Chặng đường gian nan để trở thành phó tiến sĩ

Sinh ra trong gia đình có dòng dõi làm quan: ông nội là quan Tri huyện ở nhiều địa phương, nhưng nơi  làm việc cuối cùng là huyện Văn Giang, Hưng Yên; ông ngoại là quan Tri phủ tại Phúc Yên, còn bố là quan Tri huyện Đông Triều-Quảng Ninh. Vậy nên, Đỗ Thị Ngà Thanh sớm sống trong cảnh đầy đủ về vật chất như những cô chiêu cùng mẹ tại 55 phố Phan Chu Trinh, Hà Nội. Mọi công việc đều có người ở làm giúp, mọi nỗi lo toan về cuộc sống thường nhật đều không phải trải qua. Tuổi thơ của Đỗ Thị Ngà Thanh cứ vậy trôi qua thật êm đềm, cho đến khi thật sự bước vào con đường học vấn. 

PGS.TS Đỗ Thị Ngà Thanh kể về chuyện làm khoa học của mình

Ước mơ trở thành phó tiến sĩ

Cuối năm 1959, sau khi tốt nghiệp trường Phổ thông cấp 2-3 Hà Nội (nay là trường Phổ thông trung học Việt – Đức), Đỗ Thị Ngà Thanh thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thật bất ngờ, ngày nhận kết quả thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là ngày bà nhận thông tin từ Bộ Giáo dục về việc bà và một số thí sính đạt kết quả thi cao trong kỳ tuyển sinh lần ấy được cử sang Liên Xô học. Bà được cử đi học tại trường Đại học Thống kê kinh tế Moskva. Tại đây, chứng kiến các lớp đàn anh đi trước trở thành phó tiến sĩ (PTS), bà đã thầm mơ một ngày nào đó mình cũng trở thành PTS. Vì vậy, bà quyết tâm học thật tốt, để sau khi tốt nghiệp đại học có thể sẽ được chuyển tiếp làm NCS. Nhưng khoảng đầu những năm 1960, do tác động của các yếu tố chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu lúc bấy giờ, nên sinh viên Việt Nam học tại Liên Xô, trong đó có sinh viên Đỗ Thị Ngà Thanh phải về nước khi chưa thi tốt nghiệp, tuy đã hoàn tất mọi môn học tại trường Đại học Thống kê kinh tế Moskva. Về nước bà được phân công tác tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội giảng dạy tại bộ môn Thống kê Kinh tế thuộc khoa Kinh tế nông nghiệp. Sau đó một năm (1966), bà được nhận bằng tốt nghiệp đại học của trường Đại học Kinh tế-Kế hoạch Hà Nội.

Năm 1975, bà được cử tham gia khóa học chính trị để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển NCS sang các nước xã hội chủ nghĩa cùng với hai nam giảng viên là Hồ Ngọc Châu và Nguyễn Trung Quế. Khi cử Đỗ Thị Ngà Thanh đi học, ông Nguyễn Lâm Toán – Chủ nhiệm bộ môn Thống kê kinh tế – đã dự đoán và tin tưởng Đỗ Thị Ngà Thanh sẽ thi đỗ, tuy nhiên ông cũng không khỏi phân vân về lý lịch của bà. Chuyện là, một phần Đỗ Thị Ngà Thanh có ông, cha từng làm quan cho chính quyền thuộc địa. Nhưng phần nặng nhất là chuyện về người chú tên là Đỗ Văn Doãn, Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự Moskva, Liên Xô nhưng sau khi kết thúc khóa học, ông đã không trở về nước mà ở lại Liên Xô làm việc. Quyết định của ông Doãn khi ấy được coi là “phản bội Tổ quốc”. Vì vậy, những người thân của ông Doãn ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng.

Sau khi học xong lớp học chính trị, đúng như dự đoán của Chủ nhiệm bộ môn Nguyễn Lâm Toán, Đỗ Thị Ngà Thanh không được tham dự kỳ thi tuyển NCS khi ấy. Quyết định trên đã làm dấy lên sự bức xúc trong nội bộ một số cán bộ trong trường. Như việc ông Phan Xuân Vận (Chủ nhiệm bộ môn Sinh học), có lần gặp ông Lê Duy Thước (Hiệu trưởng), ông Vận đã chất vấn, đề nghị ông Thước giải thích lý do vì sao không cho bà Thanh thi NCS. Nhưng rồi sự việc dần lắng xuống, và Đỗ Thị Ngà Thanh lại trở về với công việc của một giảng viên, ngoài những giờ giảng trên lớp, bà còn có nhiệm vụ đưa sinh viên đi thực tập. Trong quá trình đưa sinh viên đến các nông trường và hợp tác xã (HTX) thực tập, Đỗ Thị Ngà Thanh nhận thấy điểm bất cập trong việc ghi chép thống kê số liệu của các HTX (không phân chia công chính và công phụ). Từ đó, bà âm thầm nghiên cứu với hy vọng một ngày nào đó có cơ hội làm NCS, sẽ đưa vấn đề này làm đề tài luận án. Trong những lần đưa sinh viên thực tập tại các HTX ngày ấy, bà chia sinh viên thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm 3 đến 4 người đi đến các hộ nông dân để cùng lao động với họ, sau đó ghi chép lại toàn bộ lịch trình sản xuất và công lao động của từng người (người trong độ tuổi lao động được coi là công chính, người dưới và trên độ tuổi lao động được tính là công phụ). Từ những ghi chép này, bà đã tập hợp lại và nghiên cứu để tìm ra phương pháp điều tra về ngày công lao động chính xác. Từ đó sẽ tính được số công lao động thực để sản xuất một đơn vị diện tích canh tác mà trước đó HTX chưa làm được cụ thể việc này.

“Đống rấm” âm ỉ cháy từ khi còn là sinh viên đại học nay có cơ hội bùng lên thành ngọn lửa. Năm 1984, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có chính sách cho những cán bộ từng đi học ở nước ngoài quay trở lại nước đó học thực tập sinh 2 năm, và Đỗ Thị Ngà Thanh cũng nằm trong danh sách này. Vô cùng phấn chấn, giảng viên Đỗ Thị Ngà Thanh nghĩ luôn tới việc trong thời gian làm thực tập sinh có thể  tranh thủ cơ hội nghiên cứu thêm tài liệu từ Liên Xô kết hợp với tài liệu bà đã nghiên cứu được ở trong nước để thực hiện luận án PTS và được bảo vệ ở Liên Xô. Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, chỉ đợi có giấy gọi là bà sẵn sàng lên đường. Tuy nhiên, thêm một lần nữa cơ hội và hy vọng được làm luận án PTS của Đỗ Thị Ngà Thanh  lại gặp trắc trở, khi các đồng nghiệp và các bạn cùng lớp học chính trị đã lên đường đi học được khoảng 1 năm, bà vẫn không được gọi. Cũng nhờ có cô Hiệu trưởng Trần Thị Nhị Hường can thiệp mà sau đó Đỗ Thị Ngà Thanh đã nhận được quyết định sang Liên Xô học thực tập sinh tại Học viện Nông nghiệp Timiazev. Mặc dù thời gian đi học chỉ còn 1 năm, nhưng bà vẫn nung nấu ý định nghiên cứu thêm tài liệu của Liên Xô để viết luận án PTS và nhân cơ hội này sẽ đề đạt xin bảo vệ luận án PTS tại đây. Vì vậy, suốt quãng thời gian học tập tại bộ môn Kinh tế nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Timiriazev, Đỗ Thị Ngà Thanh luôn vùi mình vào việc học tập và lên thư viện để đọc sách. Đôi khi có cơ hội được trao đổi trực tiếp với thầy Chủ nhiệm Bộ môn, bà liền tranh thủ xin ý kiến của thầy về ý tưởng làm luận án của mình và được thầy ủng hộ. Tuy nhiên, quyết tâm làm luận án PTS của bà dường như vẫn còn phải thử thách, khi những tài liệu Đỗ Thị Ngà Thanh được phép nghiên cứu ở Liên Xô đều là tài liệu cũ cách đó chừng 5-10 năm, và không phải bản gốc. Có chuyện như vậy vì, thời điểm này, Liên Xô đang rơi vào tình trạng bất ổn định về chính trị và kinh tế, vì vậy, mọi tài liệu giai đoạn này đều được quản lý theo quy định mà lưu học sinh nước ngoài không thể tiếp cận… Trước những khó khăn về tài liệu, Đỗ Thị Ngà Thanh đã xin đến các nông trường để thực tập, việc đi thực tập thời gian này cũng là điều không thể, bà chỉ được phép đến các nông trại thăm khoảng 1 vài giờ đồng hồ mà không được tiếp cận với sổ sách ghi chép của nông trại.

Kết thúc một năm học thực tập sinh, gặp phải muôn vàn khó khăn, nên Đỗ Thị Ngà Thanh chỉ hoàn thành được mục đích học nâng cao kiến thức mà không thể  thực hiện được luận án PTS như mong ước của cá nhân và về nước trong tiếc nuối.

Hiện thực hóa ước mơ ngay tại cái nôi đầu tiên của sự nghiệp

Sau khi trở về nước, bà vẫn chú tâm nghiên cứu tài liệu ghi chép về  sản xuất nông nghiệp tại các nông trường và HTX ở khu vực xung quanh Hà Nội và vẫn nuôi hi vọng có thể trở thành PTS. Vì vậy, bà đã đề nghị Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (ĐH&THCN) cho hưởng chế độ đặc cách dành cho cán bộ lâu năm để làm NCS ở trong nước. Chế độ đặc cách ở đây chính là được nghỉ một năm giảng dạy để làm nghiên cứu sinh. Yêu cầu của bà được Bộ ĐH&THCN chấp nhận. Ban đầu, Đỗ Thị Ngà Thanh có ý định làm NCS tại trường ĐH Kinh tế-Kế hoạch, vì mã số ngành học (Thống kê kinh tế) thuộc về chuyên ngành kinh tế. Vậy nên, bà mời ông Lê Văn Toàn (Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguyên là Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế-Kế hoạch) là bạn của chồng bà, làm người hướng dẫn. Đồng thời ông Lê Văn Toàn cũng dự kiến 2 người phản biện cho luận án của Đỗ Thị Ngà Thanh. Nhờ có sự chuẩn bị tài liệu từ những lần đưa sinh viên đi thực tập tại các HTX ở Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh), Hà Nội, Hưng Yên…, nên khi có quyết định cho làm NCS, Đỗ Thị Ngà Thanh đã cơ bản hoàn thành đề cương và nội dung sơ lược của luận án có tiêu đề là “Nghiên cứu thống kê lao động nông thôn trong điều kiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nội dung luận án này, được dựa trên những thống kê đã ghi chép được từ các HTX để đánh giá lại tình hình sử dụng và điều kiện lao động trong đổi mới quản lý kinh tế ở các HTX nông nghiệp ở nước ta.

Khi Đỗ Thị Ngà Thanh nộp đề cương luận án cho trường ĐH Kinh tế-kế hoạch, bà nhận được lời khuyên từ Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội-Trần Thị Nhị Hường: nên làm NCS ở trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, vì trường có thể hỗ trợ tối đa kinh phí, các thủ tục cho việc bảo vệ, như mời hội đồng chấm luận án, chế độ đãi ngộ và kinh phí hỗ trợ các thành viên trong hội đồng… Do vậy, Đỗ Thị Ngà Thanh đã quyết định chuyển về làm NCS tại trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Với quyết định này, bà bớt được nỗi lo về chi phí làm NCS theo chế độ của trường ĐH Kinh tế – kế hoạch.

Quyết định chuyển trường làm NCS của Đỗ Thị Ngà Thanh gặp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc chuyển mã ngành nghiên cứu để phù hợp với mã ngành trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội đào tạo. Khi đó, bà Hường và thầy hướng dẫn Lê Văn Toàn bày cho bà cách chuyển tên chuyên ngành từ “Thống kê kinh tế” sang “Kinh tế thống kê”, đổi tên đề tài nghiên cứu từ “Nghiên cứu thống kê lao động nông thôn trong điều kiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” thành “Nghiên cứu kinh tế thống kê lao động nông thôn trong điều kiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Một khó khăn nữa là bà còn phải thi bổ túc kiến thức một số môn thuộc chuyên ngành nông nghiệp như quản lý kinh tế. Sau khi có kết quả thi bổ túc kiến thức, Đỗ Thị Ngà Thanh phải thay đổi người hướng dẫn để phù hợp với chuyên ngành của luận án, người hướng dẫn mới là thầy Nguyễn Lâm Toán (trước làm Chủ nhiệm khoa Kinh tế nông nghiệp, trường ĐH Nông nghiệp I HN). Trong chuyện này, may mắn là bà nhận được sự thông cảm từ thầy hướng dẫn trước – ông Lê Văn Toàn. Trong giai đoạn Đỗ Thị Ngà Thanh viết luận án, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nơi bà công tác đang thiếu giảng viên trầm trọng. Vì vậy, một giảng viên thường phải dạy gấp đôi số tiết quy định nên việc nghỉ dạy để viết luận án của Đỗ Thị Ngà Thanh là điều không thể. Vậy nên, bà thường tranh thủ mọi khoảng thời gian rảnh vào buổi tối là lại lao vào đọc những tài liệu đã có sẵn và viết. Trong quá trình làm, bà nhận được nhiều động viên từ đồng nghiệp, trong đó có cô học trò cũ làm tại phòng lưu trữ của trường, luôn sẵn sàng giúp bà hoàn thiện hồ sơ ngay khi bà hoàn thiện luận án. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành luận án, cần phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ cá nhân theo quy định để tiến hành các thủ tục bảo vệ, nhưng lại thêm một lần, việc bảo vệ luận án PTS của Đỗ Thị ngà Thanh bị ách tắc bởi không tìm thấy hồ sơ lý lịch gốc do nhà trường lưu trữ. Khi nhận được thông tin đó đó, Đỗ Thị Ngà Thanh đã đề nghị nhà trường cho phép bà trực tiếp vào kho để tìm lại hồ sơ. May mà cuối cùng bà cũng tìm thấy hồ sơ của mình nằm ở đáy của tủ hồ sơ, vì không được bảo quản cẩn thận nên đã bị ố vàng. Vì việc không kịp hoàn tất hồ sơ, nên dù đã hoàn thành bản luận án từ khoảng năm 1989, nhưng phải đến năm 1990 bà mới bảo vệ luận án PTS tại hội đồng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, với kết quả tốt.

Luận án của Đỗ Thị Ngà Thanh đã chỉ ra những tồn tại của hệ thống thống kê lao động của HTX. Cách thống kê của HTX không phù hợp với điều kiện đổi mới kinh tế của đất nước kể từ khi khoán 100, khoán 10… ra đời. Vì vậy, luận án nghiên cứu đề tài này với mục đích: chỉ ra cách tính toán giá trị sản lượng và năng suất lao động dựa trên công chính (người trong độ tuổi lao động). Dựa trên cách tính toán này, sẽ tính được tình hình sử dụng lao động trong điều kiện đổi mới quản lý kinh tế. Từ đó, sẽ lên phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê về lao động đảm bảo phản ánh chính xác thực tế khách quan của xã hội, giúp các cấp lãnh đạo có biện pháp chỉ đạo việc sử dụng lao động tốt hơn[1]. Cho đến nay, những nội dung mà luận án PTS của Đỗ Thị Ngà Thanh nghiên cứu vẫn còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn và lý thuyết.

Như vậy, ước mở trở thành PTS của Đỗ Thị Ngà Thanh đã trở thành hiện thực. Với những nỗ lực phấn đấu ngót 30 năm và “lòng kiên định vì một mục tiêu cao cả” [2], người con gái Hà thành Đỗ Thị Ngà Thanh đã vượt qua chặng đường “lên bờ xuống ruộng” một cách đáng tự hào.

Hoàng Thị Kim Phượng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.


[1] Luận án PTS của PGS.TS Đỗ Thị Ngà Thanh, năm 1990, trang 5, 6. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] PV GS Tô Dũng Tiến ngày 7-10-2015, tài liệu đã dẫn.