”Cao đạm Bê-ba-min” của Giáo sư Nguyễn Tụ

Trưởng thành từ quân y sĩ, đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, rồi trực tiếp tham gia đào tạo các thế hệ bác sĩ quân y, những kỷ niệm của một thời lửa đạn đan xen với những trăn trở về công tác đào tạo, phục vụ người bệnh… vẫn rần rật cháy trong huyết quản của vị tướng đã ngoài 90 tuổi này. Ông là Thiếu tướng, GS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ-nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y.

Thiếu tướng, GS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ

Thiếu tướng, GS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ kể chuyện chiến trường tại nhà riêng. Ảnh: Khánh An

Năm 1947, vừa tốt nghiệp trường y sĩ, Nguyễn Tụ được điều về Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Đại đoàn 316, phụ trách công tác y chính-kế hoạch tổng hợp, đảm nhiệm việc tổ chức, bố trí cứu chữa thương binh, bệnh binh rồi trực tiếp đi chiến dịch. Theo sát bước tiến của các cánh quân, từ Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông (1947), Chiến dịch Tây Bắc (1952) đến Chiến cuộc Thu Đông 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội hành quân bộ với các trang thiết bị y tế trên vai. Có những lúc trang thiết bị y tế gần bằng… cân nặng của ông. Những lúc đội điều trị không đủ điều kiện cứu chữa thương binh, ông phải cõng bệnh nhân băng rừng mấy ngày đêm, vượt núi cao, đèo sâu đưa về tuyến sau cứu chữa kịp thời. Nhưng mọi khó khăn, vất vả đều không ngăn nổi quyết tâm của người y sĩ trẻ bởi mệnh lệnh cứu người là trên hết.

Có một kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông nhớ mãi. Lần ấy, đơn vị ông phụ trách hướng đông đồi A1. Tại đây, địch bố phòng kiên cố, có hầm ngầm, ta đánh rất khó khăn, thương vong lớn. Mọi hoạt động cứu chữa thương binh đều ở dưới hầm được khoét ngay bên vách các chiến hào. Phòng mổ được đặt bên trong cùng giao thông hào. Lúc bố trí, người tổ chức cho rằng như vậy sẽ bảo đảm bí mật và an toàn nhất cho các thương binh, bệnh binh. Chẳng ngờ một lượng lớn thương binh dồn về cùng lúc, đường hào lại hẹp và ở sâu bên trong nên bị tắc ngay trên đường vào. Vậy là trong khi các phẫu thuật viên sốt ruột ngồi chờ thì nhiều thương binh cần cấp cứu không vào được hầm phẫu thuật. Sau khi xem xét tình hình, ngay đêm sau, ông đã đề ra giải pháp, tổ chức một đường ra để giải phóng thương binh. Kết quả, sau khi hầm cấp cứu thông thoáng thì lượng thương binh được cứu chữa nhiều hơn đáng kể, không còn tình trạng tắc nghẽn nữa.

GS Nguyễn Tụ cho rằng, dù thời chiến hay thời bình thì việc tổ chức cũng rất quan trọng, không nên chỉ chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, chuyên môn thì mọi việc mới nhịp nhàng, hiệu quả. Trong ngành quân y cũng vậy, công tác tổ chức không khoa học có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội được cứu chữa của rất nhiều thương binh, bệnh binh. Thế nên ông quan niệm, dù khoa học có hiện đại đến đâu cũng phải dạy cho sinh viên ngành y ghi nhớ những bài học truyền thống mà ông cha đã để lại, như người cáng thương phải có cái gậy chống ba chạc, vận chuyển thương binh có thể bằng xe bọc thép, trực thăng… vẫn không thể thiếu chiếc xe U-oát có thể vượt mọi địa hình… Bài học kinh nghiệm xương máu từ hồi chống Pháp ấy đã theo ông vào Mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi những năm sau này về trực tiếp giảng dạy, đào tạo các thế hệ bác sĩ tại Học viện Quân y.

Cuối năm 1965, bác sĩ Nguyễn Tụ nhận quyết định vào chiến trường Tây Nguyên để tổ chức thành lập một bệnh viện lớn. Năm 1969, tình hình mặt trận càng lúc càng khó khăn. Do thiếu lương thực, thực phẩm, bộ đội đói triền miên, bộ tư lệnh mặt trận đã phải tính đến giải pháp chỉ giữ lại các đơn vị trực tiếp chiến đấu, còn lại đưa tất cả các bộ phận phục vụ, trong đó có quân y ra Bắc. Lúc đó, ở Tây Nguyên có các bệnh viện 211, 2, các đội điều trị 3, 4, xưởng dược và trường quân y. Ông đã đề xuất với cấp trên nên cân nhắc, bởi muốn xây dựng một bệnh viện đi vào nền nếp phải mất 10 năm, một đội điều trị cũng mất dăm, bảy năm, nếu đưa hết ra Bắc, sau này sẽ không đáp ứng được tình hình khi ta giải phóng miền Nam, vì thế tốt nhất nên giữ lại các bệnh viện và xưởng dược! Đề xuất trên đã được chứng minh tính đúng đắn và tầm nhìn của người chỉ huy quân y lúc đó bằng thực tế sau này.

Những năm tháng ở Mặt trận Tây Nguyên, GS Nguyễn Tụ chứng kiến bộ đội ta bị suy dinh dưỡng và sốt rét, thậm chí thương vong mà phần lớn là do hai bệnh trên. Ông băn khoăn trăn trở tìm các phương pháp để nâng cao sức khỏe bộ đội. Một lần về Bộ tư lệnh 559, Tham mưu trưởng Vũ Văn Đôn có hỏi ông về tính khoa học của việc bộ đội lấy con giun đất (địa long) tuốt ra nuốt sống để chữa bệnh sốt rét. Ông trả lời, điều đó chưa được các nghiên cứu khoa học chứng minh nhưng ông biết, theo quan niệm dân gian truyền lại, khi bị “ngã nước” có thể dùng giun đất nuốt sống sẽ khỏi. Câu hỏi của Tham mưu trưởng Vũ Văn Đôn cứ trở đi trở lại trong đầu ông. Thật tình cờ, vài tháng sau, trong một chuyến công tác dọc sông Pô Kô và Sa Thầy, ông thấy sau mưa, giun đất đùn lên nhiều vô kể. Vậy là ông cho xưởng dược đào về thủy phân thành cao, sau đó trộn với bột sắn đóng thành viên rồi gửi ra Bắc kiểm nghiệm.

Kết quả anh em báo về khiến ông bần thần vui sướng: Loại thuốc mới này có đầy đủ các thành phần axit amin không tự tổng hợp được và các vitamin ngang với viên đạm Moriamin quý hiếm mà nước bạn viện trợ cho ta lúc đó. Thế là “cao đạm” được dùng rộng rãi, giúp thương binh, bệnh binh hồi phục nhanh sức lực. Sau này, để kỷ niệm về chiến trường B3, anh em xưởng dược đã đề nghị đặt tên loại “cao đạm” này là “Bê-ba-min”. Ông và đồng đội còn nghĩ ra cách nấu xương voi bị chết do bom đạn thành cao để bồi bổ sức khỏe người bệnh… Cũng nhờ phương pháp trên mà tỷ lệ sốt rét và suy dinh dưỡng của bộ đội Tây Nguyên giảm đáng kể.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tặng Thiếu tướng Nguyễn Tụ, tháng 10-2018. Ảnh: Vương Thúy

Hòa bình lập lại, ông ra Bắc, công tác tại Cục Quân y, sau đó đi học và về nhận nhiệm vụ ở Học viện Quân y. Gắn bó với bộ môn Tổ chức chỉ huy quân y rồi sau đó là người “đứng mũi chịu sào” trực tiếp phụ trách công tác đào tạo của học viện với cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc học viện. Ông say mê với công việc chăm lo đời sống, công tác đào tạo cho cán bộ, học viên. Ngày ấy, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của học viện còn rất thiếu thốn. Ông kể, nhìn học viên ở trong những căn nhà cấp bốn dột nát, trời mưa thì trong nhà như… ngoài sân, ông thương lắm. Vậy là ông cạy cục đi vận động địa phương cho mượn nhà dân, mượn nhà chùa để sinh viên có chỗ học; đề nghị mua giấy dầu lợp nhà chống dột cho học viên. Trong công tác đào tạo, ông cũng phát hiện nhiều vấn đề bất cập cần phải thay đổi, như trong thực tập lâm sàng, ông đề nghị tăng thời lượng sinh viên trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, từ năm thứ nhất đã phải làm nhiệm vụ hộ lý; năm thứ hai phải vào viện thực tập y sĩ, trực bệnh nhân… Những biện pháp trên đã tạo được sự chuyển biến về chất lượng đào tạo tại học viện.

Nghỉ hưu từ năm 1995, cho đến nay, ông vẫn tất bật với các luận án tiến sĩ, thạc sĩ của học viên, với vai trò của một cố vấn Hội đồng Khoa học y học quân sự Bộ Quốc phòng. Hằng ngày, ông vẫn đọc báo, nghe đài, trăn trở trước những vấn đề của nền y học hiện đại. Trước khi chia tay, ông nhấn mạnh với chúng tôi, dù y học có phát triển đến đâu thì quan điểm phục vụ hết lòng vì người bệnh, tấm lòng “lương y như từ mẫu” luôn là bài học đầu tiên, được thế hệ ông thực hành nhuần nhuyễn phải được duy trì và phát huy. Khi được hỏi làm thế nào để giữ sức khỏe và sự dẻo dai, bền bỉ, ông cười hào sảng: “Không thuốc bổ nào bằng làm việc, hơn nữa là làm đúng công việc chuyên môn mình yêu thích, vẫn đóng góp công sức nhỏ bé phục vụ việc cứu người, giúp đời!”.

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ sinh ngày 4-11-1928. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Quân y Quân khu Tây Bắc, Chủ nhiệm Quân y Mặt trận B3 (Tây Nguyên), Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Quân y… Đặc biệt, trong những năm công tác ở chiến trường Tây Nguyên, Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ đã lãnh đạo Ban Quân y Mặt trận có nhiều sáng tạo trong cấp cứu, điều trị bệnh sốt rét, điều trị vết thương, xây dựng kế hoạch bảo đảm quân y cho các trận đánh và các chiến dịch lớn nhỏ của mặt trận… Do những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tháng 10-2018. Ông còn là đồng tác giả công trình “Nghiên cứu tổng kết công tác đảm bảo quân y trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2010. 

Phạm Thu Thủy

Nguồn: http://sknc.qdnd.vn/nhan-vat/