Buổi làm việc đặc biệt

Hôm đó, ông Trần Thành đang cặm cụi bên bàn làm việc ở Ban nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện bảo tàng Hồ Chí Minh[1], bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên làm ông giật mình dứt ra khỏi dòng suy tư. Ông nhấc ống nghe: người thư ký Văn phòng Chủ tịch Hội đồng nhà nước thông báo là Chủ tịch Trường Chinh có việc cần gặp ông tại nhà riêng ở số 3 – Nguyễn Cảnh Chân. Quá bất ngờ và chưa có sự chuẩn bị, ông Thành tỏ ý ngần ngại nhưng người thư ký trấn an rằng: anh cứ yên tâm là bác rất giản dị và thoải mái. Khoảng 10 phút sau, ông Trần Thành đến nơi và được bảo vệ dẫn vào phòng khách ngồi chờ. Căn phòng rộng chừng 15 mét vuông, với một bộ bàn ghế tiếp khách, một vài bức tranh treo tường, mọi thứ đều đơn giản và trang nhã. Vài phút sau, Chủ tịchTrường Chinh bước vào, trời lạnh nên Chủ tịch đội mũ len, mặc áo bông vỏ kaki, trên tay cầm tờ giấy. Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng ánh mắt ông cụ vẫn rất tinh tường, nụ cười đôn hậu. Sau lời thăm hỏi gia đình và tình hình công việc của ông Trần Thành, Chủ tịch Trường Chinh vào chuyện: Năm nay, Bộ Chính trị phân công cho tôi chuẩn bị bài diễn văn trong lễ kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của Bác. Nhà xuất bản Sự thật cũng xin được tái bản cuốn «Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam» mà tôi đã viết cách đây 25 năm. Mong đồng chí tìm và làm rõ thêm một số vấn đề trong tiểu sử của Bác để bổ sung cho chính xác[2]. Đưa tờ giấy viết sẵn những yêu cầu bằng mực đỏ cho ông Thành, Chủ tịch Trường Chinh nói tiếp: Bác Hồ của chúng ta rất vĩ đại, nhưng Bác rất ít nói về bản thân mình. Chúng ta được sống gần Bác ví như người đứng dưới chân núi cao, khó thấy hết được tầm cao của núi. Thời gian càng lùi xa, cách mạng càng tiến tới cùng với loài người tiến bộ, chúng ta càng phải hiểu Bác đầy đủ và sâu sắc hơn. Những bài tôi viết về Bác trước đây, trong điều kiện thời gian và tư liệu lúc đó, nay cần phải xem lại cho cẩn thận để bổ sung thông tin chính xác hơn. Mong đồng chí sẽ giúp tôi việc này.

Ông Trần Thành (trái) bắt tay đồng chí Trường Chinh trong một buổi làm việc tại Hà Nội, năm 1988

Đọc qua các câu hỏi trên tờ giấy đó, ông Thành thấy có nhiều câu khó như: Bác Hồ là thành viên trong Đông phương bộ của Quốc tế cộng sản, nhưng có phải là Ủy viên Đông phương bộ không? Bác triệu tập hội nghị hợp nhất các Đảng có phải với tư cách là Ủy viên Đông phương của Quốc tế cộng sản không… Lúc đó đã 11 giờ 35 nên ông Thành xin phép Chủ tịch Trường Chinh về tìm hiểu, tra cứucẩn thận và sẽ báo cáo lại vào buổi chiều. Chủ tịch đồng ý và nói: Chú cứ về tìm hiểu, lúc nào xong việc thì đến, vào bất cứ giờ nào chiều nay tôi cũng tiếp chú.

Trở lại cơ quan làm việc, ông Trần Thành huy động các cán bộ trong Ban nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tìm, đọc, sao chụp tư liệu và tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, hơn 16 giờ ông mới trở lại nhà riêng Chủ tịch Trường Chinh để báo cáo kết quả công việc. Thấy những tư liệu ông Thành mang đến vừa có thông tin đầy đủ lại kèm theo bản chụp các tài liệu gốc, Chủ tịch Trường Chinh tỏ ra hài lòng. Theo GS Trần Thành chia sẻ thêm: Cuối tháng 4-1985, cuốn sách «Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam» đã được Nhà xuất bản Sự thật tái bản đúng dịp cả nước kỷ niệm sinh nhật Người. Còn bài diễn văn cũng được đồng chí Trường Chinh chỉnh sửa rồi phát biểu trong lễ mít tinh 95 năm ngày sinh của Người ở Hội trường Ba Đình.

Hoàn thành nhiệm vụ, ông xin phép ra về thì Chủ tịch ngăn lại: Công việc đã xong, bây giờ chú là khách của tôi, chú ngồi đây để tôi pha nước mời chú. Ông cụ chậm rãi đi sang phòng bên lấy ấm chén, rồi tự tay pha trà và rót nước mời ông Thành. Lấy con dao nhỏ trên bàn làm việc khẽ rạch nilon bọc bao thuốc lá Ardath, Chủ tịch mở gói thuốc ra mời. Ông Thành rút một điếu nhưng không hút, cụ liền nói: Chú hút đi chứ. Ông Thành thưa lại rằng: Cháu muốn cầm điếu thuốc này về cơ quan để khoe với anh em rằng đây là thuốc lá của Chủ tịch nước ạ. Ông cụ cười và nói: Chú yên trí, khi chú về sẽ có quà cho mọi người. Thấy đồng chí Trường Chinh quẹt diêm châm lửa điếu thuốc, ông Thành từ chối và nói: Cháu biết bác cũng đã cai thuốc, bác ngồi đây không hút thì sao cháu dám hút!. Ông cụ cười và dụi que diêm xuống hộp gạt tàn. Ra về, ông Trần Thành nhận bao thuốc cùng lời giản dị của Chủ tịch: Chú mang về làm quà cho anh em.

Cũng trong buổi làm việc hôm ấy, ông Thành được nghe Chủ tịch Trường Chinh kể câu chuyện về Bác Hồ: «Năm 1941, Bác Hồ về nước và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó, Cao Bằng. Bác không giới thiệu là Nguyễn Ái Quốc mà chỉ nói Người là đại diện của Quốc tế cộng sản, Bác yêu cầu Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình. Tôi trình báo cáo lên Bác , đọc bản báo cáo, Bác gạch đi một số câu và nói: Các chú hay viết thừa. Rồi Bác thông báo, nhận định tình hình trong nước và quốc tế. Trong cuộc họp, Bác chỉ đạo: Hội nghị này không phải Đại hội nhưng vẫn bầu Trung ương theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Mọi người đều đề cử Bác làm Tổng Bí thư nhưng Bác từ chối và nói: Tôi đang làm nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản, có thể còn nhận các nhiệm vụ khác nên không thể nhận chức Tổng Bí thư của Đảng được. Sau đó, Bác giới thiệu tôi. Hội nghị đã bầu tôi làm Tổng Bí thư và Ban thường vụ gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt… Kết thúc cuộc họp, Người căn dặn: Các đồng chí phải đoàn kết, phải làm việc tập thể và cá nhân phụ trách. Đầu năm 1945, trong không khí sục sôi của đêm trước Cách mạng tháng Tám, tôi từ Pác Bó, Cao Bằng về vùng Gia Lâm, Đông Anh hoạt động. Thực dân Pháp ra sức đàn áp và bắt bớ khiến nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ. Có người đề nghị để Ban Thường vụ Trung ương chuyển lên căn cứ Bắc Sơn hoạt động đề phòng bị địch khủng bố, còn Xứ ủy[3] Bắc kỳ tiếp tục ở lại bán trụ địa phương. Với tư cách là Tổng Bí thư, tôi không tán thành với lý do: Đảng không đi tìm nơi an toàn cho mình mà Đảng phải ở giữa lòng dân, chính nhân dân mới là rừng, là núi che giấu và bảo vệ cán bộ. Xứ ủy cũng phải ở gần Trung ương để kịp nắm bắt tình hình. Tháng 3-1945, Ban thường vụ Trung ương đã họp và kịp thời ra Chỉ thị: Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta và khẩu hiệu Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói. Nắm bắt, chớp thời cơ, Đảng ta đã sáng suốt lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước ngày càng dâng cao, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ».

