Mái tóc bạc đi theo thời gian, nhưng tri thức, lòng nhiệt huyết của ông với nghề thì dường như vẫn vậy. NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp chính là “người lái đò không nghỉ trên dòng sông tri thức” ấy mà tôi muốn kể trong bài viết ngắn mà trân trọng này.
Được tiếp đón trong căn nhà riêng ấm áp, nâng chén trà ấm nóng trên tay, rồi trò chuyện với ông, tôi có cảm giác tôi và ông như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Ông kể chuyện nghề, tâm sự chuyện đời, không nhiều nhưng đủ cho tôi cảm nhận được về “khí chất” của một nhà giáo mà cả cuộc đời không một chút phai nhạt niềm đam mê. Bồi hồi nhớ lại chặng đường dài đã qua, NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp nhắc lại những kỷ niệm “không thể nào quên” với niềm tự hào và cả niềm xúc động.
NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp
NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp sinh năm 1944, nguyên quán ở Hà Tây (cũ). Thuở thiếu thời, nhờ học giỏi ông đã thi đỗ ngay vào trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội khi đó. Rồi những ngày tháng miệt mài học tập trong trường đã bồi đắp cho ông không chỉ kiến thức mà cả phẩm chất của một người trí thức lấy sự cống hiến làm lẽ sống của mình. Nỗ lực đã được đền đáp, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1983; được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư vào năm 1996. Ông có quyền tự hào về chặng đường mấy chục năm góp sức cho sự nghiệp đào tạo con người với bao thời gian không dễ gì đo đếm được dành cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, với hơn chục đầu sách viết riêng và viết chung, cùng với mấy chục bài nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Trong đó đặc biệt xuất sắc là Cụm công trình về từ và từ vựng học tiếng Việt được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2010.
Ông tâm đắc khi nhắc đến hai tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước là “Từ vựng học tiếng Việt”, “Từ và nhận diện từ tiếng Việt”. Đây là cụm công trình khảo luận những vấn đề lý luận chuyên sâu về từ và từ tiếng Việt cùng với từ vựng tiếng Việt. Với hai công trình này, lần đầu tiên khung lý thuyết về định nghĩa và nhận diện từ cũng như khung lý thuyết về định nghĩa, nhận diện từ của tiếng Việt được tổng kết khá đầy đủ; đồng thời ý tưởng xử lý vấn đề của tác giả đã được áp dụng một cách chặt chẽ, triệt để, nhất quán, có tính khách quan và khái quát cao. Những vấn đề lý luận mà hai công trình này đề xuất đã đem đến cho Việt ngữ học một cách nhìn nhận và lý giải mới đối với các vấn đề hữu quan cần giải quyết, nhờ xuất phát từ thực tiễn của chính Việt ngữ, phối hợp tốt với những quan điểm khoa học hợp lý trong lý luận ngôn ngữ học; đồng thời giải quyết các vấn đề trên các chiều quan sát hỗ trợ nhau một cách biện chứng: đồng đại và lịch đại, hệ thống và chức năng, hoạt động, tâm và biên… Chính vì vậy, việc giải quyết những vấn đề thuộc lý luận về từ và nhận diện từ tiếng Việt tránh được những cách xử lý “trên ngọn” luôn phải biện minh cho những hệ lụy kéo theo do áp dụng bộ khung lý thuyết mà tính hệ thống không được chặt chẽ và logic, triệt để. Hai công trình này thực sự là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận về từ tiếng Việt và những vấn đề về từ vựng có liên quan, nếu xét cả về tính chất mới mẻ lẫn tính chất hệ thống, triệt để và phù hợp thực tiễn Việt ngữ. Vì thế, có thể nói, hai công trình nói trên có đóng góp cho lý luận về từ nói chung và lý luận về từ tiếng Việt nói riêng. Đối với các nghiên cứu hữu quan về Việt ngữ, hầu như không có nghiên cứu nào về từ lại không nhắc đến hai công trình nói trên của ông…
Bên cạnh đó, NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp còn là một trong những người góp phần làm nên sự lớn mạnh hơn của bộ môn, rồi của Khoa Ngôn ngữ học. Lý luận ngôn ngữ, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt, dụng học Việt ngữ là những lĩnh vực ông quan tâm nhất và ra sức truyền đạt cho học trò. Nhắc đến ông còn phải kể đến những cuốn sách có giá trị cao trong lĩnh vực giáo dục, tiêu biểu như: Lược sử Việt Ngữ học, 2 tập (NXB Giáo dục 2005 – 2007), Dụng học Việt Ngữ (NXB ĐHQG Hà Nội, 2000), Giáo trình ngôn ngữ học (NXB ĐHQG Hà Nội, 2008) Những lĩnh vực ứng dụng của Việt Ngữ học (NXB ĐHQG Hà Nội, 2006), Nghĩa học Việt Ngữ (NXB Giáo dục, 2014), Vấn đề từ trong Tiếng Việt (NXB Giáo dục, 2011). Và một cuốn sách được xuất bản trong năm nay, đó là Từ điển Khái niệm Ngôn ngữ học (NXB ĐHQG Hà Nội, 2016). Hàng chục nghiên cứu sinh đã được Giáo sư hướng dẫn nghiên cứu và bảo vệ luận án thành công. Ngoài giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội), ông còn tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác. Năm 1986 – 1988, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris VII (Cộng hòa Pháp) và năm 1997 là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Phương Đông, Napoli, Italia. Khi được mời, được bầu làm Trưởng phòng Tổ chức Trường Đại học Tổng hợp, Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Biên tập và Xuất bản, khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học của Khoa Ngôn ngữ học, Uỷ viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, Giáo sư cũng sẵn sàng đảm nhận như một công việc, một trách nhiệm với Nhà trường, với cộng đồng. Ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, được đồng nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Với những cống hiến, đóng góp không ngừng nghỉ trong cả công tác chuyên môn và công tác quản lý, NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp đã nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng của các cấp ban ngành trao tặng. Trong đó, nổi bật phải kể đến Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010 cho cụm công trình từ và từ vựng học tiếng Việt, gồm Từ vựng học tiếng Việt, Từ và nhận diện từ tiếng Việt, Giải thưởng về Khoa học và công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội 2010 cho công trình 777 khái niệm ngôn ngữ học (NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, 2010), Giải Đồng Sách hay năm 2013 cho công trình Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ (NXB Giáo dục, 2012). Đặc biệt, Giáo sư đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ. Đó là những ghi nhận xứng đáng về những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước. Và nhắc về ông – NGND.GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, như nhắc đến đến bóng dáng một “dòng sông tri thức” chảy mãi cùng hành trình giáo dục vinh quang.
Tiến Đức
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/