Cả một đời tâm huyết với ngành nghiên cứu và chiết xuất tinh dầu

PGS.TS Nguyễn Năng Vinh là cựu sinh viên khóa I của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1959, sau khi học hết năm thứ 3 đại học, ông được lựa chọn sang Liên Xô học tiếp. Năm 1962, ông hoàn thành chương trình đại học với kết quả cao và được giữ lại học tiếp nghiên cứu sinh. Ông được phân công theo học ngành nghiên cứu và chiết xuất tinh dầu. Nhận thấy cây hồi ở Việt Nam khá nhiều và còn xuất khẩu sang Liên Xô làm nguyên liệu. Trong khi việc chiết xuất tinh dầu hồi ở Việt Nam lúc đó còn mang tính thủ công và mỗi mẻ phải mất từ 24 đến 48 tiếng. Ông viết thư xin phép Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp được làm luận án PTS về chiết xuất tinh dầu hồi. Đề nghị của ông được Bộ đồng ý và trường ông học cũng chấp nhận. Năm 1965, dưới sự hướng dẫn của GS Polekov A.F, Nguyễn Năng Vinh bảo vệ thành công luận án PTS với đề tài “Nghiên cứu hoàn chỉnh hóa quy trình chế biến tinh dầu hồi ở Việt Nam”. Sau đó ông về nước và trở thành một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên giảng dạy về ngành chiết xuất tinh dầu tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một công trình tâm huyết của PGS Nguyễn Năng Vinh

Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy tại trường, PGS Nguyễn Khắc Vinh đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều đề tài khoa học và hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Ông cũng đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về tinh dầu, trong đó, công trình mà ông tâm huyết nhất là cuốn “Kỹ thuật khai thác và sơ chế tinh dầu” (Nhà xuất bản Nông Nghiệp in năm 1978). Khi nói về quá trình nghiên cứu khoa học của mình, PGS Nguyễn Năng Vinh chia sẻ: “Chiết xuất tinh dầu là một ngành thú vị, nó góp phần tạo thêm hương vị và làm đẹp cuộc sống. Chính ngành này đã tạo ra các chất thơm, các hóa phẩm mà cuộc sống ngày nay sử dụng rất nhiều, phổ biến như nước hoa là tổng hợp từ nhiều tinh dầu khác nhau. Một nước có thiên nhiên đa dạng như Việt Nam thì phát triển ngành tinh dầu đem lại nhiều lợi ích, nhưng rất tiếc hiện nay chúng ta chủ yếu nhập khẩu do không được đầu tư về công nghệ. Bản thân cảm thấy hơi buồn vì những người tâm huyết đều đã nghỉ hưu trong khi thế hệ sau không quan tâm nhiều đến nghiên cứu vấn đề này”.

Bùi Minh Hào