Với dáng người thấp bé, bước đi nhanh nhẹn và một trí tuệ cực kỳ mẫn tiệp, nhìn ông và ngay cả khi trò chuyện với ông, không ai có thể đoán được ông đang ở tuổi 97.
Trong căn phòng nhỏ đơn sơ cũ kỹ ở khu tập thể Nam Đồng, ông say sưa kể cho chúng tôi câu chuyện về những hiện vật mà ông tặng Trung tâm. Khi kể đến chiếc bút “Parker” dường như đôi mắt của ông sáng hơn và rất nhiều cảm xúc từ quá khứ lại tràn về qua lời kể.
GS Nguyễn Thúc Tùng sinh năm 1916 tại Nghệ An. Sau 9 năm phục vụ cho Kháng chiến chống Pháp tại Liên khu V (1945-1954), ông tập kết ra Bắc công tác tại Viện Quân y 108 với cương vị Phó Viện trưởng. Bạn bè cùng trang lứa đã có gia đình từ lâu nhưng bác sĩ Tùng thì mãi 40 tuổi ông mới tìm được bạn đời, đó là cô Tạ Xuân Tuyết, giáo viên trường Hàng Cót. Có đôi chút muộn màng nhưng bù lại, hai người sống với nhau rất hạnh phúc.
Năm 1960 ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Tiết niệu. Vậy là ông sắp phải xa người vợ thân yêu một thời gian dài. Đối với một trí thức nói chung và một Bác sĩ như ông nói riêng, cây bút có lẽ luôn luôn là bạn đồng hành. Hiểu điều này, bà Tạ Xuân Tuyết đã lựa chọn “người bạn” đó làm món quà tặng chồng khi ông sang Liên Xô học tập. Để gắn kết hơn nữa tình cảm hai vợ chồng, nhắc ông luôn nhớ tới người vợ ở quê nhà, bà đã đặt thợ khắc tên “Tùng Tuyết” trên chiếc bút. Đây cũng là sự gửi gắm niềm tin, tình yêu của bà với ông, mong ”cây tùng trong tuyết” học tập thành công rồi về nước.
Khi ông sang học tập tại Liên Xô, mỗi lần cầm đến chiếc bút ông lại nhớ đến bà và ông coi đó là kỷ vật thiêng liêng. Chính vì vậy chiếc bút luôn bên cạnh ông, được ông dùng ghi chép mỗi khi lên giảng đường, trên thư viện hay viết thư…
Chiếc bút còn gắn với kỷ niệm trong thời gian ông học ở trường Đại học Lêningrat. Một người quản lý học viên người nước ngoài của trường cũng có chiếc bút Parker, nhưng bị hỏng ngòi. Thời kỳ đó ngoài Mỹ chỉ có Trung Quốc là sản xuất được loại ngòi bút máy giống như của Parker. Nhưng do khi đó quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đang “lủng củng” nên ông quản lý học viên ngoại quốc không muốn xin ngòi bút của học viên Trung Quốc mà nhờ ông xin hộ. Nhân lúc chiếc bút Parker của Bác sĩ Tùng cũng bị hỏng ngòi nên ông đã xin được của người học viên Trung Quốc, rồi tặng lại ngòi bút đó cho ông quản lý học viên. Giáo sư kể:“Tôi có cái bút máy Parker nhưng không có ngòi. Anh bạn học viên người Trung Quốc cho tôi cái ngòi và tôi đưa lại cho ông quản lý học viên. Ông đó cảm ơn, hôm sau mời tôi đi xem kịch”. Và cứ như vậy chiếc bút đã trở thành người bạn thân thiết gắn với những kỷ niệm và quá trình học tập của ông trong những năm tháng ở Liên Xô.
Chiếc bút máy Parker “Tùng Tuyết”
Tháng 3-1964, ông là người đầu tiên trong đoàn nghiên cứu sinh lúc đó bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ và về nước. Và cũng chính chiếc bút máy Parker này đã được ông sử dụng để viết luận án. Giáo sư tâm sự “Trong thời gian học tập tại Liên Xô tôi đã sử dụng chiếc bút này để ghi chép, ngay cả viết luận án Phó Tiến sĩ, tôi cũng viết bằng cái bút này”.
Chiếc bút máy hiệu “Parker” có nắp bút và ngòi bút được mạ vàng, thân màu đen phía sau có nắp tháo ra để bơm mực và khắc chữ “Tùng Tuyết”, qua gần nửa thế kỷ giờ đã cũ, mất ngòi. Nhưng vẫn còn đó nguyên vẹn một tình yêu của người vợ dành cho ông và những kỷ niệm khi ông học ở Liên Xô. Chiếc bút được Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng giữ làm kỷ vật từ năm 1964 đến năm 2011 thì tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Lê Thị Hoài Thu