Cả đời lo trị thủy

GS.TS Nguyễn Công Mẫn – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học đất – Nền móng, trường Đại học Thủy lợi, đã chia sẻ những tâm sự về lý do ông luôn quan tâm, đi sâu nghiên cứu về vấn đề Đê – Đập với cán bộ Trung tâm Di sản vào những ngày cuối tháng 10-2013.

Năm 1945, trong một lần cùng bố tản cư về Lục Nam (Bắc Giang), tận mắt chứng kiến cảnh nước ngập mênh mông, tràn cả vào nhà do đê bị vỡ, Nguyễn Công Mẫn mơ hồ cảm nhận được giá trị của con đê. Và hình ảnh người kỹ sư thủy lợi mặc quần sooc, áo vest kaki vàng chăm chú quan sát, kiểm tra từng đoạn đê bị nứt, vỡ để tìm cách khắc phục sự cố sau trận lụt đã ăn sâu vào trí nhớ của ông, khi đó mới 11 tuổi.

“Duyên số với ngành Thủy lợi cứ bám theo tôi mãi cho tới bây giờ

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Xây dựng, Nguyễn Công Mẫn được phân công về làm cán bộ khung cho Học viện Thủy lợi – Điện lực mới được thành lập. Năm 1963, khi trường Đại học Thủy lợi được thành lập, Nguyễn Công Mẫn đã đảm nhận cương vị Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Địa chất – Nền móng. Cũng từ đây, những đề tài nghiên cứu về đê – đập, ngăn nước, trị thủy luôn được ông quan tâm, trong đó, “Dự án khả thi xử lý kỹ thuật xâm phạm an toàn để Yên Phụ-Nhật Tân” để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Và kết quả nghiên cứu từ dự án này đã được sử dụng trong Điều 10.2 Nghị định 171/2003/NĐ-CP và Pháp lệnh Đê điều ban hành năm 2000, với nội dung: Tách nhà xa đê từ 3÷5m để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn đê điều.

Gần 60 năm qua, với những công trình nghiên cứu về đê điều, GS Nguyễn Công Mẫn vẫn đã và đang hiện thực hóa ước mơ của mình để bảo vệ con người khỏi những hiểm họa của thiên nhiên.

 

Bích Phương

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam