Năm 1979, sau 3 năm làm giảng viên khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Huế, Ngô Đắc Chứng đăng ký học cao học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Năm 1981, sau khi hoàn tất các môn học lý thuyết, học viên Ngô Đắc Chứng đi thực tế để viết luận văn Thạc sĩ. Để có phương tiện khảo sát, nghiên cứu, Ngô Đắc Chứng mua chiếc máy ảnh film Konica Lens Pop EF-88 tại TP Huế. Ông khăn gói lên đường đi thực tế ở trại nuôi rắn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) để thực hiện đề tài nghiên cứu.
Chiếc máy ảnh Konica giúp ích GS.TS Ngô Đắc Chứng rất nhiều trong những nghiên cứu của ông |
Ông Ngô Đắc Chứng cho biết, chiếc máy ảnh dù không phải loại hiện đại, chụp đôi lúc không rõ nét nhưng đã giúp ích rất nhiều trong quá trình khảo sát, ghi nhận hình ảnh về các đối tượng nghiên cứu: rắn, ếch và một số loài động vật lưỡng cư, bò sát. Ông không quên kỷ niệm trong một lần đi thực địa tại bờ đê sông Hồng, nằm giữa địa bàn xã Tứ Trưng và xã Cao Đại, huyện Vĩnh Lạc (nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Thời điểm năm 1981, người dân địa phương vẫn rất cảnh giác với người lạ. Ngô Đắc Chứng mang theo chiếc máy đi dọc theo bờ đê, ông bắt gặp người dân với những ánh mắt đầy nghi ngại. Họ muốn dò hỏi ông, thậm chí bắt giữ để điều tra, phát hiện được điều đó, Ngô Đắc Chứng vội cất chiếc máy ảnh, rồi ra về.
Trong hơn 8 tháng sống và làm việc tại Vĩnh Sơn, chiếc máy ảnh luôn đồng hành với Ngô Đắc Chứng như một “người bạn” trong hành trình nghiên cứu. Cho đến sau này, trong thời gian làm nghiên cứu sinh (1986- 1991) và quá trình nghiên cứu, giảng dạy tại khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ngô Đắc Chứng vẫn dùng chiếc máy ảnh trên để phục vụ cho những buổi điền dã, khảo sát ngoài thực địa hay nghiên cứu trong trại thực hành. Năm 1997, trong chuyến công tác CH Pháp, chiếc máy ảnh cũng được Ngô Đắc Chứng sử dụng chụp khi thực địa. Sau chuyến đi, Ngô Đắc Chứng thôi không dùng và lưu giữ cho đến lúc trao tặng Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Để biết rõ câu chuyện làm khoa học của GS.TS Ngô Đắc Chứng, kính mời quý vị cùng đến thăm Triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam