Câu chuyện của cậu học trò thời kháng chiến

         Mào đầu cuộc trò chuyện, ông nói ngay về cái cấp bậc đại tá ghi trước tên ông trong cuốn ”Lớp sinh viên Đại học Y khoa niên khóa 1950 trong kháng chiến chống thực dân Pháp” (lưu hành nội bộ). Ông bảo: Nó không quan trọng gì, nhưng lỡ có người  hiểu nhầm lại cho là mình hám danh. Vì thực sự tôi chỉ lên đến trung tá rồi chuyển ra ngoài luôn. Năm 1975, khi vào tiếp quản Tổng Y viện Cộng hoà của chính quyền Sài Gòn cũ, tôi mang quân hàm trung tá, còn Tổng Y viện trưởng phía bên kia đã là đại tá. Ông ta có thể vẫn mặc cảm với cách mạng nên ngại ngần, và dù nhận ra tôi là bạn học cũ ở trường Bưởi nhưng ông ấy vẫn lờ đi, thậm chí tránh mặt, để cấp phó ra làm việc với tôi. Bản thân tôi cũng ngại gặp tay đôi với ông ta, trừ khi công khai có người khác chứng kiến. Thời ấy có nhiều vấn đề tế nhị như thế, ngay cả khi tôi đến gặp chị tôi di cư vào Nam mà tôi cũng phải rủ anh chính ủy đi cùng. Rồi ông lại kể tiếp cho chúng tôi nghe về một việc không vui nữa (thế mới chán-ông nói):

Tôi học ở Laixich (CHDC Đức) một năm rồi quay trở lại Berlin. Tôi được phân đến ở nhờ một gia đình mà một anh bạn đồng nghiệp dân y của tôi đã từng ở, nay chuyển đi nơi khác. Bà cụ chủ nhà khoe với tôi cái lọ sơn mài và bảo: ông đốc tờ ấy tốt lắm, tặng tôi cái lọ này, mang tận từ Việt Nam sang đấy, chỉ tiếc là gửi cho tôi qua đường tàu hỏa, bị va chạm nên nó đã nứt ra thế này. Thực ra tôi biết cái lọ sơn mài này nứt không phải vì lý do đó. Điều đáng buồn là ông bạn tôi, biết là nó không còn nguyên vẹn mà vẫn cứ tặng cho người ta. Thật xấu hổ. Lại cũng chính ông bạn này, còn có việc đáng tự xấu hổ khác nữa. Khi chúng tôi được Cục quân y cử sang Đức để làm nghiên cứu sinh khoa học, ông Vũ Văn Cẩn đã dặn cẩn thận: Các anh đi học tập là để về phục vụ nhân dân, không phải vì bằng cấp, cho nên không ai được ở lại học lấy bằng cấp gì, phải về nước làm việc ngay. Có một anh bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh, nhân thấy phía bạn có mở lớp học về đo chỉ số IQ, anh ấy đã tranh thủ theo học và được cấp chứng chỉ. Thế là bị anh bạn kia “mách” với Đại sứ quán, sau đó phải kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Thật khổ.

Câu chuyện ngoài lề thứ hai là ông kể về các thứ chứng bệnh tự nhiên cứ ầm ầm “dở” ra với ông. Nào là huyết áp đang thấp bây giờ cao vọt, thay đổi tư thế là hoa mắt chóng mặt. Nào là cái cột sống thì mỏ trên quặp chặt vào mỏ dưới, thoái hoá toàn bộ, mà trọng lượng cơ thể lại nặng nên lưng rất đau, đến bác sĩ khám còn “ngán”. Nào là bây giờ chỉ ăn sáng bằng đậu phụ với tương, trong khi trước đây là phở, trứng vịt lộn, cà phê…Và nhất là, tiền liệt tuyến dần dần sưng to, cứ mươi mười lăm phút lại phải vào toalet một lần, chẳng dám đi đến đâu…

Ấy vậy mà, khi chúng tôi khơi gợi những ký ức một thời xa xưa của Y50, thì không hiểu với sức mạnh nào mà ông ngồi tiếp chuyện chúng tôi suốt hai giờ đồng hồ liền không đứng lên. Có những quy luật sinh lý hình như cũng bất lực, đầu hàng trước tâm lý con người.

Và sau đây là câu chuyện chính mà ông định kể cho chúng tôi nghe.

*

Khoảng tháng 10-1945, sau khi đỗ Diploma, có một anh chiến sĩ của chiến khu Đông Triều về Hà Nội và rủ chúng tôi ra chiến khu nhập ngũ. Chúng tôi đi luôn, chẳng băn khoăn gì. Đi tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng, đến ga gần cầu Lai Vu thì chúng tôi xuống tàu, đi thuyền theo sông Kinh Thầy đến Kinh Môn rồi từ đó sang Đông Triều. Sáng hôm sau, khi chúng tôi vừa đến nơi thì cũng là lúc đơn vị làm lễ truy điệu 5 chiến sĩ cách mạng toàn là thanh niên Hà Nội hi sinh trong một trận tiễu phỉ. Lúc ấy, như có một dòng máu nóng chảy trong trái tim non trẻ của chúng tôi. Trung đội (trong đó có tôi) được cử đi tìm vũ khí ở rừng trên đường đi Mai Sưu. Qua một con suối, chúng tôi lấy quả bầu khô đựng nước suối làm nước uống, bên trên đậy nắp làm bằng vỏ bưởi. Nước suối có mùi thơm vỏ bưởi rất dễ chịu. Tôi uống và bị thương hàn, đành phải quay về với mẹ ở Phủ Lý. Ở đây tôi được ông lang Tiệm chữa cho khỏi. Đầu vẫn còn chưa mọc lại tóc, tôi đã đi theo đoàn văn nghệ biểu diễn tuyên truyền chống mù chữ và thất học (diễn kịch, ca hát…). Thành phần đoàn kịch đủ cả ông phán, ông giáo, và các tầng lớp thanh niên khác, có cả anh con bà bán thịt lợn ở phố Nhà Thờ cũng tham gia. Chúng tôi diễn kịch ở gần vườn hoa Phủ Lý, vui lắm.

Sau đó, tôi trở về Hà Nội học trung học ở một trường tư trên phố Nguyễn Thái Học. Pháp gây hấn ghê quá, trường phải đóng cửa, tôi được giới thiệu vào làm việc ở Ban đặc vụ của Nha Công an Việt Nam do ông Nguyễn Phúc Doãn phụ trách. Đến ngày toàn quốc kháng chiến thì Ban đặc vụ chuyển về khu vực lăng Hoàng Cao Khải, rồi xuôi tiếp xuống Cầu Mới (qua Ngã Tư Sở). Sau tôi cùng ông Doãn chuyển lên Thanh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) để lập trại tản cư, đón anh em từ mặt trận Huế ra. Lúc này, tôi được giao phụ trách văn phòng Trại tản cư Thanh Sơn. Nghe tin ở Vinh có tuyển quân vào không quân, tôi đi tuyển và trúng. Nhưng rồi Trung ương đình lại không cho mở khóa này, chúng tôi tạm chuyển về Trường Lục quân khóa 2, ít lâu sau thì về Trường Quân chính khóa 7 và xin quay trở lại Thanh Sơn hoạt động huấn luyện dân quân. Được một thời gian, do tập trận đêm, tôi bị nhiễm lạnh phổi, phải ép một bên phổi và được giải ngũ về dưỡng bệnh. Tôi về ở với mẹ tôi ở làng Ngải Trì huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Lúc này, trong làng có ông Hoàng Gia Du (em ruột của ông Hoàng Thuỵ Năm là thẩm phán tỉnh Hà Nam) làm phóng viên ở Thượng Hải (Trung Quốc) về nghỉ. Tôi được ông Du dạy tiếng Anh và ham mê học. Đây chính là lý do để khi thi Trung học chuyên khoa sau này, tôi chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất chứ không phải tiếng Pháp.

Năm 1949, quân Pháp rục rịch mở chiến dịch ở đồng bằng, tôi vào Nho Quan (Ninh Bình) ở với ông anh rể làm thẩm phán ở đây.

Nghe tin có khóa thi trung học chuyên khoa ở Hậu Hiền (Thanh Hoá). Tôi vào đó để thi. GS Nguyễn Mạnh Tường chấm bài luận tiếng Pháp (về văn học Pháp thế kỷ 18), GS Dương Thiệu Tống chấm bài luận tiếng Anh (hỏi về cán bộ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến), GS Đặng Thai Mai chấm môn triết học. Thi môn tiếng Việt thì nội dung thi là lịch sử Trung Quốc thế kỷ 19 (phong trào nông dân nổi dậy, chiến tranh thuốc phiện Nhật-Trung). Đại khái thế, một bài thi kiểm tra được hai trình độ luôn.

Trong phần thi vấn đáp, tôi còn nhớ GS Đặng Thai Mai hỏi tôi một câu: anh nói cho tôi nghe, chân lý là gì? Thì giáo trình của Cụ có  một chương nói về điều này, tôi thuộc rồi. Tôi vạch ra đề cương, mới chỉ đọc xong đề cương thầy cho điểm ưu luôn, không nói năng gì thêm. Chúng tôi có kinh nghiệm nếu thầy đã im lặng là yên trí qua được.

Còn thầy Tống, sau khi hỏi tiếng Anh xong, thầy bảo tôi hát một bài, tất nhiên bằng tiếng Anh. Tôi sướng quá, vì đúng sở trường của mình rồi. Hồi học nhạc với thầy Rôbe ở trường Bưởi, tôi luôn đứng thứ nhất; tiếng Anh lại là ngoại ngữ thứ nhất của tôi. Thế là tôi hát, tôi còn nhớ câu mở đầu là: “Những ngày đã qua, lúc bấy giờ tim tôi còn non trẻ và vui vẻ…”. Bài này có trong sách tiếng Anh học từ hồi lớp 6. Thời đó non trẻ và vui vẻ thật. Tôi hát với tất cả cảm xúc của mình. Thầy khen: Good.

Vậy là tôi tốt nghiệp Trung học chuyên khoa ở Thanh Hoá, để sau đó một năm sau, năm 1950, tôi, tay xách cặp, vai đeo ba lô đi lên Việt Bắc và xin vào trường Y khoa kháng chiến, gọi là khoá Y50 – một khoá đào tạo bác sĩ tuy mãi đến 1957 mới tốt nghiệp tại Hà Nội, nhưng suốt những năm kháng chiến cho đến khi kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ, những sinh viên Y50 chúng tôi tự hào đã đóng góp phần nhỏ bé sức mình vào sự kiện “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” này.

 

Nguyễn Thị Trâm

Trung tâm CPD(ghi)