Năm 1966, sau khi tốt nghiệp cấp III, cô học trò giỏi của trường Nguyễn Gia Thiều – Nguyễn Thị Mỹ (Thu Mỹ) được chọn đi học Đại học tại Trung Quốc (Thời kỳ này không tổ chức thi Đại học). Nhưng vào thời điểm đó ở Trung Quốc đang diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa, chờ đợi đến tháng 11, nhà nước ta quyết định số học sinh này ở lại học trong nước, tất cả được vào học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo PGS Thu Mỹ, từ thời học Tiểu học, bà đã học giỏi môn Văn và mê đọc tiểu sử của các nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt bà rất thán phục nhà khoa học hóa học Marie Curie, nên sau khi học phổ thông bà có nguyện vọng theo ngành Hóa học hoặc Văn học. Bà cho biết, thời học phổ thông bà đã từng 2 lần được trong Đội tuyển của Hà Nội đi thi học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc (lớp 7 và lớp 10). Nhưng khi vào trường Đại học Tổng hợp bà lại được phân vào khoa Sử, bà xin chuyển khoa nhưng khi đó khoa Hóa của trường đã đủ sinh viên, bà đành ngậm ngùi theo học ngành Sử. PGS Nguyễn Thu Mỹ còn nhớ, trong một buổi gặp sinh viên, thầy Phan Hữu Dật – Phó Chủ nhiệm khoa Sử khi đó đã động viên: Môn Sử giống như một món ăn mà nhìn thì không hấp dẫn nhưng càng ăn thì càng thấy nó ngon thế, nên cứ cố gắng học đi, rồi sau này khi học về Lịch sử phương Tây, bà dần dần chuyên tâm theo học khoa Sử.
"Bây giờ nhìn lại tôi thấy rằng thời đi học là khoảng thời gian rất đẹp trong cuộc đời tôi", PGS Thu Mỹ chia sẻ
Ra trường và bắt đầu với sự nghiệp nghiên cứu lịch sử, chuyên về Lịch sử thế giới, đã tạo cho PGS Thu Mỹ nhiều cơ hội giao lưu học tập, công tác với đồng nghiệp trong nước và quốc tế, rồi cùng với thời gian bà thật sự say mê, cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử. Cho đến nay bà vẫn luôn bận rộn với các chương trình nghiên cứu, đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh. PGS Thu Mỹ chia sẻ: “Sau này ra trường tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học thì tôi mới nhận ra rằng số phận chọn cho tôi nghề mà tôi có thể phát huy được những sở trường, năng lực tiềm ẩn của bản thân mà trước đó tôi chưa nhận ra”.
Giang Thị Nhung