Ngày 21-6-2014, tại buổi lễ bàn giao tài liệu – hiện vật của GS.TS Lê Quang Long tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Quang Vinh đã trao tặng Trung tâm chiếc áo măng-tô màu đen đã cũ của thầy Long cho mình mấy năm trước. Qua chuyện ông kể lại về GS Lê Quang Long cùng những kỷ niệm và mối quan hệ thân thiết dài lâu giữa hai thầy trò, chiếc áo dạ này đã trở thành một hiện vật thể hiện tình cảm cao đẹp đó.
PGS.TS Nguyễn Quang Vinh trao tặng chiếc áo cho Trung tâm DSCNKHVN, 21-6-2014
PGS Nguyễn Quang Vinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia công tác tuyên truyền ở Ty Thông tin Hà Nội. Ngay từ khi còn là học sinh, Nguyễn Quang Vinh mơ ước sẽ trở thành bác sĩ, nhưng rồi lại theo học sư phạm; đó là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng có phần do nghe theo lời khích lệ sinh viên vào ngành sư phạm của GS Lê Văn Thiêm[1] và GS Trần Văn Giàu[2]. Năm 1955, Nguyễn Quang Vinh vào trường Đại học Sư phạm khoa học[3] và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của khoa Sinh học, thường gọi là lớp Vạn vật 1. Có lẽ không ai trong số 25 sinh viên lớp Vạn vật ngày ấy có thể quên hình ảnh thầy Lê Quang Long vẽ hình trên bảng bằng cả hai tay trong khi giảng môn động vật và sinh lý học. SV Nguyễn Quang Vinh rất ngưỡng mộ thầy Long, bởi khi thầy vẽ các vật thể thì đường nét tạo nên khối cạnh cân đối và thể hiện đúng đặc trưng của vật thể. Để sinh viên hứng thú học và ghi nhớ nội dung bài giảng, thầy Long thường sử dụng giáo cụ trực quan là những hình do chính mình vẽ, thầy cắt ra và trình chiếu tại lớp. Thầy cũng hay đưa những mẩu chuyện dí dỏm vào bài giảng để kích thích trí tò mò, khám phá của sinh viên. Chẳng hạn như trong tiết giảng về miễn dịch, thầy nói đến câu chuyện ghép da: Một chàng trai yêu một cô gái, cô người yêu bị phẫu thuật lấy một phần da ở mông cấy ghép vào má, nên anh này bị mọi người trên rằng hôn má hóa ra hôn mông cô nàng![4]
Kể lại thời học thầy Lê Quang Long, PGS Nguyễn Quang Vinh cho biết: Chúng tôi học môn của thầy Long thường không ghi chép được nhiều, qua câu chuyện thầy kể chúng tôi hiểu rằng muốn ghi nhớ lâu thì phải tự đọc các thông tin, đọc sách để tìm tòi, hiểu biết. Thầy Long đã được đi Liên Xô thực tập từ năm 1957-1958 nên có lẽ thầy tân tiến trong việc áp dụng các phương pháp dạy học theo hướng đổi mới cho lớp sinh viên chúng tôi ngay từ ngày ấy.Trên cương vị lớp phó phụ trách về học tập, Nguyễn Quang Vinh hay phải liên hệ với các giảng viên, nên có nhiều cơ hội tiếp cận các thầy cô giáo. GS Lê Quang Long còn nhớ, SV Nguyễn Quang Vinh có bàn tay khéo léo. Trong các giờ thực hành giải phẫu sinh lý, Quang Vinh thường làm rất tốt việc phẫu thuật tìm các cơ quan, bộ phận của các loài, ví dụ như ống dẫn tinh của tôm đồng, trong khi cả lớp không ai làm được. Vì lẽ đó, chàng sinh viên này được thầy Long biểu dương trước lớp và lấy làm gương cho các sinh viên khác khi học về phương pháp làm thí nghiệm qua các buổi thực hành.
Lớp Vạn vật 1 tốt nghiệp, mỗi người chọn một con đường lập nghiệp. Một số ít được giữ ở lại khoa, còn lại về các trường phổ thông ở các tỉnh xa để giảng dạy, theo sự phân công của tổ chức. SV Nguyễn Quang Vinh có cơ hội được dạy ở một trường cấp 3 tại Thủ đô, nhưng đã tình nguyện nhường vị trí công tác thuận lợi này cho bạn, còn mình lên Lạng Sơn dạy ở trường cấp 3 Việt Bắc. Sau này, trong cuốn kỷ yếu về lớp Vạn vật 1, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích bày tỏ lòng biết ơn vì ông Nguyễn Quang Vinh hồi ấy đã nhường cho bà ở lại Hà Nội công tác để có cơ hội chăm con mới sinh. GS Lê Quang Long hay nhắc lại với các lớp sau về tấm gương học trò Nguyễn Quang Vinh có tinh thần “ba sẵn sàng” như vậy. Nay PGS Nguyễn Quang Vinh vẫn nhớ, trước khi lên Lạng Sơn, ông tới chào thầy Long và được thầy căn dặn: Đừng bao giờ để tắt ngọn lửa yêu khoa học, Vinh nhé!.
Từ lời động viên đó, trong những năm dạy học ở Lạng Sơn, thầy giáo Nguyễn Quang Vinh luôn cố gắng tự nghiên cứu khoa học và sáng tạo phương pháp giảng dạy như thầy Long, để học sinh miền núi nơi đây thích thú với môn sinh vật. Khi giảng bài, thầy Vinh cũng thường đan xen những mẩu chuyện nhỏ lý thú về đời sống động vật để minh họa, và cho học sinh làm thí nghiệm để hiểu bài hơn. Ông Vinh cho biết: Ở vùng Lạng Sơn không có hoặc rất hiếm thấy ếch, nhưng nhiều cóc, nên tôi để học sinh làm thí nghiệm trên cóc, qua các thí nghiệm học sinh ghi nhớ bài rất tốt.Năm 1959, thầy giáo Nguyễn Quang Vinh chuyển công tác từ Lạng Sơn về khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đáng lẽ ông về bộ môn Thực vật, nhưng thầy Lê Quang Long đã đề xuất để khoa phân công ông về bộ môn Sinh lý người và động vật do thầy làm Chủ nhiệm, rồi thầy giao cho người học trò cũ này của mình phụ trách về thực hành giải phẫu và sinh lý. Đây là cơ hội giúp Nguyễn Quang Vinh đi sâu tìm hiểu cơ sở khoa học để cải tiến chương trình đào tạo của bộ môn. Bước sang năm 1965, tổ Phương pháp giảng dạy sinh học được thành lập, do giảng viên Nguyễn Quang Vinh phụ trách trong 15 năm liền. Hai thầy trò càng có nhiều cơ hội gắn kết với nhau trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như dịch sách, viết sách hay tham gia các đề tài do GS Lê Quang Long chủ trì. Năm 1979, ông Vinh chuyển sang công tác tại Viện Khoa học giáo dục (nay là Viện Chiến lược và chương trình giáo dục) và làm việc ở đấy cho đến khi nghỉ hưu (1998). Tuy không cùng cơ quan như trước, nhưng hai thầy trò vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau.
Đại diện lớp Vạn vật 1 chúc mừng sinh nhật lần 90 của GS.TS Lê Quang Long, 29-3-2014 (từ trái sang:GS.TSKH Tống Duy Thanh,
PGS.TS Nguyễn Quang Vinh, GS.TS Lê Quang Long, GS.TS Phan Nguyên Hồng, GS.TS Nguyễn Lân Dũng)
Đối với PGS Nguyễn Quang Vinh, một nhận xét khái quát của ông về GS Lê Quang Long là: Thầy Long không chỉ là tấm gương sáng về tự học trong nghiên cứu khoa học, mà còn là một người giàu tình cảm và hết mực yêu thương học trò. Có lẽ vì thế mà trong bài thơ “Mừng 50 tuổi Vạn 1”, GS Lê Quang Long điểm qua từng học trò cũ, trong đó ông viết về Nguyễn Quang Vinh như sau: Quang Vinh là đồng khoa/ Cùng tôi thi tại gia/ Đúng là tài đức đủ/ Dù trượt xét ưu tú[5]. Trong rất nhiều học trò mà GS Lê Quang Long đã từng dạy, có những người đã trở thành đồng nghiệp thân thiết, nhưng ông vẫn hay lui tới nhà Nguyễn Quang Vinh nhiều hơn, bởi giữa hai thầy trò có những điểm tương đồng. Đó là sự gần gũi về tính cách biết lắng nghe và trọng tình cảm. Đó còn là cảnh ngộ gia đình của cả hai người khi ở tuổi xế chiều đều gặp éo le, thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ.
Ngôi nhà của PGS Nguyễn Quang Vinh ở phố Núi Trúc (Hà Nội) là một địa chỉ thân thuộc của GS Lê Quang Long. Như ông Vinh thổ lộ: Cứ có chuyện buồn là thầy lại gọi điện và lên nhà tôi chơi, hai thầy trò chỉ có chén trà hoặc cốc cà phê để ôn lại chuyện cũ. Trong biết bao lần gặp gỡ ấy, có câu chuyện được ông Vinh kể với xúc cảm đặc biệt: Vào một buổi chiều mùa đông khoảng năm 2010, thầy Long đến nhà tôi chơi. Khi thầy về, thấy thầy chỉ mặc chiếc áo sơ mi mỏng nên tôi đưa cho thầy dùng tạm chiếc áo gió. Sau đó thầy đến chơi nhiều lần nhưng đều quên trả áo. Bất chợt chiều tối một ngày trong năm 2012, khi gió mùa đông bắc tràn về rất lạnh, thầy đi chiếc xe máy Charly mang tặng tôi chiếc áo ấm này, vì sợ tôi lạnh. Đó là chiếc áo măng-tô bằng dạ đã nói tới ở trên. Khi GS Lê Quang Long ra về, ông Vinh tiễn thầy ra tận ngoài ngõ, ông thực sự cảm động về chuyện một người thầy cũ đã ở tuổi ngót 90 mà còn lặn lội mang áo ấm đến cho mình. Lúc ấy, thấy thầy khởi động xe máy mấy lần mà không được, cậu học trò cũ cũng đã gần 80 tuổi vội vã giúp thầy nổ máy. Nhưng ngay sau đó, thầy phóng xe đi được một quãng ngắn thì rơi chiếc dép, ông Vinh lại vội len lỏi trong dòng xe cộ ngược xuôi trên đường để nhặt dép cho thầy. Một lúc sau khi bóng thầy đã khuất tầm nhìn, ông mới đi vào nhà. PGS Nguyễn Quang Vinh không thể quên buổi chiều hôm ấy và những phút giây tiễn thầy đã để lại cho ông một kỷ niệm vô cùng sâu đậm ấy.
Từ thuở sinh viên lớp Vạn vật 1 ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến nay, tình nghĩa thầy – trò đã trải qua khoảng 60 năm có lẻ. GS Lê Quang Long đã khái quát lại bằng những vần thơ mộc mạc: Vạn vật rất đáng quý/ Dù làm gì ở đâu/ Nhớ cội nguồn ban đầu/ Trọn nghĩa tình chung thủy. Hai thầy trò Lê Quang Long – Nguyễn Quang Vinh cùng trân trọng mối quan hệ bền lâu và sâu sắc đó. Với suy nghĩ có thể chiếc áo dạ này sẽ trở thành một “di sản vật thể” để kể câu chuyện thật về tình người, tình thầy trò ở thế hệ của mình, PGS Nguyễn Quang Vinh đã xin phép thầy Long rồi tặng lại chiếc áo cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Lưu Thị Thúy
________________________
* GS.TS Lê Quang Long, chuyên ngành Sinh học, nguyên Trưởng bộ môn Sinh lý người và động vật, khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
** PGS.TS Nguyễn Quang Vinh, chuyên ngành Sinh học, nguyên Trưởng bộ môn Phương pháp giảng dạy sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[1] GS.TS Lê Văn Thiêm, chuyên ngành Toán học, khi đó là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm khoa học.
[2] GS Trần Văn Giàu, chuyên ngành Lịch sử, khi đó là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[3] Trường ĐH Sư phạm khoa học tồn tại từ năm 1954-1956. Cuối năm 1956, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Tổng hợp được thành lập trên cơ sở trường ĐH Sư phạm khoa học, trường ĐH Sư phạm văn khoa và trường Sư phạm trung cấp trung ương.
[4] Báo cáo đặt vấn đề nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Quang Vinh, ngày 6-6-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, tất cả những lời kể của PGS Nguyễn Quang Vinh được trích dẫn đều lấy từ báo cáo này.
[5]Ban liên lạc cựu sinh viên lớp Vạn vật I, Kỷ yếu “Từ chiếc nôi hai lớp Vạn vật nửa thế kỷ trước”, 2006, tr. 16.