Chiếc khăn đó do một nữ tù nhân thêu trong thời gian bị chế độ Mỹ ngụy giam cầm và chị đã gửi tặng cho con trai BS Đỗ Nguyên Phương – người đã chăm sóc, chữa trị cho những chiến sĩ vừa thoát khỏi nhà tù Mỹ ngụy năm 1973, chị là một trong số những chiến sĩ đó. Tù nhân ấy tên là Tuyết Nga, người con gái ấp Chánh Tân Mỹ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Tuyết Nga là y tá của Bệnh viện tỉnh Long An. Khi giặc Mỹ càn vào Bệnh viện, Tuyết Nga bị sa vào tay giặc khi đang cố gắng bảo vệ bệnh nhân. Trong nhà tù Cần Thơ, đám cai ngục thường túm tóc nữ tù nhân để lôi ra tra tấn nên Tuyết Nga và chị Phương cùng phòng đã cạo trọc đầu làm "đối sách" với quân thù.
Năm 1971, BS Đỗ Nguyên Phương là cán bộ giảng dạy Bộ môn Giải phẫu và Ngoại khoa, trường Đại học Y Hà Nội. Theo yêu cầu của đất nước, Nhà trường chủ trương đưa một số cán bộ giảng dạy trẻ vào chiến trường vừa phục vụ chiến đấu, vừa giúp địa phương đào tạo cán bộ y tế cơ sở, vừa để rèn luyện thử thách trong gian khổ ác liệt của chiến tranh.
Đợt đi B thời kỳ này gồm có bác sĩ: Đỗ Nguyên Phương, Đỗ Đức Vân, Nguyễn Mễ (Ngoại khoa), Đào Văn Chinh (Nội khoa), Phạm Hoàng Thế (Ký sinh trùng), Nguyễn Chí Phi, Đỗ Đình Hồ (Hoá Sinh), Lê Huy Chính (Vi sinh).
Bác sĩ Đỗ Nguyên Phương, năm 1971
Sáng sớm thứ năm, ngày 2-12-1971, tạm biệt gia đình, đồng nghiệp, BS Đỗ Nguyên Phương lên đường vào chiến trường B2, với nhiệm vụ đặc biệt: Kiểm tra toàn bộ hàng quân y mang vào chiến trường B2 (Đoàn 571). Vào chiến trường, ngoài công tác chuyên môn BS Phương còn tham gia công tác dân vận, ông đã đến vùng giáp ranh núi Bà Đen, tiếp xúc giao lưu, tuyên truyền trong sinh viên, trí thức vùng Mỹ ngụy chiếm đóng.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết. Việc đầu tiên mà Hiệp định yêu cầu là hai bên phải thực hiện là trao trả tù binh. Những chuyến bay con thoi chở đầy các chiến sĩ cách mạng từ các nhà tù Biên Hoà, Phú Quốc, Cần Thơ về các địa điểm đón nhận.
Sau những ngày tháng lênh đênh trên sông nước Vàm Cỏ Đông để chuẩn bị địa điểm đón tiếp các tù binh được trao trả tại Tà Băng (quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), ngày 2-3-1973, BS Đỗ Nguyên Phương cùng Đoàn tiếp nhận những đồng chí bị tù đày rời những ghe gắn máy trên sông Vàm Cỏ Đông, tiếp tục đến Lộc Ninh bằng ô tô. Lộc Ninh lúc đó là một quận lỵ, một chi khu quân sự của địch nằm trong một thung lũng giữa rừng cao su rộng lớn, được giải phóng sau ngày quân ta tổng tiến công tháng 4-1972. Trong Nhật ký chiến trường với nét chữ nhỏ nhắn, chữ bị nhòe, giấy đã bị nhăn do phơi nắng vì rơi xuống suối, BS Đỗ Nguyên Phương đã mô tả quang cảnh Lộc Ninh lúc đó: "Nhà máy cao su bị chiến tranh tàn phá chỉ còn cái khung bằng sắt quằn vì vết bom pháo. Đường phố, nhà cửa, chợ búa… còn đổ nát, nghiêng ngả in vết bom đạn của cuộc phản công. Tuy vậy, thị trấn vẫn còn một sức sống mới, sức sống của một vùng giải phóng lúc ban đầu gặp bao khó khăn nhưng quyết tâm vươn lên…".
Trên con đường nhựa chạy dài trên một ngọn đồi được san bằng, qua những cánh rừng cao su bát ngát là đến sân bay Lộc Ninh. Chứng kiến hàng chục chuyến máy bay từ trực thăng C130, T28 đưa các chiến sĩ vừa thoát khỏi nhà tù của chế độ Việt Nam cộng hòa đã để lại trong BS Đỗ Nguyên Phương biết bao kỷ niệm và tình cảm "không sao quên được: "Từ 8h00 sáng đến 6h00 chiều, lên lên xuống xuống để đưa Ủy ban quốc tế, Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 1000 đồng chí từ nhà lao Phú Quốc trở về. Các đồng chí đó không ngờ có ngày được về với cách mạng, có đồng chí sướng quá lột cả quần áo tù vứt đi, có đồng chí trong sự phấn khởi đó lột cả cái chân giả tự làm trong nhà tù vứt đi nốt (đến nỗi bây giờ phải chống nạng)".
Các đồng chí từ địa ngục trở về được đưa đến Bệnh viện Bình Phước chăm sóc, điều trị. Bệnh viện nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi rừng cao su bạt ngàn, gần sát ngay thị trấn nhỏ Lộc Tấn. Trực tiếp điều trị cho những chiến sĩ đã phải trải qua những đòn tra tấn khủng khiếp của Mỹ ngụy ở miền Nam Việt Nam khiến BS Đỗ Nguyên Phương không khỏi xót xa: "Bệnh nhân ở đây rất nặng. Có nhiều đồng chí bị bại tuỷ vì vết thương cột sống; nhiều đồng chí bị liệt, câm, mất tri giác vì hậu quả tra tấn điện; nhiều đồng chí nữ bị những cơn co giật, dày vò tâm thần rối loạn vì hậu quả của hiếp dâm, tra tấn bằng cách ngâm nước, những đồng chí còn lại hầu hết là tàn phế…". Ngoài Bệnh viện Bình Phước, ven các làng 6, làng 7, làng 9 là những cụm chăm sóc, điều dưỡng anh chị em tù binh, tù chính trị.
Chứng kiến những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của các tù binh, tình thương, tình cảm sâu đậm của những người thầy thuốc với người bệnh ở đây rất đặc biệt. Ngoài tình cảm "lương y như từ mẫu" còn có tình đồng chí, tình thương yêu kỳ lạ…Bên những giường bệnh lúc nào cũng có cán bộ y tế ngồi trò chuyện, chăm người bệnh mỗi khi chiều về. Và tình cảm của những đồng chí nữ vừa được trao trả trở về cũng thật đẹp đẽ và trong sáng. Ngày 1-4-1973, Bệnh viện Bình Phước đón nhận 30 đồng chí mới, đó là anh chị em tù binh vừa được trao trả, trước khi bị bắt là y sĩ, y tá, về làm nhân viên Bệnh viện. Một trong số đó là y tá Tuyết Nga, 23 tuổi. Khi BS Phương hỏi thăm về gia đình, mẹ cha, đến cảnh tù đày hà khắc, Tuyết Nga thường lặng đi kìm nén những giọt nước mắt. Mái tóc của Tuyết Nga mới mọc đến ngang vai trông thật duyên dáng, một dấu tích của lòng trung thành và chí trung kiên trong nhà tù. Tuyết Nga làm việc chăm chỉ để giúp những người "đồng cảnh ngộ" sớm bình phục. Tuyết Nga gọi BS Phương một cách thân mật "anh Hai", rồi có lúc thầm nói: "Anh Hai à, nếu em được ra Hà Nội anh nhận em là em của anh nghen".
Trong tù ngục, những đường thêu thể hiện ý chí và niềm tin hy vọng của y tá Tuyết Nga
Được biết tin BS Đỗ Nguyên Phương chuẩn bị ra Bắc, Tuyết Nga đã tặng một số kỷ vật cho vợ và con ông là Dược sĩ Võ Hồng Nga và cháu Đỗ Võ Việt Dũng để làm kỷ niệm. Và một trong những kỷ vật đó là chiếc khăn tay màu trắng sữa, kích thước 30.5×30.5cm, ở góc bên trái có thêu chữ "Lộc" bằng tiếng Hán, do Tuyết Nga thêu trong thời gian ở nhà tù Cần Thơ. Thời kỳ đó, chiếc khăn thêu, đôi chim tết bằng ni lông, chiếc nhẫn, cái kẹp tóc tự làm bằng nhôm chiến lợi phẩm của Mỹ… được những chiến sĩ đang bị cầm tù chế tác là những kỷ vật "không gì đổi lấy được". Còn với Tuyết Nga, BS Phương coi cô như là đứa em gái Nam Bộ hiền thục, dễ thương. Ông ước có một ngày Tuyết Nga được ra miền Bắc để học tập và được vợ ông săn sóc, bù đắp cho những thiệt thòi, đớn đau của tù đầy và chiến tranh.
Xa gia đình đi chiến trường thực hiện nhiệm vụ của đất nước, chính tình đồng chí, tinh thần kiên trinh của những chiến sĩ bị kìm kẹp, tra tấn trong ngục tù…như động lực tiếp sức cho BS Đỗ Nguyên Phương hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng nhờ đó mà BS Phương luôn vững vàng trên mọi vị trí công tác ngay cả trong những giờ phút ác liệt nhất của cuộc chiến đấu.
Chiếc khăn tay của người em gái Nam Bộ, người chiến sĩ trở về từ tù ngục của quân thù, cùng các kỷ vật chiến trường khác được GS.TS Đỗ Nguyên Phương trân trọng lưu giữ. Sau khi ông mất (2008), các kỷ vật trên cùng các tài liệu khác của GS.TS Đỗ Nguyên Phương đã được TS Võ Hồng Nga trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Hoàng Thị Liêm