Đó là lời tâm sự ông Phạm Minh Khang* bày tỏ trong bức thư, ngày 6-6-1974, khi ông đang học tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô), gửi đến người bạn gái Nguyễn Thị Tâm, và rồi trở thành người bạn đời đã cùng ông đi suốt những năm tháng cống hiến vì tình yêu âm nhạc, với mong muốn gìn giữ và phát huy nền âm nhạc dân tộc.
Những tháng ngày còn thơ
GS.TS Phạm Minh Khang sinh ra và lớn lên ở trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương). Trước năm 1945 cuộc sống gia đình khó khăn, thân sinh của ông là cụ Phạm Văn Thọ và cụ Trần Thị Nhàn đã rời quê nhà, đưa gia đình đến Hải Phòng sinh sống (ở tại số nhà 9 ngõ Gạo, phố Bati). Ở đó, cụ Thọ xin vào làm thợ tiện ở Nhà máy Cơ khí Ca-rông, còn cụ Nhàn buôn bán hải sản ở chợ Sắt. Tuy cụ Nhàn dáng người nhỏ bé nhưng rất tháo vát, đảm đang. Năm 1945, phong trào kháng chiến chống Nhật của nhân dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình chiến tranh ác liệt cụ Nhàn đưa các con quay về Hải Dương sinh sống, còn cụ Thọ ở lại Hải Phòng làm việc. Nhưng không may trong thời gian đó, cụ Thọ bị bệnh nan y và mất tại Hải Phòng. Sau năm 1945, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình cụ Nhàn phải tản cư đến nhiều nơi như Hà Nam, Thái Bình.
Thời gian gia đình sinh sống ở làng Tè, xã Bắc Sơn, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình, thỉnh thoảng ông Trần Quốc Viễn – em trai cụ Nhàn đến thăm gia đình cùng bạn đồng ngũ là ông Vũ Trọng Hối[1] và bạn Mạch chơi piano giỏi. Những lần như vậy, họ dạy hai anh em Phạm Minh Đức và Phạm Minh Khang học nhạc và cho tham gia biểu diễn phục vụ các trại thương binh ở gần đó. Thời điểm đó, Minh Khang khoảng 6-7 tuổi, dù chưa biết chữ nhưng chỉ cần được cậu Viễn dạy hát 1-2 lần Minh Khang đã nhớ và hát rất hay. Ông Phạm Minh Đức chia sẻ: Tôi thuộc lời bài hát còn em Khang rất nhớ nhạc và em nhớ rất nhanh. Em Khang còn hướng dẫn tôi hát những ca khúc như Tình ca, Làng tôi, Người lính bên kia, Hờn sông Gianh[2].
Năm 1950, thực dân Pháp đánh vào xã Bắc Sơn, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, cụ Nhàn đưa các con trở về Hải Phòng sinh sống. Năm 1955, hai anh em trở về Hải Dương sinh sống, còn mẹ ở lại Hải Phòng làm ăn. Những năm tháng sống ở quê hương là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm đẹp, gieo mầm sáng tác cho người nhạc sĩ Minh Khang trong tương lai. Ông Minh Đức nhớ những buổi tối, bạn bè trong thôn đến chơi nhà, Minh Khang dạy mọi người hát và thổi sáo. Cũng từ đó, trong thôn có phong trào thổi sáo tre.
Năm 1959, Phạm Minh Đức đi thanh niên xung phong, để em trai ở Hải Dương một mình ông không yên tâm nên đã khuyên em về Hải Phòng sống với mẹ. Vì vậy, năm 1960, Phạm Minh Khang rời quê nhà đến thành phố cảng Hải Phòng. Tại đây, ông theo học trường cấp III Ngô Quyền (nay là trường THPT Ngô Quyền). Sau này, cụ Nhàn về quê Hải Dương sinh sống, Minh Khang ở nhờ nhà vợ chồng dì ruột là Trần Thị Bé và ông Nguyễn Văn Bách. Vì nhà chú dì đông con, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên Minh Khang phải xin vào học nghề thợ nguội tại Nhà máy Cơ khí Duyên Hải[3].
Đôi bạn trẻ Phạm Minh Khang – Nguyễn Thị Tâm trong ngày cưới, năm 1975
Với lòng yêu âm nhạc và khả năng cá nhân, chàng trai Phạm Minh Khang tích cực tham gia văn nghệ, những giờ giải lao trong nhà máy ông thường mang tiếng hát góp vui, giúp mọi người vơi đi mệt nhọc. Năm 1963, ông được bầu vào Ban chấp hành hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng[4]. Trong Ban chấp hành còn có ông Trần Hoàn[5] và ông Nguyên Hồng[6]. Ngày đó, ông thường viết thư gửi cho anh trai tâm sự: Việc em làm ở nhà máy chỉ là tạm thời. Em đam mê âm nhạc và muốn đi học thêm nhạc[7]. Biết đam mê của Phạm Minh Khang, cậu Trần Quốc Viễn và anh trai Phạm Minh Đức rất ủng hộ, và đã thuyết phục cụ Nhàn cho Minh Khang theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Và để thực hiện ước mơ của bản thân, trong hai năm ở Hải Phòng, chàng trai Phạm Minh Khang đã “dùi mài đèn sách”, tự học nhạc lý, học đàn guitar, piano…
Hành trình học tập
Với quyết tâm theo đuổi âm nhạc và sự động viên của người thân, năm 1963, Phạm Minh Khang thi đỗ hệ trung cấp khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam. Trong một buổi kiểm tra trình độ piano, bà Thái Thị Liên[8] nhận xét: Phạm Minh Khang có năng khiếu âm nhạc, chỉ tiếc không được học nhạc từ sớm. Đôi bàn tay của Khang chai sạn như vậy đối với nghệ sĩ khi chơi đàn sẽ là một hạn chế[9]. Năm 1967, ông tiếp tục theo học hệ đại học khoa Sáng tác ở trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1969, ông được giữ lại trường làm giảng viên khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy (nay là khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học).
Luôn mong muốn được tiếp tục nâng cao kiến thức, năm 1972, được nhà trường cử đi học nước ngoài, ông Phạm Minh Khang đã thi đỗ vào khoa Sáng tác, Lý luận tại Nhạc viện Odessa, Liên Xô hệ đại học. Ông sang Liên Xô trên đoàn tàu liên vận, xuất phát từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) qua Trung Quốc để đến đất nước Xô viết.
Năm 1975, biết tin miền Nam giải phóng, đất nước Việt Nam được thống nhất, người con xa xứ như ông cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Ông tâm sự với người vợ yêu thương rằng: Không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui của dân tộc ta trong lúc này, đúng là cười ra nước mắt em ạ! Biết bao hy sinh, biết bao tổn thương và mất mát, mỗi người dân chúng ta không bao giờ có thể quên được, nhất là thế hệ của các con chúng ta sau này[10]. Niềm vui của dân tộc như tiếp thêm động lực để Phạm Minh Khang tiếp tục cố gắng học tập, trau dồi kiến thức ở đất nước bạn xa xôi.
Bức thư gửi vợ – Nguyễn Thị Tâm khi ông Phạm Minh Khang là sinh viên Nhạc viện
Ở Nhạc viện Odessa, Phạm Minh Khang theo học hai ngành là Sáng tác và Lý luận. Ngày 7 và 8-6-1977, ông bảo vệ thành công hai luận văn tốt nghiệp. Với chuyên ngành lý luận, đề tài ông thực hiện là “Những cấu trúc đặc biệt của thể loại hát ru trong dân ca Việt Nam”. Còn ở chuyên ngành sáng tác, kết quả học tập của ông những tác phẩm được biểu diễn tại Nhà hát Odessa, trong đó có bản giao hưởng Việt Nam – đất nước niềm tin và hy vọng.
Hội đồng bảo vệ đánh giá rất cao đề tài chuyên ngành lý luận âm nhạc ông thực hiện, có giá trị về phương diện khoa học. Trong bức thư ngày 10-6-1977, ông chia sẻ với vợ: Toàn Nhạc viện Odessa, các thầy giáo trong khoa vô cùng hài lòng, nhất là khi bảo vệ luận văn, tất cả mọi người ôm hôn và tặng hoa, anh rất cảm động…[11] . Một thành viên trong hội đồng còn đề nghị sẽ đưa luận văn chuyên ngành lý luận của ông xuất bản thành sách ở Liên Xô. Mặc dù ông không biết điều đó có thực hiện được hay không, nhưng dù sao điều đó đã động viên ông rất nhiều. Buổi bảo vệ còn được đăng tin trên Tạp chí Odessa, ông còn được Đài phát thanh Odessa phỏng vấn.
Sinh viên Phạm Minh Khang (hàng đứng, thứ 5 từ phải – người Việt Nam duy nhất)
trong buổi liên hoan sau Lễ tốt nghiệp ở Nhạc viện Odessa năm 1977
Tốt nghiệp Nhạc viện
Trường hợp của ông Khang đã có giấy đề nghị của thầy hướng dẫn và Nhạc viện Odessa cùng nhận xét của lãnh đạo Nhạc viện. Các thầy cô giáo ở Nhạc viện cũng rất tin tưởng và nhiệt tình động viên ông làm luận án Phó tiến sĩ. Tuy nhiên ông cần hoàn thành khoảng 80% luận án thì Nhạc viện Odessa và Đại sứ quán mới có căn cứ để tạo điều kiện cho bảo vệ. Ông Khang cho biết, Đại sứ quán không gia hạn để nghiên cứu sinh, thực tập sinh viết luận án mà chỉ gia hạn để làm thủ tục bảo vệ. Nhưng ngay từ tháng 3-1984, Bộ Đại học Liên Xô đã gửi công văn cho Đại sứ quán Việt Nam về việc không đồng ý thực tập sinh được bảo vệ luận án Phó tiến sĩ. Vì trước đây có nhiều thực tập sinh xin gia hạn nhiều lần rồi cũng không bảo vệ được, điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chỉ tiêu đào tạo của Bộ. Nhạc viện Odessa đã gửi công văn lên Bộ Đại học Liên Xô chứng nhận thực tập sinh Phạm Minh Khang đã hoàn thành luận án và trả thi các môn, đủ điều kiện làm thủ tục bảo vệ. Sau một tuần, nếu Bộ Đại học Liên Xô không đồng ý giải quyết theo công văn đề nghị của Nhạc viện Odessa, thì cuối tháng 10-1984 ông Khang phải về nước. Ông tâm sự: Thực ra việc bảo vệ hay không bảo vệ anh cũng chẳng ân hận gì vì anh đã làm hết sức mình với lương tâm nghề nghiệp và đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Như vậy là vấn đề bảo vệ hoàn toàn phụ thuộc về phía bạn[13]. Nhưng may mắn là, sau khi Bộ Đại học Liên Xô xem hồ sơ của ông Khang thì họ rất hài lòng và quyết định để ông bảo vệ luận án.
Tháng 7-1985, ông Khang đến Nhạc viện quốc gia Leningrad, nhưng Nhạc viện từ chối vì không có giáo sư chuyên môn để đánh giá luận án của ông. Họ định giới thiệu ông bảo vệ tại Nhạc viện Moskva, như vậy ông sẽ mất 5 tháng để làm thủ tục hồ sơ đi Moskva. Việc bảo vệ luận án ở Liên Xô rất vất vả, về khâu thủ tục và giấy tờ, ông đều phải tự liên hệ để giải quyết. Nhiều lúc ông cảm thấy việc viết luận án không vất vả bằng việc làm thủ tục, giấy tờ. Ông Khang đã đi gặp trực tiếp các giáo sư, viện sỹ, chủ tịch hội đồng để trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và theo quy định, ông không thể ở lại Liên Xô lâu. Các giáo sư trong hội đồng bảo vệ của Nhạc viện Leningrad phân công nhau đọc luận án của ông Khang, họ đánh giá chất lượng luận án rất tốt, đủ tư cách để bảo vệ ở hội đồng của Nhạc viện nên đã quyết định cho ông được bảo vệ. Nhạc viện Leningrad và các bộ phận quản lý rất tận tình giúp đỡ ông làm mọi thủ tục để ông kịp bảo vệ vào cuối tháng 9-1985 (mặc dù thời gian đó Nhạc viện Leningrad bắt đầu nghỉ hè không làm việc). Một số giáo sư trong hội đồng còn trao đổi sẽ đề nghị Bộ Đại học Liên Xô cho ông Khang ở lại thêm một năm rưỡi để làm luận án tiến sĩ trên cơ sở luận án Phó tiến sĩ này. Ông tâm sự với vợ: Khi nghe họ nói, anh đã ứa nước mắt vì xúc động bởi cái kết quả lao động của anh, mà Tâm và anh đã phải trả giá để chiến thắng[14]. Nhưng ông đã từ chối lời đề nghị của các giáo sư vì hoàn cảnh gia đình, ông phải về nước để giúp đỡ vợ con. Ông trao đổi với họ khi về Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu đề tài trên và nếu có điều kiện sẽ bảo vệ sau. Trong bức thư gửi vợ, ông còn tâm sự: Qua việc viết luận án anh cảm thấy trình độ chuyên môn được nâng cao hẳn lên, có nhiều vấn đề trước đây anh còn mắc mớ thì đi thực tập lần này đã được giải quyết tương đối toại nguyện. Ngoài ra nó còn làm cơ sở để cho anh liên hệ công việc với các giáo sư sau này[15]. Trở về Nhạc viện Odessa, ông Khang báo kết quả với Ban giám đốc Nhạc viện và thầy hướng dẫn thì họ rất phấn khởi, đánh giá cao thành quả lao động của ông. Đối với nhạc viện Odessa, trong số sinh viên ngoại quốc và sinh viên Nga thì ông Khang là người đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ, nên Nhạc viện Odessa rất quý, tạo mọi điều kiện giúp đỡ ông. Ngày 13-9-1985, ông Khang quay trở lại Nhạc viện Leningrad. Do khó khăn của Nhạc viện nên buổi bảo vệ của ông phải hoãn lại một tuần, Nhạc viện Leningrad thông báo ngày ông Phạm Minh Khang bảo vệ là ngày 1-10-1985 (theo kế hoạch trước là ngày 24-9-1985).
Ngày 1-10-1985, ông bảo vệ thành công luận án “Những nguyên tắc hệ thống hóa làn điệu đối với một tổng thể dân ca Việt Nam”. Hội đồng bảo vệ có 17 thành viên, tất cả đều bỏ phiếu đồng ý 100% cho đề tài luận án ông thực hiện. Các bản đánh giá của thành viên hội đồng đều hết sức ca ngợi công trình nghiên cứu ông Khang và họ đề nghị xuất bản luận án đó thành sách ở Liên Xô. Trong một bức thư, ông chia sẻ cảm xúc với bà Tâm: Khi phát biểu cảm tưởng sau lúc bảo vệ, tự nhiên nước mắt anh trào ra vì xúc động bởi sự giúp đỡ tận tình của nhà trường, phần vì xúc động bởi sự đánh giá luận án của các giáo sư, nói chung họ vô cùng ca ngợi và muốn anh bảo vệ tiếp tiến sĩ, nhưng anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các viện sỹ và các giáo sư và trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình là phải về nước để giúp đỡ gia đình[16]. Trở về Việt Nam cuối năm 1985, ông tiếp tục giảng dạy tại khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội. Đến năm 1990, ông đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa.
Tâm huyết với âm nhạc dân tộc
Từ khi còn học ở Liên Xô, ông Phạm Minh Khang đã ấp ủ mong muốn thành lập một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tài năng âm nhạc Việt Nam. Nhưng phải đến năm 2005, mong muốn của ông mới được thực hiện. Ông cùng đồng nghiệp là nhạc sĩ Thao Giang (giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Trung tâm do ông Phạm Minh Khang làm Giám đốc và nhạc sĩ Thao Giang làm Phó giám đốc. GS.TS Phạm Minh Khang tâm sự: Tôi biết, không phải chỉ quá trình đô thị hóa khiến cho âm nhạc dân gian mất đi không gian sống của nó, mà việc con người ngày hôm nay không nhận thức được hoặc nhận thức không đúng giá trị của âm nhạc dân gian mới là điều đáng bàn. Nhưng tôi đã làm được rồi. Nghệ thuật hát xẩm, hát trống quân là của những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, thì hãy “trả” nó về cho họ. Tôi cũng tin ở tương lai tốt đẹp của trung tâm, rằng dù khó khăn thế nào thì trung tâm vẫn phát triển[17].
Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm phải đối mặt với nhiều khó khăn: chưa được đơn vị nào tài trợ, mọi người phải tự túc kinh phí, nguồn nhân lực còn thiếu nên anh chị em nghệ sĩ không chỉ lo biểu diễn nghệ thuật mà còn làm tất cả công việc hành chính khác. Thời gian đầu ông Khang phải thuê địa điểm làm trụ sở Trung tâm nhưng do kinh phí hạn chế nên không thể duy trì. Sau này, may mắn Trung tâm được tá túc trong Đình làng Hào Nam – một không gian xanh đẹp và yên tĩnh. Và ngay tại Đình làng Hào Nam, Trung tâm tổ chức các lớp dạy hát Xẩm, học sáo, đàn nhị, đàn bầu cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc.
Khi Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đi vào hoạt động đã được Ban quản lý chợ Đồng Xuân cho phép tổ chức đêm nhạc vào ngày cuối tuần. Những buổi biểu diễn hoàn toàn miễn phí được tổ chức, thu hút nhiều khán giả. Thời gian đầu, Trung tâm tổ chức một buổi diễn/tuần và từ năm 2010 là ba buổi diễn/tuần. Nhờ vậy, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam ngày càng được công chúng biết đến, những buổi biểu diễn đã thu hút hàng nghìn khán giả khắp mọi nơi với đủ các thành phần từ người lao động bình dân đến các khách du lịch trong và ngoài nước. Vợ cố GS.TS Phạm Minh Khang cho biết: Có khi sau buổi diễn anh chị em nghệ sĩ đói nhưng không có tiền chồng tôi liền mời mọi người đi ăn[18]. Cũng vì vậy, trong suốt gần 10 năm làm Giám đốc Trung tâm (2005-2014), GS Phạm Minh Khang không nhận lương từ Trung tâm. Bởi ông muốn cống hiến vô điều kiện để khôi phục những loại hình âm nhạc dân tộc cổ truyền đã và đang dần mai một. GS.TS Phạm Minh Khang từng chia sẻ: Lúc đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đơn giản là họ không hiểu về âm nhạc cổ truyền. Nhưng dần dần, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của người dân. Ở các buổi biểu diễn trên phố đi bộ, sinh viên đến rất đông. Các em nói với tôi rằng: Thế hệ cha ông cứ nói họ quên quá khứ, không trân trọng âm nhạc dân tộc, nhưng kỳ thực là họ không được học, không hiểu được nền âm nhạc đó. Có rất nhiều người đến hẳn Trung tâm để học đánh đàn nguyệt, hát xẩm… Đó là một kết quả mà chúng tôi không thể nào nghĩ tới[19]. Nhờ những hoạt động tích cực của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, những loại hình nghệ thuật như hát Xẩm, hát Trống quân … tưởng như đã thất truyền dần dần được khôi phục.
Ông Khang không chỉ giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khoa Việt Nam học (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) mà còn tham gia giảng dạy ở nhiều đơn vị. Có khi ba buổi/tuần ông bắt xe khách đi dạy ở nhiều tỉnh như Hòa Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hải Phòng… Ông lao vào công việc để vừa truyền cảm hứng âm nhạc tới các vùng miền của Tổ quốc, vừa có kinh phí duy trì hoạt động của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.
GS.TS Phạm Minh Khang tại Nhạc viện Hà Nội.
Trong sự nghiệp của cuộc đời, GS.TS Phạm Minh Khang đã sáng tác hàng trăm ca khúc, những tác phẩm khí nhạc như: Cô gái Ayunpa, Bến em xanh, Hương lúa quê nhà, Huyền thoại Sa Pa, Bản tình ca nơi biên cương, Lời ca bay đến Trường sa, Nỗi nhớ và Tình yêu, Hải phòng – Thành phố quê tôi… Và ông cũng đã đào tạo được những thế hệ học trò xuất sắc như: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh (sau là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Lê Văn Toàn (nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), PGS.TS Lê Anh Tuấn (hiện đang là Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam)… Bà Tâm chia sẻ: Trong công việc và cuộc sống chồng tôi đối xử với mọi người rất hòa nhã, vui vẻ nên được nhiều người quý mến. Mỗi năm đến ngày 20-11, ông được cơ quan và học trò tặng hoa, có khi nhiều quá ông đem tặng mọi người khiến họ rất vui[20].
Cuối năm 2012, phát hiện bản thân bị ung thư thực quản, nhưng GS Phạm Minh Khang cảm thấy hài lòng vì sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc dân tộc của ông đã mang lại nhiều khởi sắc và Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đang trên đà phát triển. Dù sức khỏe yếu nhưng ông vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, tham gia hội đồng bảo vệ luận án ở Học viện Âm nhạc quốc quốc Việt Nam, làm cố vấn xây dựng nội dung đào tạo cho Học viện Âm nhạc Huế… Sau thời gian chống chọi với bệnh tật trong tình yêu thương, chăm sóc của gia đình và các bác sĩ, năm 2015 GS.TS Phạm Minh Khang đã rời xa tình yêu âm nhạc cả đời của mình. Nhưng những đóng góp của ông với âm nhạc nói chung và nhạc dân tộc nói riêng thì luôn còn mãi.
Nguyễn Thị Hằng
_______________________
* GS.TS Phạm Minh Khang (1944-2015), nguyên Trưởng khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy (nay là Khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học), Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
[1] Đại tá, Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối (1926-1985), tên khai sinh là Vũ Mạnh Giới. Ông là nhạc sĩ quân đội nổi tiếng. Năm 2007, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học – Nghệ thuật.
[2] Tài liệu ghi âm ông Phạm Minh Đức – anh trai GS.TS Phạm Minh Khang, ngày 26-5-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Nay là Công ty Cổ phần Cơ khí Duyên Hải.
[4] Nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Tham khảo thêm tại: https://vanhaiphong.com/vn-hc-ngh-thut-hi-phong-vi-hanh-trinh-na-th-k-to-hoang-v/
[5] Ông Trần Hoàn (1928-2003), nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
[6] Ông Nguyên Hồng (1918-1982) tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, nhà văn nổi tiếng, nhà thơ Việt Nam.
[7] Tài liệu ghi âm ông Phạm Minh Đức – anh trai GS.TS Phạm Minh Khang, ngày 26-5-2021, đã dẫn.
[8] Bà Thái Thị Liên (4-8-1918) là nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam, đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
[9] Tài liệu ghi âm bà Nguyễn Thị Tâm – vợ GS.TS Phạm Minh Khang, ngày 26-5-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 9-5-1975, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 10-6-1977, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[12] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 10-11-1983, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[13] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 24-9-1984, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 10-7-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[15] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 10-7-1985, đã dẫn.
[16] Trích trong bức thư ông Phạm Minh Khang gửi vợ ngày 1-10-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[17] Trích từ bài báo phỏng vấn GS.TS Phạm Minh Khang “Giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang: Gìn giữ âm nhạc truyền thống cho đời sau”, nguồn:Giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang: Gìn giữ âm nhạc truyền thống cho đời sau (toquoc.vn)
[18] Tài liệu ghi âm bà Nguyễn Thị Tâm – vợ GS.TS Phạm Minh Khang, ngày 14-5-2021, lưu trữ tại Trung tâmDi sản các nhà khoa học Việt Nam.
[19] Trích từ bài báo phỏng vấn GS.TS Phạm Minh Khang “Chất cổ truyền trong âm nhạc Minh Khang”, nguồn: Chất cổ truyền trong âm nhạc Minh Khang | VOV.VN
[20] Tài liệu ghi âm bà Nguyễn Thị Tâm – vợ GS.TS Phạm Minh Khang, ngày 14-5-2021, đã dẫn.