Trở về quá khứ cách đây hơn một thập kỷ. Một lần, vào khoảng những năm 1998-1999 ông Hoàng Bình được mời lên Thái Nguyên tham gia buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập nhà máy gang thép Thái Nguyên. Đêm đó, khi đang lưu trú trong nhà khách của khu gang thép, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ đã đến và nói chuyện với ông. Tại đây, ông Hoàng Bình được nghe các anh em công nhân phản ánh nhiều điều không tốt về khu gang thép, phản ánh những bất công mà họ đã và đang phải gánh chịu.
Đa số mọi người đều phản ánh gay gắt về việc cuộc sống của anh em công nhân nơi đây không còn được như trước – thời ông Hoàng Bình công tác tại đây. Họ kể rằng, lãnh đạo chỉ lo cho bản thân họ, không lo lắng gì cho đời sống anh em công nhân. Sau khi nghe xong, ông rất giận và tuyên bố: “Thôi! Không tham gia buổi gặp mặt này nữa”, và ông đã về thẳng Hà Nội ngay trong đêm. Sau ngày đó, ông Hoàng Bình bắt đầu ốm nặng dần, sức khỏe yếu dần thường xuyên phải đi nằm viện bởi căn bệnh đái đường, sỏi mật cứ chực chờ cướp sinh mạng ông.
Đến khoảng đầu năm 2000, có 4 cán bộ đến từ tỉnh Thái Nguyên thăm và tặng quà ông Hoàng Bình, trong đó có chiếc radio màu mận chín được vợ ông lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Bà Uyển kể, sáng hôm đó, sau khi bà ra ngoài về thì thấy 4 cán bộ của tỉnh Thái Nguyên gồm 3 nam và 1 nữ đang ngồi trong phòng khách. Bà thoáng thấy vẻ mặt u buồn của ông Hoàng Bình khi nghe nói về chuyện Khu gang thép sụp đổ, ông liên tục quát mắng những vị khách vừa mới đến vậy nhưng tất cả họ đều ngồi im không lên tiếng, bà Uyển phải can ngăn “Anh, để các bác uống nước đã!”.
Chiếc radio màu mận chín đã bên ông Hoàng Bình trong suốt những năm tháng ông ốm bệnh
3 năm sau đó là quãng thời gian ông ốm và thường xuyên được tổ bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng đưa vào viện. Từ đó, bên cạnh giường bệnh của ông là chiếc radio màu mận chín. Trong khoảng thời gian ông nằm điều trị tại bệnh viện Việt Xô năm 2001-2002, chiếc radio này là vật dụng duy nhất để ông thư giãn và cập nhật tin tức.
Cứ vài tuần nằm viện ông lại về nhà, bà Uyển là người được ông trực tiếp chỉ dạy cách mở, thay băng catxet mỗi lúc ông yêu cầu. Từng là một thủ trưởng nghiêm khắc trong công viêc, nhưng trong cuộc sống ông lại rất lãng mạn. Ông thường xuyên mở đài nghe các ca khúc trữ tình do Trung Đức, Thu Hiền hát. Ông đặc biệt quý trọng những tấm gương giàu nghĩa tình qua các vở chèo như Lưu Bình – Dương Lễ, Châu Loan, Trầu cau, Tấm Cám,… Những lúc được đi du lịch nghỉ ngơi ở Malaysia, Úc ông vẫn làm thơ tặng vợ. Ông nói với các con: “Chúng mày tưởng ba khô khan lắm sao? Đó là vì tao không có thời gian chứ con người tao cũng lãng mạn lắm!”
Những ngày tháng ông bệnh nằm ở nhà, bà Uyển thường xuyên bên cạnh giường ông, mở radio cho ông nghe, thay những băng mà ông ưa thích, hai “người bạn già” vừa nghe vừa tỉ tê chuyện nhân tình thế thái. Và cứ như vậy, chiếc radio đã gắn kết hai ông bà với nhau đến ngày ông ra đi (2003). Lần cuối cùng bà nghe chiếc radio này là vào năm 2005, theo thời gian chiếc radio cũng hỏng đi bà không còn nghe nó nữa. Vậy nhưng, tận sâu trong tâm khảm của bà, chiếc radio không bao giờ im tiếng, như nhân chứng cuối cùng của tình yêu sâu sắc mà bà dành cho chồng mình.
Trình Sỹ Anh Dũng