Tôi có dịp làm việc với GS Lê Đức Trình khi ông đã bước qua tuổi 90. Ở độ tuổi thượng thượng thọ, trí nhớ ông giảm đi nhiều, đôi tai cũng không còn tinh nhạy, phải nhờ đến các thiết bị trợ thính. Mỗi khi có buổi tiếp xúc, làm việc với mọi người, ông luôn nhờ sự trợ giúp của vợ – bác sĩ Nguyễn Hồng Nguyên1. Đã ngoài 80 nhưng bà Nguyên vẫn rất đẹp. Bởi vậy, thời con gái rất nhiều chàng trai theo đuổi cô thiếu nữ Nguyên. Thế nhưng bà chẳng “gật đầu” một ai cho đến khi duyên số đưa đẩy bà gặp gỡ người anh trai của bạn thân.
Vợ chồng GS Lê Đức Trình tại nhà riêng, 2018
Bà Nguyên là người Hà Nội gốc. Sinh trưởng trong gia đình khá giả, bà hiếm khi phải động công việc chân tay, chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính là học tập. Năm 1954-1955, được “rủ rê”, bà đến nhà cô bạn thân trên phố Hàng Vải (Hà Nội) nhân sự kiện anh trai bạn mới đi bộ đội về. Mà cái thời ấy, bộ đội được quý lắm, chẳng thế mà nhà nào có con, có anh em đi bộ đội về là vui như Tết. Lần đầu tiên tiếp xúc với chàng trai xứ Kinh Bắc – ông Lê Đức Trình, bà trò chuyện rất thoải mái và tự nhiên ngay vì quan niệm: anh trai bạn cũng là anh trai mình. Và thực tế sau đó, họ vẫn coi nhau như anh trai, em gái trong suốt thời gian dài.
Sự kiện thay đổi mối quan hệ anh em của họ xảy ra năm 1957. Khi đang thực tập Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp (Hải Phòng), bà Nguyên nhận được tin gia đình ông Trình mang trầu cau đến dạm ngõ. Tôi đã giãy nảy vì cho rằng chuyện học tập còn dang dở, chưa muốn lấy chồng. Hơn nữa, chúng tôi vốn coi nhau như anh em2– bà Nguyên chia sẻ. Hóa ra, từ lâu gia đình hai bên đã muốn gắn kết hai người thành vợ chồng. Dù ban đầu có chút ngượng ngùng nhưng với sự giúp đỡ của em gái, sự vun đắp của gia đình hai bên, ông Trình dần lấy được thiện cảm từ bà Nguyên. Thực hiện chiến thuật "anh năng đi lại mẹ thầy năng thương", nên mỗi dịp cuối tuần bà Nguyên về Hà Nội, ông lại đến chơi. Nhiều lúc bà phát bực vì tính cách của ông: Như được lập trình sẵn, ông ấy lạch cạch đạp xe đến nhà tôi chơi và thong thả đọc báo hoặc nói chuyện với bố tôi ở tầng một. Chẳng bao giờ ông ấy hỏi han gì về tôi cho đến khi bố tôi gọi tôi xuống3. Khi đã yêu, ông Trình vẫn ít thổ lộ tình cảm như thuở đầu, chưa bao giờ ông dám nắm tay người yêu ở nơi công cộng. Thỉnh thoảng điều đó cũng khiến bà Nguyên chạnh lòng: Hai người đi trên phố mà lúc nào cũng song song như hai cột đèn4. Nhưng chính tính ngại ngùng, “ý tứ” ấy đã thu hút bà và rồi bà lại tinh nghịch trêu đùa người yêu: Tôi cố tình khoác tay ông ấy trên phố. Ông ấy càng giựt tay tôi ra, tôi lại càng giữ chặt5.
Năm 1958, chuyện tình của ông Trình và bà Nguyên bước sang trang mới với một đám cưới giản dị nhưng vẫn giữ phong tục tập quán của những gia đình Hà Nội gốc. Sau kết hôn, họ sống tại ngôi nhà nhỏ trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) là của hồi môn của bà Nguyên. Không gian sinh hoạt càng ngày càng thu hẹp khi họ chào đón người con trai đầu lòng, rồi người con trai thứ hai, thứ ba thế nhưng ngôi nhà ấy lúc nào cũng ấm cúng. Bà Nguyên cho biết, dù ở cương vị người thầy hay cán bộ nghiên cứu của bộ môn Hóa sinh, trường Đại học Y Hà Nội6, ông Trình vẫn luôn mẫu mực và cống hiến hết mình. Thậm chí, tan làm về nhà, hay sau mỗi bữa ăn ông lại miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu bên chiếc bàn gần cửa sổ của phòng khách. Mẹ ông từng nói với con dâu: Nếu tất cả cán bộ, ai cũng say mê làm việc như anh Trình, có lẽ đất nước này lên chủ nghĩa cộng sản lâu rồi7. Điều khiến ông phải “lăn lộn”, “trăn trở” nhất có lẽ chính là trong nghiên cứu khoa học. Vì ông quá hăng say với công việc, nên từ chuyện kinh tế gia đình đến chăm sóc con cái đều do một tay bà Nguyên quán xuyến. Trong khi đó, công việc của một bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đủ khiến bà đầu tắt mặt tối. Sau tất cả, bằng tình yêu thương, bà vẫn luôn là hậu phương vững chắc để chồng an tâm làm việc.
Tháng 3-2018, theo kế hoạch, chúng tôi đến thăm vợ chồng GS Lê Đức Trình. Trong buổi trao đổi làm việc, chúng tôi đã “chớp” được nhiều bức ảnh có ý nghĩa.Tôi rất ấn tượng với bức ảnh ông bà tay trong tay, khi bà Nguyên kể về câu chuyện tình yêu mộc mạc của mình. Bà nhỏ nhẹ bộc bạch: Đây là lần hiếm hoi chúng tôi nắm tay trước mặt người khác8. Còn GS Lê Đức Trình, dù chưa kịp nghe ra “mẹ nó” – cách xưng hô thân mật của ông với vợ – đang kể câu chuyện gì cũng tươi cười nhìn bà thật trìu mến. Ông từng tâm sự, ở độ tuổi gần đất xa trời, điều đáng sợ nhất với ông, hơn cả cái chết, chính là phải tiễn biệt vợ mình. Câu chuyện của ông bà bỗng làm tôi nhớ đến câu nói: “Có tình yêu đẹp hơn tình yêu thời son trẻ, đó là tình yêu của những người đã bước qua thời son trẻ”. Mong cho ông bà mãi khỏe mạnh và hạnh phúc như thế!
Nguyễn Thị Điệp
______________________________
* GS Lê Đức Trình, chuyên ngành Y học, nguyên giảng viên bộ môn Hóa sinh, trường Đại học Y Hà Nội.
1 Bác sĩ Nguyễn Hồng Nguyên, nguyên Chủ nhiệm khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn.
2 Ghi âm hỏi thông tin bà Nguyễn Hồng Nguyên – phu nhân GS Lê Đức Trình, 10-3-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
3 Ghi âm hỏi thông tin bà Nguyễn Hồng Nguyên – phu nhân GS Lê Đức Trình, 3-1-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
4 Ghi âm hỏi thông tin bà Nguyễn Hồng Nguyên – phu nhân GS Lê Đức Trình, 10-3-2018, tài liệu đã dẫn.
5 Ghi âm hỏi thông tin bà Nguyễn Hồng Nguyên – phu nhân GS Lê Đức Trình, 3-1-2018, tài liệu đã dẫn.
6 Sau khi đi bộ đội về (1954-1955), ông Lê Đức Trình công tác tại trường ĐH Y – Dược Hà Nội. Năm 1961, trường này tách thành trường ĐH Y Hà Nội và trường ĐH Dược Hà Nội, từ đó ông công tác tại trường ĐH Y Hà Nội.