Sau một hồi giải thích, hướng dẫn cặn kẽ cho bệnh nhân, ông quay sang chúng tôi cười rổn rảng: “Hơn 40 năm trong nghề, điều tôi tâm đắc nhất là đem lại niềm vui, sự thanh thản cho bệnh nhân và gia đình họ. Mọi việc tôi làm đều hướng đến mục tiêu duy nhất: Giữ gìn, kế thừa và phát triển nền y học cổ truyền, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
“Đây là người đã sinh ra con lần thứ hai”
Con đường đến với nghề y của bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm có lẽ đã được định sẵn vì gia đình vốn có truyền thống làm nghề y. Nhưng việc ông đến với Đông y lại là sự lựa chọn như của định mệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm thăm khám cho nhân dân tại Tuệ Tĩnh Đường, chùa Vạn Phúc, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, tháng 10-2017. Ảnh: ĐÔNG BA
Hơn 40 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng câu chuyện về chàng thanh niên có tên là Nguyễn Văn Quang ở Chương Mỹ, TP Hà Nội thật sự là một kỷ niệm đặc biệt đối với ông. Ông kể, năm 2013, trong một lần về Chương Mỹ công tác, có người phụ nữ trung niên dẫn cậu thanh niên đến trước mặt ông rồi nói: “Đây là người đã sinh ra con lần thứ hai. Con phải gọi người này là cha đấy!”. Bà mẹ và chàng trai đều vô cùng cảm động, cứ nắm tay ông nghẹn ngào. Còn ông thì ngạc nhiên và chưa hiểu chuyện gì. Rõ ràng cả hai người ông đều không quen, sao lại…? Ông cố lục lọi trong ký ức của mình nhưng vẫn chưa hình dung được. Sau phút xúc động, người phụ nữ ấy mới kể, năm Quang 1 tuổi (tức cách đây 26 năm), sau khi bị xuất huyết não hôn mê, lúc tỉnh dậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, mắt cứ mờ dần rồi không nhìn thấy được nữa. Gia đình đưa Quang đi chữa trị ở nhiều bệnh viện, nhưng đều không có kết quả. Thật may, gia đình gặp được ông… Sau lần chữa trị ấy, Quang không những khỏi bệnh, mà giờ đã có vợ, con đàng hoàng.
Những “quả ngọt” như thế có được chính từ sự dày công nghiên cứu, yêu nghề, say nghề đến quên ăn, quên ngủ của ông. Ông cho rằng: Người bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn, mà cần có những kỹ năng về tâm lý. Chỉ khi kết hợp tốt hai yếu tố trên, thì việc khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mới đạt kết quả. Ông lấy niềm vui, niềm hạnh phúc của người bệnh là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình; là động lực để ông tiếp tục nghiên cứu và cống hiến.
Con đường cống hiến
Ra trường năm 1975, Nguyễn Hồng Siêm xung phong đi phục vụ bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Đến với vùng sâu, vùng xa, chứng kiến sự thiếu thốn về điều kiện vật chất cũng như các phương tiện chữa bệnh cho đồng bào, người thầy thuốc trẻ càng động lòng trắc ẩn và luôn nỗ lực hết mình để chăm sóc, cứu chữa được thật nhiều bệnh nhân. Những ca trực thâu đêm, những đợt công tác dài ngày về vùng xa xôi, hẻo lánh càng tôi luyện ý chí và tình yêu nghề của người thầy thuốc trẻ. Thấm thoắt gần 10 năm công tác tại Bệnh viện thị xã Lào Cai, ngày chào từ biệt mọi người chuyển về xuôi, không ít bà con, đồng nghiệp đến chia tay Nguyễn Hồng Siêm mà bịn rịn. Tự lúc nào nơi đây đã trở nên quá gắn bó với anh.
Chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa Hà Tây (tỉnh Hà Tây trước đây) cũng chính là môi trường để bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm phát triển ước mơ làm nghề của mình: Đó là tìm ra những phương pháp chữa bệnh tốt nhất kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.
