Giáo sư Hoàng Phê sinh năm 1919, mất năm 2005, là người có công đầu trong việc xây dựng Viện Ngôn ngữ học từ thuở ban đầu. Từ một cán bộ đoàn thanh niên, không được đào tạo bài bản qua trường lớp, bằng con đường tự học ông đã trở thành chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ tại Việt Nam. Ông được coi là “cha đẻ” của cuốn “Từ điển Tiếng Việt” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1988, đến nay đã tái bản hàng chục lần, được sử dụng phổ biến trên cả nước.
Đây là áo len của ông do con gái Hoàng Châu Thanh đan tặng từ năm 1971. Đó là thời mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước bao cấp, từ những đồ dùng thiết yếu.Theo định mức phân phối bằng tem phiếu, hàng năm mỗi người được mua mấy mét vải để may mặc. Vì thế phải tiết kiệm, mặc quần áo vá là chuyện thường tình. Các gia đình thường tận dụng đồ mặc cũ để tái sử dụng, chẳng hạn cắt quần dài thành quần cộc; tháo đường chỉ, lộn mặt trong ra ngoài rồi may lại cho quần mới hơn…
Khoảng đầu thập niên 70, vợ Giáo sư Hoàng Phê nhận được một chiếc áo len trẻ con dài tay, màu xám từ hàng viện trợ của nước ngoài. Trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, hàng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác trở nên rất quý. Dù là loại hàng gì, các cơ quan xí nghiệp nhận về rồi phân chia cho cán bộ, công nhân viên. Chiếc áo len trông còn mới nguyên vì thế con gái ông đã tháo ra lấy len để đan áo cho ba. Len tháo ra không nhiều, vì thế cô quyết định đan áo cộc tay nhưng chưa xong thân áo thì hết len. Ngày ấy, muốn có cuộn len không phải dễ, thậm chí có tiền cũng chưa chắc mua được. Chiếc áo đan dở phải nằm im một chỗ hết ngày này qua ngày khác, không biết bao giờ mới được đan tiếp.
Một lần qua cửa hàng Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền nay là khu Tràng Tiền Plaza, Hà Nội mua đồ mặc, khi đến lượt cô Hoàng Châu Thanh, người bán hàng đã bốc trúng chiếc quần len có màu gần giống với chiếc áo đan dở. Cửa hàng Bách hóa lúc nào cũng đông người, phải xếp hàng đến lượt mới mua được đồ vì thế việc có được chiếc quần len đã trở thành niềm vui bất ngờ của cả nhà suốt mấy ngày liền.
Có len gỡ ra từ chiếc quần, cô Hoàng Châu Thanh hào hứng đan nốt thân và gấu áo. Ngay trong năm 1971, trước khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, áo đã kịp đan xong. Nếu không quan sát kỹ, khó phát hiện phần cuối thân áo có màu đậm hơn phần thân trên. Chiếc áo này được Giáo sư Hoàng Phê sử dụng tới những năm cuối đời. Ông mặc thường xuyên và không ngại khoe với các đồng nghiệp ở Viện Ngôn ngữ học rằng đây là áo do con gái tự tay đan tặng ông. Chiếc áo đan kiểu “chắp vá” bằng hai loại len một cách bất đắc dĩ là vật chứng cho câu chuyện cuộc sống thời bao cấp đầy gian khó mà Giáo sư Hoàng Phê cũng như toàn thể nhân dân ta đã trải qua.