Phạm Lương Tuệ sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp tiểu học, vì ở Hương Khê không có trường để học tiếp lên trung học nên ông Tuệ được gia đình gửi đến nhà một người quen ở huyện lỵ Đức Thọ, Hà Tĩnh, đồng thời xin vào học trường dòng Saint Jozep[1]. Học ở đây được khoảng 2 năm thì diễn ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, tình hình chính trị bất ổn, trường Saint Jozep giải tán, ông Phạm Lương Tuệ trở về quê, việc học bị đứt quãng, và ông cũng buộc phải chấm dứt thời kỳ học phổ thông ở đây.
Sau Cách mạng tháng Tám, mặc dù chưa hiểu cách mạng là gì, chưa biết gì về chính trị nhưng ông Phạm Lương Tuệ đã xin gia nhập thanh niên cứu quốc ở Hương Thủy, tham gia thanh niên dân vệ, giúp việc cho Ủy ban hành chính xã, làm các việc lặt vặt, kể cả đi đẩy xe bò. Lúc ấy, ông Tuệ chưa có bất kỳ định hướng học tập hoặc định hướng nghề nghiệp nào cho tương lai.
Vào cuối năm 1945, trường Kỹ nghệ thực hành Huế (trụ sở đóng ở Huế) sơ tán ra Phúc Đồng (thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và bắt đầu tuyển công nhân cho xưởng sản xuất quân giới của trường mà chưa mở lớp dạy học. Trong hoàn cảnh không có việc làm mà đi học tiếp thì không có điều kiện, vả lại cũng chẳng biết học ở đâu nên ông Phạm Lương Tuệ và bạn bè cùng trang lứa làm đơn xin vào làm công nhân ở xưởng sản xuất quân giới Phúc Đồng. Tuy nhiên, khi ấy xưởng chỉ nhận những thanh niên đủ 18 tuổi trở lên, mà ông Tuệ và đám bạn chỉ tầm 15-16 tuổi. Để chứng minh đủ 18 tuổi, ông và các bạn đã lên gặp ông Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hương Thủy để xin giấy chứng nhận. Ông Chủ tịch xã trước kia từng là thầy giáo cũ dạy tiểu học, vì thương học trò mà xác nhận nâng tuổi cho họ.
Được nhận đơn vào xưởng quân giới ở Phúc Đồng, ông Tuệ và các bạn trải qua một cuộc kiểm tra văn hóa và thi vẽ. Ông không hiểu sao mình lại đứng đầu trong kỳ thi có khoảng 30 thanh niên ấy. Ngày 21-4-1946, ông Tuệ chính thức trở thành công nhân. Làm công nhân mà chưa có bất kỳ kỹ năng gì cả nên ông Tuệ phải học từ đầu. Ông được phân công làm thợ nguội, được ông Phạm Văn Tiệm (người Quảng Bình, là giáo viên trường Kỹ nghệ thực hành Huế) hướng dẫn rất tỉ mỉ, từ tư thế đứng, cách mài rũa kim loại như thế nào…Năm 1948, trường Kỹ nghệ thực hành Huế tổ chức chiêu sinh. Cơ hội học tập đã mở ra nên dù bỏ dở việc học đã lâu, nhưng khi biết tin này, ông Tuệ đã đi thi và đỗ vào trường rồi học ở đây đến năm 1950. Thầy giáo của trường đều là những người giỏi, có tay nghề cao và rất nhiệt tình. Dạy toán khi ấy là thầy Lê Khả Kế (sau này là giáo sư, nhà từ điển học), thầy Minh dạy về tiện, thầy Hành dạy về điện. Sách vở học tập hồi đó chủ yếu là sử dụng tài liệu của Pháp.
Mặc dù ông Phạm Lương Tuệ vốn là thợ nguội, nhưng khi vào học trường Kỹ nghệ thực hành Huế, ông lại xin theo ngành thợ tiện vì bị cuốn hút ngay bởi những vòng quay của con tiện, tỉ mỉ và rất công phu dưới bàn tay của các thầy đều là những thợ bậc 7, làm thợ tiện rất uyển chuyển, nhẹ nhàng. Ngày đó, mỗi học sinh đều có một cái túi để đựng đồ nghề, ông cũng có cái túi được đan từ mo cau và dây mây, rất bền và chắc chắn. Trong quá trình học, ông được hướng dẫn tỉ mỉ từ cách mài dao, cách chọn tốc độ tiện tùy theo vật liệu, cách chọn bánh răng, cách lắp bánh xe…
Khoảng giữa năm 1950, ông Phạm Lương Tuệ tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành Huế với chứng chỉ thợ tiện bậc 3. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ ở nhà máy quân giới Hà Huy Tập, đóng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông được phân công tiện thô vỏ mìn, vỏ súng cối, vỏ đạn bazooka… Sau này ông kể rằng, với trình độ của mình khi ấy, chỉ có thể tiện thô, còn tiện tinh đến từng chi tiết thì đòi hỏi phải có trình độ cao hơn.
Bước ngoặt đến với cuộc đời người công nhân Phạm Lương Tuệ là tháng 3-1951, nhằm chuẩn bị cán bộ công đoàn cho nhà máy Hà Huy Tập, ông Phạm Lương Tuệ cùng một số người khác được cử ra Việt Bắc để học lớp công vận (vận động công nhân). Chẳng mảy may suy nghĩ, cấp trên phân công nhiệm vụ gì là chấp hành ngay với tinh thần đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì. Để ra Việt Bắc, Quản đốc nhà máy Hà Huy Tập là ông Nguyễn Minh Châu đã viết cho ông Phạm Lương Tuệ một giấy chứng nhận về thời gian công tác ở nhà máy, có chữ ký và đóng dấu của quản đốc nhà máy. Hơn nửa thế kỷ, ông Tuệ vẫn giữ tờ giấy ấy làm kỷ niệm. Nội dung giấy chứng nhận có ghi:
“Sở quân giới Liên khu 3-4, nhà máy Hà Huy Tập
Giấy chứng nhận
Quản đốc nhà máy Hà Huy Tập, Sở quân giới Liên khu 3-4 chứng nhận cho ông Phạm Lương Tuệ, học sinh kỹ nghệ tập sự, chức vụ: thợ tiện, làm việc tại nhà máy Hà Huy Tập từ ngày 1-9-1950 đến ngày 26-3-1951. Năng lực chuyên môn: Thợ tiện tập sự có sáng kiến và có đủ điều kiện để trở thành một thợ lành nghề. Hạnh kiểm: chăm chỉ, tận tụy, chịu học hỏi thêm. Là một mầm non có nhiều triển vọng tốt đẹp”[2].
Theo kế hoạch, ông Tuệ sẽ được đào tạo, bồi dưỡng về các mặt trong vòng ba tháng rồi lại trở về công tác ở Hà Tĩnh, nhưng học tập được một thời gian về vấn đề công vận thì ông được Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc lấy sang để bồi dưỡng về công tác thanh vận. Tưởng thế đã xong, nhưng không ngờ sau khi được học tập về công tác thanh vận, ông được giữ lại công tác ngay ở Trung ương Đoàn, làm nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề về thanh niên. Nhiệm vụ của ông trong thời gian từ năm 1951 đến 1953 bao gồm hai vấn đề chính: đi vào các xí nghiệp, tìm hiểu đời sống của thanh niên, công nhân để nghiên cứu, đề xuất làm rõ nhiệm vụ của thanh niên, đề xuất phương hướng hành động của thanh niên; đồng thời ông có thể tham gia trực tiếp vào quá trình lao động sản xuất cùng đội ngũ công nhân trẻ, bởi ông xuất thân cũng là người thợ.
GS.TS Phạm Lương Tuệ
Cuối năm 1952, sau khi dự một đợt chỉnh huấn, ông Tuệ được cấp trên thông báo chuẩn bị nhận nhiệm vụ theo sự sắp xếp của tổ chức: như tham gia cải cách ruộng đất, tham gia đi chiến dịch và hoặc đi học nước ngoài. Lúc đó ông luôn trong tư thế sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ gì được giao. Sau đó, ông biết là mình cùng với ông Lê Văn Hợp, hai cán bộ của Trung ương Đoàn thanh niên có đủ điều kiện về trình độ văn hóa, độ tuổi, được cử sang Liên Xô học tập để trở về phục vụ đất nước.
Cuối năm 1953, Phạm Lương Tuệ cùng đoàn lưu học sinh Việt Nam đặt chân đến Mátxcơva. Phạm Lương Tuệ và 9 người khác được cử về học ở trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI)[3]. Do một thời gian dài không động đến sách vở nên hầu hết học sinh Việt Nam đều bỡ ngỡ, không thể hoàn thành bài kiểm tra đơn giản, ví dụ khi cô giáo Nga ra bài tập phân tích thành phần hóa học của nước (H2O) mà không ai làm được. Tiếng Nga lại rất khó, là rào cản lớn cho việc tiếp thu kiến thức. Nhưng bù lại, hồi đó hầu hết học sinh viên Việt Nam sang Liên Xô đều biết ít nhiều tiếng Pháp. Sau một năm học tiếng Nga, một số sinh viên Việt Nam đã đề xuất với Đại sứ quán cho làm quyển từ điển Việt-Nga để hỗ trợ việc học cho sinh viên Việt Nam mới sang. Được Đại sứ quán chấp thuận, nhóm sinh viên Việt Nam ở Mátxcơva đã chia nhau, mỗi người làm một số mục từ, ông Phạm Lương Tuệ cũng tham gia làm cuốn từ điển này, ngoài ra cũng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Liên Xô từ năm 1951 cũng tích cực tham gia, như: Nguyễn Trinh Cơ, Lê Duy Thước… Sau khi hoàn thành, ông Nguyễn Năng An và một số người khác được giao trách nhiệm biên tập, hiệu đính. Đó cũng là cách giúp ông Tuệ bắt nhịp với tiếng Nga nhanh chóng hơn.
Ông Phạm Lương Tuệ rất hăng hái học tập, đi đâu cũng tranh thủ học tiếng Nga, từ tàu điện ngầm, ở nhà ăn, viết vào tay, viết ra giấy, nói chuyện với thiếu nhi, tranh thủ ở bất cứ nơi đâu… Ông đặt ra tiêu chuẩn mỗi ngày học 5 từ mới và vận dụng chúng qua giao tiếp hàng ngày. Ngoài thời gian học tiếng Nga, sinh viên Việt Nam được bổ túc các môn học cơ bản như toán, lý, hóa. Các thầy cô giáo người Nga, do có kinh nghiệm bổ túc văn hóa cho công nhân, nông dân, nên họ truyền đạt cho học sinh Việt Nam cũng dễ dàng hơn. Sau 6 tháng học bổ túc, các ông phải qua một kỳ kiểm tra, ai đạt mới được vào học đại học. Trong số 10 người về trường MEI, thì có 9 người được học hệ đại học, còn một người phải chuyển sang học trung cấp.
Phạm Lương Tuệ trở thành sinh viên trường MEI. Thời gian đầu khi nghe giảng trên lớp có những vấn đề nào không rõ, ông thường mượn vở của sinh viên Nga để xem lại, học cách viết tắt, đọc thêm sách để bổ sung cho bài giảng hoàn chỉnh. Đến giờ nghĩ lại, ông vẫn không ngờ sức học của bản thân lại “kinh khủng” đến thế, ban đầu mới học ông không biết gì nhiều, nhưng trong quá trình học hầu như tất cả các môn đều đạt điểm 5 (ở Liên Xô điểm 5 là cao nhất).
Song song với quá trình học trên lớp thì đến năm thứ ba, ông Phạm Lương Tuệ tham gia những đợt thực tập theo chương trình của nhà trường. Đầu tiên thực tập về nhận thức, tức là sinh viên được cho đến các nhà máy để quan sát, nhận thức và làm quen với mọi công việc của một công nhân. Sau đợt thực tập nhận thức, sinh viên được tham gia những đợt thực tập khác như thực tập về lắp ráp, rồi thực tập về sửa chữa máy móc.
Khi đang là sinh viên năm thứ ba, ông Tuệ và một số sinh viên học tốt đã được trường Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn để sau khi tốt nghiệp về làm cán bộ giảng dạy tại trường. Do đã xác định về nghề nghiệp nên ông đã đề ra cho bản thân những mục tiêu, nhiệm vụ trong học tập, nghiên cứu để khi về Việt Nam sẽ phục vụ tốt cho công tác chuyên môn. Có lẽ tính cần cù, chăm chỉ của một người công nhân đã ngấm vào trong ông nên ông không thể ngồi yên. Mọi kiến thức dường như đều mới mẻ và ông mong muốn mình thu thập được nhiều kinh nghiệm, tranh thủ được thời gian để quan sát, học hỏi, mong sau này có thể vững tâm đứng trên bục giảng. Bởi vậy ngoài việc thực tập theo chương trình học, Phạm Lương Tuệ còn xin đi thực tập thêm. Mỗi năm học, sinh viên được nghỉ hè 2 tháng rưỡi, ông Tuệ chỉ nghỉ một tháng, còn tháng rưỡi ông tự nguyện đi thực tập. Ông đến các nhà máy để học tập về lắp ráp, vận hành rồi sửa chữa. Với mỗi lần đi như thế, ông học được cách kiểm tra, tập nghe tiếng máy, cách nhận biết máy tốt, máy xấu. Các nhà máy ông Tuệ tham gia thực tập có thể kể đến như: nhà máy nhiệt điện Slavgress, nhà máy Mosrnergo (ở Tula), nhà máy chế tạo tuốc bin ở Sverlr (Lêningrat)…
Bên cạnh việc đi thực tập, Phạm Lương Tuệ tham gia nghiên cứu khoa học, hỗ trợ công tác nghiên cứu cho một số nghiên cứu sinh người Nga. Những người làm nghiên cứu sinh thường nhờ sinh viên hỗ trợ, giúp việc tính toán, những việc đơn giản. Ông Phạm Lương Tuệ xin vào làm tập sự giúp việc nghiên cứu sinh. Lúc đầu họ không cho ông động vào máy, chỉ cho ông lau dầu máy móc, ông thắc mắc với thầy giáo là tại sao tham gia nghiên cứu mà phải lau dầu thì học được cái gì. Thầy giáo giải thích rằng “công tác nghiên cứu khoa học bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”[4]. Nhờ những công việc như vậy giúp ông sau này biết cách xử lý, kiểm tra các vấn đề của máy một cách nhanh gọn, chính xác.
Tìm mọi cơ hội để học hỏi trong thời gian ở nước bạn, đã trở thành một mục tiêu phấn đấu của sinh viên Phạm Lương Tuệ. Như ông kể lại, trong các kỳ thi, sau khi ông hoàn thành phần thi vấn đáp, ông thường ngồi lại ở phòng thi để nghe các thầy đặt câu hỏi cho các sinh viên khác rồi ghi chép lại từng câu hỏi, từng câu trả lời vào một quyển sổ. Những ghi chép ấy giúp ích cho ông rất nhiều khi giảng dạy sau này. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi suốt những năm làm công nhân và những năm học đại học, ông đã trang bị cho mình được một vốn kiến thức cơ bản để có thể truyền dạy cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ một thợ tiện bậc ba, ông Phạm Lương Tuệ đã phấn đấu trở thành một kỹ sư, một tiến sĩ, giáo sư gắn bó với bộ môn Nhiệt điện, trường Đại học Bách khoa từ những ngày đầu thành lập. Sẽ không thể có một giáo sư, giảng viên về nhiệt điện Phạm Lương Tuệ nếu không có những bước đi chập chững thuở còn là một anh công nhân quân giới. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ông xúc động mỗi khi nhắc về ký ức đã qua gần 70 năm.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] Giáo viên là những người theo đạo Thiên Chúa, vừa dạy văn hóa cho học sinh và vừa dạy đạo cho những người đi tu.
[2] Giấy chứng nhận của nhà máy quân giới Hà Huy Tập, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Một số sinh viên Việt Nam học ở trường MEI mà GS.TS Phạm Lương Tuệ còn nhớ là: Nguyễn Hoặc, Đỗ Cẩn, Tăng Văn Phúc, Nguyễn Bình, Đỗ Đình Sam, Nguyễn Hiền, Vương Đình Quát, Nguyễn Duy Quế.
[4] Phỏng vấn GS.TS Phạm Lương Tuệ, 5-2015.