Chiếc máy ảnh Fed-2

Năm 1956, sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Trung Thuận đăng ký thi vào trường ĐH Bách khoa và trúng tuyển vào liên khoa Mỏ – Luyện kim. GS Đặng Trung Thuận nhớ lại: Lúc đó tham gia giảng dạy các môn đại cương cho khóa sinh viên Địa chất đầu tiên có 4 thầy: Nguyễn Văn Chiển, Tống Duy Thanh, Trương Cam Bảo và chuyên gia Liên Xô Nhemkov[1]. Năm học thứ hai, trong chuyến đi thực tế tại mỏ than Nà Dương ở Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Đặng Trung Thuận và hai bạn cùng lớp được một giảng viên trong khoa chụp cho bức ảnh đang lấy mẫu đá bên bờ sông Kỳ Cùng. Mỗi khi xem tấm ảnh đen trắng này, Đặng Trung Thuận lại như đang nhìn thấy dòng nước xanh, mây trắng và xa xa là đỉnh núi Mẫu Sơn. Từ đó, anh ấp ủ ước mơ có được chiếc máy ảnh.

Năm 1959, trường ĐH Bách khoa chọn ra 100 sinh viên khóa I có thành tích học tập tốt để cử sang Liên Xô học tiếp (gọi là chuyển tiếp sinh) rồi sau về làm cán bộ giảng dạy. Sinh viên Đặng Trung Thuận đi du học đợt này. Kể về việc chuẩn bị cho chuyến đi, GS Thuận chia sẻ: Liên Xô là xứ lạnh, nên bên cạnh quần áo thường ngày tôi mang theo cả áo bông, áo len. Ngoài ra, hành trang cũng bao gồm cả những kiến thức về địa chất đã học trong ba năm ở Bách khoa. Lần đầu được đến một đất nước xa lạ, nơi có nền khoa học tiên tiến và cuộc sống văn minh, chàng sinh viên Đặng Trung Thuận hết sức vui mừng. Tuy nhiên, anh cũng lo lắng bởi vốn liếng tiếng Nga còn ít ỏi, mới chỉ biết một số từ thuộc chuyên ngành địa chất qua những buổi học với chuyên gia Nhemkov.

Năm 1959, mang theo niềm vui xen lẫn sự lo lắng ấy, Đặng Trung Thuận cùng đoàn sinh viên Bách khoa lên tàu khởi hành từ Hà Nội. Đến Bằng Tường, tất cả chuyển sang tàu liên vận quốc tế của Trung Quốc. Sau ba ngày, tàu tới Bắc Kinh và đoàn nghỉ tại khách sạn Tây Giao một ngày, hôm sau lại lên tàu đi tiếp về phía Bắc. Rồi tàu dừng ở ga Mãn Châu Lý, và Đặng Trung Thuận đã rất ngạc nhiên khi thấy công nhân nhà ga thay bánh cho đoàn tàu trước khi sang Liên Xô, té ra bởi kích thước đường ray của hai nước khác nhau. Tàu chạy ven theo hồ Baikal – hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, anh thích thú ngắm bạt ngàn rừng thông, sồi, bạch dương. Tiết trời đang dần sang thu, những cánh rừng bắt đầu chuyển màu để khoác lớp áo vàng và đỏ.

Khi đến Moskva, đoàn du học sinh được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ra đón, rồi được phân về các trường theo danh sách Đại sứ quán chuẩn bị sẵn. Đặng Trung Thuận và Nguyễn Cẩn[2]về khoa Địa chất trường ĐH Tổng hợp Lomonosov. Đây là trường đại học danh tiếng của Liên Xô, đặc biệt đội ngũ giảng viên của trường giỏi chuyên môn, nhiệt tình giúp đỡ sinh viên ngoại quốc và luôn quý mến sinh viên Việt Nam. GS Thuận còn nhớ, tuy đã học hết năm thứ ba ở Việt Nam, nhưng các môn chuyên ngành Địa hóa chưa được học nên sang đây ông phải học từ năm thứ ba.

Năm 1960, chàng sinh viên Đặng Trung Thuận bắt đầu tìm hiểu về các loại máy ảnh. Sau nhiều lần lui tới gian hàng máy ảnh trong Cửa hàng bách hóa tổng hợp quốc gia (GUM) ở gần Quảng trường Đỏ, anh chú ý vào máy Fed-2. Đó là loại máy ảnh Liên Xô sản xuất theo mẫu máy của Đức, vừa đơn giản, dễ chụp, vừa không quá đắt. Nhãn hiệu Fed-2 bằng tiếng Nga hiện rõ ở cả phía trên mặt trước của thân máy bằng hợp kim và trên vỏ bao bằng da. Anh quyết định dùng số tiền tiết kiệm được từ học bổng trong năm học đầu tiên để mua chiếc máy ảnh Fed-2, đồng thời mua luôn cuốn sách hướng dẫn chụp ảnh. GS Thuận cho biết, đó là cuốn sách giới thiệu đầy đủ từ cấu tạo của máy ảnh tới cách lắp phim, điều chỉnh cự ly, ánh sáng…

Từ khi mua được máy ảnh, Đặng Trung Thuận thường cầm máy theo mỗi lần đi dạo quanh trường để tập chụp. Anh kiên trì luyện tập, đặc biệt là xác định cự li, điều chỉnh tốc độ, lấy ánh sáng, ngắm điểm vàng…, sao cho ảnh đẹp, rõ nét, chụp không bị rung. Chụp về, anh vào buồng tối trong phòng thí nghiệm của bộ môn Địa hóa để tập tráng phim, rửa ảnh. Không chỉ tìm hiểu trong cuốn sách hướng dẫn kết hợp với tự mày mò, anh còn hỏi kinh nghiệm của các cán bộ phòng thí nghiệm để rửa được những bức ảnh ưng ý nhất.

Hè năm 1961, bộ môn Địa hóa tổ chức cho sinh viên đi thực địa tại bán đảo Crime. Đây là cơ hội tốt để Đặng Trung Thuận sử dụng chiếc máy ảnh Fed-2 của mình. Anh chụp các vết lộ địa chất hay mẫu đá gặp trên đường. Một số bức ảnh được anh sử dụng để minh họa cho báo cáo thực tập môn cấu tạo địa chất. Hôm cùng các bạn đi chơi ở cảng quân sự Sevastopol, thấy những chiếc tàu chiến, tàu ngầm đồ sộ, anh rất muốn có những hình ảnh kỉ niệm, nhưng ở đó bị cấm chụp ảnh nên anh tiếc nuối mãi.

 

Chiếc máy ảnh Fed-2 của GS Đặng Trung Thuận

Cuối năm học thứ 4, sinh viên Đặng Trung Thuận lại có chuyến đi thực địa và đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho anh phát huy vai trò của chiếc máy ảnh Fed-2. Lần này, anh được phân công theo đoàn khảo sát của một Viện nghiên cứu địa chất ở Moskva đi điều tra tìm kiếm khoáng sản ở vùng núi Kavkaz. Đoàn có 12 người, ngoài kỹ sư trưởng còn có các kỹ sư theo từng chuyên ngành như thạch học, bản đồ, khí tượng thủy văn…, có cả người nấu ăn đi cùng. Đoàn đi bằng máy bay dân dụng từ Moskva đến thành phố Sochi bên bờ biển Hắc Hải và nghỉ lại một đêm, chờ hôm sau trực thăng quân sự đưa tới địa điểm tập kết ở lưng chừng núi. Đến nay GS Đặng Trung Thuận vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được đi máy bay nhân chuyến thực địa năm đó: Máy bay dân dụng nhẹ nhàng, êm ái bao nhiêu thì đi trực thăng quân sự lại có cảm giác mạnh giống như cưỡi một con ngựa sắt dũng mãnh bấy nhiêu.

Sinh viên Đặng Trung Thuận trong chuyến khảo sát địa chất ở Kavkaz, 1961

Tới nơi, đoàn dựng lều trại rồi nghỉ ngơi để hôm sau bắt đầu công việc. Mỗi nhóm đi khảo sát có hai người, Đặng Trung Thuận được ghép nhóm với một người Nga lớn tuổi. Hành trang của chàng sinh viên có đủ những thứ thông dụng cho nhà địa chất như búa, la bàn, sổ nhật ký, túi đựng mẫu vật, ngoài ra anh còn mang theo chiếc máy ảnh Fed-2. Chiếc máy ảnh cũng là vật dụng tác nghiệp cần thiết, như GS Thuận chia sẻ: Bình thường nhà địa chất khi đi thực địa phải ghi nhật ký điền dã thật chi tiết, nhưng khi đã có máy ảnh, chỉ cần ghi ngắn gọn tọa độ của nơi khảo sát rồi dùng máy chụp các vết lộ địa chất, mẫu đá của nơi đó để về nghiên cứu.

Trong chuyến đi ấy ở vùng núi Kavkaz, sinh viên Đặng Trung Thuận đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực địa của các thành viên trong đoàn. Và anh cũng nhớ đời một chuyện hú vía: Tôi đi theo một lối mòn thì thấy những cây mâm xôi có rất nhiều quả chín. Tôi liền hái để mang về cho đoàn ăn mà không nhận ra mình đã đi quá xa so với lối đi ban đầu. May là tôi cũng tìm được đường về và mọi người đều vui mừng vì được ăn trái cây ngon. Nhưng còn có nguy hiểm, mà sau đó anh mới biết, khi được một người lớn tuổi trong đoàn rỉ tai: Loại quả này không chỉ người thích ăn mà động vật hoang dã cũng rất thích. Khu vực này đặc biệt nhiều gấu. May mắn cho cậu vì không gặp phải nó!

Sau khoảng 2-3 tháng, chuyến khảo sát kết thúc, các mẫu đá và quặng được đóng gói với ký hiệu riêng rồi gửi theo máy bay vận chuyển về Moskva. Trở về trường, Đặng Trung Thuận bước vào thời kì làm luận văn tốt nghiệp. Anh được thầy hướng dẫn là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô A.A. Xaucov giao đề tài “Nghiên cứu vành phân tán nguyên tố thủy ngân (Hg) để tìm kiếm quặng axenic (As2S3) trong vùng núi Kavkaz”. Anh xin mang về trường toàn bộ mẫu do mình thu thập được trong chuyến thực địa vừa qua để nghiên cứu. Phòng thí nghiệm của trường có các thiết bị hiện đại cho anh làm thí nghiệm. Anh tự tay đập, nghiền các mẫu đá và phân tích bằng phương pháp của chuyên ngành địa hóa. Kể lại chuyện đó, GS Thuận giải thích thêm: Trong nước tôi mới chỉ học hóa đại cương, nhưng sang đấy phải làm hóa học phân tích. Vì vậy, phải học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các nhân viên trong phòng thí nghiệm. Sau 6 tháng, chàng sinh viên hoàn thành cơ bản các thí nghiệm cần làm và thành thạo việc phân tích mẫu. Anh cũng xin kết quả phân tích của các thành viên khác trong đoàn khảo sát để bổ sung và đối chiếu với số liệu của mình, đồng thời tham khảo thêm tài liệu để viết luận văn.

Mấy tháng sau, sinh viên Đặng Trung Thuận hoàn thành luận văn. Anh đưa vào phần phụ lục những bức ảnh do anh tự chụp bằng chiếc máy ảnh Fed-2, nhằm minh họa cho kết quả nghiên cứu. Luận văn của anh trở thành tư liệu tham khảo cho đoàn khảo sát. Vì thế, anh rất vui vì đã góp phần nhỏ tham gia vào việc tìm ra quặng axenic tại vùng núi Kavkaz.

Hè năm 1963, Đặng Trung Thuận về nước, anh mang theo cả chiếc máy ảnh Fed-2. Từ đó, chiếc máy ảnh này tiếp tục gắn bó với nhà địa chất Đặng Trung Thuận thêm gần 20 năm nữa. Trên nhiều nẻo đường ở Việt Nam, chiếc máy ảnh Fed-2 như người bạn đồng hành cùng anh tác nghiệp trong quá trình khảo sát thực địa: từ vùng than Quảng Ninh đến vùng mỏ apatit Lào Cai; từ hang động Kim Bôi ở Hòa Bình đến vùng cao Sìn Hồ ở Lai Châu; từ cao nguyên có cấu trúc vỏ phong hóa chứa quặng bauxit ở Đắk Nông đến dãy núi đá granit Đèo Cả chứa quặng đồng – molipden ở ven biển Khánh Hòa… Cũng nhờ có nó, anh lưu lại được nhiều khoảnh khắc vui vẻ đáng nhớ cùng bạn bè, đồng nghiệp trong những dịp hội họp, nhiều cảnh đẹp đó đây làm mê đắm lòng người…

Qua thời gian, qua biết bao chuyến đi cùng GS Đặng Trung Thuận, chiếc máy ảnh Fed-2 đã sờn vỏ bao, ống kính không còn điều chỉnh được trơn tru như trước kia. Song, nó đã giúp ghi lại rất nhiều ảnh tư liệu cùng nhiều kỷ niệm của một nhà địa chất. Khi trao tặng kỉ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Đặng Trung Thuận không khỏi lưu luyến, bởi như ông từng bộc bạch: Mặc dù trong thời đại hiện nay có vô vàn các loại máy ảnh kỹ thuật số, nhưng máy ảnh cơ Fed chụp phim vẫn mãi là kỷ vật vô giá trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi[3].

Lê Thị Lợi

 


* GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chuyên ngành Địa chất, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1979-1992).

[1] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, 19-12-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Toàn bộ các đoạn trích lời GS Đặng Trung Thuận trong bài viết đều lấy từ nguồn này.

Thầy Nguyễn Văn Chiển sau trở thành GS.TS. Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (1978-1989). Thầy Tống Duy Thanh sau trở thành GS.TSKH. Chủ nhiệm bộ môn Địa chất, khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thầy Trương Cam Bảo sau trở thành giảng viên khoa Địa chất, trường ĐH Mỏ – Địa chất.

 

[2] Nguyễn Cẩn sau trở thành GS.TSKH. Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (1996-1997).

 

[3] “Máy ảnh Fed-2 – công cụ hành nghề không thể thiếu của nhà Địa chất – GS.TSKH Đặng Trung Thuận”, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.3.