Năm 1956, Trần Huy Oánh đăng ký dự thi vào hệ trung cấp của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam[1]. Đây là kỳ tuyển sinh khóa II của trường sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, có rất đông thí sinh dự thi dù chỉ tuyển 50 học sinh. Điểm thi của Trần Huy Oánh xếp thứ 53, nhưng do trường tuyển thêm ba thí sinh đạt điểm sát nút nên anh trót lọt.
Ngay thời gian đầu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật, mỗi học viên được phát một số dụng cụ thiết yếu để vẽ, gồm các loại bút chì, bút vẽ, và cả chiếc cặp vẽ. Lần đầu tiên có chiếc cặp vẽ, Trần Huy Oánh lâng lâng vui sướng. Chiếc cặp có kích thước 44cm x 58cm, làm bằng bìa cứng[2], mặt ngoài bọc vải đen, bên trong đóng dấu đỏ của trường và có số 56 (năm 1956). Cặp vẽ của trường Mỹ thuật ngày ấy đơn sơ như vậy, nhưng là dụng cụ cần thiết tới mức không thể thiếu để các học viên tập vẽ. Nói về tầm quan trọng của nó, PGS Trần Huy Oánh so sánh với trang bị của anh bộ đội: Ở giai đoạn đó, về công dụng thì cặp vẽ giống như chiếc ba lô, còn về mặt phương tiện có thể ví như khẩu súng của người lính khi ra trận[3]. Chiếc cặp vừa có tác dụng giữ cho giấy vẽ phẳng phiu, không bị nhàu, vừa dùng để kê giấy trong lúc vẽ. Nay ông không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu bức ký họa và phác thảo của mình ra đời trên chiếc cặp này, nhưng ông chắc chắn rằng đã đem nó theo trong tất cả các chuyến đi thực tập, rồi sau đó ông còn tiếp tục sử dụng để vẽ cả trong thời kỳ đầu khi đã tốt nghiệp ra trường.
Chiếc cặp vẽ của PGS Trần Huy Oánh, năm 1956
Mỗi năm một lần, cả lớp được đi vẽ tại vùng nông thôn. Trong những chuyến đi thực tế đó, học viên phải làm công tác dân vận, hòa nhập vào đời sống sở tại theo phương châm “ăn cùng dân, ở cùng dân và làm việc cùng dân”, bởi phải hiểu biết cuộc sống rồi mới có thể vẽ nên những bức tranh đẹp và sinh động. Không chỉ vậy, họ còn dạy vẽ cho những người yêu thích hội họa tại địa phương, giúp họ biết kẻ chữ, phóng tranh cổ động.
Mỗi chuyến đi vẽ hồi ấy đều có chuyện để nhớ mãi. Nhưng chuyến đi năm 1957 đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu đậm, đó là một câu chuyện có phần lãng mạn của những chàng trai trẻ đầy sôi nổi và cũng “ngựa non háu đá”. Đang mùa đông, Trần Huy Oánh cùng bạn Hiếu đi vẽ ở chợ Phùng (Đan Phượng, nay thuộc Hà Nội). Hai người say sưa vẽ cảnh các bà, các chị ngồi bán những thứ nông sản quen thuộc. Khi chợ gần tan, thấy một cô gái bán gạo xinh đẹp, duyên dáng trong bộ váy và áo tứ thân, họ thuyết phục cô ngồi lại làm mẫu cho vẽ. Nhưng vẽ chưa xong mà cô gái lại đòi về, vì đã quá muộn. Hai chàng trai đành xin địa chỉ và được biết cô ở làng Nủa, cách nơi tập kết của đoàn học sinh trường Mỹ thuật ở xã Yên Sở khoảng 6 cây số. Sáng sớm hôm sau, không cho thầy giáo và các bạn cùng lớp biết, họ lén đi tìm cô gái kia để vẽ. Không ngờ, hôm trước cô gái đã cố ý cho địa chỉ sai, nên tìm mãi không ra. Đã vậy, họ mải mê vẽ những cảnh đẹp gặp trên đường, cho đến khi trời tối. Hôm ấy, họ phải vào xin ở nhờ nhà ông chủ tịch xã và được thiết đãi cơm gà tử tế. Sáng hôm sau, hai người lại đi tìm cô gái bán gạo, rồi may mắn gặp được và họ tiếp tục vẽ những bức ký họa về cô.
Trên đường trở về Yên Sở, bị cuốn hút bởi những ngôi đình và chùa, đôi bạn dừng lại ngồi vẽ, đến khi đói bụng mới chịu tìm đến một quán phở ven đường để “nạp năng lượng”. PGS Trần Huy Oánh không thể quên tình cảnh khi ấy: Lúc vào ăn thì người nọ tưởng người kia có tiền, đến khi ăn xong mới tá hỏa ra cả hai đều không có tiền để trả![4]. Hai chàng trai bèn thuyết phục ông chủ quán để vẽ chân dung cho ông thay vì trả tiền hai bát phở. Kết cục, ông chủ quán rất hài lòng về bức vẽ, còn họ đạp xe ra bến đò để trở về với lớp. Lúc ấy trời đã tối, không còn đò, mà họ cũng không có tiền để đi đò. Bí quá, hai người nảy ra ý định lội qua sông, vì trên chuyến đò hôm trước họ đã thấy trẻ con cưỡi trâu qua dòng sông này. Bất chấp trời giá rét, cả hai cùng cởi quần áo, cặp vẽ đội lên đầu, vác xe đạp rồi lội qua sông. Trong khi đó, ở Yên Sở, thầy và các bạn nháo nhác đi tìm. May là lần ấy hai chàng trai Oánh và Hiếu không bị kỷ luật.
Bức tranh “Chợ Phùng” của họa sĩ Trần Huy Oánh, 1957
Giáp tết năm 1958, Trần Huy Oánh nhận được giấy mời tham dự buổi tổng kết và trao giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Anh đến dự chỉ vì được mời, không hề biết bức tranh cổ động về chủ điểm tăng năng suất lao động của mình được chọn trưng bày. Cho nên, anh bất ngờ và mừng rỡ khi được xướng tên gọi lên nhận giải, với phần thưởng 30 vạn đồng[5]. Mấy tết trước, anh về quê trong tâm trạng buồn chán, vì nhà thì nghèo mà anh lại không có tiền mua quà tết cho gia đình. Nhưng tết năm nay, trong lòng anh ngập tràn hạnh phúc, lần đầu có tác phẩm không chỉ được triển lãm mà còn giành giải thưởng, nhờ đó có tiền đem về cho mẹ mua sắm và sửa sang nhà cửa đón tết.
Sau hai năm học, Trần Huy Oánh tốt nghiệp hệ trung cấp và về quê chờ phân công công tác. Năm sau, trong lớp có một số người được cử đi công tác, số còn lại thi tiếp lên hệ cao đẳng. Kết quả chỉ có 4 người trúng tuyển: khoa điêu khắc có Lê Thược và Nguyễn Hải[6]; khoa hội họa có Nguyễn Quốc Khánh và Trần Huy Oánh. Chiếc cặp của Trần Huy Oánh lại tiếp tục theo chân anh trên những chặng đường đi vẽ trong 5 năm học tiếp theo.
Mùa hè 1959, cuối năm học thứ nhất, lớp của Trần Huy Oánh được thầy Trần Đình Thọ dẫn lên Phú Thọ thực tập một tháng ở một đơn vị quân đội. Hàng ngày, các học viên đi theo bộ đội tập luyện để vẽ về họ. Một lần, Trần Huy Oánh muốn vẽ anh bộ đội cười, nhưng khi vẽ thì chỉ gặp cảnh cười gượng gạo. Anh bèn nghĩ cách dùng một chiếc gương, để họ thấy mình trong gương mà cười tự nhiên hơn. Kể lại chuyến đi vẽ năm ấy, PGS Trần Huy Oánh còn nhớ cả tình cảnh nhiều đêm oi bức không ngủ được, phải nhúng chiếu vào nước rồi trải lên giường để nằm cho đỡ nóng.
Cuối năm 1960, lớp của Trần Huy Oánh được phân công về Đông Hồ (Bắc Ninh) để thâm nhập thực tế một đợt khoảng 3 tháng. Mặc dù trời rét đậm, các học viên vẫn cùng nông dân ra đồng gặt lúa từ sáng sớm, hoặc cuốc ruộng ngập nước đến ngang bụng. Buổi tối, anh phải rải rơm rạ để nằm ngủ cho đỡ lạnh. Nhưng chuyến đi đó giúp cho chàng họa sĩ trẻ thấm thía về hạnh phúc của mình được học hành trong khi cha mẹ, người dân và cả dân tộc đang phải chịu đựng gian khổ, hy sinh trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Năm 1961, nhà trường cử sinh viên đi thực tập 3 tháng, yêu cầu khi trở về mỗi người phải có một tác phẩm tranh hoàn chỉnh để tham gia cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc sắp tới. Lớp của Trần Huy Oánh được phân về Cẩm Phả, Quảng Ninh. Anh ở nhờ trong căn nhà nhỏ của người bạn học khóa trên. Hàng ngày, sinh viên phải dậy sớm để đi cùng với xe đưa công nhân lên lò than Thống Nhất. Họa sĩ Trần Huy Oánh chia sẻ: Mùa hè trong núi có những đám than cháy ngầm, khói bốc ra rất khó thở, cứ lên đến nơi là cảm thấy buồn ngủ. Nhiều khi nghe thấy tiếng ô tô của các thầy lên thăm mà vẫn không thể tỉnh dậy được. Nhưng sau vài lần như thế, chúng tôi phải tìm mọi cách thích nghi để làm việc[7].
Đợt thực tập sắp kết thúc, các bạn trong lớp đã sắp vẽ xong tác phẩm của mình, riêng Trần Huy Oánh vẫn còn lúng túng lựa chọn đề tài. Rồi anh nhận ra rằng ở đây công nhân rất vui thích vì có hệ thống nước nóng để tắm trước khi vào lò và lúc ra khỏi lò. Anh xin phòng hành chính cấp giấy phép cho vào vẽ ở khu vực tắm dành cho nam công nhân. Nhiều lần anh bị dọa đánh vì vẽ cảnh họ tắm khỏa thân. Nhưng ngày ngày anh vẫn đến vẽ, rồi trước sự kiên trì và miệt mài của anh, họ không phản ứng nữa. Theo kế hoạch, khi kết thúc đợt thực tập sẽ có cuộc triển lãm tranh của sinh viên tổ chức tại khu mỏ. Ba ngày trước đó, hiệu trưởng Trần Văn Cẩn và chuyên gia hội họa của Liên Xô Cudơnhetsov đến xem kết quả vẽ của học trò. Khi xem tranh của Trần Huy Oánh, hai thầy ngắm khá lâu và chỉ im lặng, rồi ra về mà không nói câu nào. Thấy vậy, Trần Huy Oánh lo lắng, cả đêm trằn trọc không ngủ. Anh đoán tranh của mình không đạt yêu cầu, nên quyết định cạo bỏ đi và vẽ lại từ đầu. Vì chỉ còn rất ít thời gian nên anh làm việc ngày đêm không ngủ, vừa ăn bánh mì vừa vẽ. Trước giờ khai mạc triển lãm chừng 30 phút, anh mới hoàn thiện bức tranh và đem ra trưng bày. Khách tham quan hào hứng xem các tác phẩm, nhưng đến bức tranh công nhân tắm khỏa thân của anh thì họ giật mình và đi qua, tuy nhiên nhiều người vẫn liếc mắt hoặc ngoái lại thật nhanh. Dù bức tranh đã dùng nghệ thuật sáng – tối để không lộ ra những chỗ “nhạy cảm”, mà chỉ làm nổi bật lên cơ thể khỏe đẹp của người công nhân trước dòng nước nóng bốc hơi, nhưng mọi người vẫn chưa quen với loại tranh khỏa thân. Đêm hôm đó, có lẽ do kiệt sức nên Trần Huy Oánh bị sốt cao và phải vào trạm y tế. Thầy Trần Văn Cẩn và ông chuyên gia Liên Xô rời phòng triển lãm đến ngay trạm y tế thăm anh. Vừa bước vào phòng, vị chuyên gia tươi cười giơ tay và khen anh: Rất tốt, rất tốt, rất tốt![8], còn thầy hiệu trưởng tủm tỉm cười và khẽ gật đầu. Lúc đó, anh biết rằng quyết định táo bạo của mình là đúng đắn. Song, sau khi trở về trường, gần 20 tác phẩm của lớp được tham gia triển lãm toàn quốc, bức tranh của Trần Huy Oánh bị loại. Lý do thì như nay ông chia sẻ: Bấy giờ trong bối cảnh còn bị chi phối nhiều bởi tư tưởng ý thức hệ, tranh khỏa thân vẫn là điều cấm kỵ, người ta chưa thể chấp nhận được[9].
Năm thứ ba, mỗi học viên phải làm bài tập chuyên khoa bằng cách vẽ một bức tranh theo chủ đề tự chọn. Dựa vào những hình ảnh, tư liệu có được trong chuyến đi thực tập ở Quảng Ninh, Trần Huy Oánh vẽ tác phẩm “Công nhân lò đọc tin vùng mỏ”. Gần đến Tết, đang băn khoăn vì không có tiền về quê sắm sửa cho gia đình thì ngày 28 tháng chạp (1961), anh nhận được thư của bạn Đỗ Hữu Huề báo tin Bảo tàng Mỹ thuật đã mua bức tranh “Công nhân lò đọc tin vùng mỏ”. Thế là anh có khoản tiền để gia đình tiêu tết.
Năm 1963, Trần Huy Oánh tốt nghiệp hệ cao đẳng và là một trong những sinh viên được giữ lại làm công tác giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trong các đợt nghỉ hè, chiếc cặp cũ vẫn theo anh đi vẽ ở nhiều nơi: Hòa Bình, Bắc Ninh, Thái Bình… Từ năm 1966, trường cử giảng viên Trần Huy Oánh dẫn học trò đi vào các vùng trọng điểm khốc liệt nhất (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, đường Trường Sơn…) để trải nghiệm cuộc sống, ghi lại cảnh lao động, chiến đấu của quân và dân ta. Trước chuyến công tác này, anh mua chiếc cặp vẽ nhỏ gọn hơn để tiện dùng trong điều kiện đi vẽ ở chiến trường.
Nhiều người sau khi tốt nghiệp đã vứt bỏ chiếc cặp vẽ được cấp phát khi học ở trường Mỹ thuật, nhưng với PGS Trần Huy Oánh thì khác, ông giữ lại chiếc cặp vẽ đầu tiên của mình suốt mấy chục năm qua. Bởi như ông tâm sự, chiếc cặp vẽ không đơn thuần là một vật dụng bình thường, nó đã như người bạn đồng hành cùng ông trong suốt những chặng đường đầu tiên đi vào sự nghiệp hội họa. Dù những năm tháng đó đã lùi xa vào quá khứ, đến nay chiếc cặp vẽ ấy đã ố màu, rách mép, nhưng kỷ niệm về những chuyến rong ruổi đầy lãng mạn và hăm hở của ông thời trai trẻ như đọng lại trong chiếc cặp vẽ đầu đời này.
Tạ Thị Anh
________________________
*PGS Trần Huy Oánh, chuyên ngành Hội họa, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
[1] Nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt
[2] Đây là loại bìa cứng chế tác thủ công từ rơm.
[3] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS Trần Huy Oánh, 8-3-2018, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[4] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS Trần Huy Oánh, 10-1-2018, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[5] Bấy giờ, học bổng toàn phần mỗi tháng của Trần Huy Oánh là 22 đồng.
[6] Sau này ông Lê Thược trở thành Phó giáo sư, giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh; còn Nguyễn Hải (1933-2012) là nhà điêu khắc nổi tiếng, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật năm 2000.
[7] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS Trần Huy Oánh, 8-3-2018, đã dẫn.
[8] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS Trần Huy Oánh, 8-3-2018, đã dẫn.
[9] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS Trần Huy Oánh, 8-3-2018, đã dẫn.