Kết quả nổi bật trong năm 2015 của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đó là vị thế, uy tín của Trung tâm ngày càng được nhiều nhà khoa học, giới chuyên môn và xã hội đánh giá cao. Tại tọa đàm khoa học "Quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ", diễn ra hồi tháng 10-2015, trong một báo cáo của cán bộ Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước đã nhận định: "Hiện nay Lưu trữ nhà nước dường như đang bỏ sót mảng tư liệu của các nhà khoa học và những nhà nghiên cứu “bình dân”. Tuy nhiên thật may trong những năm qua Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã phần nào lấp được khoảng trống đang bị lãng quên này một cách khá hiệu quả". Như vậy có thể thấy vấn đề lưu trữ tài liệu cá nhân, đặc biệt là tài liệu của các nhà khoa học, cho dù họ có nổi tiếng hay không, đã được xã hội nhìn nhận và coi trọng.
Công cuộc nghiên cứu-sưu tầm, theo định hướng đúng đắn của Giám đốc chuyên môn – PGS.TS Nguyễn Văn Huy, từ khi Trung tâm thành lập đến nay với tinh thần kiên trì, say mê, tâm huyết và đầy trách nhiệm của tập thể cán bộ, nghiên cứu viên, Trung tâm đã gặt hái nhiều kết quả trong năm qua. Lần đầu tiên trong hơn bảy năm hoạt động, Trung tâm vượt 39,2% kế hoạch năm về sưu tầm tài liệu với nhiều khối tài liệu lớn của một số nhà khoa học tên tuổi. Như những cuốn sổ ghi chép của GS Hà Minh Đức và GS Phong Lê (chuyên ngành Văn học), hàng trăm bản thảo công trình nghiên cứu của GS.TSKH Lê Đức An (Địa chất), GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Sinh học), GS Đỗ Văn Thanh (Ngôn ngữ), hay thư từ, bản thảo, sổ ghi chép của GS.TS Phạm Đức Dương (Ngôn ngữ), hàng trăm bức thư của vợ chồng PGS Lê Bá Thảo (Địa lý),…Trong quá trình làm việc với Trung tâm, nhiều nhà khoa học từ lâu đã ủng hộ và trao tặng nhiều tư liệu quý, như trường hợp GS Nguyễn Văn Hiệu, PGS Hà Đình Đức, GS Lương Phương Hậu, GS Nguyễn Tài Lương, GS Vũ Ngọc Lộ… Và cũng trong năm 2015, đã có 42,8% tổng số nhà khoa học mới tiếp cận nghiên cứu sưu tầm, ngay lần đầu làm việc với nghiên cứu viên đã ủng hộ và trao tặng tư liệu cho Trung tâm. Những con số ấn tượng đó cho thấy tính hiệu quả của công tác nghiên cứu-sưu tầm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Nhiều nghiên cứu viên Trung tâm chia sẻ: hiện nay, việc thuyết phục nhà khoa học không còn khó khăn nhiều như thời kỳ đầu mới hoạt động, hầu hết các nhà khoa học đã biết đến hoạt động nhân văn của Trung tâm và sẵn lòng hợp tác.
GS Phong Lê cùng nghiên cứu viên sắp xếp tài liệu tặng Trung tâm
Hướng nghiên cứu-sưu tầm tại thành phố Hồ Chí Minh được triển khai từ năm 2012 tiếp tục được duy trì. Năm qua, Trung tâm đã làm việc với 16 nhà khoa học và gia đình nhà khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh, sưu tầm được những khối tài liệu quý của GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Châu Diệu Ái, GS Nguyễn Thị Kim Thoa… Đặc biệt may mắn khi các nghiên cứu viên Trung tâm đã kịp thời phỏng vấn ghi hình được GS Âm nhạc Trần Văn Khê ngay trước ngày ông đau nặng và mất…
Trong năm 2015, bên cạnh công tác nghiên cứu-sưu tầm vốn là xương sống trong hoạt động chuyên môn của Trung tâm, các công tác kiểm kê bảo quản tài liệu, dữ liệu và website cũng được tăng cường nhằm đảm bảo mọi mặt hoạt động. Đội ngũ cán bộ Trung tâm đã quen việc và có sự tiến bộ trong chất lượng hoạt động chuyên môn. Chất lượng trong hai ấn phẩm là một phần kết quả nghiên cứu trong năm của Trung tâm: Những câu chuyện hiện vật tập 2 và Di sản ký ức của nhà khoa học tập 5. Nội dung tập 2 cuốn Những câu chuyện hiện vật vẫn là những câu chuyện kể về hiện vật đã từng gắn bó trong cuộc đời của nhà khoa học, nhưng có chiều sâu, thú vị và hấp dẫn hơn. Sau khi ra mắt, cuốn sách đã được nhiều người quan tâm tìm đọc, hỏi mua. Đồng thời cuốn Di sản ký ức của nhà khoa học tập 5 tiếp tục thu hút bạn đọc với những câu chuyện ký ức một thời của các nhà khoa học Việt Nam.
Bộ ấn phẩm của Trung tâm bắt đầu ra mắt bạn đọc từ năm 2011
Như vậy, dấu ấn đậm nét trong năm 2015 là niềm tin của các nhà khoa học gửi gắm vào Trung tâm. Theo đó trách nhiệm của Trung tâm cũng được đặt ra nặng nề hơn, cần nỗ lực nhiều hơn. Trong một buổi trao đổi chuyên môn tại Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định: "Trong những năm qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang ở giai đoạn tích lũy về lượng, đã đến lúc từ lượng chuyển thành chất. Đó chính là vừa tiếp tục “cấp cứu” di sản của các nhà khoa học có nguy cơ mai một, vừa xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho các trưng bày trong tương lai. Năm 2015 có thể coi là năm bản lề của quá trình chuyển giai đoạn này". Bước sang năm hoạt động thứ tám, công việc của Trung tâm vốn đã nhiều lại càng trở nên đa dạng, phức tạp và thực sự là những thách thức lớn: số lượng nhà khoa học ngày càng tăng, các nhà khoa học cao tuổi cứ mai một dần, trong khi nhân lực của Trung tâm có hạn; làm thế nào kết hợp hài hòa giữa sưu tầm và tư liệu hóa, nâng cao chất lượng trong từng sản phẩm chuyên môn, chuẩn bị nội dung cho các trưng bày và nâng cao trình độ tác nghiệp của nghiên cứu viên… Tuy nhiên, với niềm tự hào về giá trị cốt lõi, riêng có của Trung tâm, chúng tôi tin tưởng sẽ tìm được hướng đi cho Trung tâm trên cơ sở vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành và vừa làm vừa tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Dự kiến đến 2018-2020, Trung tâm sẽ lần lượt cho ra mắt các trưng bày chuyên đề và kết hợp chặt chẽ với tiến độ xây dựng tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam để sớm đưa Công viên đi vào hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong một buổi sinh hoạt chuyên môn tại Trung tâm
Trong buổi tổng kết cuối năm 2015, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn, GS.TS Nguyễn Anh Trí chúc toàn thể cán bộ nhân viên của Trung tâm sang năm mới:
“Sắc bén hơn
Tinh túy hơn
Hiệu quả hơn
Trách nhiệm hơn”
Chúng tôi sẽ thấm nhuần lời chúc đó và hi vọng rằng, mặc dù thách thức với Trung tâm còn nhiều nhưng dựa trên những kết quả và niềm tin đã tạo dựng trong thời gian qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước để thực hiện mục tiêu, sứ mệnh của mình.
Trần Bích Hạnh