Sinh ra tại một vùng nông thôn nghèo của tỉnh Tiền Giang, từ thuở nhỏ, chứng kiến sự lam lũ, vất vả của bố mẹ và những người dân trong làng, cậu học trò Dương Nguyên Khang chỉ mong học thật giỏi để sau này giúp gia đình và người nông dân thoát nghèo. Năm 1984, sau bao nỗ lực, Nguyên Khang trở thành sinh viên khoa Chăn nuôi – Thú y, trường Đại học Nông nghiệp 4[1] thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp năm 1988, ông được Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý gia súc Lưu Trọng Hiếu[2] giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Trong hai năm đầu, ông được phân công hướng dẫn thực tập cho sinh viên năm thứ 2. Bên cạnh đó, ông dành khoảng 6 tháng đi thực tập ở các cơ sở chăn nuôi trâu bò để tiếp cận quy trình chăn nuôi – thú y của họ. Ông chia sẻ: Đó là những ngày lăn lộn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với công nhân và sinh viên[3].
Một điều vô cùng may mắn là thời điểm đó, trường đang triển khai các dự án khoa học với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA). Chủ nhiệm bộ môn Lưu Trọng Hiếu được phân công làm điều phối viên của một dự án về việc xử lý phụ phẩm chế biến nông sản thành thức ăn chăn nuôi. Giảng viên Dương Nguyên Khang vốn là “học trò ruột” của thầy Lưu Trọng Hiếu nên được tham gia dự án. Ông tâm sự: Tôi được đọc nhiều đề xuất, ý kiến của các thành viên trong dự án nên trau dồi thêm nhiều kiến thức thực tiễn. Ông nhận thấy việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp (vỏ dứa, rơm, bã khoai mì (sắn)…) để làm thức ăn cho gia súc có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ làm giảm sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi vào nguồn thức ăn nhập khẩu mà còn góp phần chống lãng phí, giảm ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, ông xác định sẽ đi theo định hướng nghiên cứu này.
Đồng thời, qua dự án, ông Dương Nguyên Khang đã được gặp hai người thầy ở Thụy Điển, sau hướng dẫn ông làm luận án tiến sĩ (năm 2004) là TS Thomas Reg Preston và GS.TS Hans Wiktorsson. Cả luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ mà ông bảo vệ ở Thụy Điển đều tập trung nghiên cứu cách xử lý bã khoai mì làm thức ăn cho bò.
GS.TS Dương Nguyên Khang, 8-2022
Khi còn nhỏ, Dương Nguyên Khang đã từng thấy người dân vứt bã khoai mì bừa bãi hoặc mang vào rừng chôn, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Qua tìm hiểu, ông được biết bã khoai mì được thải ra trong quá trình sản xuất tinh bột khoai mì và tập trung nhiều tại các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Tây Ninh và Bình Phước… Thứ phế thải này thường được phơi khô thành từng luống trắng xoá trên đồng ruộng và dùng để bổ sung cellulose cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do khó tiêu và không mùi nên bã không hấp dẫn đối với vật nuôi. Nếu trời mưa vài ngày thì bã khoai mì thối rữa, bốc mùi hôi thối. Đến khi trời nắng lên thì nấm mốc độc hại phát triển và theo gió phân tán khắp nơi, ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người. Vì vậy, khi nghiên cứu thực hiện luận văn cao học, sau đó là luận án tiến sĩ, học viên Dương Nguyên Khang tập trung nghiên cứu cách tái chế bã khoai mì thành thức ăn chăn nuôi bằng cách sấy khô, ủ men vi sinh… rồi phổ biến cho các hộ nông dân ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Khi nhận thấy những kết quả nghiên cứu của mình hữu dụng với người dân, ông Dương Nguyên Khang càng kiên định hơn với con đường mình đã chọn. Ông chia sẻ: Thay vì phải nhập khẩu bắp ngô, đậu nành, bột cá… để sản xuất thì chúng ta có thể chủ động một phần nguồn thức ăn gia súc. Ông đi sâu tìm hiểu, phân loại các loại phụ phẩm nông nghiệp và xác định phương pháp xử lý phù hợp, chẳng hạn: ăn trực tiếp, phơi khô, sấy khô, ủ chua, ủ men vi sinh… Đồng thời, ông cho rằng phải xác định thành phần dinh dưỡng của từng loại thức ăn để xây dựng thực đơn cho từng loại vật nuôi ở từng lứa tuổi khác nhau một cách phù hợp. Công việc vô cùng nhiều, bởi vậy phải rất đam mê thì mới có thể nghiên cứu được, ông tâm sự.
Một trong những vấn đề ông tâm đắc nhất trong việc nghiên cứu thức ăn chăn nuôi chính là nghiên cứu về Ruồi lính đen[4]. Vào khoảng đầu những năm 90, qua việc đọc các tài liệu của nước ngoài, ông đã biết đến sự tồn tại của Ruồi lính đen. Ông thấy loài ruồi này cũng tồn tại trong môi trường tự nhiên của Việt Nam nên đã bắt một số con về nghiên cứu. Quá trình sinh trưởng của nó trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, kén và trưởng thành. Trong mỗi giai đoạn, cần có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phù hợp. Cách sử dụng ấu trùng Ruồi lính đen làm thức ăn cho từng vật nuôi như thế nào, với cá và gia cầm có thể ăn thẳng, với gia súc nên trần qua nước sôi…
Chính thời gian này, ông được một công ty của Bỉ mời sang tham gia cố vấn về việc tìm loại phân bón hữu cơ thích hợp với ca cao, giúp cây ra nhiều trái hơn mà không độc hại. Sau một vài thử nghiệm, ông và các chuyên gia nước bạn đã lựa chọn dùng Ruồi lính đen. Đầu tiên, họ lấy vỏ quả ca cao đem ủ men vi sinh rồi trộn với ấu trùng Ruồi lính đen để tăng lượng đạm, làm thức ăn cho lợn. Sau nhóm dùng phân của những con lợn đó, ủ men vi sinh rồi bón cho cây thì hiệu quả rất tốt. Từ đó, ông càng tin vào tính hữu ích của Ruồi lính đen và muốn phổ biến tới các vùng khí hậu nóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số chuyên gia về môi trường phản đối việc tiến hành nuôi Ruồi lính đen trên quy mô lớn. Dù không có chứng cứ, nhưng họ đưa ra giả thuyết rằng nó gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh… GS Dương Nguyên Khang chia sẻ. Dù vậy, ông và các cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu. Khoảng năm 2010, có nhiều người biết đến Ruồi lính đen và tác dụng của nó hơn. Năm 2017, nhằm đúc kết, phổ biến rộng rãi những kiến thức về Ruồi lính đen, ông Dương Nguyên Khang và các cộng sự Trần Tấn Việt, Lê Trịnh Hải, Alexandre de Caters, Gaëtan Crielaard hoàn thành việc biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Ruồi lính đen (Hermetia illucens): Loại côn trùng an toàn, hữu ích trong chăn nuôi công nghiệp", được Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành ngay trong năm đó.
GS Dương Nguyên Khang (hàng thứ nhất, thứ tư từ trái) cùng các đồng nghiệp tham gia Hội thảo về Ruồi lính đen. Tp. Hồ Chí Minh, 2017
Năm 2021, GS Dương Nguyên Khang được một công ty gia cầm ở Long An mời về tư vấn cho họ cách thức xử lý nguồn phân gà thải ra. Hàng ngày, trang trại của họ thải ra hàng tạ phân gà, dù đã đưa vào bể biogas lấy chất đốt nhưng vẫn còn thừa rất nhiều. Vì vậy, ông đề nghị họ nuôi Ruồi lính đen, sử dụng phân gà làm thức ăn ấu trùng Ruồi lính đen 5 ngày tuổi trở lên. Đồng thời, ấu trùng Ruồi lính đen khi chuẩn bị đóng kén lại là thức ăn giàu dinh dưỡng cho gà. Bởi vậy, phương án này nhanh chóng được lãnh đạo công ty chấp thuận và triển khai. Theo GS Dương Nguyên Khang cho biết, hiện nay, Ruồi lính đen đã giúp họ xử lý toàn bộ số phân gà thải ra hàng ngày và tiết kiệm được khoảng 30% lượng thức ăn công nghiệp phải mua.
Trải qua hơn 30 năm gắn bó với ngành, GS Dương Nguyên Khang đã chủ nhiệm nhiều đề tài về chế biến thức ăn và xử lý rác thải chăn nuôi do Thụy Điển hỗ trợ: “Thay thế bánh dầu bông vải bằng bột lá sắn trong khẩu phần cỏ voi cho bò sữa” (1997-1999); “Khảo sát khả năng tăng trưởng của bò được cho ăn tối đa phụ phẩm bã sắn tươi hoặc ủ chua từ quá trình chế biến tinh bột có hoặc không bổ sung bột lá sắn khô” (2001-2003); “Khả năng tiêu hoá và tăng trưởng của thỏ được cho ăn thay thế dây lang bằng lá sắn khô trong khẩu phần” (2007-2008)… góp phần nâng cao chất lượng công tác chăn nuôi của người nông dân Việt Nam. Bên cạnh công tác nghiên cứu, GS Dương Nguyên Khang vẫn dành thời gian giảng dạy để truyền tải kiến thức, niềm đam mê nghiên cứu cho các thế hệ học trò. Ông đã trực tiếp giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên của trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn gần 20 học viên và 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn, luận án. Ông tâm sự: Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong việc nghiên cứu phục vụ sự nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi.
Dành trọn tình yêu cho khoa học, GS Dương Nguyên Khang hài lòng khi những kết quả nghiên cứu, giảng dạy của mình hữu ích với người nông dân và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với tâm niệm: Chỉ cần bạn đam mê, bạn sẽ làm được tất cả!, ông xác định khi còn đủ sức khỏe sẽ tiếp tục cống hiến, nghiên cứu sâu hơn, đào tạo nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt
Lợi Lê
* GS.TS Dương Nguyên Khang, chuyên ngành Chăn nuôi, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
[1] Sau là Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Ông Lưu Trọng Hiếu sau trở thành Phó giáo sư – Tiến sĩ.
[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Dương Nguyên Khang, 26-8-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả phần trích lời GS Dương Nguyên Khang trong bài viết đều trích từ nguồn này.
[4] Ruồi lính đen là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H. illucens. Ấu trùng ruồi đen được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề.