Chỉ có thể là… thầy Tùng

Thế hệ sinh viên vào trường Y năm 1954 là những người đặc biệt, bởi bối cảnh lịch sử, chính trị xã hội, cơ sở vật chất… Đây cũng là một khóa đặc biệt vì đã đào tạo được nhiều bác sĩ tài năng, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp y tế nước nhà.

Nguyễn Ngọc Hàm vốn là học trò có phần “cá biệt”, có lẽ bởi là học sinh trường Albert Sarraunt, Hà Nội. Sau khi Thủ đô giải phóng, Nguyễn Ngọc Hàm và nhiều học sinh nội thành, học sinh từ ngoài kháng chiến trở thành sinh viên trường Y.

Thời sinh viên là khoảng thời gian đặc biệt đối với những ai đã trải qua. Ký ức về thầy, về bạn luôn trong tâm trí họ suốt cuộc đời. Thầy Tôn Thất Tùng là người đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho bất kỳ ai đã từng tiếp xúc. Đến nay, số sinh viên được thầy Tùng trực tiếp lên lớp giảng dạy đều đã ở tuổi xưa nay hiếm và chắc cũng không còn nhiều nữa. Trong số đó, Nguyễn Ngọc Hàm, Đặng Hanh Đệ, Vương Hùng … đều có ký ức riêng về thầy của mình. Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm khiến người nghe liên tưởng ông có tính cách rất giống thầy giáo của mình.

Không rõ thời điểm chính xác Nguyễn Ngọc Hàm và số sinh viên ngoại khoa kể trên vào nội trú tại Bệnh viện Việt – Đức, nhưng chắc chắn là trước mùa hè năm 1958. Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ gọi 9 sinh viên đến diện kiến GS Tôn Thất Tùng, Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức. Lần đầu tiên tiếp xúc, trò chuyện trực tiếp với thầy Tùng, họ hơi run. Hơn nữa, từ nay họ sẽ được thầy Tùng trực tiếp cầm tay chỉ việc, nên sự hồi hộp là điều không tránh khỏi. Sau khi nghe bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ giới thiệu, GS Tôn Thất Tùng đi một vòng để xem kỹ diện mạo những học trò mới của mình. Bác sĩ Hàm kể lại: “Chúng tôi xếp thành một hàng ngang, sau đó bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ thay mặt Đảng uỷ nhà trường nói: “Báo cáo anh Tùng, đây là số sinh viên sẽ được giao cho Việt – Đức chúng ta đào tạo, gồm 9 anh ngoại khoa và 3 anh gây mê”. Thầy Tùng nhìn tôi, đưa tay vỗ vào vai và bảo: “Thằng này được, trông khoẻ mạnh”[1].

 Thầy biết tôi hay đánh bóng rổ ở sân trường. Đặng Hanh Đệ nhìn cũng được, trông cao ráo. Khi thầy đến chỗ Phạm Hoàng Phiệt, Đỗ Đức Vân, mấy cậu này nhìn bé bé, thầy không nói gì, vì dù sao quần áo hai anh này khá tươm tất. Thầy đi tiếp đến chỗ 3 cậu học gây mê, dừng lại trước Nguyễn Thụ người bé, nhà nghèo, ở ngoài kháng chiến về, thầy nói đùa: “Sao lại chọn cái thằng chăn trâu vào đây!”. Từ đó trở đi, Thụ có biệt danh là "Thụ chăn trâu". Nhưng sau này cậu ta cũng là Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội, chứ không phải thường. Ngày ấy, lớp tôi hầu như ai cũng có biệt danh. Tôi thường được gọi là "Cao", vì cao nhất lớp; thằng "Bảng đen" vì da đen, hay "Bảng sùi" vì da mặt sùi; rồi "Bảng nông" vì thấp; rồi "Dương vật", "Kỷ thuốc lào"…”.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Hàm còn có biệt danh “bò Mông Cổ”, vì luôn xông xáo, năng động, nhất là khi tham gia lao động tập thể. Nhiều chuyện học hành thi cử được ông kể lại, mà những người không chứng kiến có thể ngỡ tưởng là đùa. Trong một lần thi vấn đáp do chính GS Tôn Thất Tùng hỏi, Nguyễn Ngọc Hàm được điểm cao nhất. “Vào thi, tôi rút câu hỏi về ung thư dạ dày. Bài về ung thư dạ dày thì cả thầy Tùng giảng và thầy Cơ giảng. Vào bàn thi, thầy Tùng cười hỏi: “À, thằng Cao, mày rút được cái gì?”. Tôi trả lời: "Báo cáo anh (ngày xưa không gọi thầy mà gọi là anh, xưng tôi), tôi rút được đề về ung thư dạ dày". Tôi nhớ nguyên xi, không sai được câu chuyện này đâu. “Ung thư dạ dày à? Dạo này sao tao không thấy chúng mày tập?” – thầy Tùng quay sang chuyện bóng rổ. Những đứa khác ngồi xung quanh vẫn nghe. “Hôm nọ nghe đâu chúng mày đánh thua hả?” – thầy tiếp. “Báo cáo anh, thi thì phải tập trung học chứ !” – tôi trả lời. “Cái thằng ngu, thi y thì chỉ có học thuộc lòng, có cái gì đâu!” – thầy lên giọng. Rồi thầy quay sang nói chuyện về bóng rổ, tập luyện linh tinh, rồi chuyện này chuyện kia, chẳng dính dáng gì đến ung thư dạ dày. Tất nhiên, tính thầy vẫn “đồng bóng” thế. Mình thuộc bài rồi mà. Trò chuyện đến gần nửa tiếng về bóng rổ, có lẽ chuyện chúng tôi thua bóng rổ làm thầy tức, vì thầy làm Chủ tịch danh dự đội bóng rổ của trường Y mà. Cuối cùng thầy bảo: “À quên, tao phải hỏi mày một câu để cho điểm”. Thầy hỏi một câu cũng chẳng dính gì đến ung thư dạ dày: “Kháng sinh loại nào tốt nhất bây giờ?”. Thời ấy, chỉ có penicillin, streptomycin…, và bắt đầu có chuyện kháng kháng sinh. Trong giao ban, thầy từng nói về chuyện này rồi. Tôi cười: “Thưa anh, kháng sinh hiệu quả nhất bây giờ là terramycin”. Thầy nói: “Đúng, đúng” rồi ghi vào sổ: K K K. Lúc đó quy định của giáo vụ là thế. Có thằng một K, có thằng hai K. Chỉ biết thế, tôi cũng chẳng quan tâm, chắc là sẽ đỗ thôi.

Lúc sau, đến lượt Vương Hùng vào thi. Thời thanh niên chúng tôi đều hiếu thắng. Nó rất thuộc bài, khi trình bày, thầy gật gù nghe. Sau đó không biết thầy cho một K hay hai K. Cả 9 thằng thi xong, kết quả nộp cho giáo vụ. Hỏi ra, tôi được 8 điểm, Vương Hùng nghe đâu được 6 điểm. Tôi cũng chẳng biết. Vì nó biết mã, nó vào thắc mắc với thầy Tùng: “Báo cáo anh, anh chẳng công bằng. Thằng Hàm vào thi, anh chẳng hỏi nó câu nào mà anh cho nó 8 điểm. Tôi nói đầy đủ cả mà anh cho có 6 điểm. Thầy Tùng hỏi: “Lúc mày nói xong tao cho mấy K?” – “Tôi không nhớ một K hay…”. “Ừ, mà tao cũng quên, không biết K là kém hay K là khá” – thầy tiếp. Tính thầy thế, 9 thằng thì chẳng thằng nào trượt cả, thằng bét thì được 6 điểm, cao nhất là tôi được 8 điểm. Thằng Hùng nó cự nự thế, chúng tôi đứng đấy cả. Hồi đó, tính chúng tôi còn trẻ con ấy mà. Thầy Tùng cười: “Thế mày thắc mắc cái gì ?”. “Anh không công bằng, tôi thuộc bài chẳng kém gì anh Hàm” – Vương Hùng vẫn trình bày. Lúc này thầy Tùng lại hỏi: “Tao có đánh trượt mày không?”. “Không đánh trượt nhưng mà anh cho điểm thế không công bằng !”. “Cái đồ ngu, điểm làm cái gì! Tao có đánh trượt thằng nào đâu. Chúng mày đã đỗ rồi còn lôi thôi cái gì nữa!”.

GS Tôn Thất Tùng thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách của GS Tôn Thất Tùng, từ làm chuyên môn đến cung cách nói năng. GS Tùng – một người được các thế hệ học trò thán phục và khen ngợi hết lời về chuyên môn, là một người có tính cách vô cùng nóng nảy. Trong khi mổ, nếu những người phụ mổ cho ông không hoàn thành tốt công việc, có thể bị ông la mắng một cách thậm tệ. Nhưng đó là trong công việc, khi xong việc ông lại là một người vô cùng đáng yêu, lãng mạn, thích làm thơ và thích thể thao. Ông có thể cởi trần đá bóng hàng giờ với sinh viên, cũng có thể treo thưởng là những bát phở nếu sinh viên có thành tích hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Được nội trú ở Bệnh viện Việt – Đức là một may mắn với Nguyễn Ngọc Hàm. Thời gian ấy, sinh viên Ngọc Hàm học được rất nhiều thứ trong chuyên môn, và học cả y đức của những người thầy mẫu mực. GS Tùng thường nói, sinh viên nội trú phải phân chia nhau ra để phụ mổ cho thầy, để được thầy hướng dẫn trực tiếp trên người bệnh. Rõ ràng là không có gì bằng thực tế, như Nguyễn Ngọc Hàm vẫn quan niệm: nghe để mà quên, nhìn để mà nhớ và làm để mà hiểu. Sinh viên Ngọc Hàm thường được thầy Tùng cho phụ mổ nhiều ca quan trọng. Mỗi lần như thế, thầy thường nói: “Hôm nay ét (phụ) cho tôi là thằng Cao”. Ngọc Hàm to cao nhất lớp, có sức khỏe, khi phụ mổ có thể giúp thầy quan sát, cần gì có thể làm ngay, hoặc kéo van (valvo) giúp thầy. Nhìn thầy Tùng mổ, Ngọc Hàm thầm ví như thiên nga đang múa trong hồ, không chỉ còn là những thao tác đơn thuần mà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Và sau này, có những nhà khoa học phương Tây cũng đã phải thốt lên rằng: “GS Tôn Thất Tùng quả là một nghệ sĩ trong mổ xẻ!”.

Kỷ niệm về các thầy ở trường Y không phải ít, trong đó có những chuyện rất đời thường, những kiểu đùa "rất tây". Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm kể lại: "Sau một buổi giao ban sáng như thường lệ, GS Tùng thông báo: “10h sáng, sau khi tao mổ xong, tất cả nội trú phải tập trung ở phòng của tao!”. Tôi hỏi đến làm gì, thầy bảo: “Đến tao sẽ nói chuyện”. Sau đó, thầy lên mổ. Tôi ra gọi các bạn, cả tụi gây mê, và truyền đạt lời GS Tùng. Thằng nào cũng tự kiểm điểm xem tuần vừa rồi có làm gì sai không. Bỏ hết, không thằng nào đánh cờ, không đi đâu nữa, chưa đến 10h đã kéo nhau vào phòng thầy, kéo ghế ngồi. Mười mấy đứa ngồi ở đấy. Về đến phòng, thầy cởi áo ra, quần mổ thắt dải rút và vắn lên mấy vòng ở chỗ cạp. Thầy đi vào. Tôi nói: “Báo cáo với anh, tất cả đã đến”. Thầy nói: “Ừ, tốt!”. Thầy vào buồng tắm xong, lau người, chải đầu, thầy khoác cái áo vào. Bọn tôi cực kỳ căng thẳng, không biết thầy sẽ làm gì mà chưa thấy nói gì. Thầy không có biểu hiện gì. Đang lúc căng thẳng, thằng nọ nhìn thằng kia, không thằng nào hiểu chuyện gì cả. Bỗng thầy lên tiếng: “Thế nào, tao bảo chúng mày đến nói chuyện xem làm sao”. Tôi nói: “Báo cáo anh, đến đủ cả, không thiếu ai”. “Tao bảo chúng mày đến nói chuyện thì nói chuyện đi chứ!” – thầy giục tiếp. Chúng tôi vẫn chưa hiểu, nói chuyện là chuyện gì mới được cơ chứ, nên tôi hỏi: “Báo cáo anh, đến đủ rồi, nhưng nói chuyện gì ạ?”. Thầy: “Ơ, thằng ngu, nói chuyện gì chẳng được!”. Chẳng thằng nào biết nói chuyện gì, ông ấy đáng tuổi cha chú mình. Rồi thầy bảo: “Chúng mày không nói thì tao nói”. Thầy kể chuyện lần sang Đức năm 1958, vào sân vận động xem bóng đá và được xem danh thủ người Brasil là Pele biểu diễn cú sút "lá vàng rơi". Tưởng chuyện gì, tất cả thở phào nhẹ nhõm. Nghe thầy tán thì cũng sướng. Đang vui vẻ thì chị Vi Nguyệt Hồ (vợ GS Tùng) đi vào, túm cạp quần thầy: “Thôi, ông tướng, đi về, đến giờ ăn cơm rồi, cho anh em về nghỉ!”.

Kỷ niệm 110 năm sinh GS Tôn Thất Tùng là dịp để nhiều người nhắc nhớ về thầy, về những đóng góp khoa học và cả những cá tính rất đời thường. Những chi tiết, mảnh ký ức rất nhỏ ấy cũng góp phần làm nên bức họa chân dung tuyệt đẹp về một người thầy – một nhà khoa học lừng danh đáng kính Tôn Thất Tùng.

Nguyễn Thanh Hóa

_________________________         

[1] GS Tôn Thất Tùng thường xưng hô thân mật đến mức buông tuồng và hay văng tục với học trò. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm cũng quen nói năng thoải mái tương tự. Đây là một nét tính cách của hai ông và chúng tôi nghĩ rằng nên tôn trọng điều đó, bởi vậy trong bài viết này chúng tôi rất hạn chế việc can thiệp chỉnh sửa những câu nói của GS Tôn Thất Tùng cũng như của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm, chỉ cắt bỏ những ngôn từ quá thô.