Bước ngoặt thay đổi cuộc đời

ức về đôi bờ sông Mekong (Kỳ I)

Người già thường sống với hoài niệm quá khứ. Đối với PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc cũng vậy! Gần 80 năm trôi qua những ký ức về thời gian sống tại hai ngôi làng nhỏ ở đôi bờ sông Mekong. Ở tả ngạn dòng sông là làng Hòa Trị (do Việt kiều sinh sống ở đây đặt, trước gọi theo vị trí là “Cây số 3”), thị xã Thakhek, tỉnh Khammuane (thuộc Lào và phía đối diện là làng Donmong, thị xã Nakhon Phanom (Thái Lan) vẫn hiện lên trong ông như mới ngày hôm qua với biết bao dâu bể cuộc đời theo dòng lịch sử.

Năm 1920, ông Nguyễn Đắc Cán rời quê hương sang sinh sống tại Lào, sau đó kết hôn với bà Nguyễn Thị Nén và năm 1937 sinh ra Nguyễn Đắc Lộc tại làng Hòa Trị, thị xã Thakhek. Sau một thời gian chắt chiu dành dụm, gia đình Nguyễn Đắc Lộc có được một ngôi nhà gạch hơn 100m2 với khu vườn khoảng 2 ha rau và nhiều loại cây ăn quả với nguồn nước tưới từ sông Mekong. Ngôi làng Hòa Trị nằm ở tả ngạn dòng sông này chủ yếu là Việt kiều sinh sống, tuy chỉ có vài chục gia đình nhưng có đình làng và đền thờ Mẫu để người dân thực hiện các nghi lễ như ở Việt Nam. Vào các dịp Hội làng, Đắc Lộc thường đi xem những buổi tế lễ và các buổi hầu đồng rộn rã với các điệu nhảy và hát chầu văn. Khi khoảng 5 tuổi, cậu được gia đình cho đi làm con nuôi một thầy lang – người đã cứu sống chị gái cậu khi bị bệnh nặng, cách nhà khoảng 5 km. Nhưng chỉ ở được một thời gian ngắn, cậu bé Lộc nhớ nhà nên trốn về. Dù cho ông bà bố mẹ nuôi hết lòng chăm chút, yêu thương cũng không làm nguôi nỗi nhớ nhà ngày càng mãnh liệt trong tôi. Và vào một đêm, tôi đã “dũng cảm” trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi để tìm đường về nhà mình[1].

Từ khoảng 6 tuổi, Nguyễn Đắc Lộc theo học tại lớp được tổ chức ở nhà người dân trong làng Hòa Trị và thị xã Thakhek. Lớp học có ít học sinh với độ tuổi và trình độ khác nhau. Vì vậy, việc học của tôi lúc nhỏ không có hệ thống, kiến thức chắp vá, có khi được học vài ba câu tiếng Pháp, có lúc thầy dạy cho dăm bảy chữ nho. Nhưng những gì học được đều thấm sâu vào ký ức tôi. Nhiều bài học vẫn còn in đậm trong tôi đến tận bây giờ. Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư cho lớp Sơ đẳng có một bài tập đọc mà tôi vẫn thuộc. Đó là bài “Ai bảo chăn trâu là khổ ?[2]. Lúc học ở thị xã Thakhek, hàng ngày cậu học trò Đắc Lộc đi bộ khoảng 4 km. Thương con nên bố mẹ gửi cậu đến ở nhiều nhà người quen biết khác nhau, nhưng cậu chỉ ở vài ngày thì lại xin về nhà vì muốn được luôn sống bên gia đình. Hàng ngày đi học, cậu thường đi qua một đồn của lính Pháp. Khi xẩy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Đắc Lộc còn nhớ được rằng: Hình như chỉ có một vài loạt súng nổ vào đêm. Sáng hôm sau đi học qua, chúng tôi đã thấy quân Nhật đóng trong đồn với cờ mặt trời[3] thay cho cờ tam tài4]. Tôi không biết những người lính khố đỏ cả người Lào và người Việt được đem đi đâu, nhưng sỹ quan và công chức người Pháp thì bị quân Nhật đưa về giam lỏng tại một tòa nhà nguyên là cơ quan của chính quyền Pháp trước đó. Học sinh chúng tôi đi qua thường tỏ thái độ coi khinh quân Pháp “thất trận” theo kiểu trẻ con bằng việc “ê .. ê .. lêu .. lêu … “ ầm cả phố[5].

PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc nhớ về đôi bờ sông Mekong

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, ngày 25-11-1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả ba nước đã xác định những nét cơ bản về đường lối, chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp dựa trên cơ sở liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia. Theo tinh thần đó, quân và dân các địa phương vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Lào phối hợp đánh quân Pháp ở nhiều nơi. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố của Lào động viên, kêu gọi thanh niên tích cực gia nhập lực lượng Liên quân Lào – Việt[6].

Vào những ngày tháng 3 năm 1946, Pháp chuẩn bị đánh chiếm Thakhek nên những người già yếu, phụ nữ, trẻ em được Hội Việt kiều cứu quốc tổ chức tản cư sang Thái Lan để tránh thương vong khi cuộc chiến xẩy ra. Sau khi chôn giấu một vài tài sản có giá trị, bỏ lại nhà cửa, vườn tược …, mẹ tôi đưa 4 anh chị em chúng tôi vượt sông tản cư sang Nakhon Phanom vào giữa tháng 3 năm đó. Chúng tôi ra đi gần như tay trắng với tinh thần sẽ quay trở lại nhà mình trên đất Lào khi tình hình yên ổn[7]. Ngày 21-3-1946 diễn ra trận đánh lớn nhất kể từ ngày thành lập của Liên quân Lào – Việt với quân Pháp để bảo vệ Thakhek. Từ bờ sông Mekong phía đối diện trên đất Thái Lan, Nguyễn Đắc Lộc trở thành nhân chứng sống cho sự kiện lịch sử này: Đó là trận chiến ác liệt. Quân Pháp dùng cả máy bay ném bom dội xuống chợ ở Thakhek giữa lúc đang họp đông người. Để tránh bom đạn giặc, nhiều người dân tay không đã liều mình vượt sông Mekong sang phía Thái Lan lánh nạn vẫn bị máy bay Pháp đuổi theo bắn giết. Hàng nghìn người bị thương vong trong ngày đen tối đó.[8]. Cũng từ đây gia đình Nguyễn Đắc Lộc phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để sang Thái Lan sinh sống cuộc đời của người tị nạn.

Khi mới qua sông sang đến đất Thái Lan, gia đình cậu tạm ở nhờ nhà một Việt kiều tại làng Nong Seng, thị xã Nakhon Phanom. Sau khi không còn hy vọng trở lại Thakhek, gia đình Nguyễn Đắc Lộc chuyển đến định cư tại làng Donmong cách thị xã Nakhon Phanom 5km. Những ngày đầu đến đây, gia đình phải ở nhờ dưới gầm một kho thóc nhỏ và thấp nhưng cũng đủ để các thành viên gia đình được quây quần bên nhau vào những ngày khốn khó. Khi chúng tôi đến đây làng này chỉ lưa thưa với trên chục gia đình người Việt đã sinh sống lâu năm và một gia đình người Thái Lan. Làng có một người người gốc Việt đứng đầu tên là Lục và người dân trong làng vẫn gọi ông là lý Lục (lý trưởng). Tôi không rõ ai đã đứng ra tổ chức, nhưng dần dần số gia đình người Việt tị nạn đến định cư tại đây cứ mỗi ngày một nhiều và có lúc đã lên đến con số trên 200[9]. Ông bố Đắc Lộc làm thợ xây thường vắng nhà nên mẹ cậu trở thành trụ cột gia đình. Tôi thực sự không sao hiểu được, nhờ đâu mà bà có đủ nghị lực, đủ sức mạnh để đưa chúng tôi vượt qua những khó khăn mọi bề như vậy. Nào là lo nơi ăn chốn ở, lo chạy từng miếng ăn cho cả nhà, lo việc học hành cho con cái[10]. Thời gian đầu tới Donmong, Nguyễn Đắc Lộc thường theo mẹ lên rừng khai hoang để trồng ngô, trồng sắn. Nhiều lần tôi cũng vác theo vài cành củi khi ra về. Nhưng thương con, mẹ tôi lại phải đâm độ vác luôn cả bó của tôi[11]. Việc canh tác xa không hiệu quả nên mẹ cậu xin đất ở gần để trồng sắn, khoai, rau. Dần dần cuộc sống của gia đình cậu cũng được cải thiện. Sau đó gia đình Nguyễn Đắc Lộc mua được nửa căn nhà lá cũ còn một nửa thuộc nhà hàng xóm, rồi chuyển đến ở ổn định tại một ngôi nhà cấp 4 cũ và có một mảnh đất trồng rau để vừa ăn vừa được bán.

Thời gian sau đó mẹ của Đắc Lộc chuyển sang buôn bán vặt ở chợ làng vào các buổi sáng. Thương mẹ nên ngoài thời gian đi học, cậu đảm nhận việc nấu ăn cho cả nhà và thường, cứ chiều đến, phải gánh khoảng ba chục gánh nước từ giếng lên tưới rau. Thỉnh thoảng cậu còn theo chị dâu gánh rau đi 5 km ra chợ thị xã để bán. Tôi rất sợ những lần phải bón phân, mỗi lần như vậy phải lội suống hố phân lợn đã được khuấy loãng, vục đôi thùng vào hố nước phân và gánh ra tưới vào gốc cây rau trong các luống. Sau đó lại phải tưới nước lã để rửa sạch cây rau. Thời ấy làm gì có găng, ủng cao su mà đi, làm gì có các loại nước thơm mà rửa, nên chân tay tôi dù kỳ cọ thế nào cũng phải nhiều ngày sau mới đỡ mùi[12].

Cuộc sống của những người tị nạn ở Thái Lan rất khó khăn, họ không được tự do cư trú, bị cấm kinh doanh sản xuất nhiều ngành nghề, không được sở hữu bất động sản… Hầu hết gia đình Việt kiều đều có bàn thờ trên treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác. Những năm đầu tản cư, lúc đó chính quyền Thái Lan còn có cảm tình với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đắc Lộc được đi dự mít tinh tại sân bay, tuần hành trên đường phố thị xã Nakhon Phanom kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tham gia các buổi tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân trong nước và các chiến sĩ ở mặt trận Miền Tây (mặt trận Lào) do Hội Việt kiều tổ chức. Đặc biệt ấn tượng là khi tôi được đi dự mít tinh đón ông Trần Văn Giàu, đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nói chuyện về cách mạng Việt Nam ở chùa Wat Khonkeo (Aranyicavat) sát trung tâm thị xã do Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom tổ chức. Tại đây lần đầu tiên tôi được nghe nói qua loa phóng thanh nên mặc dù người dự rất đông, tôi phải đứng từ xa nhưng vẫn nghe rõ mồn một[13].

Một điều đặc biệt là Thái Lan rất chú trọng việc giáo dục, chính quyền địa phương đến từng nhà thống kê và nhắc nhở các bậc phụ huynh phải cho con em đi học khi đến tuổi. Từ mùa hè năm 1946, Nguyễn Đắc Lộc học tại trường tiểu học đặt tại làng Nong Yat cách làng Donmong hơn 1km. Hàng ngày, cậu đi bộ đến lớp không kể thời tiết. Trường này chỉ là một ngôi nhà sàn bằng gỗ dài khoảng 7 gian: gian giữa là nơi đặt bàn thờ Phật và Đức Vua, hai gian đầu hồi được ngăn riêng là nơi sinh hoạt, hội họp của giáo viên, một gian làm lớp vỡ lòng để phụ đạo các em mới đi học không theo được chương trình lớp một, 4 gian giữa để thông nhau thành một hội trường lớn. Các lớp học được chia theo gian nhà có cửa riêng, chỉ có lớp 4 – lớp lớn nhất mới được ngồi bàn ghế. Các lớp còn lại, học sinh ngồi dưới sàn và mỗi học sinh có một chiếc bàn con con để viết. Hàng ngày chúng tôi phải đi học từ 8 giờ sáng, nghỉ trưa tại trường và tan học vào 4 giờ chiều. Sáng thứ hai toàn thể giáo viên, học sinh tập trung tại sân trường để chào cờ và hát quốc ca Thái Lan. Sau giờ học buổi sáng thứ 7 thầy trò toàn trường tập trung tại khu vực gian giữa để lễ Phật, tụng kinh và sau đó là nghe thầy hiệu trưởng giáo huấn. Đối với mỗi trẻ em Thái Lan, biểu tượng ba màu trên lá cờ được thường xuyên nhắc nhở để giáo dục tình yêu đất nước. Đó là: màu đỏ tượng trưng cho Tổ quốc, màu trắng tượng trưng cho tôn giáo tức Đạo Phật, còn màu xanh là tượng trưng cho Đức Vua. Bản thân tôi, không phải là người Thái, nhưng tôi hết sức quý trọng và nâng niu lòng tin đó[14].

Một điều hết sức đặc biệt là khi đến trường Nguyễn Đắc Lộc được mang tên bằng tiếng Thái là “Lượn” suốt 4 năm học. “Có lẽ trước đây đã có một học sinh tên như vậy bỏ học, nhà trường muốn thay tôi vào đấy để đỡ xáo trộn. Những học sinh người Việt chúng tôi thường không chỉ học trường Thái mà còn theo học các lớp dạy tiếng Việt do Hội Việt kiều tổ chức. Nên ở trường Thái, chúng tôi có năng lực nổi trội hơn các bạn người Thái”. Bởi vậy, khi học lớp một, thỉnh thoảng Nguyễn Đắc Lộc được thầy giáo giao trông lớp phụ đạo và thay thầy giúp các em tập đọc. Khi lên lớp hai, trong lúc các bạn ngồi làm bài, thỉnh thoảng cô giáo gọi Đắc Lộc lên cạnh bàn cô và dạy hát cho cậu. Nguyễn Đắc Lộc có ấn tượng và kỷ niệm nhất với cô giáo dạy lớp 4 tên là Xa At. Cô sinh ra trong một gia đình quý tộc sống ở Thị xã Nakhon Phanom nhưng tình nguyện dạy học ở trường làng. Cô Xa At cũng có phần cảm tình đặc biệt với học sinh người Việt nên một số học sinh người Việt được cô giáo mời đến nhà chơi. Có lẽ tôi là trường hợp duy nhất được cô đến tận nhà thăm khi biết tôi ốm. Nhưng không may cho tôi, chính vào mấy hôm tôi lấy lý do ốm xin nghỉ học lại là để tham gia canh gác cho cán bộ của Tổng hội Việt kiều đang tổ chức cuộc họp bí mật ở làng tôi. Chị tôi đã phải nói dối là lúc đó tôi đang đi khám bệnh và mua thuốc không có nhà. Nếu có nhà chắc tôi xấu hổ lắm vì nhà nghèo chẳng có gì mà đón tiếp cô[15]. Nhiều thập niên sau, qua một người bạn thường đi công tác Thái Lan, cho Nguyễn Đắc Lộc biết rằng mỗi lần gặp cô Xa At, cô vẫn quan tâm và hỏi thăm mình.

Cùng với việc học văn hóa ở trường của người Thái, Nguyễn Đắc Lộc cũng như các con em Việt kiều còn được học văn hóa ở trường do Hội Việt kiều tổ chức ở các làng. Vào giai đoạn này Hội Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom còn tổ chức các kỳ thi chung cho học sinh toàn tỉnh. Năm 1949 Nguyễn Đắc Lộc thi tốt nghiệp sơ học yếu lược, sau khi hoàn thành ba năm đầu của chương trình tiểu học 6 năm . Mỗi học sinh đều phài làm hai bài thi viết về toán và văn, nếu đạt điểm trên trung bình mới được thi tiếp nhiều môn khác dưới hình thức vấn đáp. Ngày công bố kết quả, bố tôi đã dẫn tôi từ làng ra tỉnh để dự. Khi công bố điểm của tất cả thí sinh dự kỳ thi năm đó, tôi đứng thứ 11, tôi đã rất vui mừng với kết quả cao như vậy. Nhưng không ngờ, tất cả các anh chị xếp trên tôi đều là những thí sinh thi lần thứ hai, vì vậy tôi được biểu dương là người đạt giải nhất kỳ thi năm đó với thành tích cao hơn hàng trăm người. Tôi còn bé quá nên khi lên nhận phần thưởng, theo yêu cầu, tôi phải đứng lên bàn cho mọi người nhìn rõ. Bố tôi đứng sau tôi vui mừng đỡ những gói phần thưởng mà tôi được nhận. Chắc ông phải vui và tự hào lắm[16].

Sau khi học xong sơ học yếu lược, lúc này hoạt động của các tổ chức Việt kiều phải rút vào bí mật, Nguyễn Đắc Lộc lúc thì học ở làng, lúc phải ra thị xã tiếp tục học theo các lớp học gia đình. Lớp học do Hội Việt kiều thường được tổ chức học tập trung vào đợt nghỉ hè hàng năm của trường Thái và vào sáng sớm và chiều tối. Lớp học lúc đó không có sách giáo khoa mà thầy dạy gì trò học nấy và việc học thường gián đoạn vì thiếu giáo viên. Các thầy đều nguyên là học trò của các nhà trường trong chế độ cũ, hầu hết mới học xong chương trình Tiểu học hệ 6 năm, cao nhất cũng chỉ qua học một phần chương trình Cao đẳng tiểu học.

Nguyễn Đắc Lộc (hàng 2, bìa trái) cùng các bạn và thầy giáo tại Donmong, Nakhon Phanom, Thái Lan, năm 1950

(Ảnh do PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc cung cấp)

Ngoài việc học, Nguyễn Đắc Lộc và các học sinh người Việt còn được tham gia nhiều hoạt động thiếu nhi của Hội Việt kiều cứu quốc mang tính giáo dục đạo đức, nâng cao lòng yêu nước, yêu kính Bác Hồ, tham gia nhiều trò chơi nhằm xây dựng nhân cách và kỹ năng sống. Đồng thời học sinh còn được hướng dẫn, tổ chức các hình thức hoạt động kiểu “Hướng đạo sinh” như kỹ năng nhận biết các loại dấu hiệu chỉ dẫn khi đi đường; biết cách phát và nhận tín hiệu Mooc-xơ và Xê-ma-pho để truyền tin. Bên cạnh đó, thiếu nhi Việt kiều còn được giao nhiệm vụ như dạy bình dân học vụ, canh gác cho các cuộc họp bí mật của cán bộ Hội Việt kiều, liên lạc chuyển giao tài liệu giữa làng Donmong với khu căn cứ tại Làng Nachoc[17].

Cuối năm 1951, Nguyễn Đắc Lộc được bố cho đi học nghề thợ mộc. Đó là theo một quyết định bất thần của bố tôi. Ông là người luôn quan tâm đến việc học của con cái. Bố tôi thường nói “dù có làm nghề gì thì có học vẫn hơn” vì vậy bố tôi đã sắp xếp để cho tôi đi học tiếp trường Thái (tôi đã học hết lớp trường Việt). Nhưng không hiểu, ông đã căn cứ vào đâu mà quyết định cho tôi tạm thời đi học nghề, chờ khi có dịp chọn người về nước học, ông sẽ cho tôi đi học tiếp. Tôi cũng chỉ biết vậy và ở tuổi 14, tôi vui vẻ rời nhà ra thị xã để học nghề và bước đầu cuộc đời tự lập kiếm sống[18]. Đầu tiên, Nguyễn Đắc Lộc theo người anh họ đi xây dựng nhà làm việc cho bệnh viện tỉnh Nakhon Phanom. Hàng ngày cậu cùng anh họ đi làm và về ăn nghỉ tại nhà anh họ. Do ông anh họ thường vắng nhà (vì anh là cán bộ cốt cán của Hội Việt kiều) nên công việc xây dựng được tiến hành cầm chừng, Nguyễn Đắc Lộc đi làm ít hơn ở nhà nên sau hơn ba tháng trời cậu xin phép anh họ cho đi làm nơi khác. Cậu được anh Cờ – một người quen biết với gia đình mình nhận cho học nghề mộc và ăn ở trong nhà. Anh là một cai thầu có uy tín thường xuyên có hợp đồng xây dựng và tạo việc làm quanh năm. Thời đó, ở Thái Lan nhiều tòa nhà còn được làm toàn bằng gỗ. Cột nhà, sàn nhà, xà nhà bằng gỗ đã đành, ngay cả tường xung quanh, vách ngăn, trần nhà, thậm chí cả mái lợp cũng bằng ngói gỗ. Vì vậy, bước vào thực hiện một công trình thì việc đầu tiên là phải bào, bào và bào. Bào gỗ trông thì đơn giản nhưng vẫn phải học mà khó nhất là kỹ thuật mài lưỡi bào[19]. Vì khá nhanh trí và khéo tay nên Nguyễn Đắc Lộc học nghề tương đối nhanh. Chỉ sau vài tháng từ thợ học nghề cậu đã được nhận lương thợ bậc 1. Thời đó công thợ mộc của Nguyễn Đắc Lộc quy ra được khoảng 10 -15kg gạo/ngày (cô Nga). Thấy tay nghề của Nguyễn Đắc Lộc tiến bộ qua một số công trình, nên anh Cờ cho cậu đi theo giúp việc. Bởi vậy cậu bắt đầu tập đọc các bản vẽ thi công để phụ anh Cờ trong việc lấy dấu, để đục, để cắt… các chi tiết quan trọng đảm bảo đúng thiết kế. Cậu rất vui mừng và vinh dự vì được tham gia xây dựng rạp chiếu bóng đầu tiên trên đường Bamrung Muang của Thị xã Nakhon Phanom.

