Chiếc chăn của PGS.TS Phạm Thượng Hàn

 

Phó giáo sư Phạm Thượng Hàn sinh 1945, quê Quảng Bình, chuyên ngành Đo lường – điều khiển. Hơn 35 năm giảng dạy ở khoa Điện, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông đi sâu về các vấn đề như xử lý số tín hiệu, đo và kiểm tra môi trường… Những công trình nghiên cứu như: “Xử lý số tín hiệu và ứng dụng”, “Hệ thống tin học công nghiệp” đã được in sách và đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn thành công gần 50 nghiên cứu sinh và học viên cao học. Năm 2011, ông được Quốc hội mời tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến về Luật Đo lường Việt Nam.

Chiếc chăn được sản xuất từ len Mông Cổ có kích thước 1,6 x 2m, màu xanh, viền trang trí màu trắng. Là một trong những kỷ vật hiếm còn sót lại của ông Phạm Long Vân để lại cho con trai Phạm Thượng Hàn.

Năm 1959, ông Phạm Long Vân đang công tác ở trường nghiệp vụ của Bộ Công nghiệp nhẹ ở bãi Phúc Xá (Hà Nội) đã nhờ một người bạn chiến đấu cũ là ông Thái Bá Diệm đón con trai Phạm Thượng Hàn ở tỉnh Quảng Bình ra Hà Nội. Cuối năm 1959, trời Hà Nội chuyển rét, hai cha con lúc đó chỉ có chiếc chăn mỏng đắp chung. Sợ con bị lạnh, ông Vân vẫn quyết bỏ tiền ra mua chiếc chăn len Mông Cổ theo tiêu chuẩn với giá là 70 đồng, trong khi lương mỗi tháng là 115 đồng. Nhờ chiếc chăn, hai bố con đã trải qua những mùa đông giá rét ở Hà Nội.

Năm 1964, Phạm Thượng Hàn tốt nghiệp trường cấp III Chu Văn An và được cử sang Liên Xô học ngành Kỹ thuật đo lường thông tin, thuộc khoa Cơ điện, trường Đại học Bách khoa Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg), chiếc chăn len Mông Cổ được ông Vân sử dụng. Năm 1965, ông Vân qua đời vì bệnh ung thư, chiếc chăn len được gia đình cất giữ như một kỷ vật của gia đình. Gần 60 năm sử dụng và lưu giữ, chiếc chăn len đã cũ và sờn theo thời gian, nhưng là kỷ vật của tình yêu thương, được phó giáo sư Phạm Thượng Hàn lưu giữ, và tặng lại nó cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.