Thập niên 80 của thế kỷ trước là quãng thời gian ông thường xuyên lăn lộn ở các khoa trong bệnh viện để nghiên cứu, tìm tòi phương pháp chữa bệnh cho người dân. “Càng làm càng say nghề, mỗi bệnh nhân được điều trị khỏi là mình càng hăng say nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất! Đó là tâm trạng của tôi khi ấy!”, ông tâm sự. Những năm 1985-1988 là thời gian ông thường xuyên đi về Khoa Mắt để điều trị cho các bệnh nhân bị teo thị thần kinh (như trường hợp của anh Nguyễn Văn Quang kể trên). Ông giải thích, bệnh teo thị là người bệnh bị ảnh hưởng dây thần kinh thị giác. Khi bị gai thị, người bệnh sẽ không phân biệt được sáng tối, sau đó mất thị giác hoàn toàn. Với những ca bệnh này, ông kết hợp châm vào hai huyệt Hạ Ngư Yêu và Tình Minh ở đáy mắt để kích thích huyệt tạng, khai thông khí huyết. Kết quả sau hơn một tháng điều trị, các ca bệnh này đã khỏi hoàn toàn, có thể nhìn thấy bình thường.
Sau đó, ông kết hợp với Khoa Truyền nhiễm điều trị sớm cho 87 trường hợp di chứng liệt vận động tâm thần sau hội chứng não cấp ở trẻ em. Tiếp đó, ông sử dụng kỹ thuật châm tê trong Đông y để giúp bệnh nhân mổ amidan, mổ xoang… giảm đau và nhanh phục hồi.
Cây thuốc nam và khát vọng về mô hình “Tuệ Tĩnh Đường”
Khi chuyển sang công tác tại Hội Đông y TP Hà Nội (trước đây là Hội Đông y tỉnh Hà Tây), năm 2005, ông có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học hơn. Rất nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp thành phố do ông làm chủ nhiệm được hội đồng các cấp nghiệm thu đánh giá cao, có giá trị thực tiễn lớn, như đề tài: “Đánh giá thực trạng chất lượng một số dược liệu thường dùng trong thuốc cổ truyền trên địa bàn TP Hà Nội”. Đề tài này sau nghiệm thu là tiếng chuông cảnh báo tới các nhà quản lý, các bệnh viện, phòng chẩn trị Đông y và nhà sản xuất thuốc có nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài. Ông trăn trở, hiện nay, nguồn dược liệu trong nước dành cho y học cổ truyền rất khan hiếm. Vì vậy, có đến 80% dược liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng vấn đề chính là chất lượng. Theo đó, ông và các cộng sự đã xây dựng dự án phát triển nguồn nguyên liệu thuốc nam trong nước và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông bảo, muốn “đảo ngược” con số nhập khẩu dược liệu, cần sự vào cuộc của 3 nhà: Nhà quản lý-nhà doanh nghiệp và nhà nông. Phải đi từ “gốc” đến “ngọn”, từ trồng ở đâu, chế biến như thế nào đến phân phối ra sao, thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Đó là việc khó, nhưng không phải không làm được nếu có quyết tâm.
Ông đã vận động hội viên mạnh dạn thí điểm mô hình trồng cây thuốc nam tại một số nơi, như: Trồng cây thuốc trên chân ruộng chiêm trũng ở Đông Anh (năm 2014), trồng trên chân ruộng hai lúa ở huyện Mỹ Đức (năm 2015) và trồng trên đất gò đồi ở Sóc Sơn (năm 2016). Vừa qua, Hội Đông y TP Hà Nội tiến hành tổng kết ba mô hình trên và bước đầu cho đánh giá: Giá trị kinh tế trồng cây thuốc tăng năng suất 5-8 lần so với cây lúa. Mặt khác, nếu mô hình được nhân rộng không chỉ cải thiện đời sống người nông dân mà người bệnh trong nước sẽ được sử dụng dược liệu an toàn…
Những năm qua, công tác thiện nguyện luôn được Hội Đông y TP Hà Nội và ông tích cực triển khai. Người thụ hưởng của những chương trình khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí đa phần là người có công, người già… Nhằm giúp người bệnh được tiếp cận với các chương trình thiện nguyện tốt hơn, ông đã đăng ký với thành phố xây dựng mô hình “Tuệ Tĩnh Đường”. Đây là hình thức kết hợp với nhà chùa, nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các phòng chẩn trị y học cổ truyền. Vừa qua, “Tuệ Tĩnh Đường” đầu tiên được khánh thành tại chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tới đây, mô hình này sẽ được Hội Đông y TP Hà Nội phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội nhân rộng ra các chùa trên địa bàn để cứu giúp nhân dân.
Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội vừa được UBND TP Hà Nội vinh danh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017. Quá trình công tác, ông nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, như: Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú tháng 2-2010, Thầy thuốc Nhân dân tháng 2-2017.
Phạm Thu Thủy