Đây là 5 bản theo dõi tình hình bệnh nhân bỏng vì bom Napan trong số nhiều bản ghi chép theo dõi bệnh nhân bỏng với các nguyên nhân khác nhau được GS thực hiện vào năm 1965, 1966 để dùng làm tư liệu cho các nghiên cứu khoa học. Những tài liệu viết tay này được GS.TSKH, Thiếu tướng Lê Thế Trung lưu giữ tại phòng làm việc, thuộc Viện bỏng Quốc gia từ đó đến nay (năm 2009).
Các bản ghi chép tình hình của 5 bệnh nhân là: Bệnh nhân Phạm Tử Kính (21 tuổi; quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27/1/1965 và ra viện ngày 5/1/1966); bệnh nhân Nguyễn Khắc Tiệm (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27/7/1965 và ra viện ngày 3/10/1965); bệnh nhân Nguyễn Văn Nẫm (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27/7/1965 và ra viện ngày 14/10/1965); bệnh nhân Nguyễn Đình Tung (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27/7/1965 và ra viện ngày 14/10/1965); bệnh nhân Nguyễn Hồng Thịnh (tuổi: 18; quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27/7/1965 và chết ngày 31/7/1965).
Những bản ghi chép về những trường hợp bệnh nhân bị bỏng trên của GS.TSKH Lê Thế Trung chỉ là số ít trong rất nhiều những ghi chép của ông về bỏng được ông tiến hành trong quá trình điều trị và nghiên cứu khoa học. 05 trường hợp nói trên đều là những bệnh nhân bị bỏng do ảnh hưởng của bom Napan, những bệnh nhân này được GS trực tiếp theo dõi, ghi chép khá tỉ mỉ qua từng ngày với tình trạng sức khỏe, mức độ tiến triển vết thương, các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị. Đặc biệt GS Lê Thế Trung còn vẽ biểu đồ, vẽ vị trí bỏng trên cơ thể để phân tích một cách kỹ lưỡng.
Sau một thời gian học tập và nghiên cứu ở Học viện Ki-rov (Liên Xô cũ), Bác sĩ Lê Thế Trung về nước và đề nghị xin được thành lập khoa Bỏng thuộc Viện Quân y 103 vào cuối năm 1964. Từ đó trở đi ông đã tích cực nghiên cứu qua thực tiễn, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, để từ đó có thể tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm chữa bỏng, đáp ứng yêu cầu của đất nước lúc đó.
Những ghi chép cẩn thận, tỷ mỉ và có phương pháp này của GS. TSKH Lê Thế Trung là là một khâu trong quá trình tự học, tự nghiên cứu trong thực tiễn để trưởng thành trong khoa học. Đây cũng là một trong những tư liệu ông đã sử dụng trong luận án Phó Tiến sĩ của mình. Đó cũng chính là những bằng cớ về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam mà ông đã sử dụng để trình bày tại Hội nghị Oddo (Na Uy), Hội nghị bàn về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam được tổ chức vào năm 1971.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam