Kính thưa GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế, bà Nguyễn Thị Mão, phu nhân của giáo sư và gia đình,
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý
Có thể nhiều vị có mặt tại đây hôm nay nghe cái tên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn lạ lẫm, chưa quen nên trước hết cho phép tôi bày tỏ đôi lời về Trung tâm này. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tháng 9-2008. Nhiệm vụ của Trung tâm là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các tư liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam; khai thác các giá trị ấy trước hết thông qua việc giới thiệu, trưng bày về sự lao động sáng tạo của các nhà khoa học, về lịch sử phát triển của các ngành khoa học ở nước ta; tương lai sau này đây sẽ là một trung tâm dữ liệu phong phú để những người quan tâm nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử khoa học ở nước ta. Trung tâm được thành lập và bảo trợ bởi Công ty công nghệ và xét nghiệm y học (MEDLATEC). Trong tôn chỉ mục đích của MEDLATEC có tuyên bố dành một phần đáng kể tài chính của mình cho hoạt động văn hóa; ấy là một cách tư duy mới trong hoạt động doanh nghiệp, đó chính là nguồn tài chính bền vững của Trung tâm chúng tôi.
Sự hình thành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã góp phần mở rộng khái niệm “di sản” khi xem tất cả những tài liệu liên quan đến lịch sử cuộc đời các nhà khoa học (như những cuốn sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, giấy tờ cá nhân, công văn, quyết định, bản thảo khoa học, bản đánh giá, góp ý, các công trình khoa học, các ảnh tư liệu, các băng đĩa ghi âm, ghi hình… và cả ký ức của nhà khoa học) đều là những di sản mà nhờ đó người ta có thể hiểu về lịch sử của một con người, của một ngành khoa học. Sự ra đời và hoạt động của Trung tâm đã tác động lớn đến quan niệm của các nhà khoa học cũng như những người làm công tác bảo tàng, lưu trữ ở Việt Nam về việc giữ gìn, bảo tồn một loại di sản đặc biệt này.
Từ trước tới nay, di sản của các nhà khoa học còn ít được hoặc nói đúng hơn không được xã hội chú ý, các bảo tàng, cơ quan lưu trữ của Nhà nước cũng ít quan tâm tới vấn đề này, và bản thân các nhà khoa học cũng thường không chú ý đến, cho nên theo thời gian các tài liệu cá nhân do nhà khoa học tạo ra hoặc có liên quan bị mai một hoặc biến mất dần. Nhiều nhà khoa học ở thế hệ đầu tiên khi mất đi các di sản của họ cũng không còn nữa. Mỗi lần chuyển nhà các tài liệu cá nhân dần dần bớt đi vì bản thân nhà khoa học thấy chúng trở nên không cần thiết. Ấy là chưa kể chuyện mối xông, ẩm mốc. Đó là sự mất mát của lịch sử. Chúng tôi thấy cần phải sưu tầm, ghi chép, giữ gìn những di sản ấy, để sau này có thể kể những câu chuyện hấp dẫn, sống động về cuộc đời và sự nghiệp của mỗi nhà khoa học trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời bao cấp, cho đến thời đổi mới. Di sản của các nhà khoa học là một phần di sản của dân tộc, là thành tố quan trọng dệt nên tấm thảm lịch sử của đất nước. Tôi nghĩ rằng việc tổ chức nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách quy mô, hệ thống sẽ cho phép chúng ta hình dung được lịch sử phát triển của các ngành khoa học Việt Nam. Cuộc đời sống động của từng nhà khoa học có giá trị sử liệu để ghép thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của nền khoa học Việt Nam.
Sau gần một chục năm hoạt động, thành công lớn nhất của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là được các nhà khoa học tin tưởng và được xã hội đánh giá cao. Trung tâm đã tiếp xúc được với hơn 1.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực và chuyên ngành khác nhau; đã sưu tầm được hơn 50 vạn tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý với số lượng lớn của các nhà khoa học như: GS Đoàn Trọng Truyến (kinh tế học), GS Tôn Thất Tùng (y học), GS Phạm Đức Dương và GS Hoàng Tuệ (ngôn ngữ học), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu (dân tộc học), GS Văn Tạo (sử học), GS Hoàng Tụy (toán học), GS Phong Lê và GS Hà Minh Đức (văn học)….
Trung tâm cũng đã ghi được hàng chục vạn phút phim tư liệu phỏng vấn, ghi âm giọng nói và chụp ảnh các nhà khoa học, để phục vụ cho công tác lưu trữ và nghiên cứu sau này.
Tại Tp. HCM, kể từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tiếp cận nghiên cứu được khoảng 70 nhà khoa học và sưu tầm được hàng vạn tài liệu của các nhà khoa học như: GS Lê Văn Thiêm, GS Trương Công Trung, PGS Lê Văn Sáu, PGS Mạc Đường, GS Vũ Công Hòe, GS Hoàng Như Mai, GS Lê Đình Kỵ, GS Nguyễn Ngọc Giao…
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật của GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế hôm nay là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với lịch sử hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới đối với việc nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật cá nhân của một nhà khoa học tại Tp. HCM.
GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế là người trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia hoạt động ở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bình Thuận với nhiệm vụ làm liên lạc, văn thư, chuyển công văn. Năm 1951, khi mới 17 tuổi, ông đã được kết nạp Đảng và được cử ra Liên khu 5 để học tập tiếp. Từ năm 1951-1954, ông học cấp 2, tỉnh Bình Định. Giữa năm 1954, khi đang học lớp 8, ông được đi tập kết ra Bắc và tiếp tục được học tại Nghệ An. Giữa năm 1956, khi chưa tốt nghiệp cấp 3, ông được lựa chọn đặc biệt ra Hà Nội học tiếng Nga. Đến năm 1958, trước khi tốt nghiệp lớp tiếng Nga, ông đã thi lấy bằng cấp 3.
Lúc đầu ông Bùi Khánh Thế được phân công làm phiên dịch ở Nhà máy Cơ khí Trung quy mô, rồi được cử về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để dạy tiếng Nga cho sinh viên khoa Văn Sử. Tại đây, ông có cơ hội gần gũi và làm việc với những học giả hàng đầu như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn…
Với tinh thần ham học hỏi, lấy tự học làm động lực vươn lên, ông không chỉ say mê với công tác giảng dạy, mà còn tham gia dịch thuật. Ông miệt mài ngày đêm bên những trang sách và kết quả là đã hoàn thành việc dịch và xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng của văn học Xôviết: đó là cuốn Lịch sử văn học Xô-viết (S.O. Mêlíchnubarốp, trọn bộ hai tập, 1961) và cuốn Các loại hình nghệ thuật (V. Kôginốp, 1963). Những thành công bước đầu ấy làm cho ông dần yêu thích chuyên ngành ngôn ngữ học và mong muốn đi sâu vào lĩnh vực khoa học này. Được sự đồng ý của thầy Nguyễn Tài Cẩn, ông đến lớp ngồi học dự thính với sinh viên. Năm 1968, ông hoàn thành khóa luận tốt nghiệp “Từ láy trong tiếng Tày Nùng (so sánh với tiếng Việt)” và được cấp bằng đại học. Kể từ đây, ông trở thành giảng viên ngôn ngữ học của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp HN.
Giảng viên Bùi Khánh Thế say mê với việc giảng dạy, đọc sách, đưa sinh viên đi thực tập ở nhiều tỉnh, nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Lào… Thói quen quan sát, ghi chép lại những suy nghĩ, những điều nhìn thấy, gặp được trên đường công tác và khi đi điền dã đã làm cho khối kiến thức của ông ngày một đầy thêm, cũng chính từ những ghi chép ấy, ông đã hoàn thành nhiều bài nghiên cứu, nhiều đề tài khoa học.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Bùi Khánh Thế được cử tham gia tiếp quản các trường đại học ở miền Nam. Năm 1977, ông được cử làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đầu năm 1979, ông tham gia Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu giữa Viện Ngôn ngữ Việt Nam và Viện Đông phương Liên Xô. Trong quá trình hợp tác đó, từ năm 1979-1981 ông cùng các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu điền dã ở một số tỉnh của Việt Nam. Dựa trên những tài liệu thu thập được ở Việt Nam, cũng như quá trình nghiên cứu ở Liên Xô, ông đã tự viết luận án phó tiến sĩ bằng tiếng Nga với đề tài “Về cơ cấu tiếng Chàm” trong quá trình thực hiện công trình hợp tác nghiên cứu Việt – Xô nói trên. Đúng lúc này Nhà nước có chủ trương mở đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. Chính Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN muốn ông bảo vệ luận án ở trong nước nên GS Bùi Khánh Thế đã dịch bản luận án sang tiếng Việt và bảo vệ ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông trở thành một trong 2 người đầu tiên bảo vệ luận án Phó tiến sĩ trong nước
Năm 1981 PTS Bùi Khánh Thế trở lại làm công tác giảng dạy ngôn ngữ học ở trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Những kiến thức ông tích lũy trong nhiều năm được truyền lại cho các thế hệ học trò một cách nhiệt huyết nhất. Nhiều thế hệ sinh viên luôn nhớ về ông với hình ảnh một người thầy hiền từ, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tận tâm giúp đỡ thế hệ trẻ. Cuối những năm 1980, ông nhận nhiệm vụ sang Campuchia làm chuyên gia giáo dục, hỗ trợ nước bạn một số vấn đềđào tạo đại học.
GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế cũng chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thành lập khoa Đông phương học ở trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1994). Lúc ấy, việc đề xuất thành lập khoa Đông phương học đã gặp không ít khó khăn, nhưng với ý chí và quyết tâm, ông đã thành công. Ngày nay, khoa Đông phương học phát triển mạnh mẽ, các thế hệ kế tiếp luôn nhớ tới ông như một người đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý, GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế cũng để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lĩnh vực ngôn ngữ học. Ông quan tâm nhiều đến ngôn ngữ học tiếp xúc và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông biên soạn một số cuốn sách như: Nhập môn ngôn ngữ học (Nxb Giáo dục, 1995); Từ điển Chăm – Việt (chủ biên, Nxb Giáo dục, 1995); Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2001); Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011); Tiếng Việt – tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (Nxb Chính trị quốc gia, 2012)… Những nghiên cứu của ông về tiếng Chàm, tiếng Mnông được đăng tải trên các tạp chí khoa học đều là nguồn tài liệu hữu ích cho việc tham khảo, học tập của sinh viên cũng như giới nghiên cứu.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các vị khách quý,
Khối di sản mà GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế đã tạo ra vô cùng lớn. Giáo sư đã quyết định tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 2.400 đầu tài liệu hiện vật. Đây là khối tài liệu hiện vật đa dạng và rất có giá trị, đó là hàng trăm bức thư ông trao đổi với các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, hàng chục tập phích phiếu viết tay phục vụ công tác nghiên cứu; hàng trăm bản thảo viết tay hoặc đánh máy về vấn đề ngôn ngữ các dân tộc; những bản nhận xét luận án phó tiến sĩ… Đặc biệt, là hàng trăm cuốn sổ ông đã sử dụng trong các chuyến điền dã ngôn ngữ học từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó ghi chép tỉ mỉ những công việc diễn ra ở nơi thực địa, những phát biểu của các chuyên gia ngôn ngữ trong và ngoài nước, những suy nghĩ hay những điều mắt thấy tai nghe trên đường công tác. Chúng tôi xúc động được thấy những cuốn sổ ông đã ghi chép khi nghe GS Nguyễn Tài Cẩn và các chuyên gia Liên Xô giảng bài, thảo luận… Chỉ thông qua những cuốn sổ ấy thôi, cũng đủ thấy khối lượng công việc đồ sộ và tinh thần làm việc hăng say như thế nào của GS Bùi Khánh Thế.
Đây không chỉ là một khối tài liệu lớn có giá trị để nghiên cứu về cuộc đời một con người, để hiểu sự lao động cần cù, miệt mài, sáng tạo của một nhà khoa học mà thông qua đó còn có thể nhìn rộng hơn về công tác nghiên cứu khoa học, về môi trường học thuật trong ngành ngôn ngữ học ở nước ta nửa sau thế kỷ 20.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Thay mặt Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế! Xin chúc Giáo sư, phu nhân giáo sư và toàn thể gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!
Kính chúc các vị đại biểu luôn mạnh khỏe, thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
PGS.TS Nguyễn Văn Huy