Chàng trai Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến

Nhận lệnh đặc biệt

Đầu năm 1945, cao trào đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc Pháp – Nhật của nhân dân Việt Nam lan rộng khắp cả nước. Hồi ấy, cậu học sinh Trần Bưởi đang học lớp đệ nhị tại trường tư thục Trí Tôn ở gần Route de Hué[1]. Sau vài lần chứng kiến Việt Minh trừ khử tay sai của Pháp – Nhật, lại được hòa vào phong trào yêu nước sôi nổi của học sinh cùng trường, cậu đã được giác ngộ và gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, chung tổ với hai người bạn cùng phố là Vũ Ngọc Tố và Bùi Huy Can.

Tổ ba người vừa học, vừa tham gia tổ chức các hoạt động như diễn thuyết, mít tinh, rải truyền đơn ở các chợ, công viên, sở thú… PGS Trần Bưởi nhớ lại: Do tôi còn ít tuổi nên chỉ được giao nhiệm vụ làm liên lạc hoặc cầm khẩu súng hơi nước, rồi đứng canh gác ở vòng ngoài để báo động kịp thời nếu có cảnh sát tới[2]. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Bùi Huy Can bị bắt giam. Trần Bưởi phải cùng lánh về quê Vũ Ngọc Tố ở xã Giáp Nhị, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì[3]. Khoảng hai tháng sau, nghe tin Huy Can được thả, hai người liền trở lại nội thành. Khi ấy, bố mẹ mới biết Trần Bưởi đã trở thành một chiến sĩ cách mạng, bởi trước đó ông giữ bí mật vì không muốn gia đình lo lắng.

Và rồi, Hà Nội bước vào những ngày tháng Tám sục sôi. Trần Bưởi cảm thấy trong lòng mình “nóng” hơn, nhất là khi trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, chiếm Sở Liêm phóng[4], góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945. Ngày 9-9-1945, 32 chiến sĩ tự vệ Hà Nội (Vũ Ngọc Tố và Trần Bưởi mới 16 tuổi, người lớn tuối nhất khoảng 21-22 tuổi) được tổ chức thành trung đội vệ quốc với số đông là học sinh, bổ sung vào Chi đội 3 Quân giải phóng[5]. Ngay trong đêm đó, toàn đơn vị nhận được lệnh đặc biệt, hành quân gấp vào Thanh Hóa, không ai kịp báo tin cho gia đình.

Trong chuyến hành quân bằng tàu hòa từ ga Hà Nội rạng sáng ngày 10-9-1945, các chiến sĩ Chi đội 3 Quân giải phóng xen lẫn bao cung bậc cảm xúc: vui bởi được ra đi bảo vệ Tổ quốc, buồn bởi phải xa gia đình, hồi hộp bởi chưa biết nhiệm vụ cụ thể. Trần Bưởi cũng vậy, song ông tự thấy mình dạn dĩ hơn sau gần một năm thử thách: Đợt xa Hà Nội này sẽ không phải trong 1-2 ngày như đôi lần tôi từng tham gia trước đây và có thể không bao giờ trở lại, nhưng tôi chẳng hề lo lắng bất cứ điều gì[6]

Trung đội học sinh Hà Nội trong đoàn quân Chi đội 3 Quân giải phóng Nam tiến

(Nguồn: Báo Nhân dân, số 39 (974), ngày 30-9-2007)

Sau nửa ngày hành quân, Chi đội 3 Quân giải phóng đến ga Thanh Hóa, rồi tập kết ở khu vực đồi thông thuộc làng Ngò (nay là làng Ngô Xá), xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trần Bưởi và các đồng đội được nghe Chính trị viên Chi đội Nguyễn Văn Rạng giảng một số vấn đề cơ bản về tình hình trong nước và thế giới, chủ trương chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Nhưng với ông, ấn tượng đặc biệt là lần đầu tiên tôi được biết đến súng ống, được học những kĩ năng cơ bản như vác súng, lên đạn, lăn, lê, bò, toài… Khẩu súng trường dài đến ngang vai, khiến một đứa con trai mới lớn như tôi khá lúng túng, dần dần mới quen[7].

Ngày 26-9-1945, ba ngày sau khi cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, Chi đội 3 Quân giải phóng nhận được lệnh hành quân gấp vào miền Nam. Nhiều chiến sĩ tranh thủ viết vài câu ngắn gọn vào bất kỳ mảnh giấy nào kiếm được, rồi nhờ người dân ở làng Ngò tìm cách gửi về cho gia đình của họ yên tâm, còn Trần Bưởi cứ thế mà đi. Khi đoàn tàu chuyển bánh, cả đoàn ai nấy đều háo hức và tự hào hát vang những câu ca hùng tráng: Tiếng súng vang sông núi miền Nam/ Tiếng súng vang dậy khắp non sông, giục ta tranh đấu…[8].

Tới thị xã Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Rạng được lệnh ra Hà Nội, đồng chí Nam Long[9] – một trong số 34 chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên vào thay thế. Ở Huế, Chi đội 3 Quân giải phóng bị các đơn vị quân đội Tưởng Giới Thạch gây khó dễ[10], phải giành tàu để đi tiếp. Đến thị xã Quảng Ngãi, Trần Bưởi cảm thấy ấn tượng về những người phụ nữ ở quê hương của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ: Họ đeo dao găm, cắt tóc ngắn, mặc kiểu quần soóc của lính giải phóng quân “dọn đường” cho chúng tôi lên tàu. Hình ảnh ấy khá khác lạ so với phụ nữ miền Bắc[11].

Dọc đường đi, Chi đội 3 Quân giải phóng được bổ sung thêm lực lượng. Người cũ, người mới cùng trang lứa, cùng chung ý chí, lòng nhiệt huyết đã hòa đồng với nhau rất nhanh, lại cùng hát vang điệp khúc: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Dù có gian nguy nhưng lòng không nề/ Ra đi ra đi, bảo toàn sông núi/ Ra đi ra đi, thà chết chớ lui…[12]. Khi đêm về, họ tiếp tục tỉ tê vào tai nhau chuyện quê hương, gia đình, chiến đấu, nhưng vẫn chưa ai biết nhiệm vụ cụ thể cho tới khi đến ga Diêu Trì (Bình Định), như Trung đội trưởng trung đội học sinh Hà Nội Nguyễn Tiệp[13] cho biết: Quân Nhật ra ngăn cản. Lúc này chúng tôi đã được biết nhiệm vụ vào Nam chiến đấu và được quán triệt tránh xung đột, để bảo toàn lực lượng vào chi viện cho quân dân Nam Bộ đánh thực dân Pháp[14]. Trần Bưởi cũng như các đồng đội của mình, dù vô cùng bức xúc nhưng vẫn cố gắng kiềm chế. Sau cuộc thương thuyết kéo dài một tiếng đồng hồ, lính Nhật buộc phải cho đoàn tàu lăn bánh.

Đoàn quân Nam tiến hành quân bộ qua Phan Thiết vì tuyến đường sắt ở đây bị phá hỏng, chưa được khôi phục. Tập kết tại một số trường học, toàn đoàn được nhân dân địa phương chăm sóc. Chàng trai Hà Nội Trần Bưởi còn được cho bánh và tiền, nhưng ông từ chối theo quy định của đơn vị. Ông chia sẻ thêm: Là đứa em út trong đơn vị, tôi luôn được các anh chị nhường nhịn, nhất là khi nằm ngủ bên cạnh chị Mai, chị Đức trong tổ cứu thương[15]. Hai ngày sau, đoàn quân Nam tiến được Ủy ban Kháng chiến miền Đông Nam Bộ huy động nhiều ô tô đón về Biên Hòa. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu[16] xúc động bày tỏ khi đón đoàn quân Nam tiến đầu tiên: Chúng tôi nhận được tin làm tỉnh người như tiếng pháo nổ bên tai, một tin làm sung sướng như được ngàn vàng khi túng thiếu. Chúng tôi mừng vui, sung sướng như người đang khát mà được cho một gáo nước mưa[17]. Là một thành viên của đoàn quân Nam tiến đầu tiên vào tiếp viện cho mặt trận Sài Gòn, Trần Bưởi thấy mình thật vinh dự.

Chiến đấu anh dũng

Chiến sĩ ba miền gặp nhau, chưa kịp hỏi thăm đã phải di chuyển vào Thủ Đức (ngoại ô Sài Gòn) để triển khai đánh chặn địch ở cầu Bình Lợi[18], không cho chúng đưa quân sang bờ Bắc sông Sài Gòn từ ngày 7-10-1945. Quân ta nhanh chóng chiếm được bờ bắc cầu Bình Lợi, cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt. Ngày 15-10-1945, liên quân Anh – Pháp[19] tập trung hỏa lực mạnh, quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Dù vậy, bốn ngày chiến đấu trận cầu Bình Lợi của Chi đội 3 Quân giải phóng đã làm nức lòng người dân Sài Gòn, như đồng chí Trần Văn Giàu kể lại: Đi đến đâu chúng tôi đều báo tin là đoàn quân Giải phóng Nam tiến đã có mặt trên vòng vây lửa chung quanh và nội thành Sài Gòn. Dân và quân nghe tin phấn khởi vô cùng, khó có vần thơ, lời hát nào tả nổi…[20].

Phó giáo sư Trần Bưởi, 2016

Trên đường rút lui, Chi đội 3 Quân giải phóng phối hợp với các đơn vị khác tiếp tục đánh địch ở Xuân Lộc (ngày 30-10-1945), Phan Thiết (ngày 13 và 14-11-1945). Phải chứng kiến các đồng đội bị thương vong sau mỗi trận giao chiến, Trần Bưởi không khỏi xót xa, đau lòng: Ngay từ khi ở Xuân Lộc, một số chiến sĩ đã hi sinh trong trận giao chiến với quân Nhật, Vũ Ngọc Tố bị trúng đạn ở mông. Khi quân ta bao vây nhà thương Phan Thiết, Bùi Huy Can hi sinh ngay tại chiến trường. Mãi sau này, gia đình mới có cơ hội đưa hài cốt của anh ra Bắc[21]. May mắn không bị thương, nhưng Trần Bưởi lại bị sốt rét rất nặng. Ở trong rừng cao su Xuân Lộc, mọi thứ đều thiếu thốn, từ thuốc ký ninh đến bác sĩ, y tá. Bệnh sốt rét diễn ra theo từng cơn, có khi sáng bị sốt, chiều có thể đi chiến đấu, tối về lại sốt. Cứ thế, nó làm sức lực của mình hao tổn dần. Có những ngày, tôi không cầm nổi bát cơm, trên đường hành quân được các anh trong đoàn dìu từng bước một. Lúc rút quân qua đường xe lửa ở Nha Trang, tôi không đủ sức để bước qua các thanh tà vẹt, đành phải đi xuống ven đường. Thế nhưng, cũng như nhiều đồng đội khác, tôi bất chấp bệnh tình mà hăng hái chiến đấu – ông trải lòng mình[22]

Trong tình hình chiến sự ác liệt, đồng chí Việt Phương[23] được cử ra Hà Nội báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái[24]. Ngay sau đó, Chi đội 3 Quân giải phóng được bổ sung 42 thanh niên Hà Nội, đi cùng Việt Phương vào Nam. Chiến sĩ Thái Mỹ mong muốn được đi chuyến này, nhưng cấp trên không đồng ý, liền tìm cách đuổi theo đồng chí Việt Phương và gia nhập đoàn, bởi ông nghĩ rằng mình tình nguyện đi chiến đấu, không phải đảo ngũ nên không lo sợ bị khiển trách, kỷ luật[25]. Ngày 25-12-1945, đoàn chiến sĩ mới vào tới Bình Định để tiếp viện cho đoàn quân Nam tiến.

Do thiếu kinh nghiệm chiến đấu và vũ khí nên đơn vị gặp không ít tổn thất. Sau trận Phan Rang (từ ngày 17 đến ngày 22-11-1945), lực lượng chiến đấu bị hao tổn đáng kể, riêng trung đội học sinh Hà Nội hi sinh 16 người, nhiều chiến sĩ không kịp trăng trối điều gì. Đến trận Nha Trang ngày 29-11-1945, đồng chí Nam Long rút kinh nghiệm từ các trận trước, đã chỉ đạo quân ta bố trí phục kích, khiến địch bị thiệt hại nặng nề. Khi rút quân về Ninh Hòa (Khánh Hòa), Trần Bưởi bị sốt cao, được đưa về điều trị ở nhà thương Tuy Hòa, không thể tiếp tục sát cánh cùng đồng đội. Tuy vậy, ông vẫn luôn hướng theo đơn vị cho tới khi rút lui ra Tuy Hòa và cũng là thời điểm Hiệp định Sơ bộ được ký kết ngày 6-3-1946. Ông tin rằng, Hiệp định ấy là cần thiết để quân ta có thời gian củng cố lực lượng, trong khi phải đối phó với nhiều kẻ thù, phía Bắc có quân Tưởng Giới Thạch, phía Nam có liên quân Anh – Pháp và cả quân đội Nhật chưa được hồi hương.

Sau trận sốt rét “thập tử nhất sinh”, Trần Bưởi được đưa ra điều trị ở một nhà thương tại Huế, rồi trở về Hà Nội vào khoảng tháng 5-1946. Gặp lại con trai, bố mẹ ông mừng rỡ, nhưng cũng trách khéo: Con đi chẳng nói gì với bố mẹ, anh chị cũng chẳng ai hay[26]. Khi sức khỏe đã ổn định một chút, ông chủ động đề nghị với đồng chí Nam Long: Anh kéo tôi đi chiến đấu cùng, chứ tôi không muốn ở nhà[27], rồi ông gia nhập Trung đoàn Hải Dương[28], đi biền biệt tới năm 1954 mới trở về.

Tuổi 16, 17 của PGS Trần Bưởi đã trôi qua như thế! Lần đầu tiên, chàng thanh niên Hà Nội đã tạm xa Hà Nội để vào Sài Gòn chiến đấu. Trong bom đạn sự sống và cái chết luôn cận kề, nhưng ông và các đồng đội ai nấy đều lạc quan, vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hi sinh. Chúng tôi xin mượn lời của Trung đội trưởng Nguyễn Tiệp thay cho lời kết, cũng là tâm tư của chính chàng trai Trần Bưởi năm xưa: thật vinh dự, tự hào, chúng tôi, những người lính Thủ đô đã có mặt ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, sống và chiến đấu, chia lửa cùng đồng bào Sài Gòn[29].

Nguyễn Thị Hợp


* PGS Trần Bưởi, chuyên ngành Khoa học quân sự, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng. 

[1] Nay là phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

[2] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Nay là làng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

[4] Là một trong ba cơ quan đầu não của Chính phủ Đế quốc Việt Nam, cùng với phủ Khâm sai và trại Bảo an binh.

[5] Là đơn vị vũ trang cách mạng từ Chiến khu Việt Bắc tiến về Hà Nội sau ngày Tổng khởi nghĩa, 19-8-1945.

[6] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[8] Đại tá Nguyễn Tiệp, “Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến” (Tâm Bắc ghi), Báo Nhân dân, số 39 (974), ngày 30-9-2007, trang 5.

[9] Nam Long (1921-1999), tên thật là Đoàn Văn Ưu, sau được phong hàm Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, Tư lệnh Quân khu IV.

[10] Khi ấy, quân Tưởng Giới Thạch cũng vào Đà Nẵng để giải giáp quân Nhật theo thỏa thuận giữa phe Đồng Minh và phe Phát xít sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

[11] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Đại tá Nguyễn Tiệp, “Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến” (Tâm Bắc ghi), tài liệu đã dẫn.

[13] Sau được phong hàm Đại tá, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.

[14] Đại tá Nguyễn Tiệp, “Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến” (Tâm Bắc ghi), tài liệu đã dẫn.

[15] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[16] Trần Văn Giàu (1911-2010), sau được phong học hàm Giáo sư, danh hiệu Anh hùng lao động, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học.

[17] Trần Văn Giàu, “Đi đón những đoàn quân giải phóng đầu tiên vào Nam Bộ”, Báo Nhân dân, số 39 (556), ngày 26-9-1999, trang 6.

[18] Đây là cây cầu sắt, có trục quay ở giữa, có thể điều khiển cho cầu quay dọc sông khi có tàu thuyền qua lại.

[19] Tháng 9-1945, hơn 1 vạn quân Anh vào miền Nam Việt Nam giải giáp quân đội Nhật theo thỏa thuận giữa phe Đồng minh và phe Phát xít sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, quân Anh đã dung túng cho Pháp xâm lược Việt Nam một lần nữa.

[20] Trần Văn Giàu, “Đi đón những đoàn quân giải phóng đầu tiên vào Nam Bộ”, tài liệu đã dẫn.

[21] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[22] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[23] Việt Phương (1928-2017), tên thật là Trần Việt Phương, một nhà thơ nổi tiếng, sau là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

[24] Hoàng Văn Thái (1915-1986), tên thật là Hoàng Văn Xiêm, được phong hàm Đại tướng năm 1980, là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

[25] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[26] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[27] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Bưởi, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[28] Thi hành Sắc lệnh số 71/SL ngày 22-5-1946 của Chính phủ về tổ chức quân đội quốc gia Việt Nam, các chi đội giải thể, làm nòng cốt tổ chức các trung đoàn. Chi đội 3 Quân giải phóng trở thành Trung đoàn 95. Sau khi khỏi bệnh, Trần Bưởi gia nhập Trung đoàn Hải Dương.

[29] Đại tá Nguyễn Tiệp, “Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến” (Tâm Bắc ghi), tài liệu đã dẫn.