Xuất thân trong gia đình nông dân tại làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng nhờ tư tưởng tiến bộ của cha mẹ mà Lê Kim Truyền cùng anh chị em luôn được tạo điều kiện ăn học đủ đầy.
Những năm học phổ thông, rồi đại học, Lê Kim Truyền luôn luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Tháng 2 năm 1969, tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, ông Lê Kim Truyền được giữ lại trường công tác. Sau đó, ông cùng khoảng 30 cán bộ của trường được Bộ Thủy lợi biệt phái sang công tác tại Ủy ban Trị thủy sông Hồng (nay là Viện Quy hoạch Thủy lợi). Lê Kim Truyền công tác tại phòng Quy hoạch khu IV với nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi ở vùng sông Mực, đập Bồng Bồng, hồ Yên Mỹ, Thanh Hóa. Công việc này khá phù hợp, bởi ông đã làm luận văn tốt nghiệp về quy hoạch hệ thống sông Cầu ở huyện Tân Yên, Bắc Giang. Với những kiến thức đã học, ông cùng đồng nghiệp tìm hiểu, đánh giá hiện trạng và thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế, thủy văn; Tham gia tính toán hệ số tiêu, hệ số tưới; Tham gia các phương án quy hoạch như: tính toán nơi lắp đặt công trình, khu tưới… Các ông được người dân quý mến, mời ăn khoai nấu với chuối và, đậu, được cho cá. Ông Lê Kim Truyền đặc biệt ấn tượng với ông Đinh Gia Khánh – Viện trưởng Viện Quy hoạch: Viện trưởng là người có trí nhớ rất tốt. Khi nhân viên báo cáo công việc, ông thường hỏi rất cụ thể, chi tiết. Đây là đức tính mà một cán bộ kỹ thuật nên có [1]. Sau gần một năm đi quy hoạch công trình thủy lợi, thầy giáo trẻ Lê Kim Truyền đã nắm được nhiều vấn đề thực tiễn, bổ sung kiến thức, giúp ích cho ông khi trở về trường công tác tại bộ môn Thi công. Theo quy định, giảng viên mới sẽ được một thầy giáo lâu năm có kinh nghiệm kèm cặp chỉ bảo, Lê Kim Truyền được thầy Lê Đăng Nhàn dìu dắt. Ông được phụ giảng cho lớp 8T- lớp thi công công trình thủy lợi thuộc khóa 8, rồi được phụ trách hướng dẫn 10 sinh viên khóa này làm khóa luận tốt nghiệp. Đây là khóa thi công đầu tiên tốt nghiệp năm 1971. Cả 10 sinh viên đều đỗ tốt nghiệp, trong đó có 2 sinh viên được giữ lại giảng dạy tại bộ môn Thi công, đó là Bùi Văn Vịnh- sau này là Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó phòng Đào tạo đại học và Sau đại học và Nguyễn Văn Huân – sau này là Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn xây dựng Thủy lợi.
Năm 1972, ông đưa một đoàn sinh viên khóa 10 đi thực tập ở công trường Đồng Mô, Ngải Sơn, Sơn Tây. Trong đợt này, ông cùng thầy Hồ Sĩ Minh nhận thực hiện trọn gói thiết kế, thi công một cống luồn qua kênh, rồi lấy tiền đó để liên hoan. Kết quả được bên giao và Ban chỉ huy công trường khen ngợi, đánh giá chất lượng, tiến độ tốt. Từ đây, ông Lê Kim Truyền thi công hàng loạt các công trình khác: Thiết kế và tổ chức thi công nổ mìn buồng đào móng tràn Núi Cốc năm 1974; Tư vấn thiết kế hồ Chiến Thắng (Đà Lạt), đập Đa Đờn năm 1976.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho GS.TS Lê Kim Truyền, ngày 28-12-2000
Năm 1987, sau khi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại Liên Xô, Lê Kim Truyền về nước tiếp tục công tác tại trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Năm 1989, giảng viên, PTS Lê Kim Truyền được đề bạt làm Trưởng Ban Quản lý công trình, trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Lúc này, cơ sở vật chất của trường, điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên, giảng viên khó khăn, thiếu thốn, nên ông đã quyết tâm cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu xây dựng, cải tạo hệ thống điện nước, nhà ở, quy hoạch khu giảng đường, ký túc xá sinh viên, khu giáo dục thể chất. Khu nhà ở 3 tầng, mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh và một nhà tắm, diện tích mỗi căn nhỏ (khoảng 16m2). Các hộ gia đình trong khu tập thể, tổng cộng khoảng 19-20 người đều sinh hoạt chung nên rất bất tiện. GS Lê Kim Truyền đã xin chủ trương bán khu vệ sinh chung để xây dựng nhà ở, rồi lấy tiền đó để cơi nới các căn hộ thành 24- 25m2. Các hộ được hỗ trợ làm phần thô, còn công trình phụ khép kín thì tự hoàn thiện. Ông chia sẻ: Hồi ấy việc xin chủ trương rất khó khăn, ban đầu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không đồng ý cho việc bán nhà, nhưng sau khi nghe tôi trình bày dự án thì đã phê duyệt[2]. Ngoài ra ông còn đề xuất nâng cấp nhà cấp 4, và phân chia một số khu đất trống cho các cán bộ trong trường. Sau khi có thông báo, mọi người làm bản cam kết mượn đất làm nhà ở. Vào những năm 90, trường Đại học Thủy lợi Hà Nội là một trong những trường tạo điều kiện ở tốt nhất cho cán bộ, nhân viên. Trong khuôn viên của trường, ông cũng xin quy hoạch, phân khu rõ ràng như: Khu giảng dạy; Khu sinh viên; Khu cán bộ công nhân viên.
Cuối năm 1994, TS Lê Kim Truyền được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Đại họcThủy lợi Hà Nội. Thời kỳ này, ông có công trong việc nâng cấp hội trường T45, Thư viện, ký túc xá, sân vận động, xây dựng thêm phòng thí nghiệm, bể bơi, sân tennis…Đến năm 2000, ông được bầu làm Hiệu trưởng. Ông vui mừng vì được đồng nghiệp tín nhiệm. Với cương vị của mình, ông khuyến khích, động viên các giảng viên đưa ra ý kiến nhằm đẩy mạnh việc cải cách giáo dục theo xu hướng mới phù hợp với yêu cầu chung và thực tiễn, riêng bản thân ông đã cải cách chương trình đào tạo từ 287-289 trình rút gọn xuống còn 270 trình. Bên cạnh đó, ông cùng đồng nghiệp nâng cao chất lượng giáo trình, chất lượng đội ngũ giảng viên. Nhằm cải thiện cuộc sống cho các cán bộ trong trường, GS Lê Kim Truyền đã áp dụng chế độ chủ động tài chính. Ngoài ngân sách do Bộ Thủy lợi cấp hàng năm, GS Lê Kim Truyền đẩy mạnh sản xuất như: Củng cố Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ; Thành lập công ty Tư vấn chuyển giao công nghệ và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Hàng năm, trường thu về được khoảng 10 tỷ. Từ đó, mức lương cơ bản của cán bộ tăng từ 1,3- 1,8 lần. Công thức tính lương cũng được ông đưa ra một cách phù hợp, đây cũng là công cụ quản lý của Hiệu trưởng. Ông kết nối quan hệ hợp tác với các trường ở Trung Quốc, Hà Lan, Đan Mạch… như gửi cán bộ sang trao đổi kinh nghiệm đào tạo, học tập. Ông nghỉ hưu năm 2009. Hơn 40 năm công tác, với nhiều năm làm công tác quản lý, nhưng GS Lê Kim Truyền vẫn thường xuyên đứng trên bục giảng, đào tạo hướng dẫn 100 khóa luận tốt nghiệp, 18 luận văn thạc sĩ, 6 luận án tiến sĩ. Ghi nhận sự cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ, GS.TS Lê Kim Truyền được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004); được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2005); Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 2006).
Bên cạnh công tác đào tạo, ông còn say mê nghiên cứu khoa học. Ông tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở phục vụ sản xuất. Từ năm 2003, ông đã chủ trì và tham gia một số đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn điều hành cấp nước mùa cạn cho đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu cơ sở thực tiễn quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba; Đánh giá thực trạng và lập bản đồ phân vùng hạn 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Nghiên cứu xác định khẩu độ thoát lũ hợp lý của các công trình giao thông, thủy lợi trên Quốc lộ 1A thuộc lưu vực sông Thu Bồn…Ngoài ra, ông còn chủ nhiệm và tham gia các dự án: Lập báo cáo cơ sở, thiết kế kỹ thuật hồ Suỗi Mỡ (Bắc Giang); Lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật hệ thống tiêu úng Cầu Khải; Nâng cấp trạm bơm Bắc sông Mã; Dự án đê kè Thiệu Hóa (Thanh Hóa)…
Nguyễn Thị Phương Thúy