Có thể nói, lịch sử Khoa Địa chất trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội gắn liền với cuộc đời những người thầy mẫu mực như GS Nguyễn Văn Chiển[1] và GS Tống Duy Thanh[2]. Đây cũng là hai người xây dựng nên Khoa Địa chất của Đại học Tổng hợp từ những ngày đầu tiên khi tách khỏi Đại học Bách khoa. Từ đó, rất nhiều các thế học trò đã trưởng thành và hiện nay đã và đang nắm những vị trí cốt cán trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hoang mang khi vào khoa Địa chất
GS.TS, NGND Trần Nghi – nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa chất trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tưởng lại, năm 1966, ông là một trong những học sinh tốt nghiệp phổ thông loại xuất sắc và được lựa chọn đi nước ngoài học tập. Nhưng do có một vài trục trặc số học sinh này được chuyển tới học Khoa Địa chất Địa lý, trường Đại học Tổng hợp. Tâm trạng của tất cả học sinh lúc đó đều hoang mang, lo sợ cho tương lai của chính mình.
“Khi chúng tôi vào đây chúng tôi chưa biết gì đến Địa chất Địa lý, lúc đó chỉ muốn học ở lĩnh vực có sở trường từ thời phổ thông như Toán, Lý, Hóa. Vào học Địa chất Địa lý chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, tôi không hiểu tại sao mình học phổ thông như thế mà lại phải vào đây học ngành này. Địa chất Địa lý là gì? Những người thầy dạy mình là ai? Tương lai mình sẽ đi về đâu khi học khoa này?”, đó là những trăn trở của tân sinh viên Trần Nghi cũng như rất nhiều học sinh khác trong những ngày đầu bước lên giảng đường. Chính vì vậy, rất nhiều sinh viên suốt ngày buồn bã, đặc biệt là con gái chỉ biết khóc, mong muốn lớn nhất lúc này là được chuyển học ngành khác.
GS.TS, NGND Tống Duy Thanh (giữa) cùng hai trong số những học trò đã thành danh
Tuy nhiên, trong tình hình chung lúc đó, việc chuyển từ khoa này sang khoa khác không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, với thanh niên bấy giờ có một khẩu hiệu được thấm nhuần và từ lâu đã ngấm vào máu đó là “Thanh niên đi đến bất cứ nơi nào mà Tổ quốc cần”. Cho nên các sinh viên đành cam chịu học Khoa Địa lý Địa chất. Nhưng như một “mối duyên tiền định”, khi các sinh viên được tiếp xúc với thầy Nguyễn Văn Chiển và thầy Tống Duy Thanh thì mọi suy nghĩ trước kia bỗng dưng thay đổi.
Yêu Địa chất nhờ những người thầy tâm huyết
“Đến ngày hôm nay, người đầu tiên mà không bao giờ tôi quên được, sự ảnh hưởng lớn nhất không chỉ đối với riêng tôi mà của tất cả Khóa I chúng tôi đó là thầy Nguyễn Văn Chiển. Đây là nhà giáo đầu tiên, nhà khoa học Địa chất đầu tiên của ngành Địa chất Việt Nam đã để lại trong tôi những tình cảm, những dấu ấn, những phẩm chất khoa học và những bài học hết sức quý báu mà mãi mãi tôi không bao giờ quên”, GS Trần Nghi nói.
Để xây dựng Khoa Địa chất, bên cạnh thầy Chiển là thầy Tống Duy Thanh – người đã lo hết mọi việc lớn nhỏ trong Khoa từ việc làm giáo vụ để xây dựng các chương trình học, từ việc “chạy” các cơ sở vật chất như kính hiển vi đến những phòng thí nghiệm đầu tiên. Thầy trò đã cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn ngay cả khi phải sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên) do chiến tranh, tất cả tài liệu, sách vở cho đến mọi trang thiết bị ở trong nhà trường đều bắt đầu từ con số 0, từ hai bàn tay trắng mà xây dựng nên.
Những câu hỏi được các sinh viên như Trần Nghi đặt ra lúc đó là: Tại sao những người như thầy Chiển và thầy Thanh lại say mê Địa chất mà mình lại không? Tại sao lại không đi theo bước đường của các thầy? Chính lúc thầy Chiển và thầy Thanh phối hợp cùng nhóm chuyên gia Liên Xô làm nhiệm vụ đo bản đồ địa chất 1/500.000 của miền Bắc (Việt Nam) là lúc các sinh viên thu lượm được nhiều kiến thức thực tiễn nhất. Các thầy đã lấy những bài học thực tiễn để giảng dạy và khi đi thực địa các thầy cũng lấy những kiến thức thực tế trong quá trình đo đạc bản đồ để giảng cho sinh viên.
“Hiểu hơn về thầy Chiển, thầy Thanh chúng tôi thấy mình còn quá nhỏ bé”,
GS.TS, NGND Trần Nghi – nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa chất
trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ
Và chỉ trong một thời gian ngắn được tiếp xúc với thầy Chiển và thầy Thanh, các sinh viên bắt đầu thay đổi cách nhìn về Địa chất và bắt đầu hứng thú và muốn gắn bó với ngành. “Bởi vì qua những chuyến đi thực địa mà các thầy hướng dẫn, được hiểu biết hơn về thầy Chiển, thầy Thanh làm chúng tôi thấy mình còn quá nhỏ bé. Mình học giỏi ở bậc phổ thông nhưng vào đây gặp những người thầy vĩ đại quá!”, GS Trần Nghi xúc động nhớ lại. Giáo sư Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì rất tâm đắc cách dạy của các thầy: “Thầy hướng dẫn học trò bằng nhiều cách khác nhau từ việc tự học tập, nghiên cứu, viết công trình riêng hay tham gia công trình chung. Học và làm luôn phải song hành “learning by doing”, chỉ có con đường ấy học trò mới tiếp thu nhanh được”.
Bài học “đứng trên vai của người khổng lồ”
Giữa lúc nhà trường còn rất thiếu thốn các tài liệu chuyên ngành, trong khi đó đại đa số lại là sách nước ngoài, thầy Chiển, thầy Thanh đã hướng cho các sinh viên học tiếng Nga ngay từ những ngày đầu tiên vào học. Thời điểm đó thầy Chiển chỉ dịch được một quyển duy nhất là Vạn vật học còn lại tất cả các tài liệu khác là phải đọc tìm hiểu từ tiếng Nga. GS Trần Nghi nhớ lại: “Các thầy đã nói với sinh viên địa chất Khoá I chúng tôi rằng, các em là khóa đầu tiên nên chưa được học với ai mấy đâu, chủ yếu phải học trong sách vở tiếng Nga vì vậy cần phải học để đạt đến một trình độ tiếng Nga nhất định”.
GS Trần Nghi chia sẻ: “Được thành đạt như bây giờ, tôi có ảnh hưởng rất lớn từ thầy Thanh và chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi. Những bài học quý giá mà thầy đã dạy cho tôi đó là sự tập trung cao độ về một định hướng mà mình đã lựa chọn để vươn tới”. Bởi vì thầy không thể theo học trò đến suốt cuộc đời, thầy chỉ dạy cách muốn vươn lên trở thành một nhà khoa học thì phải bắt đầu từ đâu và lộ trình tiếp nối để trở thành một nhà khoa học thì phải làm những gì. Nhưng quan trọng nhất là nghị lực, ý chí và sự tập trung cao độ vào một hướng nghiên cứu để bản thân tự học mới có hiệu quả. Đấy là một quá trình tự học, nhưng tự học như thế nào cho nhanh? Cách tốt nhất là hãy “đứng trên vai của người khổng lồ”, các thầy đã dạy chúng tôi như vậy”.
“Để làm được điều này cần có phương pháp, cần biết đi sâu vào những vấn đề gì, tự đọc tài liệu như thế nào cho hiệu quả – các thầy đã chỉ ra cho chúng tôi như vậy. Đấy là một phương châm mà tôi coi như một nhận thức, một hành trang để mang theo suốt cuộc đời và cũng để dạy lại cho những thế hệ học trò khác nữa sau chúng tôi” – GS Trần Nghi nói. Địa chất có đặc thù rất riêng, nó khác với nhiều ngành khoa học khác như Toán, Lý, Hóa ở chỗ phải có khả năng viết. Chính các thầy lại là người chỉ cho trò cách viết một bài báo khoa học, cách trình bày, diễn đạt một vấn đề khoa học. Từ những báo cáo thực tập thầy sửa cho từng câu, từng chứ, cứ thế mà học mà trưởng thành, sau này mới có thể viết sách.
Văn phong địa chất cũng đặc biệt, để có một cuốn sách hay rất gian khổ, cần phải học tập nhiều. “Thầy Chiển là người đầu tiên tôi biết có ngôn ngữ Địa chất chuẩn mực, đến thầy Thanh cũng vậy. Đó là ấn tượng mà tôi nhớ mãi và nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải truyền lại cho các thế hệ học trò tiếp theo và quyết không phụ lòng mong đợi, sự tin cậy mà thế hệ thầy Chiển, thầy Thanh đã dạy dỗ chúng tôi”.
Di sản của thầy chính là các thế hệ học trò thành danh
Khi nhắc đến người thầy Tống Duy Thanh, GS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh ba điểm: “Thứ nhất, Thầy đã kết hợp một cách tuyệt vời và xuất sắc giữa quốc tế với Việt Nam trong tiếp cận và nghiên cứu khoa học. Thầy vận dụng những tinh hoa của nhân loại để phát triển khoa học Việt Nam. Tiếp cận tinh hoa của nhân loại rồi phát triển lên và giải quyết những bài toán đặc thù của Việt Nam. Bước đi này không chỉ tốt cho riêng ngành Địa chất mà còn là bài học lớn cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nữa.
GS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội:
“Tôi tự hào khí có được một người thầy như thế và được làm việc với một người thầy như thế”
Thứ hai, GS Tống Duy Thanh là người có niềm đam mê tột cùng đối với khoa học, thầy có thể quên tất cả mọi việc, hóa thân vào công tác nghiên cứu khoa học của mình. Đó chính là bí quyết thành công lớn nhất mà cũng là bài học cực kỳ quan trọng dành cho cho tất cả những ai muốn dấn thân vào con đường khoa học. Thầy biết “đốt cháy” thân mình vào công việc mới có được những công trình đặc sắc và tầm cỡ, để trở thành nhà khoa học lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở trên thế giới.
Và thứ ba, tôi nhớ một nhà khoa học người Australia từng nhận giải Nobel về Sinh hóa đã nói rằng: Việc quan trọng nhất của một nhà khoa học không phải để lại những công trình xuất sắc nhất của thế giới mà điều quan trọng nhất đó là đào tạo được những nhà khoa học xuất sắc kế tục sự nghiệp của mình. Thầy Thanh đã làm được điều quan trọng nhất này. Nhiều thế hệ học trò của thầy đã kế tục thầy và cùng với thầy giải quyết nhiều bài toán của địa chất.. Tất cả đã tạo nên chân dung Tống Duy Thanh, trường phái Tống Duy Thanh. Thầy là một nhà giáo, một người thầy lớn, một người bạn lớn của nhiều nhà địa chất Việt Nam và thế giới. Tôi tự hào khí có được một người thầy như thế và được làm việc với một người thầy như thế!”.
Trình Sỹ Anh Dũng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam