Câu chuyện cuộc đời qua góc nhìn bảo tàng

Vượt 15km về phía tây Hà Nội, chúng tôi đến làng cổ Lai Xá vào một buổi chiều trong không khí se se lạnh của những ngày cuối đông. Không gian như bừng sáng và ấm lại khi chúng tôi đứng trước khuôn viên một ngôi nhà màu trắng xinh xắn. Đây là quê hương, nơi gắn bó với GS.TS, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên lúc sinh thời, nay con trai út là PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã sửa sang lại để chuẩn bị cho trưng bày kể câu chuyện về cha mẹ của ông.

Với tư duy của nhà bảo tàng học giàu kinh nghiệm, trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với những tài liệu, hiện vật của cha mẹ và gia đình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã hun đúc ý tưởng thực hiện việc trưng bày bảo tàng về gia đình từ khá lâu, nhưng đến cuối năm 2012 công trình "đặc biệt" này mới bắt đầu khởi động, dự định khai trương vào giữa năm 2014. PGS Nguyễn Văn Huy cho biết, ông có thói quen lạ là tối đi nghỉ rất sớm và thường thức dậy từ 3-4 giờ sáng. Trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tiếng đồng hồ buổi sớm, khi đầu óc tỉnh táo, mẫn tiệp nhất là lúc ông tranh thủ tìm lại những kỉ vật, sắp xếp lại tư liệu của cha mẹ. Ông bà Nguyễn Văn Huyên không những để danh thơm mà còn để lại cho các con khối tư liệu hiện vật đồ sộ, phản ánh cả cuộc đời và cũng như cống hiến của ông bà cho đất nước. Mỗi lần tìm thấy tư liệu mới, PGS.TS Nguyễn Văn Huy mừng rỡ, vui sướng, cân nhắc sắp xếp đưa vào nội dung trưng bày mà ông đang thực hiện.

Bằng việc chuẩn bị kỹ về nội dung với những bạn đồng nghiệp của mình và qua bàn tay thiết kế của các chuyên gia Pháp, vốn là những người bạn đồng hành cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong nhiều dự án bảo tàng, cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Văn Huyên cùng các mối quan hệ xã hội, sự đổi thay của đất nước… sẽ được thể hiện tinh tế, sống động.

“Điều đặc biệt khi đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, người xem sẽ cảm nhận được không khí ấm cúng như vào thăm một gia đình” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy tiết lộ. Bước chân qua cánh cổng là một không gian nhỏ – sân – vườn – nhà, được thiết kế liền mạch tạo nên cảm giác yên tĩnh, và khá ấn tượng với những gốc sấu, cây khế, cây roi vốn thân thuộc với nơi sinh sống của bố mẹ… được gia đình tạo dựng lại để lưu giữ những ký ức và kỷ niệm xưa. Đó như là một khu vườn cổ tích, gợi cho người xem một không gian xưa.

Tuy với diện tích nho nhỏ ở tầng 1 nhưng người xem sẽ bị thu hút ngay bởi câu chuyện cuộc đời của ông Nguyễn Văn Huyên và gia đình thông qua sơ đồ cây phả hệ lớn về dòng họ Nguyễn và họ Vy. Khác với các trưng bày truyền thống về một nhân vật lịch sử hay danh nhân như trước đây, trưng bày này độc đáo, mới lạ bởi việc giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyên trong mối quan hệ đan xen với vợ con, gia đình, họ hàng thân thích. Ở tầng này, thời gian và các mối quan hệ còn được đẩy xa hơn về cội nguồn gốc rễ gia đình bằng các bản gia phả của 2 dòng họ thông gia Nguyễn, Vy, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh… của các thành viên gia đình ông.

Câu chuyện cuộc đời của GS.TS Nguyễn Văn Huyên không tách biệt với những biến động của đất nước. Ông vừa là một tác nhân và đồng thời cũng là nhân chứng trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục và chính trị của Việt Nam ở thế kỷ XX. Để xử lý được vấn đề này, các nhà thiết kế dự định tạo ra trục lịch sử bằng những sợi dây điểm các tấm thẻ sự kiện bối cảnh, treo thả từ tầng 5 xuống tầng 1. Mỗi tấm thẻ phác họa bối cảnh xã hội, sự kiện lịch sử liên hệ với nội dung tầng giới thiệu về cuộc đời ông Nguyễn Văn Huyên. Cùng với ánh sáng tự nhiên rọi qua các ô cửa cầu thang, thủ pháp thiết kế đó sẽ gắn kết từng chủ đề trưng bày.

Không gian tầng 2 là nơi tái hiện tuổi trẻ của ông bà Nguyễn Văn Huyên, mở đầu bằng câu chuyện hôn nhân. Hôn nhân của ông bà cho thấy sự thay đổi từ hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sang hôn nhân “tự nguyện”, dựa vào tình yêu, vai trò cá nhân, thể hiện qua những câu trích, tâm sự của bà Vi Kim Ngọc trong sổ nhật ký và những bức ảnh cưới. Tuổi trẻ của ông bà cũng được tái hiện sinh động trong những khuôn hình từ hoạt động khám phá nước Pháp và Châu Âu; các ghi chép bài giảng từ những năm 30 của ông. Đáng chú ý, TS Nguyễn Phương Ngọc gần đây mới sưu tầm được đơn của ông Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ Lưu trữ hải ngoại Pháp xin làm luận án về mối quan hệ Việt – Pháp đầu thế kỷ XIX và ba công văn của cơ quan lưu trữ, Bộ thuộc địa và Phòng Nhì không cho phép ông Huyên nghiên cứu vấn đề này vì sợ ảnh hưởng đến nền an ninh của Pháp. Từ đấy, ông Nguyễn Văn Huyên chuyển hướng nghiên cứu sang dân tộc học, chọn đề tài nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Hát đối đáp nổi tiếng.

Nhiều người biết đến GS.TS Nguyễn Văn Huyên là vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu năm nhất, nhưng ít ai biết rằng ông còn mang tầm cỡ một nhà bác học. Các ghi chép, bài nghiên cứu về Tết, Hát dân gian, về tổ chức và cơ cấu làng và thờ Thành hoàng làng, Đền Gióng, bản thảo cuốn Văn minh Việt Nam … cho thấy các mối quan tâm đa dạng của ông, được dự kiến trưng bày trong không gian của Tầng 3.

Trang phác thảo sơ đồ trưng bày trên bàn làm việc của PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Dừng lại trước bàn làm việc và giá sách của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, người xem sẽ cảm nhận được không gian làm việc, nghiên cứu, lao động của một nhà khoa học cách đây gần 80 năm qua những chiếc phong bì thư của Viện Viễn Đông Bác Cổ gửi đến ông, những phiếu thư mục, những ghi chép, sách vở…

Cách mạng tháng 8-1945 thành công đem lại cuộc sống mới cho dân tộc Việt Nam, trong đó có gia đình nhỏ của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên. Trong không gian trưng bày tại Tầng 4, câu chuyện cuộc đời hành động của GS.TS Nguyễn Văn Huyên sẽ được thể hiện qua những tấm giấy thông hành đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp năm 1945, bài diễn văn đọc trong Lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam vào năm 1945, rồi cuốn sổ tay ghi chép của Giáo sư trong dịp cùng phái đoàn của ông Võ Nguyên Giáp dự Hội nghị Đà Lạt (4/1946) và phái đoàn của ông Phạm Văn Đồng sang dự Hội nghị Fontenebleau (7/1946)… Rồi 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ và những năm tháng chống Mỹ, GS.TS Nguyễn Văn Huyên và gia đình cũng hòa vào cuộc kháng chiến của toàn dân, đời sống gia đình ông cũng được tái hiện lại rất đời thường với sổ chi tiêu, phiếu biên nhận giao dịch… và những đồ dùng sinh hoạt. Bức tranh sinh động còn được điểm xuyết bằng những bài viết, tài liệu của ông về chống nạn mù chữ, bản thảo một cuốn sách giáo khoa, các hội nghị về xây dựng trường đại học trong kháng chiến, lời kể của đồng nghiệp, trợ lý của Giáo sư.

Hành trình cuộc đời của GS.TS Nguyễn Văn Huyên được kết thúc bằng hai hiện vật mà gia đình ông nâng niu lưu giữ: hai chiếc vali. Trong đó, một chiếc ông sử dụng khi đi Hội nghị Fontenebleau và theo gia đình trong suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ; một chiếc ông bà dùng trong chuyến đi Đức lần cuối cùng và sau đó ông ra đi về với tiên tổ vào năm 1975.

 

Tầng 5 của nhà trưng bày sẽ mở ra một không gian rộng tầm mắt, nhìn về sự thay đổi của làng quê Lai Xá” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ

Khép lại hành trình chuyến tham quan, người xem có thể dừng chân ở căn phòng nhỏ, cuối khuôn viên – Phòng Giáo dục, nơi dự kiến sẽ diễn ra các trao đổi, thảo luận của người tham quan. Đặc biệt tại đây, một góc phòng được dành riêng cho Thư viện Nguyễn Văn Huyên. Đây là một phần tủ sách của ông bà Huyên với nhiều chuyên ngành, thể hiện các vấn đề quan tâm và sức đọc của ông ở nhiều lĩnh vực. Thư viện này góp phần kể về các chặng đường học tập và nghiên cứu của ông.

Có thể nói, câu chuyện cuộc đời của GS.TS Nguyễn Văn Huyên là điển hình cho câu chuyện lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học trọn đời đam mê sáng tạo và cống hiến. Bảo tàng như mẫu hình cho những trưng bày về nhà khoa học sắp tới, thể hiện những tư liệu, hiện vật mà hiện nay Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang hướng tới sưu tầm, lưu trữ. Hy vọng trong tương lai, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên sẽ là một trong những điểm thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và khách du lịch đến tham quan.

Trần Bích Hạnh