Năm 1972, chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, số thương binh được đưa ra miền Bắc để điều trị ngày càng nhiều. Viện Quân y 109 (Đầm Vạc, Vĩnh Yên) [1] là nơi điều trị các thương binh nặng từ chiến trường chuyển ra, và cũng là nơi mà bác sĩ Nguyễn Tài Thu tiến hành nghiên cứu, giảng dạy và điều trị. Sau chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc, về nước ông đã đề xuất và tiến hành nghiên cứu châm tê để mổ cho thương binh tại Viện Quân y 109, nhưng gặp không ít trở ngại. Một số người cho rằng châm tê để mổ là “dã man”, là “vô nhân đạo” vì bệnh nhân sẽ rất tỉnh khi mổ, họ sẽ nhìn thấy máu, những người thiếu can đảm sẽ mất tinh thần, ảnh hưởng đến thành công của ca phẫu thuật,… và họ cho rằng “không thể thành công” được, là “chuyện bịa và lừa đảo”.
Chính hoàn cảnh đã tạo ra nghị lực phi thường, và chính từ tình yêu thương, trách nhiệm đã tạo nên những thành công của ông. Cuốn Ký sự tập VI đã thể hiện những điều đó.
Tại Viện Quân y 109, bác sĩ Nguyễn Tài Thu vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, vừa cứu chữa thương binh và vừa mở lớp huấn luyện cho các bác sĩ, y tá phương pháp châm cứu. Điều khiến ông luôn trăn trở là: “Chữa liệt hạ, châm tê để mổ, hai công trình hắc búa quá, khiến cho mình lúc nào cũng bận rộn, suy nghĩ. Chẳng quản gì ngày đêm, trưa tối, mình lăn lộn với bệnh binh, thương binh”. Sự lo lắng luôn thường trực trong suy nghĩ: “Lòng mình luôn trĩu nặng lo lắng, xúc động, thương yêu trước những thương bệnh binh trẻ trung này! Những giờ tháng hy vọng này sẽ đem lại cho công trình nghiên cứu của ta những gì nhỉ? Chữa liệt, cột sống và di chứng liệt; Châm tê; Chữa câm điếc. Ôi! Tất cả đều khó khăn quá!” [2], ông đã thốt lên như vậy khi làm việc tại Viện Quân y 109.
Châm tê để mổ, thực tế đã được bác sĩ Hoàng Đình Cầu và các cộng sự thực hiện thành công từ năm 1968 thông qua một ca mổ dạ dày, nhưng nó chưa phổ biến ở nước ta, đặc biệt là đối với các vết thương chiến tranh. Ông chỉ ra trong nhật ký ghi ngày 4-5-1972 rằng: “những kinh nghiệm mà nước bạn (Trung Quốc) giới thiệu với các bác sĩ nước ta là đúng và có thể thực hiện được, tuy nhiên đất nước họ không có chiến tranh nên bệnh nội thương là chính (phổi, gan, tim, dạ dày,…) do đó chọn huyệt để châm thường chọn ở chân tay, khiến cho khi mổ ở ngực bụng không vướng víu vì chấn thương để châm. Hoàn cảnh nước ta là hoàn cảnh chiến tranh, vết thương ở tay chân là nhiều, vì vậy muốn châm tê để mổ, để cắt, ta phải chọn huyệt ở gần trên ngực, trên cổ hoặc phía trên, cánh tay, phía bụng thì mới mổ cắt ở tay chân được dễ dàng”. Lý thuyết thì như vậy, nhưng để nghiên cứu, thực hành thì không đơn giản: “mình rất lo làm sao cho thành công đây! Nhưng quyết tâm làm, với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân mình sẽ làm tốt được”.
Những trang Ký sự tập VI
Nghĩ tới những tiếng kêu la đau đớn, những ánh mắt như cầu cứu của thương binh đã thúc đẩy bác sĩ Nguyễn Tài Thu miệt mài nghiên cứu và quên đi những khó khăn thực tại. “Hình ảnh anh chiến sĩ trẻ đó với khuôn mặt trắng xanh, đôi mắt đen láy hôm nào nằm trên giường bệnh còn than thở: “3 năm nằm liệt rồi đồng chí ạ, đồng chí cố cứu lấy anh em…”. Chữa sao cho anh em khỏi liệt, đi lại được trong cuộc sống chiến đấu ác liệt này. Chữa sao cho anh em giải phóng được thảm cảnh ỉa đùn đái dầm này? Chữa sao cho các gia đình được hân hoan đón con em mình đi được về tổ ấm, dù là chống một nạng hay hai nạng. Đầu óc căng quá! Phải nghĩ, phải nghiên cứu, phải làm sao cho thương binh khỏi đau khổ, phải làm sao để đứng trước bệnh nhân mình không còn phải xót xa, nhói lòng vì bệnh tật giày vò họ, những người đáng yêu của tổ quốc, của nhân dân” [3]
Vượt lên trên những nghi ngờ, thiếu tin tưởng, đối mặt với hoàn cảnh, có nhiều lần ông tự thí nghiệm trên cơ thể mình và trên các học viên tình nguyện ở Viện Quân y 109. Trong một lần, trước khi thực hiện ca mổ khoét mắt cho một thương bị đạn bắn vào đầu, ông đã phải thức suốt đêm để châm thử, tìm huyệt châm thí nghiệm trên mặt mình, đã phải chảy nước mắt vì đau quá do châm không đúng huyệt. Sau những cố gắng không mệt mỏi, cuối cùng những kết quả đầu tiên của việc nghiên cứu châm tê để mổ đã thành công. Trong nhật ký ghi ngày 12-5-1972, ông chia sẻ niềm vui: “Sau 18 trường hợp thực hành châm gây tê để mổ trên cơ thể bác sĩ, y sĩ học viên và trên một số bệnh nhân, sớm nay đã châm gây tê để làm thủ thuật ở vùng bụng thành công. Đây là cas châm gây tê để tiến hành thủ thuật vùng bụng đầu tiên ở đây (Quân y Viện 109) mà cũng là cas đầu tiên ở nước ta. Vinh dự thay. Sung sướng thay! Thế là đã thành công bước đầu. Bệnh nhân là Nguyễn Công Nghinh, 56 tuổi, Chủ tịch kiêm Phó Bí thư huyện ủy huyện Yên Lạc (Vĩnh Phú), đau loét dạ dày tá tràng đã từ lâu”.
Những suy nghĩ, trăn trở ngày đêm của ông đã kết trái bước đầu: “Ôi, sung sướng biết bao khi thấy thương binh nằm trên bàn mổ, chịu đựng được mổ xẻ không cần phải đánh thuốc mê, thuốc tê mà chỉ cần vài mũi kim châm của mình”. Đến cuối năm 1972, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã giành được những thành công nhất định: “Thế là đã châm tê để mổ được hơn 30 loại phẫu thuật, từ loại nhỏ vừa như: mổ mắt, nhổ răng khôn chùm lợi, cắt ruột thừa, mổ soi bàng quang, kết ghép xương cẳng tay, vá da, làm quai da,… lấy mảnh đạn trong vết thương, giải quyết cốt tủy viêm,… đến các phẫu thuật lớn như: ổ cắt 2/3 dạ dày, cắt đoạn tại trường, đóng đinh nội tủy, đóng đinh sắt kết ghép xương đùi,… đều đã thành công tốt đẹp… Gian khổ, vất vả, lo lắng của lòng mình đã đổi lấy thành quả vĩ đại đó” [4]. Điểm tựa của những thành công bước đầu đó, phải chăng chính là chữ «Tâm» của lương y-bác sĩ Nguyễn Tài Thu.
Ký sự tập VI của bác sĩ Nguyễn Tài Thu gồm 554 trang, được viết trên cuốn sổ khổ 12,x17,8cm, bìa cứng, được bọc bằng một lớp vải màu xanh đã rách ở nhiều chỗ, đã long gáy, các mép giấy đã quăn nhưng mỗi dòng, mỗi trang nhật ký với những con chữ được viết bằng nhiều loại mực bút máy khác nhau vẫn còn rõ nét, nội dung sinh động như những thước phim kể về một giai đoạn lịch sử cụ thể, những con người cụ thể, về dấu ấn của nền Y học nước nhà: Châm tê để phẫu thuật và những thành công của phương pháp này.
GS.TTND Nguyễn Tài Thu sinh 1931
Quê quán: Hoài Đức, Hà Tây.
Trước năm 1947: Học sinh phổ thông
1947 – 1952: Bộ đội Quân khu Việt Bắc.
1953 – 1958: Học tập và công tác tại các Trường Đại học Y khoa Việt Bắc và Đại học Y Bắc Kinh, Trung Quốc.
1959 – 1978: Thư ký Hội Đông Y Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam; Trưởng phòng Nghiên cứu Thuỷ châm.
1979 – 2003: Viện trưởng Viện Châm cứu; Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Châm cứu Thế giới; Tổng Biên tập Tạp chí Châm cứu.
2003 – 2007: Viện trưởng Viện Châm cứu.
Từ 2007: Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Châm cứu Thế giới.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1]. Viện Quân y 109 tiền thân là Phân viện 9, thành lập năm 1953. Trong Kháng chiến chống Mỹ đây là một bệnh viện tuyến cuối về Chấn thương Chỉnh hình của toàn quân, đồng thời là Trung tâm kỹ thuật của các đơn vị Quân y trong tuyến. Hiện nay Viện có tên Bệnh viện 109.
[2]. Nhật ký ngày 15-2-1972.
[3]. Nhật ký ngày 17-3-1972.
[4]. Nhật ký ngày 31-12-1972.