Chiếc búa địa chất

Trong số hơn 1000 tài liệu – hiện vật mà TSKH Nguyễn Biểu* đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2017, có chiếc búa vốn được cất giữ trong tủ đồ lưu niệm tại phòng thờ của gia đình ông. Chiếc búa dài 32cm, rộng 15,5cm, dày 3cm, tuy lỏng lẻo và đầu cán gỗ bị tòe nhưng chỉ cần sửa một chút là lại dùng được bình thường. Đây là chiếc búa địa chất thứ năm và là chiếc búa cuối cùng của ông, sử dụng từ năm 1991 đến năm 2014. Những chiếc búa không chỉ là công cụ, mà còn là vật chứng cho bao câu chuyện trong sự nghiệp của nhà địa chất này.

Lần đầu tiên Nguyễn Biểu biết đến địa chất là một buổi sáng mùa đông năm 1957, khi là học sinh lớp 7B trường cấp II Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trên đường từ nhà ở xã Tùng Ảnh đến trường, Nguyễn Biểu thấy một chuyên gia Liên Xô và ba người Việt Nam đang khảo sát tại vùng núi đồi Linh Cảm, thuộc dãy núi Thiên Nhẫn. Hình ảnh của họ đã khắc sâu vào trí nhớ của cậu học sinh và mãi không quên: Mỗi người cầm một cái búa rất lạ, mặc quần áo lao động màu xanh chẳng lấy gì làm hấp dẫn, trên lưng đeo ba lô. Đi một đoạn họ dừng lại, dùng cái búa đập vào các vỉa đá rồi ngắm ngắm, soi soi, lúc đầu bằng mắt, sau dùng kính lúp, như tìm kiếm cái gì đó, rồi trao đổi với nhau và ghi vào quyển sổ tay. Không hiểu họ tìm cái gì? Khi đập được cục đá là họ gia công cẩn thận, viết một mẩu giấy, gói ghém, ghi chép rồi cho vào ba lô[1]. Buổi trưa, trên đường đi học về, cậu lại tình cờ gặp nhóm cán bộ địa chất ấy ở một quán ăn trên đầu bến phà Linh Cảm. Vị chuyên gia Liên Xô mồ hôi đầm đìa, đang ăn bánh mỳ với vài miếng thịt và ít rau, còn mấy anh cán bộ Việt Nam ăn cơm nắm với cá trích và rau muống luộc. Nguyễn Biểu tò mò nhìn kỹ chiếc búa của họ. Lúc đó cậu chưa biết, họ đang khảo sát địa chất để lập hệ tầng lục nguyên silic – trầm tích biển sâu có chứa mangan, sau được đưa vào bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500000 do Tiến sĩ A.E. Dovrikov chủ biên năm 1963.

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Phan Đình Phùng[2], Nguyễn Biểu là một trong 17 học sinh của trường được chọn đưa đi học ở Liên Xô. Khi còn ở Việt Nam, biết mình sẽ học về địa chất, Nguyễn Biểu cảm thấy hụt hẫng, vì ngành học mong đợi là cơ khí hay kiến trúc, không phải địa chất, bởi lẽ: Kể từ buổi gặp ban đầu với nhóm cán bộ địa chất ở Linh Cảm, tôi đã biết nghề địa chất vô cùng vất vả, quanh năm ở chốn rừng sâu, nước độc, bạn cùng muỗi, sên, vắt, trèo đèo lội suối, băng rừng chẳng khác nào như "khỉ leo dây", ít có tiền đồ cống hiến lớn cho đất nước, khó có điều kiện kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi các em ăn học[3]. Và Nguyễn Biểu xin chuyển sang ngành học khác. Sau một tháng, trường trả lời rằng học địa chất là nhiệm vụ Nhà nước phân công, không được thay đổi theo ý muốn cá nhân. Nguyễn Biểu đành chấp nhận và từ đó xác định sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ như những chiến sĩ xông pha trên chiến trường miền Nam. Chuyện đến với ngành địa chất và trở thành sinh viên khoa Địa chất – Địa lý, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kharkov ở Ukraina của TSKH Nguyễn Biểu là như vậy.

Chiếc búa địa chất của TSKH Nguyễn Biểu

Thời sinh viên, Nguyễn Biểu bắt đầu sử dụng chiếc búa địa chất thứ nhất. Mùa hè năm 1964, một nhóm sinh viên, trong đó có Nguyễn Biểu, được PGS.TS Xobolev hướng dẫn thực tập đo vẽ bản đồ địa chất ở Ijum, thuộc vùng Donbas, phía đông Ukraina. Trường cho họ mượn búa, địa bàn, kính lúp, bản đồ địa hình, bản đồ địa chất, ba lô… để đi thực tập. Nếu đánh mất hoặc làm hư hỏng những vật dụng đó sẽ bị khiển trách và đền tiền, chẳng hạn mất búa thì phải đền 10 rúp, số tiền đủ để mua một chiếc quạt tai voi và bằng 1/5 tiền học bổng mỗi tháng của sinh viên. Cầm chiếc búa trên tay, Nguyễn Biểu thắc mắc tại sao “cục sắt” này đắt như vậy. Thầy Xobolev giải thích, để làm ra chiếc búa, người thợ phải tôi luyện một loại thép đặc biệt: rắn, nhưng có độ dẻo nhất định, chịu được lực rất lớn, để khi đập đá cứng không bị tòe hoặc sứt mẻ; lưỡi búa có thể chặt đá, thậm chí chặt cả kim loại. Đầu búa có hình vuông để đập đá lấy mẫu và gia công mẫu; còn lưỡi búa được làm thích hợp với loại đá cần khảo sát: nếu là đá magma, lưỡi búa tù nhưng vát và cân đối hai bên; với đá trầm tích thì lưỡi búa hơi cong và rất cứng để đào bới các lớp đất phủ, các mạch quặng và chẻ mẫu theo thớ, theo lớp khi tìm di tích hóa thạch động thực vật. Trọng lượng búa thường chỉ từ 0,3kg đến 0,5kg. Cán búa phổ biến làm bằng gỗ, dài hay ngắn tùy ý thích của từng người; gần đây ở Âu – Mỹ thông dụng loại cán bằng kim loại nhẹ và bền chắc, dài 33cm.

Búa địa chất là loại công cụ đa năng. Không có búa, các nhà địa chất không lấy được mẫu đá và quặng từ các khối đá, tảng đá hay từ lõi khoan, bao gồm mẫu còn “tươi” (chưa phong hóa) và mẫu bị phong hóa ở những mức độ khác nhau. Búa cũng giúp nhà địa chất gia công các mẫu đá theo yêu cầu: mẫu bảo tàng, mẫu phân tích thạch học… Chiếc búa được dùng cả khi xử lý số liệu, xử lý mẫu tại thực địa cũng như trong phòng thí nghiệm. Thêm nữa, chiếc búa còn có nhiều công dụng khác: dùng như chiếc gậy hỗ trợ nhà địa chất leo trèo sườn dốc hay lội qua khe, qua suối; dùng để tự vệ khi gặp thú rừng; dùng để đào hố lấy nước ở nơi không có suối sông; thậm chí có khi dùng chặt hoặc bổ cây làm củi để đun nấu và sưởi ấm trong rừng sâu giá lạnh.

Trong chuyến đi thực tập ấy, nhờ có búa địa chất mà SV Nguyễn Biểu cùng các bạn trong nhóm đã mô tả được nhiều mặt cắt, lấy được nhiều mẫu đá vôi, đá lục nguyên… để có cơ sở thực tế lập bản đồ địa chất. Đến những đợt thực tập về sau cũng vậy, Nguyễn Biểu dùng búa địa chất để thu thập mẫu đá ở vùng phía đông sông Dnepr. Sau khi phân tích mẫu và tham khảo tài liệu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư – Tiến sĩ C.I. Sumenco, hai thầy trò đã viết chung hai bài và được đăng trong tuyển tập Hội thảo khoa học địa chất vùng Đông sông Dnepr, Ukraina năm 1965 và 1966, được nhận hai giải nhất của Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên thành phố Kharkov.

Những năm tháng học ở Liên Xô đã làm cho chàng sinh viên Nguyễn Biểu yêu thích công việc của nhà địa chất. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Nguyễn Biểu về nước và công tác tại phòng Thạch học, Đoàn nghiên cứu địa chất số 45 (gọi tắt là Đoàn 45), Tổng cục Địa chất, khi ấy đang sơ tán ở vùng chân núi Tam Đảo, thuộc xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong thời gian công tác ở Đoàn 45, KS Nguyễn Biểu được cấp một chiếc búa địa chất, và đó là chiếc búa thứ hai trong sự nghiệp của ông. Với chiếc búa này, ông đã tham gia khảo sát vùng mỏ mangan ở Tốc Tát, Trà Lĩnh, Cao Bằng (1967-1968), rồi khảo sát bể than Quảng Ninh (1969-1970).

Chiếc búa thứ ba gắn với thời kỳ nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Cuối năm 1970, KS Nguyễn Biểu được cử đi làm nghiên cứu sinh tại bộ môn Trầm tích và Địa chất biển, khoa Địa chất, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad. Ông làm luận án với đề tài “Trầm tích luận và biến đổi thứ sinh đới chuyển tiếp từ đá trầm tích sang đá biến chất các thành hệ lục nguyên Paleozoi Nam Thiên Sơn, Trung Á, Liên Xô”. Để có tư liệu thực tế cho luận án, ông được thầy hướng dẫn là Giáo sư – Tiến sĩ V.N. Svanov mời tham gia đề tài "Nghiên cứu dùng phương pháp toán để xử lý các tài liệu địa hóa phân chia và đối sánh các thành tạo lục nguyên Paleozoi ở Nam Thiên Sơn". Dãy Nam Thiên Sơn chạy qua 4 nước cộng hòa ở Trung Á thuộc Liên Xô thời bấy giờ: Uzbekstan, Kyrgizy, Tagikstan, Dagestan. Tại đây, mùa hè năm 1972, NCS Nguyễn Biểu đã tham gia khảo sát 3 tháng ở nhiều mặt cắt trên sườn và đỉnh núi cao 3500 – 5000m.

NCS Nguyễn Biểu đi khảo sát tại dãy Thiên Sơn, tháng 7-1972

Trong đợt đi nghiên cứu thực địa ấy, NCS Nguyễn Biểu được thầy giao cho chiếc búa để lấy mẫu ở các vết lộ đá mẫu còn “tươi”, tìm hóa thạch; theo dõi sự thay đổi mức độ biến chất trong mỗi mặt cắt; lấy mẫu bảo tàng, mẫu phân tích thạch học, địa hóa, khoáng vật sét… của nhiều thành tạo lục nguyên có tuổi khác nhau cách ngày nay khoảng 500-200 triệu năm. Hàng ngàn mẫu các loại đã được ông thu thập và nghiên cứu. Kết hợp giữa khảo sát thực địa và kết quả phân tích, ông có được những nhận thức mới về khoa học địa chất. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cho hay rằng: Ranh giới chuyển tiếp từ đá trầm tích sang đá biến chất không những phụ thuộc vào chiều sâu chôn vùi của tầng đá trong lòng quả đất, mà còn vào chế độ kiến tạo khác nhau: lún chìm, xiết ép, ảnh hưởng của các vòm nhiệt do magma hoạt động.

Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, trước khi về nước, Nguyễn Biểu được thầy V.N. Svanov tặng chiếc búa địa chất kể trên. Đó là vật kỷ niệm về thời gian đi khảo sát và lấy mẫu trên "mái nhà thế giới" – dãy Nam Thiên Sơn ở Trung Á, nên vô cùng quý giá đối với ông. Về Việt Nam, ông đã dùng nó khi khảo sát địa chất ở vùng trũng An Châu (Bắc Giang – Lạng Sơn, 1975) để nghiên cứu các thành hệ lục nguyên Mesozoi và biến đổi thứ sinh, để đánh giá triển vọng dầu khí.

Không chỉ vậy, chiếc búa này tiếp tục theo ông đi lập nhiều mặt cắt chuẩn ở các vùng núi, đồi, khe suối ở miền Bắc (1976-1979) và ở miền Nam (1976, 1983-1984). Kết quả từ luận án của PTS Nguyễn Biểu được phòng Thạch luận, Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản[4] áp dụng vào đề tài cấp bộ "Nghiên cứu và đo vẽ bản đồ các loạt tướng và thành hệ biến chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:1000000" (1976-1979), do chính ông chủ biên. Ông chia ra ba nhóm thực hiện đề tài và mỗi nhóm sử dụng hai chiếc búa địa chất: búa đập đá magma, đá biến chất và búa khảo sát đá trầm tích. Công trình nghiên cứu này được Tổng cục Địa chất đánh giá cao và năm 1980 được giới thiệu tại Hội nghị lần thứ 100 của Hội Địa chất quốc tế ở Paris.

Sau đó, chiếc búa Nga nói trên còn cùng ông Nguyễn Biểu tham gia khảo sát địa chất dọc ven biển để hoàn thành đề tài cấp nhà nước KC48-06 (1981-1984): "Địa chất và khoáng sản ven biển Việt Nam với lập bản đồ tỷ lệ 1:1000000", trong đó nổi bật nhất là đánh giá được các tụ điểm Titan-zircon, có nhiều phát hiện mới về khoáng sản này để ngày nay hình thành nên nền công nghiệp Titan-zircon Việt Nam. Ông rất quý chiếc búa kỷ vật đó của mình, nhưng rồi nó đã bị mất trong hành trình khảo sát năm 1984 ở Việt Nam.

Chiếc búa thứ tư, ông Nguyễn Biểu mượn ở Viện Địa chất và Khoáng sản để sử dụng trong chuyến khảo sát các đảo nổi ở Trường Sa vào mùa hè năm 1985. Trên nhiều đảo ở Trường Sa có nhiều san hô chết xếp lớp, khác nhau về thành phần , màu sắc, cấu tạo… Nhờ có chiếc búa địa chất mang theo, ông lấy được khá nhiều mẫu đá san hô mang về cơ quan nghiên cứu và dựa vào đó viết bài “Đặc điểm địa chất quần đảo Trường Sa” công bố trên tạp chí Địa chất, 1985, rồi in trong Tuyển tập về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo, 1994. Sau đợt khảo sát này, ông khuyến nghị không nên khai thác đá san hô ngập nước ven các đảo để xây dựng trên đảo, vì loại đá đó có tác dụng bảo vệ bờ đảo khỏi bị xói lở do sóng biển. Ý kiến thiết thực của ông được chấp thuận và việc khai thác san hô vùng ngập nước ven các đảo bị cấm. Kết quả nghiên cứu của chuyến đi Trường Sa được TSKH Nguyễn Biểu và nhóm tác giả đề cập đến trong cuốn sách Địa chất và địa vật lý vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2008). Chiếc búa thứ tư này còn gắn bó với ông khi tham gia thực hiện một số đề tài, như đề tài tìm kiếm magnesit của ông Đặng Văn Can[5]

TSKH Nguyễn Biểu chỉ giữ được chiếc búa thứ năm. Nó gắn liền với một đề án nghiên cứu tâm huyết của ông. Năm 1990, trở về nước sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên Xô, ông được giao nhiệm vụ tham gia đề án “Điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn biển nông ven bờ Việt Nam độ sâu 0-30m nước tỷ lệ 1:500000”, thực hiện trong 10 năm (1991-2001). Để triển khai đề án, Bộ Công nghiệp nặng thành lập Trung tâm Địa chất khoáng sản biển (trực thuộc CụcĐịa chấtViệt Nam), do ông Nguyễn Biểu làm Giám đốc.

Công việc khảo sát địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn ở đáy biển khác nhiều so với trên đất liền. Phương tiện dùng cho việc khảo sát là tàu thuyền có trang bị máy địa vật lý, dụng cụ lấy mẫu địa chất, địa hóa… Búa chỉ cần đến khi khảo sát các vỉa lộ đá và quặng ở ven bờ, trên đảo và các mẫu cục vớt được từ đáy biển. Trung tâm đặt làm 10 chiếc búa ở một xưởng cơ khí và ông Nguyễn Biểu được phát một chiếc. Ông đã sử dụng chiếc búa này trong các chuyến khảo sát địa chất, tìm mỏ khoáng sản dọc ven biển từ cửa sông Ka Long ở biên giới Việt – Trung vào đến Hà Tiên, và cả trên các đảo ven bờ của Việt Nam. Việc nghiên cứu các mẫu đá lấy được cho phép dự báo sự phát triển của chúng và đối sánh với tài liệu khảo sát địa vật lý, địa chấn. Kết quả, đã khoanh được nhiều vùng có triển vọng sa khoáng Titan-zircon, vàng, thiếc, cát xây dựng… ở đáy biển, mở ra các hướng điều tra địa chất và môi trường biển trong tương lai.

Sự gắn bó thân thiết giữa TSKH Nguyễn Biểu với chiếc búa địa chất thật khác thường, như lời tâm sự của ông khi trao chiếc búa cho nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Chiếc búa như cánh tay đắc lực, tôi tặng chiếc búa cũng coi như tặng cả cánh tay phải trong cuộc đời của nhà địa chất[6]. Tình cảm sâu nặng đó còn thể hiện trong bài thơ “Búa địa chất” mộc mạc và chân tình của ông:

Em gắn với anh từ thuở đôi mươi

Thời gian trôi nhanh, tám mươi sắp tới

Qua bao núi đồi, lội trăm khe suối

Trên đỉnh Thiên Sơn, biển đảo Trường Sa

Bao khó khăn đã thử thách lòng ta

Không thế lực nào chia lìa ta được.

Bởi anh và em đều yêu địa chất

Chung một tấm lòng làm giàu Tổ quốc!

Trải 60 năm bao nhiêu ký ức

Nay đã U80 đâu còn sức

Thương em lắm, nhưng phải tạm chia tay

Anh gửi em về Di sản – nơi này

Lưu lại cuộc đời địa chất đã trải qua

Hẹn gặp lại em – Chiếc búa anh say!

Lưu Thị Thúy – Nguyễn Thanh Hóa

_____________________

* TSKH Nguyễn Biểu, chuyên ngành Địa chất, nguyên Giám đốc Trung tâm Địa chất khoáng sản biển, nay là Trung tâm Điều tra tài nguyên và môi trường biển.

[1] Tài liệu ghi âm phỏng vấn TSKH Nguyễn Biểu, 17-11-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nay là trường THPT Phan Đình Phùng, tỉnh Hà Tĩnh.

[3] Tài liệu ghi âm phỏng vấn TSKH Nguyễn Biểu, 17-11-2017, đã dẫn.

[4] Nay là Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.

[5] Ông Đặng Văn Can, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

[6] Tài liệu ghi âm phỏng vấn TSKH Nguyễn Biểu, 17-11-2017, đã dẫn.