Đặt chiếc kính lúp cũ khá nặng lên trên bàn làm việc, GS.TSKH Trần Đình Lý mô tả cho chúng tôi hiểu về cách sử dụng nó. Ông lấy một bông hoa hồng đang cắm trong lọ ở góc phòng, vừa thao tác, vừa diễn giải. Chiếc kính lúp này gồm hai phần: phần dùng để soi các mẫu tiêu bản và phần dùng để đặt các mẫu tiêu bản. Ông cho biết, tuy đã không còn đèn soi, nhưng chiếc kính vẫn dùng được, chỉ có điều hiện nay có nhiều phương tiện hiện đại hơn nên chẳng còn ai sử dụng loại kính này nữa. Ông bảo: “Chiếc kính lúp MBC-2 là kỷ vật của thầy Dương Hữu Thời, nó đã gắn bó với mình suốt nhiều năm và là người bạn của một thời thiếu thốn”[1]. Câu chuyện liên quan đến chiếc kính dần dần được ông kể với nhiều tình tiết diễn ra qua mấy chục năm trời.
Chiếc kính lúp của GS.TSKH Trần Đình Lý
Sau giải phóng miền Nam, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 118/CP ngày 20-5-1975 về việc thành lập Viện Khoa học Việt Nam[2]. Viện Sinh vật học cũng được thành lập thời kỳ ấy. Cuối năm 1975, sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Viện Thực vật, thuộc trường Đại học Tổng hợp Humboldt (CHDC Đức), ông Trần Đình Lý trở về Việt Nam và được cử về Viện Sinh vật học, công tác tại phòng Thực vật học. Cũng từ đó, ông biết đến chiếc kính lúp MBC-2 ở đây và nhiều kết quả nghiên cứu của ông gắn liền với công cụ hữu ích này.
GS Trần Đình Lý kể rằng: “Cụ Dương Hữu Thời là một người rất tận tụy và rất có tinh thần trách nhiệm với công việc. Công tác phí được trả cho những lần đi công tác cụ đều dùng để mua trang thiết bị thí nghiệm cho trường Đại học Tổng hợp và Viện Sinh vật học, chứ không bao giờ để cho riêng mình. Chiếc kính lúp MBC-2 được mua ở Liên Xô bằng tiền công tác phí của cụ. Không biết chiếc kính này có giá bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng trong chuyến đi đó, tiền công tác phí của thầy chỉ đủ để mua được 3 chiếc kính này”[3].
Việc PTS Trần Đình Lý khi ấy nhất định xin về Viện Sinh vật học cũng là một câu chuyện. Theo ông tiết lộ, đó là vì nghe theo tiếng gọi của thầy Dương Hữu Thời. Thầy Dương Hữu Thời là người đã hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho SV Trần Đình Lý, khi thầy đang làm Chủ nhiệm khoa Sinh ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy Thời là Chủ nhiệm chương trình Thực vật chí Việt Nam. Kể từ năm 1968, công việc chuẩn bị xây dựng bộ sách thực vật chí đã bắt đầu được thực hiện, nhưng chỉ do tổ Thực vật chí thuộc Tổng cục Lâm nghiệp phụ trách và cũng chưa được coi là một chương trình. Kể từ khi Viện Khoa học Việt Nam ra đời, nó được bàn giao hẳn cho Viện, đồng thời được mở rộng quy mô và triển khai nghiên cứu một cách bài bản hơn.
Trước khi đi làm nghiên cứu sinh ở CHDC Đức (1970), ông Lý đã từng được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp mời tham gia nghiên cứu cho công trình thực vật chí Việt Nam, dù rất thích nhưng ông không thể bỏ lỡ cơ hội sang Đức học tập. Năm 1975, trở về nước, đáng lẽ ông phải công tác ở Vườn quốc gia Cúc Phương, nhưng vì sức hút của chương trình Thực vật chí Việt Nam cũng như theo tiếng gọi của thầy Dương Hữu Thời nên ông quyết xin về Viện Sinh vật học. Sau khi về đây, ông được phân công làm Phó Chủ nhiệm chương trình Thực vật chí Việt Nam. Chương trình kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều giai đoạn với những vị chủ nhiệm khác nhau, còn ông Lý thì giữ vai trò Phó Chủ nhiệm suốt từ năm 1975 đến khoảng năm 2005.
Mục tiêu của chương trình Thực vật chí Việt Nam là nghiên cứu biên soạn để giới thiệu toàn bộ các hệ thực vật ở nước ta. Thông qua bộ tài liệu này, có thể biết các loài thực vật phân bố ở đâu, đặc điểm hình thái và giá trị sử dụng của chúng như thế nào… Sau khi nhận nhiệm vụ làm Phó chủ nhiệm chương trình, PTS Trần Đình Lý đã tham gia tổ chức xây dựng nội dung và quy trình biên soạn bộ sách. Phải giải quyết rất nhiều vấn đề, ví dụ như: quy định về tên gọi cho các họ thực vật, mô tả đặc điểm chung của từng họ; lập khóa định loài các chi của mỗi họ; trình bày khóa loài cho từng chi; mô tả từng loài về tình hình phân bố, đặc điểm hình thái, số lượng…
PTS Trần Đình Lý cùng các đồng nghiệp ở phòng Thực vật học đã tiến hành nhiều đợt điều tra ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với ông là những chuyến thực địa ở Tây Nguyên. Hồi đó, mỗi năm ông thường vào Tây Nguyên hai lần, mỗi lần từ 1 đến 3 tháng, cho nên ông đã đặt chân đến hầu hết những cánh rừng ở Tây Nguyên để nghiên cứu, lấy mẫu. Mẫu được lấy, được định tên ngay nếu có thể, hoặc đưa về trụ sở của đoàn công tác để định tên, lập phiếu mẫu… Khó khăn nhất hồi ấy là việc đi lại, vì xăng dầu rất hiếm, có khi đi được nửa đường thì cả nhóm nghiên cứu phải xin nghỉ tạm ở đâu đó để xe quay xuống lấy xăng ở Quy Nhơn hoặc Nha Trang. Từ năm 1977, chương trình nghiên cứu Tây Nguyên do PTS Nguyễn Văn Chiển (Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) làm chủ nhiệm được thành lập, thường gọi là chương trình Tây Nguyên 1. Trong những chuyến đi Tây Nguyên, ông Lý đã kết hợp nghiên cứu cho cả hai chương trình: chương trình Tây Nguyên 1 và chương trình Thực vật chí. Toàn bộ mẫu thực vật mà ông cùng cán bộ phòng Thực vật học lấy được ở Tây Nguyên và những nơi khác trên cả nước đều được mang về Hà Nội và sử dụng chiếc kính lúp MBC-2 này để phân tích.
Chiếc kính lúp gắn bó với GS.TSKH Trần Đình Lý trong suốt thời gian ông công tác ở phòng Thực vật học của Viện Sinh vật học. Ông kể: “Bằng cái kính này, tôi đã phân tích nhiều loài cây và phát hiện có 16 loài mới đối với khoa học, trong đó có họ trúc đào. Số loài đó đã đăng ở tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Đức và tạp chí Sinh học ở Việt Nam”[4].
Nhiều kết quả nghiên cứu thuộc chương trình Thực vật chí Việt Nam có sự tham gia của chiếc kính lúp này. Cầm trên tay quyển số 5 của bộ sách Thực vật chí Việt Nam[5], GS Trần Đình Lý giới thiệu từng loài mới phát hiện có mang tên ông, như: Tabernaemontana dakgleiensis Lý (nghiên cứu và lấy mẫu ở Đắk Glây), Tabernaemontana hoabinhensis Lý (nghiên cứu và lấy mẫu ở Hòa Bình), Tabernaemontana langbianensis Lý (nghiên cứu và lấy mẫu ở Lang Biang), Tabernaemontana daktoensis Lý (nghiên cứu và lấy mẫu ở Đắk Tô), Tabernaemontana longocuspidata Lý và Wrightia kontumesis Lý (nghiên cứu và lấy mẫu ở Kon Tum). Ông chia sẻ: “Mình đã phân tích ít nhất khoảng 200 loài, tương đương khoảng 1500 mẫu trở lên thông qua chiếc kính này. Riêng họ trúc đào mình đã phân tích 122 loài, mỗi loài mấy chục mẫu. Nhưng đó là riêng đối với mình, vì còn những người khác nữa ở phòng Thực vật học cũng đã phân tích, nghiên cứu các tiêu bản thông qua chiếc kính này. Nó không chỉ là kỷ niệm của riêng mình, mà còn là kỷ vật gắn với phòng Thực vật học trong nhiều năm”[6].
Không chỉ thế, trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu họ trúc đào ở Việt Nam mà ông bảo vệ năm 1984 ở Viện Thực vật Humboldt (CHDC Đức) cũng sử dụng nhiều kết quả được nghiên cứu với chiếc kính lúp kể trên. Có thể nói rằng, đây là một công cụ, đồng thời như một người bạn đắc lực đã giúp ông hoàn thành bản luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học). Ông cho biết: “Kết quả của luận án tiến sĩ mà tôi bảo vệ năm 1984 là dựa trên phần lớn kết quả tôi đã nghiên cứu ở Việt Nam với cái kính lúp này. Cũng chính nhờ cái kính này tôi mới phát hiện ra 16 loài mới thuộc họ trúc đào”[7].
Năm 1986, khi ông Trần Đình Lý chuyển sang làm Trưởng phòng Sinh thái thực vật ở Viện Sinh vật học, ông mang theo chiếc kính lúp MBC-2 để dùng trong hoạt động nghiên cứu. Từ năm 1977 đến 1990, ông vào công tác ở Tây Nguyên, do đó phải để chiếc kính ở Hà Nội. Nhưng sau khi trở lại Viện Sinh vật học (1990), ông lại tiếp tục sử dụng chiếc kính này thêm một thời gian ngắn. Sau đó, khi có nhiều máy móc hiện đại, Viện không sử dụng đến chiếc kính này nữa, ông đã xin và mang về nhà riêng để khi cần thì dùng phân tích một số mẫu. Rồi khi hoàn toàn không cần đến nó nữa, ông giữ làm kỷ niệm, một phần vì nó gắn bó với ông trong nhiều năm, với nhiều đề tài khoa học, và nó đã đồng hành thân thiết với chương trình Thực vật chí, mặt khác nó còn gắn với tình cảm của ông dành cho người thầy Dương Hữu Thời. Ông tâm sự: “Loại kính này bây giờ cũng không ai dùng nữa, người ta có những máy móc khác hiện đại hơn, vừa soi và vừa chụp ảnh. Tôi vẫn giữ lại chiếc kính để làm kỷ niệm. Bây giờ già rồi, không làm gì nữa, xin tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học làm kỷ niệm, lưu giữ để sau này biết rằng ngày xưa các nhà khoa học làm việc bằng công cụ rất thô sơ như thế nhưng vẫn có kết quả”[8].
Có những thứ cũ nhưng lại càng quý, càng ý nghĩa và không định giá được. Chiếc kính lúp MBC-2 của GS.TSKH Trần Đình Lý là một hiện vật như vậy. Nó là kỷ vật đã gắn bó trong nhiều năm không chỉ với ông, mà còn với nhiều cán bộ của Viện Sinh vật học. Nó càng giá trị hơn vì đã tham gia đắc lực vào nhiều đề tài, công trình khoa học, mà điển hình là bộ sách Thực vật chí Việt Nam.
Hoàng Thị Kim Phượng – Nguyễn Thanh Hóa
________________________
* GS.TSKH Trần Đình Lý, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[1] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Thầy Dương Hữu Thời là nhà sinh vật học, từng là Hiệu phó trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[2] Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thành lập trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.
[3] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[5] Thực vật chí Việt Nam, quyển 5: Họ trúc đào, H- Khoa học và Kỹ thuật, 2007.
[6] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[7] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[8] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý ngày 25-6-2015, tài liệu đã dẫn.