 Lắng nghe câu chuyện của Chủ tịch Trường Chinh, ông Trần Thành liên tưởng đến cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, Sơn Tây (nay là xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) của Cao Bá Quát năm 1854 dưới triều vua Tự Đức[4], nổ ra trong nạn đói nhưng không thành; còn phong trào phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói thì đã thành công vang dội. Bỗng cụ Trường Chinh hỏi: Chú có đọc được thơ chữ Hán không?. Ông Thành liền trả lời: Cháu từng học ở Trung Quốc nên cũng biết ạ, và cũng biết bài Đến Giacácta nhớ Chu Thần (Cao Bá Quát) của nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Chủ tịch Trường Chinh). Ông cụ cười và nói: Nếu thế, tôi đọc cho chú nghe bài thơ Lập xuân hậu nhất nhật tân tình (Một ngày sau tiết lập xuân) của Cao Bá Quát và lời dịch của tôi:

Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn

Kim triêu đồng tử đấu thiên ban

Hà đương thế sự như hoa sự

Phong vũ giang gian tận cải quan

Lời dịch:

Hôm trước xuân về tan giá lạnh

Sáng nay muôn tía đấu ngàn hồng

Việc đời ví được như hoa nhỉ

Mưa gió qua rồi, đẹp núi sông

Chủ tịch Trường Chinh tiếp lời: Chú thử góp ý với tôi xem dịch như thế có được không? Ông Trần Thành khiêm tốn nói: Thơ dịch của bác vẫn phản ánh tâm hồn đằm thắm, hồn hậu, thơ Chu Thần gay gắt và nhức nhối hơn. Chủ tịch Trường Chinh liền cười: Chú nói có phần đúng đấy, chính vì thế mà tôi do dự chưa công bố bản dịch này trên báo xuân. Khi ra về, trong lòng ông Thành mang nỗi băn khoăn bởi không rõ ý của Chủ tịch Trường Chinh khi chọn dịch bài thơ này, chắc cụ có ý gửi gắm nỗi niềm gì chăng? Và rồi, do luôn bị cuốn vào công việc nên ông cũng không rõ bài thơ có được cụ gửi đăng hay không.

Năm 1988, ông Trần Thành một lần nữa được triệu tập tham gia hỗ trợ làm cuốn hồi ký của đồng chí Trường Chinh, nhưng công việc tiến hành chưa được bao lâu thì cụ qua đời. Hơn 30 năm qua, mỗi khi được mời tham dự hội thảo kỷ niệm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, GS Trần Thành lại nhớ về những kỷ niệm với vị Chủ tịch nước có tác phong giản dị, thân tình, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt không thể quên buổi làm việc ngày 5-2-1985.

 

Ngô Văn Hiển

___________________________

* GS Trần Thành, chuyên ngành Chính trị học, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông là Trưởng ban nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trong thời gian (1984-1987).

1. Năm 1977, Viện bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập,từ năm 1987 đến nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh.

[2] Ghi âm phỏng vấn GS Trần Thành, 14-4-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Những trích dẫn trong bài đều lấy từ nguồn này.

[3] Trước năm 1945, Đảng chia thành các cấp: Trung ương, Xứ ủy, tỉnh bộ, huyện bộ (hoặc thị bộ), chi bộ.

[4] Tự Đức (1829-1883), vị vua thứ 4 triều Nguyễn, tại vị từ năm 1847 đến năm 1883.