*Thưa hai ông, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật lưu trữ, vấn đề lớn nhất hiện nay các ông quan tâm là gì?
*Ông Nguyễn Văn Huy: Các tài liệu lưu trữ là một loại tài nguyên quan trọng của một quốc gia. Đó là di sản lịch sử và văn hóa. Từ lâu nhà nước ta đã thấy được ý nghĩa quan trọng của lưu trữ nên đã xây dựng được một hệ thống cơ quan lưu trữ của nhà nước từ trung ương đến các cơ sở, từng bước pháp lý hóa công tác lưu trữ để đến nay Quốc Hội thảo luận, chuẩn bị thông qua Dự thảo Luật Lưu trữ.
Tuy nhiên tôi nhận thấy công tác lưu trữ và ý nghĩa của việc lưu trữ còn chưa được nhận thức đầy đủ trong xã hội và nhân dân. Bộ mặt lịch sử và văn hóa của một dân tộc, một quốc gia được thể hiện qua các di sản mà tài liệu lưu trữ giữ một vai trò quan trọng. Những tài liệu này một phần quan trọng được nhà nước lưu giữ nhưng một phần quan trọng khác không thuộc phạm vi quản lý của nhà nước, chúng nằm rải rác trong nhân dân, Bất cứ người dân nào trong xã hội, họ có thể thuộc các ngành nghề khác nhau như nhà khoa học, người nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ hay những người thợ thủ công, nghệ nhân dân gian, những người kinh doanh, buôn bán…đều tạo ra những loại tài liệu thuộc phạm trù lưu trữ. Chúng được giữ gìn trong gia đình, là tài sản của cá nhân, gia đình.
Giá trị của những tài liệu này rất khác nhau. Có thể chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng hiện nay đa phần là người ta hủy đi hay bán “đồng nát” hoặc các tài liệu bị mối mọt, ẩm thấp làm tự hư hỏng… Thực tế rất nhiều tài liệu cá nhân có giá trị (nếu tính từ Cách mạng tháng Tám, qua 2 cuộc kháng chiến trở lại đây) bị mất đi. Đó là một nguồn di sản văn hóa và lịch sử vô giá của hàng triệu, hàng chục triệu con người mất đi hàng ngày, hàng giờ mà ít ai quan tâm. Người ta không thấy mỗi một cá nhân là một sợi chỉ trong tấm thảm dệt muôn mầu của lịch sử. Không quan tâm vì không thấy giá trị của nó, vì cá nhân lực bất tòng tâm, vì không được pháp luật khuyến khích bảo vệ. Nghĩ về Luật lưu trữ tôi băn khoăn lớn nhất chính là điều này. Làm sao ngăn chặn, hạn chế được tình trạng di sản đáng lưu trữ của các cá nhân trong xã hội, từ nhiều thế hệ trở lại đây đang bị mất dần đi. Làm sao cứu vớt được chúng.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy và GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm tại buổi trao đổi.
*Ông Nguyễn Văn Thâm:
Các quy định trong Luật là những điều cần hướng đến thực hiện.
Điều tôi quan tâm nhất đối với luật Lưu trữ là tạo được một bước ngoặt về mặt pháp lý cho việc mở rộng khả năng sử dụng tài liệu lưu trữ vào thực hiện các nhiệm vụ chung của thời kỳ mới. Luật phải mở đường cho việc xây dựng công tác lưu trữ trong giai đoạn mở cửa và hội nhập thế giới hiện nay của nước ta. Tổ chức công tác lưu trữ trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới như hiện nay hiển nhiên không thể như thời kỳ bao cấp. Các loại hình tổ chức công tác lưu trữ càng đa dạng càng tốt, miễn là nó mang lại lợi ích cho đất nước. Lưu trữ là di sản văn hóa của một dân tộc và tham gia xây dựng lưu trữ phải là công việc của mọi tầng lớp nhân dân. Quản lý nhà nước đối với công tác này phải tạo ra cơ hội cho việc thực hiện nhiệm vụ đó.
Ngoài ra tôi cũng quan tâm đến tính chất chuyên ngành của luật này. Nó phải càng cụ thể càng tốt và nó phải phản ảnh được thành tựu của công tác lưu trữ nước ta trong mấy chục năm qua, phải tiếp thu được kinh nghiệm của lưu trữ thế giới.
*Một số đại biểu có ý kiến là nên xã hội hóa hoạt động lưu trữ, nên hiểu khái niệm này như thế nào?
*Ông Nguyễn Văn Huy:
Đó là một ý kiến mà theo tôi, những người dự thảo Luật lưu trữ nên tham khảo. Tôi có cảm giác những người soạn Dự thảo Luật lưu trữ lần này chưa được đặt Luật trong bối cảnh xã hội hiện nay để góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội không tương thích với cơ chế kinh tế xã hội đã chuyển đổi,theo định hướng cơ chế thị trường mà ở đó khu vực sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân đang ngày càng mở rộng. Xã hội bây giờ khác xã hội 10, 15 năm trước nhiều rồi. Giờ có bệnh viện tư nhân, có trường tư thục, có luật sư hành nghề độc lập, công chứng không chỉ nhà nước làm…
Tôi cảm thấy ở đây dự thảo luật vẫn nặng tư duy bao cấp, mọi hoạt động quản lý lưu trữ đều do nhà nước, hành chính trong quản lý hoạt động lưu trữ và hầu như chỉ quan tâm đến lưu trữ nhà nước. Hãy tham khảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2009. Tôi cho rằng các điều luật được bổ sung sửa đổi ở Luật di sản đã phù hợp với sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế-xã hội hiện nay. Điều 47 của Bộ luật này ghi rõ “Hệ thống bảo tàng bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập”. Sau đó còn ghi rõ Bảo tàng công lập bao gồm những loại nào. Đa dạng loại hình bảo tàng như thế này là một biểu hiện của xã hội hóa hoạt động bảo tàng. Ai cũng hiểu, trong hoạt động bảo tàng có một phần liên quan đến công tác lưu trữ, đó là những đối tượng vật chất mà lưu trữ quan tâm như đã xác định trong các điều, khoản của dự thảo luật lưu trữ.
Vậy nên, trong Luật lưu trữ cũng nên ghi rõ: Hệ thống cơ quan, tổ chức lưu trữ bao gồm lưu trữ công lập và lưu trữ ngoài công lập. Luật cũng xác định lưu trữ ngoài công lập gồm lưu trữ cá nhân, lưu trữ tư nhân, lưu trữ gia đình, dòng họ, cộng đồng…. Luật sẽ quy định hoạt động của các tổ chức dịch vụ lưu trữ ngoài công lập chịu sự chi phối của điều luật nào.
Hệ thống lưu trữ của chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn là các cơ quan tổ chức Nhà nước (công lập). Trong khi, ở lĩnh vực kinh tế, xã hội khác thì vai trò của các /tổ chức tư nhân ngày càng được coi trọng, ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Chắc chắn hiện nay và tương lai nhu cầu xã hội sẽ ngày càng phát triển hệ thống lưu trữ ngoài công lập, đặc biệt dịch vụ lưu trữ tư nhân phục vụ cho các chuyên ngành khác nhau.
Luật cần khuyến khích và nhấn mạnh lưu trữ ngoài công lập thì không những giúp việc nâng cao ý thức mà còn góp phần thúc đẩy việc giữ gìn, bảo vệ biết bao nguồn tài nguyên di sản quý của đất nước mà không nằm trong sự quản lý hay thống kê của cơ quan lưu trữ quốc gia.
*Ông Nguyễn Văn Thâm:
Chúng ta cần phân biệt hai hình thức lưu trữ đang tồn tại hiện nay trong thực tế: cá nhân và tổ chức. Lưu trữ cá nhân chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến cá nhân họ, còn lưu trữ tổ chức thì phải có trách nhiệm với xã hội. Các tư liệu cá nhân khi được lưu trữ trong cơ quan/tổ chức lưu trữ thì mục tiêu nhằm đến là nhằm đến là phát huy ý nghĩa xã hội của các tư liệu này.
Dự thảo Luật lưu trữ do cơ quan lưu trữ nhà nước biên soạn, vẫn còn nặng tư duy hành chính, nhiều điểm còn duy ý chí. Người soạn thảo dự luật văn bản rõ ràng chưa bao quat được hết thực trạng lưu trữ đất nước sau 25 năm đổi mới, thậm chí còn khá cục bộ, theo cách ai lo phần của nấy ấy, quan trọng là làm sao bảo vệ được quyền lợi của tổ chức mình, phần của bản thân mình bao giờ cũng được chú ý hơn. Thảo luận thì lại chỉ căn cứ vào văn bản dự thảo, không đủ thời gian, và nhiều đại biểu cũng không đủ chuyên môn để nói về các vấn đề chưa được đề cập đến trong văn bản dự thảo, nhất là luật lưu trữ lại liên quan đến một ngành mà ở nước ta từ trước đến nay chưa được quan tâm đúng mức, xã hội ít biết đến. Những góp ý của các chuyên gia không phải không có nhưng đến được nơi cần đến thì thật còn xa. Trong khi đó, cung cách làm việc của các cơ quan chuyên môn, kể cả của ngành lưu trữ nhà nước thì còn nhiều bất cập. Bác Hồ từng nói, tài liệu Lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia (Thông đạt số 1/VP năm 1946) nhưng đưa tài liệu ra phục vụ thì lại rất hạn chế. Tại sao Việt Nam có rất nhiều cuộc tranh cãi về lịch sử, chính là do thiếu tư liệu, nhiều khi người ta làm sử theo kiểu tư biện và ngại đính chính các nhận thức sai lầm, kiểu như nói nước ta có trên 4000 năm lịch sử chẳng hạn! Lưu trữ nhân dân hiện nay cũng chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả trong dự thảo luật lưu trữ vừa rồi.
*Thưa GS Nguyễn Văn Thâm, “Lưu trữ nhân dân” mà ông vừa đề cập, phải chăng là những hình thái lưu trữ ngoài công lập (tương tự như bảo tàng ngoài công lập), và đó là một minh chứng cho khái niệm “xã hội hóa lưu trữ”? Có thể gọi là lưu trữ tư nhân hay không?
*Ông Nguyễn Văn Thâm:
Tôi không muốn dùng khái niệm “lưu trữ tư nhân”, bởi từ “tư nhân” bao hàm nội dung sở hữu trong đó. Còn “Lưu trữ nhân dân” là hình thức lưu trữ cộng đồng, bao gồm tất cả các hình thức lưu trữ cá nhân và lưu trữ tổ chức/cơ quan nhưng không thuộc Nhà nước. Lưu trữ cá nhân có thể không có trách nhiệm xã hội nhưng lưu trữ tổ chức/cơ quan (cho dù là những tư liệu cá nhân) vẫn phải nhằm đến mục đích phục vụ xã hội. Nó cũng tương tự như việc so sánh “tủ sách gia đình” với “thư viện” vậy. Như vậy, tổ chức/cơ quan lưu trữ nhân dân không có sở hữu riêng mà là đồng sở hữu.
Tôi cho rằng Trung tâm Di sản các nhà khoa học hiện nay là một Trung tâm lưu trữ nhân dân với chức năng lưu trữ các tài sản có thể khai thác, và không có nội hàm sở hữu ở đây; khi cá nhân người hiến tặngtài liệu hiện vật có nhu cầu sẽ được đáp ứng khai thác sử dụng. Và các tổ chức/cơ quan lưu trữ nhân dân cần nằm trong hệ thống lưu trữ nhân dân, có cơ chế tự quản, có tư cách pháp lý, chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
Những tư liệu hiện vật trong các lưu trữ nhân dân/cộng đồng cần phải được tổ chức, quản lý theo những định chế khác tương ứng với tính chất của nó. Luật Lưu trữ là một loại luật chuyên ngành nên nó cần cụ thể hơn thì mới có tính khả thi cao, chứ để còn phải hướng dẫn nhiều quá, lại do quá nhiều cơ quan bộ ngành hướng dẫn lại càng khó.
*Mặc dù có những cách sử dụng khái niệm khác nhau như lưu trữ tư nhân và lưu trữ nhân dân nhưng tôi thấy điều hai giáo sư cùng băn khoăn là dự thảo luật chưa đặt đúng bối cảnh kinh tế xã hội đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mà vẫn còn tư duy bao cấp. Điều hai giáo sư mong mỏi cần làm ngay chính là cần bổ sung khái niệm lưu trữ ngoài công lập vào dự thảo Luật. Trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Văn Thâm và PGS Nguyễn Văn Huy về cuộc trao đổi có ý nghĩa này.
Nguyễn Thị Trâm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam