Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Đình Lý, sinh 1939, quê Quảng Trị, chuyên ngành Sinh vật học, từng là Giám đốc Trung tâm Khoa học Đà Lạt, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Ông đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; xây dựng mô hình phát triển kỹ thuật sinh thái ở Việt Nam; chủ trì 10 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước; xuất bản 4 cuốn sách chuyên khảo; công bố gần 100 bài trên các tạp chí trong và ngoài nước. Về đào tạo, ông hướng dẫn 7 luận án tiến sĩ và tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học ở Việt Nam.
Cuối năm 1975, sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Viện Thực vật, trường Đại học Tổng hợp Humboldt, Công hòa dân chủ Đức, ông Trần Đình Lý trở về Việt Nam và xin về Viện Sinh vật học, Viện Khoa học Việt Nam, công tác tại phòng Thực vật học. Cũng từ đó, ông biết đến chiếc kính lúp MBC-2 ở đây và nhiều kết quả nghiên cứu của ông gắn liền với sự tham gia của công cụ hữu ích này.
Về lai lịch chiếc kính lúp MBC-2, theo Giáo sư Trần Đình Lý, vì thầy Dương Hữu Thời là Chủ nhiệm chương trình Thực vật chí, nên thầy đã tặng chiếc kính này để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của chương trình. GS Lý kể rằng: Thầy Dương Hữu Thời là một người rất tận tụy và rất có tinh thần trách nhiệm với công việc. Công tác phí được trả cho những lần đi công tác nước ngoài, thầy đều dùng để mua trang thiết bị thí nghiệm cho trường Đại học Tổng hợp và Viện Sinh vật học, chứ không bao giờ dùng cho riêng mình. Chiếc kính lúp MBC-2 được mua ở Liên Xô bằng tiền công tác phí của thầy. Không biết chiếc kính này có giá bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng trong chuyến đi đó, tiền công tác phí của thầy chỉ đủ để mua được 3 chiếc kính loại này.
Chiếc kính lúp gắn bó với Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Đình Lý trong suốt thời gian ông công tác ở phòng Thực vật học của Viện Sinh vật học. Ông kể: Bằng cái kính này, tôi đã phân tích nhiều loài cây và phát hiện có 16 loài mới đối với khoa học, trong đó có họ trúc đào. Số loài đó đã đăng ở tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Đức và tạp chí Sinh học ở Việt Nam. Chiếc kính lúp đã góp công trong nhiều kết quả nghiên cứu thuộc chương trình Thực vật chí Việt Nam.
Không chỉ thế, trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu họ trúc đào ở Việt Nam” mà ông bảo vệ năm 1984 ở Viện Thực vật Humboldt cũng sử dụng nhiều kết quả được nghiên cứu với chiếc kính lúp kể trên. Có thể nói rằng, đây là một công cụ, đồng thời như một người bạn đắc lực đã giúp ông hoàn thành bản luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học).
Chiếc kính lúp MBC-2 của Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Đình Lý là một hiện vật tuy cũ nhưng nhiều ý nghĩa, quý giá. Nó là kỷ vật đã gắn bó trong nhiều năm không chỉ với ông, mà còn với nhiều cán bộ của Viện Sinh vật học. Nó càng có giá trị lớn hơn vì đã tham gia đắc lực vào nhiều đề tài và công trình khoa học, điển hình là bộ sách quý Thực vật chí Việt Nam.