Vào cuối năm 1953, Nguyễn Đắc Lộc đang làm công trình cho nhà máy xay xát gạo và xẻ gỗ tại tỉnh Mucdahan thì bố cậu xuống tận nơi đón về nhà gấp với lý do mẹ ốm nặng. Trên đường về cậu rất lo cho mẹ thì được bố cho biết cậu được chọn về Việt Nam để học tập theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Thế là với một sự may mắn và niềm vinh dự lớn lao, tôi trở thành một trong số ít thiếu niên con em Việt kiều Thái Lan được chọn cho về vùng tự do trong nước để học tập. Từ một cậu thợ mộc được sinh ra và 16 năm sống nơi đất khách quê người, đây là bước ngoặt lớn nhất làm thay đổi cuộc đời tôi …[20].

Để lại những kỷ niệm của thuở thiếu thời trên đất nước Lào và Thái Lan, đầu tháng 11-1953 Nguyễn Đắc Lộc cùng một số bạn Việt kiều đã trải qua cuộc hành trình kéo dài hơn một tháng về Việt Nam. Đến bây giờ tôi cũng không biết mình đã học đến lớp nào khi còn ở Thái Lan. Chỉ biết khi chúng tôi về vùng giải phóng trong nước học tập, để xếp lớp cho chúng tôi, các thầy đã kiểm tra trình độ và tôi được xếp vào học chương trình lớp 5 hệ phổ thông 9 năm và tôi đã theo được bình thường[21]. Sau đó số học sinh Việt kiều được học tập tại trường Sư phạm Liên khu IV ở xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An với tên gọi Phân đoàn Kiều sinh. Từ đây Nguyễn Đắc Lộc chính thức bước vào những năm tháng học tập để sau này phục vụ cho đất nước.

(Còn tiếp)

Lê Thị Hoài Thu

___________________________

* PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Điện tử và Tin học tự động hóa (1988 – 1998), thuộc Bộ Công nghiệp nặng (nay thuộc Bộ Công thương).

[1] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Những ngày thơ ấu”, 2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Những ngày thơ ấu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[3] Quốc kỳ Nhật Bản.

[4] Quốc kỳ của Pháp.

[5] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Những ngày thơ ấu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[6] http://www.tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich-su/41744/Lien-minh-chien-dau-Viet-Nam-Lao-chong-thuc-dan-Phap.

[7] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Những ngày thơ ấu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc, 27-4-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[11]Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[14] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[15] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[16] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[17] Nachoc là nơi Bác Hồ đã từng sống khi Người hoạt động cách mạng ở Thái Lan . Ngôi nhà Bác từng ở đã được tôn tạo và từ năm 2004, Làng Nachoc đã được hai Chính phủ Thái – Việt đặt tên là Làng Hữu nghị Thái – Việt.

[18] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[19] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.

[20] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Trở về đất mẹ”, 2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[21] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Thời niên thiếu”, 2016, tài liệu đã dẫn.