Từ khi là sinh viên, ông Võ Vọng đã luôn ấp ủ nguyện vọng được sang các nước tiên tiến để học tập, trau dồi tri thức. Vào cuối tháng 6-1985, ông Vọng được cơ quan tạo điều kiện cho đi thực tập khoa học ở một nước tư bản nhưng yêu cầu cần đủ phải có chứng chỉ tiếng Anh. Ngay trong buổi sáng hôm đó, TS Võ Vọng đã gặp một số đồng nghiệp thân thiết chia sẻ câu chuyện và được mọi người khuyên nên từ chối không tham gia với lý do “hồ sơ tư bản”. Mặt khác, nếu thi trượt sẽ khó ăn nói, đôi khi bị đánh giá kém về trình độ. Tuy nhiên, ông Vọng vẫn quyết tâm thi để khẳng định trình độ ngoại ngữ của mình, nếu được cũng là một cơ hội ra nước ngoài học hỏi chuyên môn.
Ngày 3-7-1985, ông Võ Vọng thi khảo sát trình độ ngoại ngữ ở Viện Khoa học Việt Nam do GS Silas Gustabshon[1] phụ trách. Do tiếng Anh chủ yếu là tự học và rất ít sử dụng nên ông Vọng có phần lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên ông đã vượt qua vòng thi khảo sát và được cấp giấy chứng nhận. Ông rất vui mừng vì mình đã vượt qua kỳ thi tiếng Anh với các bậc điểm: Nghe, đọc, viết loại tốt, nói loại khá nhưng ông chưa sắp xếp công việc để đi thực tập khoa học trong đợt này. Ông Vọng vẫn luôn theo dõi các chương trình Hội nghị khoa học quốc tế để có thể đăng ký tham gia.
Năm 1987, ông quyết định vay 1,5 chỉ vàng của người quen, rồi nhờ người hàng xóm thường đi công tác ở TP Hồ Chí Minh để mua chiếc đài cassette này. Ông Vọng đã mua 2 cuốn giáo trình “Streamline English” của tác giả Petter Viney, đi kèm là các băng hướng dẫn tự học. Ông rất thích cuốn giáo trình này vì ngoài nội dung ngữ pháp, nội dung nghe được lập trình rất cẩn thận, có 3 giọng nói, phát âm của người già, trung niên và trẻ em. Hồi đó kinh tế gia đình rất khó khăn, ông Vọng suy nghĩ nếu không có cơ hội đi nước ngoài sẽ phải bán chiếc đài này để trả nợ. Vì lẽ đó, ông cẩn thận lấy băng dính dán vào các bộ phận thường bị sử dụng đến (phần đóng mở băng, bật/tắt, chuyển kênh).
Cứ có thời gian rảnh là ông lại học ngoại ngữ. Có khi đang làm việc nhà ông cũng bật đài lên để nghe. Ngoài ra, ông kết hợp nhờ cô giáo tên Phi, Khanh giảng dạy ngoại ngữ ở trường ĐH Sư phạm thỉnh thoảng bổ túc, hướng dẫn học. Mặc dù các buổi trao đổi với các cô giáo không được nhiều nhưng ông Vọng thấy rất hiệu quả. Ông thường nói chuyện với các cô giáo bằng tiếng Anh rồi làm bài kiểm tra để nhờ các cô chỉnh sửa. Sau 2 năm ông đã đăng ký thành công chương trình đào tạo do Trung tâm Quốc tế về Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP) đóng tại Trieste (Ý) tổ chức.
Nhờ có ngoại ngữ tốt, PGS Võ Vọng tạo được mối quan hệ, tăng sự uy tín với các nhà khoa học khác trên thế giới, xin được tài trợ học bổng để làm việc ở các nước tư bản. PGS.TS Võ Vọng khẳng định: “Ngoại ngữ là con đường mở ra trí thức khoa học cho tôi”.
Chia sẻ về kinh nghiệm học ngoại ngữ, ông Võ Vọng cho biết: thứ nhất cần học từ vựng thật nhiều, vừa học vừa phát âm to để ghi nhớ. Về nói, không nên tự đưa cho mình mục đích nói chuẩn vì rất khó. Quá trình ông tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài thì nhận thức rất rõ điều đó, mỗi vùng miền có cách nói khác nhau. Ông nhớ ngày đầu tiên đến nhận phòng nghỉ tham dự hội nghị ở Ý (1989), nhân viên phục vụ chỉ phòng cho ông và nói tắt 4.U khiến ông không hiểu gì. Sau đó ông được biết đó là cách nói tắt: this room for you. Sau này làm nhiều ở các phòng thí nghiệm của các nước, tiếp cận nhiều đối tác ông nhận thấy “không cần quá cầu kỳ cách nói, chỉ cần Ta nói Tây hiểu và ngược lại là ổn”!
Đến năm 1990, ông không dùng chiếc đài này để học tiếng Anh mà chủ yếu nghe các kênh phát thanh.
[1] Công tác tại Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO)