Cần quan tâm nghiên cứu thế hệ các nhà khoa học đầu thế kỷ XX

Ở tuổi 93, phần lớn đã yên tâm nghỉ ngơi. Hoặc ít ra cũng cho mình cái quyền được sống như vậy. Nhưng với nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn chưa có khái niệm đó. Đã hơn nửa thế kỷ ông không ngừng theo đuổi khát vọng đem Văn hóa Việt Nam vươn ra ngoài biên giới. Như ông quan niệm, muốn làm bạn với nhiều người thì phải làm sao để nhiều người biết đến mình. Hiện nay, nhìn vào kế hoạch hàng ngày của ông có lẽ sẽ chẳng ai dám tin đó là kế hoạch của một đại trưởng lão đã qua cửu thập: Hàng tháng vẫn viết ít nhất ba bài báo cho 3 tạp chí khác nhau; vẫn liên tục gặp gỡ các khách nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về Văn hóa Việt Nam hoặc đi dự các hội thảo, các hoạt động văn hóa.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc lưu ý Trung tâm

nên nghiên cứu Nguyễn Công Tiễu – Ông tổ của ngành khoa học Việt Nam

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng biết đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam qua các phương tiện thông tin. Vừa rồi, nhân một dịp trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy khi đến thăm Trung tâm, ông được biết tường tận về việc Trung tâm đang tiến hành một công việc rất mới lạ là nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam.

Được trực tiếp xem những tài liệu quý do các nhà khoa học tặng Trung tâm: từ những cuốn sổ ghi chép của các Giáo sư Tôn Thất Tùng, Lê Thế Trung, Nguyễn Trinh Cơ, nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu đến những cuốn nhật ký của nhiều nhà khoa học trong kháng chiến chống Mỹ, những bức thư trao đổi, thư cho người thân, những giấy tờ cá nhân…  ông không khỏi xúc động và quên mất tuổi tác của mình khi vẫn đi hết 5 tầng nhà thăm kho hiện vật giấy, kho phim ảnh hay kho hiện vật khối.

Ông càng ngạc nhiên hơn khi biết Trung tâm là một cơ quan nghiên cứu ngoài công lập. Toàn bộ hoạt động của Trung tâm đều do những nhà khoa học tâm huyết thuộc Bệnh viện MEDLATEC đầu tư.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng Nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn thăm quan

tất cả các kho lưu trữ của Trung tâm

Trao đổi về mục tiêu và ý tưởng của Trung tâm, nhà văn hóa Hữu Ngọc xúc động nói:

“Tôi rất buồn khi phần lớn người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ về sau, không biết Nguyễn Công Tiễu là ai bởi không có nhiều tài liệu lưu trữ về ông. Trong khi có thể coi đó là “ông tổ”, là người tiên phong trong việc truyền bá tri thức khoa học ở Việt Nam. Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Nguyễn Công Tiễu đã học tập và truyền bá những tư tưởng, tri thức khoa học. Hoạt động khoa học của Nguyễn Công Tiễu diễn ra trước cả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…”. Từ câu chuyện về Nguyễn Công Tiễu, ông cũng không khỏi băn khoăn khi nhiều thế hệ các nhà khoa học đã và đang đi vào quá khứ, nếu không sưu tầm, lưu giữ tư liệu của họ thì rồi sẽ chẳng còn gì cho mai sau. Ông lưu ý Trung tâm nên có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu thế hệ những nhà khoa học đầu tiên như Nguyễn Công Tiễu.

Với những hoạt động của Trung tâm, hơn 4 vạn tài liệu của hơn 200 nhà khoa học đang được lưu giữ, có thể coi đó là những sự cứu vớt dù hơi muộn nhưng vô cùng ý nghĩa. Như ông nói: “Hơn 200 nhà khoa học là còn ít so với bao thế hệ các nhà khoa học đã phục vụ đất nước hơn thế kỷ qua. Nhưng công việc này, nếu quảng bá được sâu rộng ra xã hội, trong giới khoa học và cả bạn bè quốc tế thì sẽ giúp hình thành và phát triển ý thức lưu trữ tư liệu cá nhân ở nước ta”. Ông chia sẻ với các nghiên cứu viên của Trung tâm: “Phải xem di sản về cuộc đời và những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam là một giá trị của nền văn hóa dân tộc. Những giá trị đó ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức và nó phải được giữ gìn, quảng bá sâu rộng”.

Hà Nội, 15-11-2011

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam