp bác sỹ, hiện nay có 26 Giáo sư, 24 Phó Giáo sư, 4 Anh hùng Lao động, 27 Nhà giáo Nhân dân và nhiều Thầy thuốc Nhân dân. Về Quản lý thì lớp có 1 Bộ trưởng (Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương), 3 Hiệu trưởng của các trường Đại học Y trong nước (Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y TP Hồ Chí Minh) và 1 Trưởng Khoa Y ở Đại học Tây nguyên.

Với mục đích nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà y học giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội để hiểu thêm về  lịch sử phát triển của trường, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bước đầu đã có những buổi làm việc với một số nhà khoa học thuộc lớp sinh viên khóa 1954-1960: GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, GS.TSKH Lê Nam Trà, GS.TS Ngô Ngọc Liễn, GS.TS Trần Ngọc Ân, GS.TS Nguyễn Ngọc Lanh, GS Đặng Hanh Đệ, PGS.TS Cao Quốc Việt, GS.TS Đào Văn Phan.

Trong những buổi tiếp xúc đầu tiên với các nghiên cứu viên, với các ông, những thầy thuốc – nhà khoa học, dường như những câu chuyện về một thời đi học chỉ mới diễn ra hôm qua. Các ông say sưa kể những kỷ niệm về trường, lớp, thầy cô, bạn bè, những môn học mới lạ và những gì đã trải qua, phấn đấu vươn lên trong 7 năm học tập. Sau khi tốt nghiệp họ được giữ lại trường giảng dạy và tiếp nối công việc đào tạo những thế hệ sau.

GS.TS Ngô Ngọc Liễn hồi ức về những ngày được học Đại học Y Hà Nội

“Rồi cũng đến ngày hạnh phúc được ngồi trong đại giảng đường vòm trường Đại học. Bảy năm trôi qua- hồi ấy chúng tôi học thêm 1 năm P.C.B (Lý-Hóa-Sinh) trước khi học Y. Bảy năm học tập trong hoàn cảnh khó khăn: hàng ngày đi bộ từ ký túc xá đến trường, cố nhanh chân cho kịp nghe các thầy: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung giảng lâm sàng tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai” (GS.TS Ngô Ngọc Liễn).

Môn học và những bài học thực tế qua góc nhìn của GS.TS Trần Ngọc Ân

“Học Đại học Y Hà Nội năm thứ 1 chúng tôi chưa đi bệnh viện mà chỉ học các môn sơ sở, giải phẫu, hóa học, vật lý học, sinh lý học. Năm thứ 2 thì đi đến các bệnh viện, làm việc như một y tá: tiêm, thụt tháo phân, làm bệnh án. Năm 3 chúng tôi đi trực ở các bệnh viện nếu có vấn đề gì thì báo cáo lại” (GS.TS Trần Ngọc Ân).

GS.TSKH Lê Nam Trà kể về phương tiện và phương pháp dạy học một thời

cho nghiên cứu viên Trung tâm.

“Phương tiện dạy học ngày xưa chỉ có bảng và phấn còn phương pháp dạy học thì theo tính chất cầm tay chỉ việc, tức là mặt thực hành làm rất tốt” (GS.TSKH Lê Nam Trà).

Bên cạnh những câu chuyện về thời của các ông, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật quý giá, như: bản thảo, sách, vở ghi chép, tài liệu nghiên cứu… do các ông tin tưởng giao tặng Trung tâm lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, học tập…

GS.TS Nguyễn Khánh Trạch soạn tài liệu tặng Trung tâm

Trong thời gian tới, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về lịch sử cuộc đời  các nhà khoa học khóa 1954 – 1960, gắn với lịch sử phát triển trường Đại học Y với một số bộ môn cơ bản, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (điều trị).

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam