Cần quan tâm lưu trữ tư liệu về Trung tâm





Trong thời gian xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, cán bộ Trung tâm đã hỗ trợ công tác kiển kê, bảo quản tư liệu của Bảo tàng. Đến ngày 7-3-2016, chúng tôi cùng nhóm sinh được tiếp cận, kiểm kê khối tư liệu cá nhân của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại nhà riêng, số 2 Trần Hưng Đạo.

Thực tập tại đây, nhóm sinh viên có cơ hội để áp dụng kiến thức lý thuyết trên giảng đường vào thực hành thực tế. “Giáo cụ trực quan” trong buổi học này chính là hàng vạn tư liệu khoa học của PGS.TS Nguyễn Văn Huy bao gồm nhiều loại hình: bản thảo, sách, báo, tạp chí, ảnh điền dã, đề tài nghiên cứu khoa học, hiện vật thể khối….Nội dung tư liệu phong phú, đã được PGS Nguyễn Văn Huy phân loại, sắp xếp theo từng chủ đề. Trong một buổi sáng, nhóm sinh viên được tiếp cận nhiều tư liệu lịch sử có giá trị: Hồ sơ về Dự án thành lập Bảo tàng Dân tộc học, từ khi thành lập (những năm 1996 đến 2008); Trưng bày ngoài trời; Dự án mở rộng “Đông Nam Á”; Đề tài nghiên cứu về người Việt; Hồ sơ Trưng bày về Tết Trung thu của trẻ em; Hồ sơ Trưng bày “Đường 9: con đường xuyên Á, cơ hội và thách thức”; Hồ sơ xét nghệ nhân thủ công…

Hướng dẫn sinh viên làm sạch bước đầu các tư liệu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Trước khối tư liệu đồ sộ ấy, PGS Nguyễn Văn Huy vui vẻ chia sẻ: Những tư liệu này là hồ sơ về quá trình hình thành và phát triển Bảo tàng Dân tộc học, giúp chúng ta có thể kể lại câu chuyện về lịch sử của Bảo tàng.

Buổi làm việc đầu tiên, nhóm sinh viên hiểu khái quát được các khâu công việc trong công tác kiểm kê, bảo quản, những kỹ năng cơ bản về xử lý làm sạch hiện vật bước đầu, sắp xếp tư liệu theo nhóm vấn đề…hình dung các khâu công việc cần tiếp tục trong thời gian thực tập. Còn với cán bộ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đây cũng là một bài học kinh nghiệm để chúng tôi quan tâm hơn nữa đến việc lưu trữ các tư liệu về quá trình xây dựng và phát triển của Trung tâm để phục vụ cho khai thác nghiên cứu sau này. 

Nguyễn Thị Thành